This brilliant, viciously amusing takedown of bourgeois complacency, gender stereotypes and assumptions and the illusion of security rubs your face in human frailty.
                                                                                                                 Stephen Holden - NYTimes


*Đây là một bài phân tích phim, không phải review, thế nên tiết lộ RẤT NHIỀU chi tiết phim*
Mỗi xã hội, nền văn hóa hay tộc người đều có những khuôn mẫu riêng về giới (gender stereotypes). Chúng có thể thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn như ở Mỹ, màu hồng từng được coi là phù hợp cho nam giới, trong khi màu xanh da trời dành cho nữ giới. Phản ứng tự nhiên của con người khi đứng trước người lạ là nhanh chóng hình thành một ấn tượng ban đầu hoặc đánh giá sơ bộ về người đó, qua đó dễ dàng ghi nhớ đối tượng hơn. Và đó là lúc khuôn mẫu giới được khai sinh và áp dụng cho tới bây giờ. Tuy nhiên, khuôn mẫu giới thường được đơn giản hóa quá mức và không chính xác trong mọi trường hợp. Khuôn mẫu giới chính là nguyên nhân của sự đối xử bất bình đẳng và bất công bằng mà ta thường gọi là sexism. 
Phân loại các dạng thức của khuôn mẫu giới:
  • Đặc điểm tính cách (Personality traits): Ví dụ, phụ nữ thường được mong đợi phải ứng xử thanh lịch, hay làm ơn, dễ xúc động và chăm sóc người khác. Trong khi đó, nam giới thường thể hiện các nét tính cách tự tin, mạnh mẽ, hiếu thắng và bản lĩnh.
  • Ứng xử trong gia đình (Domestic behaviors): Ví dụ, phụ nữ thường là người chăm sóc con, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa; trong khi đàn ông sẽ là trụ cột tài chính và làm các công việc sửa chữa hoặc liên quan đến kỹ thuật.
  • Nghề nghiệp (Occupations): Ví dụ, giáo viên và y tá thường là nghề của phụ nữ; còn phi công, bác sĩ và kỹ sư là nghề của đàn ông.
  • Ngoại hình (Physical appearance): Ví dụ, nữ giới thì phải thon thả, duyên dáng, mặc đầm và trang điểm; nam giới cao lớn, cơ bắp, mặc quần quần âu và cắt tóc ngắn.
Bộ phim giành giải Jury Prize trong hạng mục Un Certain Regard tại LHP Cannes 2014 của anh đạo diễn người Thụy Điển Ruben Ostlund "Force Majeure" là một ví dụ sinh động đến rợn người về bộ mặt thật của khuôn mẫu giới và vai trò giới, cũng như cái cách mà nó "trêu ngươi" niềm tin và nhân cách của con người.
Poster phim Force Majeure (2014)
Một gia đình Thụy Điển hạt nhân kiểu mẫu với 1 cha (Tomas), 1 mẹ (Ebba), 1 gái lớn đầu lòng (Vera), 1 trai út kháu khỉnh (Harry) thưởng thức kỳ nghỉ đông quý giá cùng nhau tại 1 ski resort ở Pháp. 

NGOẠI HÌNH:

Ở cảnh mở đầu, gia đình Tomas tạo dáng trước ống kính máy ảnh của nhiếp ảnh gia du lịch. Gia đình hạt nhân chuẩn mực ấy đứng chính giữa khung hình với bối cảnh sau lưng là một triền núi tuyết trắng ngút ngàn; những bức ảnh khi được in ra đều là những khoảnh khắc đẹp như tạp chí, như quảng cáo. Nam mặc màu xanh hoặc xám; nữ mặc màu hồng, tím hoặc nâu. Tuy nhiên, thật dễ dàng để ta nhận thấy có gì đó không ổn. Cú máy tĩnh, được đặt ở vị trí đối diện nhân vật - ngang tầm mắt của 1 người quan sát, thời lượng shot dài đã tạo ra 1 góc nhìn soi mói giống như chiếc surveillance camera - góc nhìn chủ đạo xuyên suốt bộ phim, qua đó đặt nhân vật vào những tình thế gượng gạo, lúng túng, thiếu tự nhiên. Nỗ lực cố gắng tạo ra hình ảnh của một gia đình hạnh phúc khiến họ trông thật lố bịch và lộ liễu như những con rối bị điều khiển bởi con mắt phán xét của xã hội, mà ở đây vị nhiếp ảnh gia là đại diện.
Ruben Östlund có khả năng dàn dựng những cú máy tĩnh nhưng thời lượng dài gần như chạm đến giới hạn chịu đựng, đẩy cảm giác bối rối đến tận cùng, từ đó chiết xuất nên những giọt tinh dầu cảm xúc vô cùng thành thật. - Hoài Anh, TTVH&ĐÀN ÔNG SỐ 114
Gia đình Tomas chụp ảnh "tạp chí"
Bên cạnh đó, khuôn mẫu giới thuộc về đặc điểm bên ngoài còn thể hiện ngay trong chính tên của các nhân vật. 
  • Vera và Ebba là 2 trong số những tên dành cho nữ rất quen thuộc tại Thụy Điển. Cụ thể, trong bảng xếp hạng 100 tên dành cho nữ phổ biến nhất tại Thụy Điển năm 2017, có 594 trẻ em gái được đặt tên Ebba (xếp thứ 5) và 472 trẻ em gái được đặt tên là Vera (xếp thứ 22)
  • Tên Harry cũng đúng thứ 26 trong bảng xếp hạng của nam với 451 trẻ em trai cùng năm đó.
  • Tomas: một cái tên hầu như không bao giờ được đặt cho nữ giới. Sự đặc trưng giới hóa trong tên gọi này thể hiện ngay trong những cuốn sách, bộ phim hoạt hình của trẻ nhỏ, chẳng hạn như trong TV series "Thomas và những người bạn", Thomas là một chiếc tàu màu xanh nói giọng nam. Tên Tomas có mức độ sử dụng cao nhất tại Thụy Điển tập trung trong khoảng thời gian từ 1950-1979. 
  • Mats (1 người bạn của Tomas): gần như 1 sự sắp xếp các chữ cái khác của “Tomas”. Hai nhân vật này luôn ủng hộ nhau, thuộc cùng 1 phe.
Tomas được sinh ra trong những năm 70s, ngay trước khi Thụy Điển thực hiện cuộc cách mạng về giới trong những năm 80s (sexual revolution). Cụ thể, chính phủ ban hành lệnh cấm các show diễn tình dục, kiểm soát chặt chẽ sự tràn lan của phim khiêu dâm. Các động thái này nhằm bảo vệ nhóm yêu thế (phụ nữ và trẻ em gái). Việc Ostlund lựa chọn cặp nhân vật chính (Tomas và Ebba) thuộc độ tuổi này đã đặt ra câu hỏi về sự nổi tiếng của Thụy Điển như một trong những đất nước có bình đẳng giới được đề cao nhất thế giới. Ngoài ra, ta còn bắt gặp nét châm biếm của Ostlund khi đưa gia đình Tomas đi du lịch ở Pháp, đặt nhân vật vào bối cảnh phải tiếp xúc với các quan điểm văn hóa khác, qua đó làm nổi bật sự ảnh hưởng của khuôn mẫu giới đang bủa vây lấy gia đình anh. 

ĐẶC ĐIỂM TÍNH CÁCH & VAI TRÒ TRONG GIA ĐÌNH

Những tri thức về vai trò giới được truyền lại qua các thế hệ. Bắt đầu từ tuổi lên ba, trẻ em đã phát triển khả năng nhận thức sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới dựa trên hành vi của cha mẹ và môi trường xung quanh. Trẻ em được giáo dục có những cách thể hiện bản thân riêng với thế giới bên ngoài: trẻ em nam được khuyến khích tham gia vào các hoạt động thể chất; trẻ em nữ được khuyến khích nên chú trọng vào ngoại hình và giao tiếp. 
  • Harry luôn được cổ vũ bằng cụm từ “nhà vô địch trượt tuyết” và luôn được Tomas theo sát trong các dịp đi trượt tuyết của gia đình.
  • Harry và Vera luôn gọi Tomas trong những tình huống khẩn cấp, nguy hiểm hoặc liên quan đến kỹ thuật, sữa chửa (vd: mất đường truyền Internet). Tomas cũng thường xuyên gắn liền với hình ảnh chiếc điện thoại.
  • Ebba là người chăm sóc con cái và giữ gìn tổ ấm (vệ sinh cá nhân cho Harry, xem ảnh gia đình, gọi món ở nhà hàng, nấu bữa tối khi có khách đến). Vai trò homemaker của Ebba khiến cho 2 đứa trẻ dễ dàng trút giận lên cô khi gia đình xảy ra mâu thuẫn.
  • Khi Tomas bỏ chạy trong vụ lở tuyết, Ebba tức giận là bởi Tomas đã làm trái lại với những gì đáng lẽ 1 trụ cột gia đình phải làm
Như đã đề cập bên trên, phản xạ tự nhiên của chúng ta đó là sử dụng các khuôn mẫu để đơn giản hóa những thứ hoặc con người phức tạp, qua đó nhanh chóng hình thành một định nghĩa, ý kiến, quan điểm cơ bản về đối tượng. Những khuôn mẫu ấy dần dần trở thành tấm gương soi tiêu chuẩn để mọi người noi theo. Tuy nhiên, hệ quả của khuôn mẫu giới cực đoan là không hề lành mạnh bởi chúng không cho phép mỗi cá nhân thể hiện bản thân 1 cách chân thực và trọn vẹn. Bất kỳ 1 khía cạnh nào không “đạt chuẩn” sẽ đều là cái cớ để họ trở thành tâm điểm của sự phán xét; những mối quan hệ xung quanh bị rạn nứt. 
Ngày thứ hai trong kỳ nghỉ, gia đình Tomas đang thưởng thức bữa sáng tại tầng thượng nhà hàng với góc nhìn tuyệt đẹp trông ra sườn núi thì một quầng tuyết xuất hiện phía xa, vừa cuồn cuồn lao về phía họ vừa phình lên ngày càng to. Ebba bắt đầu hoảng hốt trong khi Tomas bình tĩnh trấn an cả nhà rằng đó chỉ là một trận tuyết lở nhân tạo được kích hoạt để khống chế độ che phủ. Luồng tuyết ngày càng tiến sát tới ban công, dường như sẵn sàng nuốt chửng tất cả. Có tiếng người thét lên thất thanh, bàn ghế xô lệch, những tiếng bước chân rầm rập, một màn khói tuyết mù mịt bao trùm – thảm họa đã xảy ra!...Nhưng không phải vụ lở tuyết, mà là thảm họa về sự sụp đổ hình tượng nam tính. Trong tích tắc nỗi sợ bản năng choán hết tâm trí, Tomas đã bỏ chạy mặc vợ con còn kẹt lại phía sau. Tomas "quên" vợ con, nhưng lại không quên cầm theo chiếc smartphone yêu quý.

Trong khung hình này, ta nhận thấy 3 người đàn ông ngồi sát lan can đang giơ điện thoại/máy quay lên để ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này. Trông họ đều rất tự tin và thích thú, trái ngược hẳn với tâm thế bồn chồn hoảng hốt, chỉ trực ôm con đứng dậy của những người phụ nữ. Ấy thế nhưng, khi cơn bão tuyết trùm xuống, Tomas cùng các quý ông lại là những người đầu tiên tháo chạy thục mạng khỏi hiện trường, để lại tiếng hét "Appa" như xé lòng của cậu con trai nhỏ Harry. Giờ thì ta đã hiểu tại sao bộ phim lại tên là "Bất khả kháng". Đặt vào trong tình huống bất khả kháng là trận lở tuyết, ngỡ tưởng sự tử tế thiết yếu và đức hy sinh vốn có của một người cha sẽ giúp Tomas bình tĩnh thực hiện điều đúng đắn, nhưng không, anh đã thất bại. Nhân vật Mats sau đó đã biện minh cho anh bạn của mình, rằng: "Trong những tình thế như vậy, không phải lúc nào bạn cũng nhận thức được bạn đang làm gì". Nhưng, vốn dĩ Tomas ngay từ đầu đã là 1 người vị kỷ. Anh ta yêu chiếc smartphone hơn bất cứ thứ gì. Chiếc smartphone là bộ mặt, là hình tượng óng ánh của 1 người doanh nhân thuộc tầng lớp trung lưu. Vì nó anh sẵn sàng nói dối gia đình, mọi người xung quanh và cả chính bản thân anh.

Trước sự việc Tomas bỏ chạy khỏi bàn ăn khi vụ lở tuyết ập tới, ban đầu rõ ràng người xem (là chúng ta) rất đồng cảm với cơn hờn giận của Ebba khi Tomas từ chối thừa nhận sự thực. Ebba cho rằng Tomas - một người chồng, người cha - thay vì sát cánh bên gia đình thì lại chà đạp lên sự sống của con cái. Ebba tận dụng những cơ hội có mặt người ngoài cuộc, đưa Tomas vào 1 phiên tòa xét xử công khai mà ở đó anh bị ép phải đối mặt với sự bẽ bàng, thứ mà anh sợ hãi nhất. Anh cương quyết chối bỏ nhưng thật vụng về. 
Nhưng thực ra, không chỉ Tomas, mà cả Ebba cũng đã đặt lợi ích chung của gia đình sang 1 bên. Cuộc đấu tố giữa họ hoàn toàn chỉ còn là vì mục đích cá nhân mà theo như ngôn ngữ của cuốn sách "Thiện, ác và smartphone" thì là “thủ dâm nhân cách”. 
  • Trong phòng tắm, nơi riêng tư nhất của ngôi nhà, không còn bóng dáng của Harry và Vera nữa, chỉ có Tomas và Ebba đứng ngang bằng, đối xứng trái phải, tạo cảm giác như 2 shot quay ghép lại vào 1 frame. Hai nhân vật vừa đối đầu vừa như tách biệt, cộng với không gian căn phòng chật hẹp, lạnh lẽo và góc máy surveillance như đưa ra dự báo về 1 sự đổi ngôi giữa 2 người.
  • Thực sự vậy, Ebba tách ra khỏi 3 người còn lại, dành thời gian cho riêng mình nhiều hơn, chiếm vai trò cầm trịch trong bữa tối, áp đặt hành động lên 2 người đàn ông là Tomas & Mats, ngồi quay lưng vào khán giả, chiếm tới ⅔ khung hình, choán hết sự hiện diện của Tomas. 
  • Vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, Ebba đã bày ra 1 mưu kế, thử lòng Tomas bằng cách mất tích vào màn tuyết trắng khiến cho Tomas phải đi tìm. Ebba ích kỷ ở chỗ cô không nghĩ tới 2 đứa trẻ bị bỏ lại có thể gặp nguy hiểm.
Ebba ngồi chính giữa, choán hết Tomas trong khung hình
Như vậy, tình cảm gia đình, vốn dĩ là phần tử gắn kết nhất, mạnh mẽ nhất của 1 xã hội, lại có thể dễ dàng bị nhiễu loạn, bị vô hiệu hóa bởi phán xét giới và khuôn mẫu giới lâu đời. Nhân vật Fanny xuất hiện và có những suy nghĩ “chung phe” với Ebba đã củng cố thêm cho sự thực rằng: Định kiến giới tuy không dành riêng cho ai nhưng lại có khả năng phá hủy niềm tin giữa bất kỳ 2 người nào, bất kể họ đã từng có mối liên kết bền chắc ra sao. 
Khuôn mẫu giới khiến cho Tomas phải đeo thêm 1 chiếc mặt nạ xã hội, phải phân thân thành 1 nhân cách bề nổi để làm vừa lòng cái nhìn phán xét xung quanh. Thế mới thấy Ebba thấu hiểu chồng mình như thế nào. Cô hiểu rằng chỉ có cách kể câu chuyện "xấu hổ" kia với tất cả những người họ gặp, biến họ thành 1 xã hội thu nhỏ vây lấy Tomas, khiến anh mất mặt toàn tập, thì mới có thể ép anh ta đau đớn mà thú nhận cho bằng hết.
“Anh cũng thất vọng về anh ta,
Anh ghét hắn vô cùng
Và anh không thể tha thứ cho kẻ đã làm nhiều điều khác trước chuyện này.
Hắn đã nói dối, hắn đã không chung thủy.
Phải, hắn đang thú nhận, hắn thật thảm hại.
Anh không thể sống với con người này thêm nữa…
Khốn kiếp, anh cũng là nạn nhân của chính bản thân mình”
Tomas thú nhận mọi lỗi lầm với Ebba
Cả gia đình cùng hòa làm một sau lời thú tội
Tiếng khóc vỡ òa tựa trẻ nhỏ của Tomas đã phá vỡ thứ hình tượng giả tạo, đem anh trở về với bản chất trần trụi nhất của con người. Tất nhiên, Tomas không phải là người duy nhất phải đối chất với chính mình. Bản thân Ebba, trong suốt bộ phim cố gắng xây dựng hình ảnh 1 người vợ, người mẹ hết mình đấu tranh cho hạnh phúc gia đình, cuối cùng cũng đi chệch khỏi đường ray đạo đức, thả xích cho bản năng sống hoang dại chồm lên. Trong ending sequence của bộ phim, khi 1 chiếc xe bus đang đưa gia đình Tomas và các bị khách du lịch khác xuống núi, anh chàng lái xe thiếu kinh nghiệm đã liên tục khiến tất cả thót tim, thậm chí suýt nữa lao xuống vực. Trong cơn hoảng loạn, Ebba liên tục mắng nhiếc và ép người lái xe tội nghiệp phải mở cửa ngay lập tức để thoát thân. Ebba là người phản ứng gay gắt nhất, và là người bỏ xuống xe trước nhất trong tình cảnh đó, để lại cái nhìn ngỡ ngàng của các hành khách còn lại, trong đó có chồng và con của cô. 

Không chỉ các nhân vật bị “dắt mũi”, mà chính người xem cũng bị những định kiến giới “dắt mũi”, khi qua biến cố đầu tiên ta ngỡ ngàng, khinh thường Tomas bao nhiêu, thì qua biến cố cuối phim ta lại xuýt xoa khinh ghét Ebba bấy nhiêu. Để rồi bẽ bàng nhận ra rằng, thật ra Ostlund hoàn toàn không có ý phê phán bất kỳ ai, ông chỉ đang chừa ra 1 chiếc gương để mỗi người tự soi vào, từ đó nhận ra những định kiến về vai trò giới đã cô lập và hạ thấp giá trị của từng cá thể đến thế nào.
Cũng là một bộ phim về hôn nhân gia đình, tác phẩm arthouse kén người xem này đặc biệt ở chỗ, lợi dụng 1 câu chuyện nhỏ tưởng chừng vô hại, hóa ra lại là nhát cắt chí mạng vào tâm lý nhân vật, từ tốn mà sắc sảo. Nỗi ám ảnh về nó sẽ còn vây bám Tomas, Ebba, 2 đứa con cũng như người xem phim rất lâu nữa, bởi những đổ vỡ, tổn thương mà nó đem lại quá thật, quá gần, quá dễ xảy ra với mỗi chúng ta...