Điều gì làm nên thành công? 
Không phải là tài năng, cũng không phải là học thức.
Đầy người có tài năng mà vẫn nghèo, đầy người học giỏi nhưng vẫn ngu ngốc.
Vậy thì điều gì mới tạo nên thành công?
Đó là "Chí"
Những đoạn audio được Ray Kroc, khi đó đã 54 tuổi nghe đi nghe lại vào mỗi buổi tối chính là tôn chỉ sống của người đàn ông này.
Ở tuổi 54, Ray Kroc có nhà, có xe, có vợ nhưng vẫn liên tục tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới, ông vẫn luôn khát khao cháy bỏng rằng một ngày nào đó, ông sẽ tìm ra thứ giúp mình đạt được mục tiêu của cuộc đời.
Ở độ tuổi đó, sau bao nhiêu lần thất bại, đối mặt với bao nhiêu lời chê cười, rất nhiều người sẽ chấp nhận cuộc sống an nhàn hiện tại, còn với Ray thì không, ông vẫn còn đó khát khao thành công tột bậc, như một lời đáp trả đanh thép vào những kẻ đã chê cười ông và vào chính cuộc đời "tầm tầm bậc trung" của ông. 
Vợ trước của ông từng hỏi: "Như thế này vẫn chưa đủ với anh sao?" , ông trả lời rất nhanh: "Thực lòng mà nói, chưa đủ!" Chỉ bao nhiêu đó cũng đủ khắc họa nên tham vọng lớn lao mà có lẽ là vượt ra ngoài khả năng thực sự của Ray.
Ray không có tài năng gì đặc biệt, khả năng bán hàng của ông cũng không giỏi, trí tuệ và học thức cũng không cao, với những người như vậy mà mơ ước thành công, chỉ có một thứ duy nhất để họ dựa vào, đó là "ý chí". Đương nhiên cái gọi là ý chí đó, đã bị chê cười không biết bao nhiêu lần, và có lẽ chính Ray cũng từng có những giây phút tự nghi ngờ điều đó.
Đoạn đặc sắc nhất trong bộ phim, có lẽ là đoạn mà anh em nhà McDonald kể lại quá trình tạo ra cửa hàng thức ăn nhanh tuyệt vời nhất Thế Giới. Họ là biểu tượng của những con người có tài thực sự, điều mà Ray Kroc không có. Nhưng đến cuối cùng, họ đã gục ngã trước Ray và tham vọng của ông.
Fred Turner lại là một kiểu khác, người hiện thân cho học thức và trí tuệ, chính ông là người đã biến McDonald từ một công ty bán Hamberger trở thành một công ty Bất động sản hàng đầu Thế Giới. Đến cuối cùng Turner chỉ là người làm thuê cho Ray, buộc phải rời vị trí CEO của McDonald khi mâu thuẫn với Ray Kroc.
Người tài năng như anh em McDonald đến cuối cùng không thể đạt tới sự thành công tột bậc mà phải bán đứa con tinh thần của mình cho người khác. Kẻ thông minh như Turner cũng chỉ vắt hết sức lực và chất xám để xây dựng đế chế kinh doanh cho người khác. Tất cả đều phải cúi đầu trước người đàn ông tầm thường nhưng có ý chí và tham vọng mãnh liệt.
Ngày Ray Kroc cầm trên tay nắm đất xây dựng cửa hàng nhượng quyền đầu tiên, ông đã thốt lên một lời cầu xin: "Làm ơn, lần này hãy đúng đi!" Ông đã đặt cược tất cả những gì mình có vào cuộc kinh doanh này và ước mơ của ông đã trở thành hiện thực.
Cuộc sống giàu sang, nổi tiếng khắp Thế Giới, li dị vợ và lấy người vợ mình yêu thích, cuộc đời của ông già 54 tuổi đã hoàn toàn thay đổi. Phần sau của câu chuyện lại cho ta thấy sự thật tàn nhẫn về con người Ray.
Ông lật lọng và dùng tiền để đè bẹp anh em nhà McDonald, cướp vợ đối tác, li dị với người vợ đã chung sống trước đây, vênh váo và tự cao khi có người đến hỏi nhượng quyền. Ông đã trở thành con người mà chính ông từng tẩy chay trước đây. Chính vì khao khát thành công, nên khi đã đạt được nó, ông sẵn sàng từ bỏ quá khứ tầm thường trước đây, những thứ mà vốn dĩ ông không thích nhưng buộc phải chấp nhận.
Khi người anh nhà McDonald hỏi Ray: "vì sao lúc đầu ông đã vào tham quan mô hình của McDonald, ông lại không về và tự xây dựng một của hàng như thế mà phải xin chúng tôi nhượng quyền?"
Tôi đã chờ đợi một câu trả lời nhân văn, đại loại như: "vì đó là đạo đức kinh doanh, tôi muốn các anh hưởng thành quả từ những gì các anh xây dựng nên". Nhưng không phải vậy.
Câu trả lời thực sự là: "Đó là cái tên, chính cái tên rất Mỹ như McDonald làm nên thành công của nó. Các anh đã cho rất nhiều người tham quan, nhưng rốt cuộc họ đều thất bại, chính là vì họ không biết được giá trị của cái tên".
Rõ ràng, ngay từ đầu Ray đã có ý định thôn tín McDonald, ông đã tính toán một cách rất mưu mô chứ không phải là người hiền hậu và uy tín như ta nghĩ. Xem đến đây, ta thấy rằng Ray không phải là người chỉ có khát vọng, mà là tham vọng.
Trường hợp của Ray Kroc đã chứng minh cho ta thấy rằng quan niệm của ông về ý chí là đúng. Nhưng cũng chính con người ông làm cho tôi phải rợn người về bản chất thực sự của một nhà tư bản.
Cuối cùng: Ta có thực sự muốn thành công như Ray Kroc hay không?