Frank Lampard: Người chiến binh cuối cùng
Chuyển ngữ và chỉnh sửa từ bài viết của tác giả Callum Rice-Coates trên These Football Times. *** Nếu có một cầu thủ được...
Chuyển ngữ và chỉnh sửa từ bài viết của tác giả Callum Rice-Coates trên These Football Times.
***
Nếu có một cầu thủ được Harry Redknapp miêu tả một cách chính xác bằng hai chữ “tuyệt vời”, thì đó chỉ có thể là Frank Lampard.
Đó là vào năm 1996. Trong một khán phòng tại phía Tây London, một chàng trai 18 tuổi với gương mặt non nớt, ngồi đối diện với những nhân vật cộm cán nhất của CLB West Ham. Với thái độ đầy nghi hoặc sau tất cả những sự quan tâm mà chàng cầu thủ trẻ đã nhận được kể từ khi được đôn lên đội hình chính, một cổ động viên tuyên bố: “Tôi không nghĩ cậu ta có đủ khả năng”. Ngay lập tức, huấn luyện viên vào thời điểm đó của West Ham, Harry Redknapp nhấn mạnh: “Tôi không muốn nói ra điều này trước mặt cậu ấy. Nhưng chắc chắn cậu ta sẽ trở thành một cầu thủ hàng đầu. Một cầu thủ hàng đầu !”.
“Cậu ấy sở hữu tất cả những yếu tố cần thiết để trở thành một tiền vệ xuất sắc”, Redknapp tiếp tục. Người ta thường chế nhạo Harry Redknapp vì những phát ngôn vô thưởng vô phạt của ông, nhưng trường hợp của Frank Lampard thì khác. 21 năm sau, Lampard treo giày, với hành trang là 1 chức vô địch Champions League, 1 chức vô địch Europa League, 3 chức vô địch Premier League cùng vị trí thứ 2 trong cuộc bầu chọn cho danh hiệu Quả bóng Vàng năm 2005 – giải thưởng được dành cho – không ai khác, chính là phù thủy người Brazil, Ronaldinho. Họ đã sai, và Redknapp đã đúng.
Sẽ là rất bình thường nếu một ai đó được nghe những lời nhận xét nói trên của Harry Redknapp vào thời điểm hiện tại, nhưng trong quá khứ, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng của Lampard. Khi còn là một cầu thủ trẻ, Lampard thường chẳng bao giờ được các tuyển trạch viên để mắt tới. Redknapp rất ngạc nhiên, khi một tài năng được ông đánh giá rất cao lại nhận được quá ít sự chú ý như thế. Lampard không sở hữu khả năng thiên phú như những cầu thủ khác, nhưng chính sự quyết tâm tuyệt đối cùng những nỗ lực tập luyện không biết mệt mỏi chính là chìa khóa cho những thành công sau này của anh.
“Cậu luôn là người tập luyện chăm chỉ nhất đội. Cậu luôn là nguồn cảm hứng cho tôi cùng tất cả mọi người tại câu lạc bộ”, John Terry dành những lời có cánh cho Lampard sau khi anh tuyên bố giã từ sự nghiệp. “Cậu luôn ở lại sau các buổi tập để rèn luyện kỹ năng dứt điểm – 20 bàn một mùa có lẽ vẫn không đủ, cậu muốn 25 hay 30 bàn cơ. Tôi sẽ rất nhớ những lúc cậu xếp những chiếc cone để tập bứt tốc – lũ trẻ sẽ phải nhìn vào cậu và học tập”. Rõ ràng rằng, thái độ tập luyện chăm chỉ và nghiêm túc ấy là điều mà Lampard đã luôn duy trì trong suốt sự nghiệp hiển hách của mình.
Quá nhiều chức vô địch Premier League trong bức ảnh này
Nhưng trong những ngày đầu tại West Ham, đã có không ít những lời bàn tán hướng vào Lampard, khi cha anh đã chơi hơn 600 trận cho CLB phía Đông thành London, còn bác của anh lại là Harry Redknapp. Sau khi mùa giải đầu tiên ở đội hình chính phải sớm kết thúc vì chấn thương gặp phải trong trận đấu với Aston Villa vào tháng 3 năm 1997, Lampard đã phải chịu sự la ó của chính những người hâm mộ tại West Ham, và điều này đã khiến anh từng có suy nghĩ sẽ từ bỏ sự nghiệp chơi bóng.
Lampard sớm chứng tỏ rằng mình không phải là một tiền vệ bình thường. Trong mùa giải cuối cùng của mình tại West Ham, anh ghi được 14 bàn thắng. Tuy nhiên, thành tích đáng nể này không làm giảm đi sự ác cảm mà Lampard phải nhận, khi người ta cho rằng anh chỉ là một tên ‘con ông cháu cha’. Redknapp rời West Ham vào năm 2001; và không lâu sau đó, với mức phí chuyển nhượng 11 triệu Bảng, Lampard tìm đến câu lạc bộ, nơi mà sau này đã trở thành ngôi nhà của anh, Chelsea.
Lampard trong lễ ra mắt của anh tại Chelsea vào năm 2001
Người hâm mộ tại sân Upton Park lập tức ném những cái nhìn thiếu thiện cảm về phía Lampard, khi điểm đến của anh là một câu lạc bộ đối địch cùng thành phố. Bỏ lại tất cả những ký ức đáng quên, Lampard tiếp tục nỗ lực hết mình để tìm kiếm những đỉnh cao mới trong sự nghiệp. Sau khởi đầu có phần trầm lắng của Lampard, sự xuất hiện của tỉ phú người Nga Roman Abramovich đã đem đến rất nhiều thay đổi cho đội chủ sân Stamford Bridge. Hàng trăm triệu bảng được tung ra, hàng loạt những tên tuổi lớn của bóng đá thế giới đã cập bến thành London. Nhưng cái tên quan trọng nhất trong số đó, lại chính là Jose Mourinho.
Thuyền trưởng và chiếc động cơ vĩnh cửu
Mourinho ngay lập tức nhìn thấy được khả năng của Lampard, cầu thủ đóng vai trò then chốt trong chức vô địch Premier League đầu tiên của huấn luyện viên người Bồ Đào Nha. Trong một mùa giải mà Lampard ghi được 13 bàn thắng và kiến tạo 16 lần, sẽ là hợp lý nếu chính anh là người ghi bàn thắng ấn định danh hiệu vô địch đầu tiên của câu lạc bộ kể từ năm 1955, chấm dứt quãng thời gian 50 năm chờ đợi; và theo một cách nào đó, trở thành một huyền thoại tại sân Stamford Bridge trước cả chuỗi những chiến công vang dội sau này.
Chỉ để thua 1 trong tổng số 34 trận, chỉ thủng lưới 13 bàn với 23 trận giữ sạch lưới, đoàn quân của Mourinho đến làm khách của Bolton Wanderer khi họ cần thêm một chiến thắng để nâng cao chiếc cúp vô địch. Sau một hiệp đấu không có bàn thắng, Lampard nhận bóng trong vòng cấm. Với một pha xử lý dũng mãnh, anh nhanh chóng thoát khỏi sự kèm cặp trước khi đưa trái bóng sang chân phải và khiến các khán đài như nổ tung với một pha ra chân quyết đoán. Rồi sau đó, ở một tình huống phản công cuối trận đấu, Lampard có cơ hội đối mặt với thủ môn đội bạn. Với một pha xử lý như một tiền đạo đích thực, anh lừa trái bóng qua thủ môn và đặt nó nằm gọn trong lưới. Bàn thắng ấy như một dấu chấm để kết thúc một mùa giải hoàn hảo của đội chủ sân Stamford Bridge. “Đây là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”, Lampard chia sẻ sau trận đấu.
Đó là mùa giải mà tài năng của Lampard đã thực sự khiến cả thế giới phải chú ý đến anh. Thi đấu trong một đội bóng đồng đều với lối chơi cực kỳ kỉ luật, Lampard được tạo điều kiện để phát huy tối đa khả năng đọc trận đấu và chọn vị trí chính xác, từ đó thường xuyên ghi tên mình lên bảng tỷ số. Lampard làm điều đó tốt đến mức đôi khi người ta quên đi những điểm mạnh khác của anh. Được đánh giá là mẫu tiền vệ chuyên săn bàn khi thường xuyên ghi những bàn thắng hoặc tung ra những pha kiến tạo mang tính chất quyết định; nhưng kỹ năng chuyền bóng xuất sắc cùng tinh thần thi đấu máu lửa của Lampard – yếu tố rất quan trọng trong làm nên thành công của Chelsea năm đó, lại rất ít khi được nhắc tới.
Mùa giải sau đó, Chelsea lại là những nhà vô địch. Lampard đã nâng thành tích ghi bàn của mình lên con số 16, và anh trở thành một ứng viên nặng ký cho danh hiệu Quả bóng Vàng. Sự nghiệp của Lampard đã bước lên một đỉnh cao mới, khi anh xuất hiện trong đội hình 11 cầu thủ xuất sắc nhất năm 2005 của FIFA, đồng thời cũng phá luôn kỷ lục là cầu thủ thi đấu liên tục nhiều nhất tại Premier League với 164 trận.
Rất đáng tiếc cho Lampard khi anh đã về đích sau Ronaldinho trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng năm ấy. Nhưng huấn luận viên của anh, Jose Mourinho, có suy nghĩ hoàn toàn khác: “Cậu ấy chắc chắn là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới – vì cậu ta sở hữu phong độ ổn định trong tất cả các trận đấu. Trên thế giới còn nhiều cầu thủ xuất sắc khác, nhưng họ chỉ chơi tốt một hai lần mỗi tháng. Lampard luôn chơi tốt trong mọi trận đấu, và tôi sẽ không đổi cậu ấy lấy bất kỳ cầu thủ nào trên thế giới. Tôi không nhìn thấy bất cứ điểm yếu nào cần cải thiện – tôi chỉ hy vọng cậu ấy có thể giữ vững phong độ như thế này”.
Tâm điểm ánh nhìn ?
Nếu có một từ có thể miêu tả một cách chính xác nhất sự nghiệp của Lampard, thì đó rất có thể là “Ổn định”. Sau hai chức vô địch của Chelsea dưới thời Mourinho, Sir Alex Ferguson cùng Manchester United đưa ra câu trả lời đanh thép với ba chức vô địch liên tiếp ngay sau đó. Người đặc biệt rời sân Stamford Bridge vào năm 2007, và tất cả đã nghĩ rằng bóng đá Anh đã quay trở lại dưới sự thống trị của bầy Quỷ đỏ. Nhưng Super Frankie không bỏ cuộc. Từng mùa giải trôi qua, anh tiếp tục đóng góp số bàn thắng không dưới hai con số. Thành công tưởng chừng như đã ở rất gần, nhưng lại chợt vụt khỏi tầm với của anh cùng những người đồng đội với cú trượt chân của đội trưởng John Terry trong đêm mưa tầm tã ở Luzhniki vào năm 2008. Trong cuốn tự truyện được xuất bản vào năm 2013, Sir Alex dành những lời có cánh cho anh: “Lampard luôn cực kỳ ổn định và đáng tin cậy ở vị trí con thoi. Cậu ta luôn nỗ lực đến cùng và gần như không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ trận đấu nào”.
"Đứng dậy nào, người anh em !"
Khi vị thuyền trưởng người Italia, Carlo Ancelotti tiếp quản Chelsea vào năm 2009, Lampard đã trở thành một phần không thể thiếu của đội bóng áo xanh. Ancelotti đã chứng tỏ rằng sự lựa chọn của Abramovich là hoàn toàn chính xác, khi ông đưa đội bóng đến với chức vô địch Premier League đầu tiên kể từ năm 2006. Với 103 bàn thắng, Chelsea trở thành đội bóng đầu tiên ghi được hơn 100 bàn thắng trong một mùa giải tại Premier League. Lampard đóng góp 22 bàn trong số đó, chỉ đứng sau chân sút số một của đội bóng là Didier Drogba. Với một tiền vệ, việc ghi được hơn 20 bàn thắng trong một mùa giải thực sự là điều hiếm khi xảy ra, và Lampard đã chứng tỏ rằng mình là một trong những cây săn bàn vĩ đại nhất ở khu vực giữa sân.
Nhưng tài năng thì thường kéo theo đó là sự đố kỵ. Nhiều người cho rằng những bàn thắng của Lampard, hoặc là do may mắn, hoặc chỉ được ghi trên chấm penalty. Nhưng Lampard có lẽ chẳng bao giờ để tâm đến những lời nhận xét có phần nông cạn như vậy. Hết mùa giải này sang mùa giải khác, anh vẫn miệt mài với công việc tưởng chừng như đã quá quen thuộc – xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ.
Với chuỗi thành tích cực kỳ ấn tượng ở câu lạc bộ, dễ hiểu khi người hâm mộ đặt rất nhiều kỳ vọng vào Lampard trước chiến dịch World Cup 2010. Trước đó, Lampard đã tạo được ấn tượng tốt tại giải đấu quốc tế đầu tiên mà anh tham dự, khi đóng góp 3 bàn thắng tại Euro 2004. Nhưng sau đó là một chuỗi những nuối tiếc đối với Super Frankie khi Tam Sư lần thứ 2 liên tiếp bị loại ở tứ kết trong một giải đấu lớn sau World Cup 2006, cùng với thất bại trong việc giành vé tham dự vòng chung kết Euro 2008.
Dưới sự dẫn dắt của Fabio Capello, đội tuyển Anh vất vả vượt qua vòng bảng với vị trí thứ 2, trong một bảng đấu có sự góp mặt của đội tuyển Mỹ, Slovenia và Algeria. Đối thủ đầu tiên của Tam Sư ở vòng loại trực tiếp chính là những cỗ xe tăng Đức. Trong trận đấu tứ kết, Lampard bị từ chối một bàn thắng mười mươi, khi trái bóng từ cú sút của anh đập vào mép dưới xà ngang và dội xuống phía trong vạch vôi. Bàn thắng ấy nếu được công nhận cũng chưa chắc đã thay đổi được nhiều điều, khi người Đức tiếp tục thể hiện sự thống trị trong những cuộc đối đầu trực tiếp, và Lampard cùng đồng đội ra về với thất bại nặng nề nhất của Tam Sư trong một kỳ World Cup.
Sự nghiệp thi đấu quốc tế của Lampard luôn bị ảnh hưởng bởi những cuộc tranh luận không ngừng, với chủ đề chính là việc làm sao để kết hợp anh cùng với Steven Gerrard ở vị trí giữa sân. Truyền thông Anh luôn cho rằng việc kết hợp hai tiền vệ này với nhau là điều bất khả thi, và các huấn luyện viên sẽ phải đưa ra một sự lựa chọn duy nhất. Với việc bộ đôi Xavi và Iniesta cũng từng nhận được những nhận xét tương tự tại Barcelona, câu hỏi rằng phải chăng vẫn còn một cách nào đó để kết hợp hai trong số những tiền vệ xuất sắc nhất tại xứ sở sương mù trong nhiều năm trở lại đây vẫn mãi mãi không có lời giải đáp.
Lampard giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế với 29 bàn thắng, một hiệu suất thấp hơn nhiều lần so với thành tích trong màu áo câu lạc bộ của anh. Với 106 trận, Lampard đứng thứ 7 trong số các cầu thủ ra sân nhiều nhất mọi thời đại trong màu áo Tam Sư, một thành tích không tồi, nhưng vẫn khiến người ta phải tiếc nuối khi tài năng của anh lẽ ra đã có thể được phát huy một cách trọn vẹn hơn.
Trong suốt sự nghiệp của mình, dù là ở câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia, Lampard vẫn luôn là đối tượng để đem ra so sánh với những tiền vệ xuất sắc khác của đảo quốc sương mù. Hỏi một người hâm mộ tại Anh rằng, ai là tiền vệ xuất sắc nhất, và câu trả lời có thể là bất kì ai trong số những Paul Scholes, Steven Gerrard hay Frank Lampard. Thay vì công nhận tài năng độc đáo của riêng từng cầu thủ, truyền thông Anh liên tục đem họ ra cân đo đong đếm, góp phần tạo nên một sức ép vô hình đè nặng lên đôi chân của họ.
Giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ ...
Theo một cách nào đó, thành tích của Lampard ở đội tuyển quốc gia có phần không tương xứng với tài năng của anh, cũng giống như một đội tuyển Anh đầy rẫy những hảo thủ nhưng vẫn gục ngã liên tục tại những giải đấu lớn vì những lý do trong và ngoài sân cỏ. Lampard bất lực trong việc tái hiện lại chuỗi thành tích ấn tượng ở câu lạc bộ, trong khi những chú sư tử Anh vẫn lạc lối trong hành trình tìm kiếm bản ngã cho riêng mình. Nhưng sau đêm 19 tháng 5 năm 2012, mọi vinh quang đánh mất trong màu áo trắng có lẽ sẽ không còn quan trọng đối với Lampard nữa.
Bằng một phép màu nào đó, đội quân của huấn luyện viên Roberto Di Matteo đã lọt vào tới trận chung kết của Champions League, và với việc John Terry bị treo giò, Lampard là người đeo chiếc băng đội trưởng. Có thể nói rằng, đây là Chelsea yếu nhất trong những năm trở lại đây – họ kết thúc mùa giải với vị trí thứ 6 – và tiến bước đến trận đấu cuối cùng chỉ bằng sự may mắn kết hợp cùng tinh thần không lùi bước; hai yếu tố cực kỳ quan trọng khi đối mặt với Bayern Munich tại Alianz Arena, nơi mà mọi thứ dường như đều chống lại đội bóng áo xanh.
Hùm xám xứ Bavaria kiểm soát hoàn toàn trận đấu, và vượt lên với bàn thắng của Thomas Müller vào phút 83. Didier Drogba đưa trận đấu về vạch xuất phát khi thời gian thi đấu chính thức chỉ còn 2 phút, và trong hai hiệp phụ, Petr Cech xuất sắc từ chối Robben trên chấm penalty để đưa trận đấu vào loạt sút luân lưu may rủi. Mọi sự chú ý đổ dồn vào tiền đạo người Bờ Biển Ngà, nhưng người ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của Lampard trong trận chung kết năm đó. Sau pha dứt điểm lạnh lùng của Manuel Neuer, tỉ số được nâng lên 3-1 với phần thắng nghiêng về phía Bayern. Mọi sức ép đổ dồn lên đôi chân của Lampard, người nhận trách nhiệm thực hiện lượt sút tiếp theo của Chelsea. Nhưng, vẫn bình tĩnh nhưng không kém phần quyết đoán, giống như cách mà 11 năm qua anh vẫn làm, Lampard bước lên và găm thẳng trái bóng vào phía trên khung thành, không cho Neuer một cơ hội nào để cản phá. Nếu như Lampard thực hiện không thành công, rất có thể bài viết này sẽ được dành để nhắc đến một sự nuối tiếc cho một tài năng xuất chúng nhưng không có duyên với những danh hiệu lớn.
Nhưng Lampard đã thành công, còn Ivica Olić và Bastian Schweinsteiger thì không được như vậy. Drogba sau đó đã làm nên lịch sử, và Lampard giương cao chiếc cúp vô địch của giải đấu danh giá nhất châu lục. Nó như một cái kết đẹp, một phần thưởng xứng đáng dành cho Super Frankie sau hơn một thập kỷ cống hiến không biết mệt mỏi cho nửa xanh thành London. Anh cùng Chelsea dành tiếp chức vô địch Europa League ở mùa giải tiếp theo, trước khi rời câu lạc bộ vào năm 2014 dưới dạng chuyển nhượng tự do.
Lampard đầu quân cho New York City tại Giải nhà nghề Mỹ, nhưng cái duyên của anh với đội chủ sân Stamford Bridge vẫn còn chưa kết thúc. Một lời đề nghị từ Manchester City tất nhiên rất khó để từ chối, và bàn thắng đầu tiên của anh cho câu lạc bộ mới lại được ghi vào lưới … chính Chelsea. Không có pha ăn mừng nào diễn ra. Lampard đã tiết lộ rằng, cảm giác của anh khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ của mình, thực sự rất khó tả; và càng cảm xúc hơn khi đội bóng đó đã trở thành một phần máu thịt của anh.
Lampard rời New York vào tháng 11 năm 2016, và sau 3 tháng rời xa bóng đá, anh đã quyết định nói lời chia tay với sân cỏ. Với những thành tích đã đạt được, Lampard xứng đáng với vị trí của một trong những biểu tượng vĩ đại nhất của bóng đá Anh. Với 609 trận đấu tại Premier League, chỉ có Ryan Giggs và Gareth Barry là sở hữu một sự nghiệp bền bỉ hơn Lampard. Anh là chân sút vĩ đại thứ tư trong lịch sử Premier League với 177 bàn thắng, chỉ xếp sau Alan Shearer, Wayne Rooney và Andy Cole – tất cả đều chơi ở vị trí tiền đạo. Sau 649 trận đấu trên mọi mặt trận, Lampard ghi được 211 bàn thắng cho Chelsea, đạt hiệu suất hơn 0.3 bàn/trận, một con số đáng kinh ngạc khi anh xuất phát ở vị trí tiền vệ.
Lampard không phải là mẫu tiền vệ hào hoa đẹp mắt như Andrea Pirlo hay Xavi – không sở hữu kỹ thuật cá nhân thượng thừa như Zinedine Zidane. Nhưng anh chắc chắn là chiếc động cơ vĩnh cửu, là ngọn lửa bất tử dẫn đường cho đội quân áo xanh thành London thẳng tiến tới những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử của họ.
Vị thế huyền thoại của Super Frankie ở nửa xanh thành London – chắc chắn không cần phải bàn cãi.
J4F - Và đây là một trong những twit đầu tiên mà Harry Redknapp đăng tải sau khi ông tham gia Twitter vào năm 2015:
Tạm dịch: "Anh cổ động viên West Ham đó nói đúng rồi đấy, Lampard đúng là chẳng có gì hay ho cả."
#letitburn #sarcasm
/the-thao
- Hot nhất
- Mới nhất