DON'T JUDGE A BOOK BY ITS COVER (OR MAYBE BY ITS NAME)
Nếu bạn định lướt qua cuốn sách này chỉ 3s sau khi thấy cái nhan đề "có vẻ 3 xu" của nó (như sai lầm của mình hồi 17 tuổi) thì tin mình đi giá trị của nó đúng là "3 xu" x "to the moon and back"!
Mình đến với "Bên kia đường có đứa dở hơi" bằng một sự tình cờ. Thực ra đó là món quà mình được đứa bạn thân tặng dịp sinh nhật thứ 17, nhưng bằng một sự vô tâm nho nhỏ của tuổi trẻ, mình đặt nó trên kệ sách cùng hàng tá những cuốn sách mới tinh của mình. Một ngày đẹp trời, mình vô tình đọc được dòng review của một người bạn trên Facebook về một bộ phim tuổi teen nọ. Thú vị bởi cách cô ấy review, mình tò mò gõ vào dòng tìm kiếm "Flipped" và... ngạc nhiên chưa! thì ra bộ phim ấy được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đã nằm lặng lẽ cả năm qua trên kệ sách của mình.
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của Juli Baker và Bryce Loski từ cái ngày chuyến xe chở đồ nhà Loski đỗ xịch tại khu phố nhà Baker sinh sống và Bryce trở thành hàng xóm cũng như bạn học mới của Juli. Ngay thời khắc ấy và cả nhiều năm sau này của tuổi thiếu niên, cô bé cá tính Juli đã theo đuổi Bryce không ngừng nghỉ, từ việc tìm cách rủ Bryce đi chơi hàng ngày đến việc gây lộn với Shelly tóc xù-bạn gái hờ của Bryce, hay việc tặng nhà Loski 6 quả trứng gà một tuần trong suốt hai năm ròng rã từ những cô gà mái mà Juli tự nuôi. Trái ngước lại với Juli, Bryce Loski thì lại luôn tìm cách lẩn trốn, theo như cái cách của cậu ta nói là "con bé đó đã biến hơn một nửa thập kỉ đời tôi thành một mớ những cuộc trốn chạy cần hoạch định chiến lược bài bản". Một người tìm, một người trốn, câu chuyện giữa Juli và Bryce cứ thế kéo dài suốt từ hè năm lớp 2 đến khi cả hai học lớp 8, khi mà cả hai đứa đã trưởng thành hơn để nghĩ lại về những điều tưởng đã mặc định trong đầu mình.
Nhưng cuốn sách không chỉ dừng lại ở câu chuyện tình cảm thiếu niên hài hước, nó còn đưa người đọc đến với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ở trang này mình còn cười haha vì Bryce không phân biệt được gà mái với gà trống, vì cái cách trẻ con mà cậu ấy dùng để chạy trốn Juli, nhưng mình đã làm ướt nhòe trang giấy sau khi chứng kiến sự nhẫn nhịn, bao dung của bố Juli dành cho người em trai bị tâm thần nhẹ.
Có lẽ tác giả Draanen đã xây dựng  "Bên kia đường có đứa dở hơi" bằng vô vàn những sự "mâu thuẫn". Ông thợ nề Baker lại vẽ rất đẹp, trên cái sân bừa bộn và rậm cỏ của ngôi nhà đi thuê. Ông Loski bảnh bao, hào nhoáng nhưng luôn thường trực sự coi thường, dè bỉu gia đình ở căn nhà đối diện. Một Juli mạnh mẽ, cá tính nhưng cũng rất nội tâm. Một Bryce bảnh trai với đôi mắt biếc lại chỉ nhìn thấy bề nổi của vấn đề. Ông ngoại Chester, hai người anh Matt và Mike, ...cũng đều khác so với ấn tượng ban đầu của mình về họ.
Điều đặc biệt là truyện không được kể theo ngôi thứ ba mà được kể từ HAI ngôi thứ nhất. Lời của Juli và lời của Bryce được đan xen suốt cả cuốn sách. Cùng một sự kiện, tác giả lần lượt dẫn dắt chúng ta dưới điểm nhìn của hai nhân vật, rằng chuyện này Juli nghĩ thế nào, cách nhìn của Bryce lại ra sao? Nghe cả hai nhân vật chính "tự thuật", như cách nhìn một đồng xu từ cả hai phía, thỉnh thoảng mình lại ồ lên "Tưởng thế mà không phải thế".
Xuyên suốt câu chuyện, độc giả có thể dễ dàng thấy những thông điệp của tác giả trao đến mình, cũng có thể tự bản thân chiêm nghiệm một điều mới mẻ nào đó. Câu chuyện về quang cảnh trên ngọn cây tiêu huyền, về cách nhìn người "đúng sáng", về mỗi liên hệ giữa chi tiết và tổng thể,... đều có thể trở thành những bài học đắt giá cho chúng ta.
"Bên kia đường có đứa dở hơi" là một cuốn sách thú vị và đáng đọc. Dù được gán mác "dành cho tuổi teen" nhưng mình tin rằng, trong cuốn sách, độc giả ở bất kì lứa tuổi nào cũng đều có thể tìm thấy điều gì đó cho riêng mình. Những người trưởng thành có thể bật cười vì một thời thanh xuân nọ, thanh thiếu niên lại có thể nhìn thấy mình đâu đó qua dáng hình Bryce và Juli.
 Với mình thì cuốn sách như một thanh kitkat trà xanh, vừa đủ vị ngọt, vương chút vị thanh, dư ít vị đắng, nhâm nhi cùng tách trà ấm vào một sáng cuối tuần mùa đông thì cũng không tệ chứ nhỉ?