Hôm vừa rồi khi đi xem Captain America Brave New World, mình có gặp và nói chuyện với 1 người bạn, người đồng nghiệp cũ, đồng thời cũng là người đã dạy cho mình khá nhiều thứ khi bước chân vào con đường Youtube hiện tại. Mình có nói rằng thời gian gần đây mình bắt đầu càng lúc càng viết có phần bị ảnh hưởng nhiều giống như anh G bên PP và cả anh Đ nữa. Và người bạn này khi nghe xong đã nói rằng: “em đang ở trong 1 cuộc khủng hoảng, được gọi là khủng hoảng định danh, và em đang không tìm ra cho bản thân mình, một cái chất, một cá tính cho riêng mình.” Và chẳng biết do vô tình hay cố ý, chính lời nhận xét của người bạn này đã khiến mình phải chậm lại, phải suy nghĩ rất nhiều, phải chăng mình đang thực sự không có lấy bất cứ một cá tính riêng ? Có lẽ bấy lâu nay thứ thực sự mình tìm kiếm không phải là tiền bạc, không phải là nhà đẹp, xe sang mà là đang tìm kiếm bản sắc cá nhân, và sự tồn tại của mình trong thế giới hiện đại ? Câu hỏi đó cứ luẩn quẩn trong đầu mình suốt từ hôm đó cho tới mấy ngày gần đây, khi xem một số gợi ý của thuật toán Facebook và Youtube (cuối cùng nó cũng có tác dụng với mình), mình thấy được gợi ý về việc nên xem thử bộ phim Fight Club của đạo diễn David Fincher vào năm 1999. Và sau khi xem xong, cảm nhận của mình đó là Fight Club một tác phẩm điện ảnh phức tạp, đa tầng ý nghĩa, pha trộn giữa tâm lý, xã hội học và triết học. Một câu chuyện về bạo lực hay sự nổi loạn, mà còn là một lời bình luận sâu sắc về xã hội tiêu dùng, bản dạng cá nhân, và sự tha hóa trong thế giới hiện đại, và cũng là tố cáo, lên án chủ nghĩa tiêu dùng, cũng như nói lên tiếng lòng của người đàn ông trong xã hội hiện đầy rối ren phức tạp này.

GIỚI THIỆU
Fight Club hay ở Việt Nam là Sàn Đấu Sinh Tử là một bộ phim điện ảnh Mỹ của đạo diễn David Fincher sản xuất năm 1999 với sự tham gia của Brad Pitt và Edward Norton dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Chuck Palahniuk. Phim là câu chuyện của nhân vật chính, một nhân viên làm bảo hiểm cùng với Tyler Durden, 1 gã bán xà phòng bất cần đời thành lập một sàn đấu ngầm và phát triển thành nhiều thứ hơn thế nữa.

NỘI DUNG
Ngay từ phân cảnh mở đầu của bộ phim, nhân vật chính hay được gọi là người dẫn chuyện do nam diễn viên Edward Norton đã cho chúng ta thấy được truyền thông, các thương hiệu đã len lỏi vào trong cuộc sống hàng ngày như thế nào. Đầu tiên là với cốc cafe Starbuck trên bàn làm việc của người dẫn chuyện, cho đến cả thùng rác, nơi để con người ta vứt bỏ những thứ hết giá trị cũng đầy ắp những nhãn mác của những thương hiệu khác nhau, và để rồi đỉnh điểm là căn nhà của người dẫn chuyện với đầy ắp những món đồ từ IKEA do chính anh ta đặt mua. Hàng loạt thứ đồ có thể coi là mới nhất, hiện đại nhất, xịn nhất, thậm chí còn phải là hàng thủ công, tất cả chỉ để thể hiện rằng anh ta đang có một cuộc sống mà bao người mơ ước. Nhìn cái cách anh ta mô tả về từng thứ đồ trong căn nhà của mình ở ngay đầu phim, mình có chút gì đó khá ngợp, bởi nó quá nhiều, quá hiện đại, quá đẹp và thời thượng vào thời điểm năm 1999 khi đó. Nhưng mình lại nhanh chóng nhận ra có điều gì đó không ổn trong phần mở đầu này. Mình chỉ nghe thấy người dẫn chuyện nói về cuộc sống của bản thân như thế nào, những đồ đạc anh ta mua là hàng mới, hàng đắt tiền, chúng được làm thủ công từ bàn tay của những người thợ chăm chỉ ra sao,.. anh ta hình như chỉ quấn vào đống đồ đạc mà mình đã mua, đã dùng, nhưng thứ quan trọng nhất đối với 1 nhân vật trong phim thì mình lại chẳng hề biết được, đó là anh ta tên là gì ?
Đây rõ ràng không phải là kết quả của 1 kịch bản tệ , mà nó là chủ ý của đạo diễn David Fincher khi không hề cho anh ta một cái tên cụ thể nào. Nó cho chúng ta thấy rằng người dẫn chuyện giờ đây đang hiểu về những đồ dùng, đặt tên cho chúng, nói về chúng có khi còn rõ hơn cả chính anh ta. “The things you own end up owning you” hay “Những thứ bạn sở hữu cuối cùng lại sở hữu bạn”, đó có lẽ là câu nói đúng nhất trong hơn 10 phút đầu mình dành cho bộ phim. Người dẫn chuyện dường như đang bị cuốn vào thứ gọi là “chủ nghĩa tiêu dùng”, rằng anh ta mua rất nhiều đồ đạc, mua rất nhiều thứ về để trang trí cho ngôi nhà của mình, cho mỗi bữa của mình, nhưng điều đó chẳng thể làm anh ta tốt lên được, anh ta chỉ càng ngày càng lún sâu nhiều hơn vào cái vòng xoáy mua sắm đó. Những món đồ từ chiếc xe tập thể dục, bộ bàn ghế với 4 chiếc ghế, bát đũa hàng thủ công, rèm cửa,... những thứ đó thoạt nhìn thì đẹp đó, nhưng có những thứ nó còn chẳng cần thiết với cuộc sống của anh ta ấy chứ. Mọi thứ cứ thế dần trôi đi với người dẫn chuyện, đằng sau cái vỏ bọc hào nhoáng của một cuộc sống đáng mơ ước với nhiều người đó, lại là một con người với đầy bi kịch của thời hiện đại. Anh ta quá cô đơn trong thế giới này khi chẳng có lấy một người bạn để tâm giao, bầu bạn. Anh có khi còn chẳng biết mình là ai, anh ta phải gồng bản thân mình lên sao cho đúng với cái người ta gọi là "đàn ông", "nam tính", đau khổ vì cô đơn, vì là kẻ yếu thế để rồi trở thành 1 kẻ nhút nhát không dám sống cho con người thật của mình lúc nào không hay. Và rồi từ cái sự nhút nhát đó, người ta bắt đầu chìm đắm vào chủ nghĩa tiêu dùng, chìm đắm vào việc mua sắm những thứ đồ để diện lên cái vỏ bọc là người đàn ông thành công trong xã hội, rằng anh ta phải có căn hộ xịn, 1 bộ bàn ghế thiết kế hợp thời, chiếc áo, chiếc cà vạt phải nghiêm chỉnh, phải có 1 chiếc máy tập thể dục đời mới nhất,... tất cả chỉ để tạo nên 1 cái vỏ bọc cho chính con người yếu đuối của mình trước xã hội. Anh ta bị ám ảnh bởi việc sở hữu những món đồ từ IKEA, như một biểu tượng của sự phụ thuộc vào hàng hóa để định nghĩa bản thân. Fincher dùng hình ảnh này để phản ánh một xã hội nơi con người không còn sống vì đam mê hay ý nghĩa, mà bị chi phối bởi quảng cáo, thương hiệu, và nhu cầu sở hữu.

Bị mắc kẹt trong một vòng lặp tưởng như không lối thoát, những cơn mất ngủ kéo dài 6 tháng dần khiến cho người dẫn chuyện không còn minh mẫn được như trước nữa, và rồi anh ta gặp được Tyler Durden, một kẻ làm nghề bán xà phòng và đây mới là lúc câu chuyện thực sự bắt đầu. Câu chuyện trong Fight Club không chỉ hay vì nó lên án chủ nghĩa tiêu dùng, những bi kịch của con người nói chung và người đàn ông nói riêng trong xã hội hiện đại, mà nó còn hay nếu không muốn nói là đỉnh cao trong plot twist của phim.
Ban đầu khi xem xong Fight Club, mình đã tự hỏi phải chăng câu chuyện, nội dung mà đạo diễn David Fincher muốn truyền tải lại tiêu cực đến vậy ? Khi mà cách để chống lại chủ nghĩa tiêu cực, đó chính là chủ nghĩa hư vô của Tyler Durden, phải chăng phim đang cổ xúy cho những hành động bạo lực như cách mà Tyler đã mở ra câu lạc bộ đánh nhau về đêm ? Hay phim là lời cổ vũ, kích động đến phái mạnh khi họ giờ đây đang trở nên ngày càng yếu đuối ? Thế nhưng khi dành thời gian để suy ngẫm lại, nhìn lại toàn bộ diễn biến, nội dung của bộ phim, mình nhận ra thứ mà đạo diễn muốn truyền tải đến còn lớn hơn vậy. Câu chuyện của Fight Club với vẻ ngoài là việc dùng bạo lực để giải quyết, để thoát khỏi những vòng lặp của cuộc sống này mang đến cho ta, thực chất nó như một công cụ để phơi bày sự tuyệt vọng của nhân vật – một cách để họ cảm nhận sự sống khi mọi thứ khác đều trống rỗng. Câu chuyện trong phim còn là về khám phá bản dạng và sự phân đôi nội tâm, về sự tái sinh của một con người đặc biệt là qua câu nói “Chỉ khi chúng ta mất tất cả, chúng ta mới có thể làm bất cứ điều gì” và dự án Mayhem của Tyler, nhưng đồng thời câu chuyện của phim cũng là lời nhắc nhở đến khán giả rằng dù là chủ nghĩa tiêu dùng hay chủ nghĩa hư vô, tất cả đều có thể trở thành một hình thức áp bức, một cái bẫy nếu con người không tư duy, suy nghĩ độc lập.

Sau cùng, Fight Club đặt ra cho người xem câu hỏi: câu hỏi hiện sinh lớn nhất đó là: chúng ta là ai? Và ta đang tìm kiếm điều gì? mục đích sống thực sự của mình là gì ? Bởi cuộc đời có thể dài để ta mải miết tìm kiếm, nhưng cũng quá ngắn để ta phí hoài mà không thực sự hiểu mình cần gì.
Dù đã hơn hai thập kỷ trôi qua, thông điệp từ bộ phim của David Fincher vẫn không hề lỗi thời. Hãy thử nhìn xem ngày nay, có đến hàng tá món đồ mà giới trẻ gọi là “trend”, “xu hướng” được bày bán trên thị trường. Từ những món đồ ăn như trà chanh giã tay, bánh đồng xu, trà mãng cầu, bánh phô mai trứng,... cho đến những món đồ chơi như Labubu, Baby Three,... khoan nói đến những người thực sự mua chúng vì đam mê, vậy những người không thực sự đam mê thì mua chúng vì điều gì? Vì xu hướng, hay chúng chính là vỏ bọc mà những đó dùng để che đi con người thật của mình hệt như cách mà người dẫn chuyện đã làm ? Phải chăng những món đồ đó chỉ là để thể hiện ra ngoài với thế giới rằng mình là một con người thời thượng, nắm bắt xu thế nhanh, hay như Tyler Durden từng nói: ‘Chúng ta mua những thứ mình không cần, từ số tiền mà mình không có, để gây ấn tượng với những người mà mình không thích.” Phải chăng, từ 1999 đến 2025, chúng ta vẫn chẳng khác gì nhau, vẫn mải miết chạy theo hình mẫu mà xã hội áp đặt qua catalog ngày xưa hay TikTok , Instagrm ngày nay, mà quên mất câu hỏi: Chúng ta có thực sự kiểm soát cuộc sống của mình, hay chỉ là sản phẩm của những gì truyền thông áp đặt ?
NHÂN VẬT
Bi Kịch
Như đã nói ở nội dung, người dẫn truyện không có một cái tên cụ thể. Anh ta mắc kẹt trong khủng hoảng định danh, là sản phẩm của chủ nghĩa tiêu dùng. Không biết mình là ai, cần gì hay muốn gì, anh ta lạc lối giữa những áp đặt của xã hội về sự "nam tính". Để rồi, trong nỗi cô đơn và cảm giác yếu thế, anh dần trở thành một kẻ nhút nhát, không dám sống đúng với bản thân. Edward Norton đã khắc họa hoàn hảo sự giằng xé nội tâm này, khiến khán giả cảm nhận rõ bi kịch của nhân vật. Mình cảm thấy đồng cảm và có chút gì đó đáng thương cho nhân vật mà Edward Norton thủ vai., rằng thật thật khó để có thể thoát ra được khỏi cái vòng lặp đầy oái oăm mà xã hội này đang mang đến cho anh. “Chúng ta là thế hệ bị bỏ quên của lịch sử. Không có mục đích hay vị trí. Chúng ta không có cuộc chiến vĩ đại nào. Không có Đại Khủng Hoảng. Cuộc chiến vĩ đại của chúng ta là cuộc chiến tâm linh. Đại Khủng Hoảng của chúng ta chính là cuộc đời này.” Đó có lẽ là câu nói đúng nhất cho bi kịch của nhân vật do Edward thủ vai, đó là về sự mất phương hướng của thế hệ trẻ trong một thế giới không còn chiến tranh hay khủng hoảng rõ ràng để đấu tranh. Thay vào đó, con người phải đối mặt với sự trống rỗng và mất phương hướng trong cuộc sống hiện đại.

Trỗi dậy
Nếu như người dẫn chuyện là nạn nhân, là sản phẩm của chủ nghĩa tiêu dùng, thì nhân vật Tyler Durden do Brad Pitt thủ vai chính là sự phản kháng, lời đáp trả mãnh liệt nhắm thẳng vào cái thứ chủ nghĩa kia. Anh ta đại diện cho tất cả những gì hoang dại nhất mà người dẫn chuyện luôn thèm khát nhưng không dám chạm tới. Một gã đàn ông thú vị, nói chuyện hài hước, cuốn hút cả đàn ông lẫn phụ nữ, một kẻ phiêu bạt không sợ hãi, sẵn sàng đạp lên và cười nhạo vào những gì xã hội khi đó coi là tiêu chuẩn. Tyler tin rằng “chỉ khi chúng ta mất tất cả, chúng ta mới có thể làm bất cứ điều gì”, nhấn mạnh triết lý từ bỏ mọi ràng buộc vật chất để đạt được sự tự do tuyệt đối. Fight Club chính là hiện thân của chủ nghĩa hư vô mà Tyler theo đuổi: khi bước vào sàn đấu, những người đàn ông phải bỏ lại tất cả – quần áo đẹp, đồng hồ xịn, giày hàng hiệu – chỉ còn lại những gã cởi trần lao vào đấm nhau để giải tỏa những kìm kẹp mà xã hội áp đặt lên họ.

Sau cùng, Tyler nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong thời đại này, rằng đừng để những món đồ ta mua định hình con người ta. “Bạn không phải là công việc, không phải số tiền trong tài khoản ngân hàng, không phải chiếc xe bạn lái, không phải món đồ trong ví, càng không phải mảnh quần kaki c.t bạn đang mặc. Bạn là thứ tào lao, luôn ca hát, nhảy múa trên thế giới này.” Lời nói ấy như một cú đánh thức, một lời kêu gọi thoát khỏi vòng xoáy tiêu dùng. Nhưng như mình đã nhắc ở phần nội dung, việc dùng bạo lực để giải quyết, để phá vỡ những vòng lặp mà cuộc sống hiện đại mang đến, thực chất chỉ là một công cụ phơi bày sự tuyệt vọng của nhân vật. Nếu coi chủ nghĩa hư vô hay hành động của Tyler là kim chỉ nam, mình nghĩ chúng ta đang hiểu sai điều mà nhân vật này thực sự muốn truyền tải.
Ở nửa sau của bộ phim, Fight Club không còn đơn thuần là một sàn đấu ngầm nữa. Nó tiến hóa thành Project Mayhem – một tổ chức khủng bố với mục tiêu phá hủy hoàn toàn hệ thống kinh tế, xóa sổ các ngân hàng, và đưa xã hội về con số 0. Thoạt nhìn, đây có vẻ là đỉnh cao của sự phản kháng mà Tyler khởi xướng, một cách để đập tan chủ nghĩa tiêu dùng từ gốc rễ. Nhưng trớ trêu thay, cái mà Tyler tạo ra lại trở thành một hệ thống áp bức mới, không khác gì những gì anh ta từng lên án. Các thành viên của Project Mayhem mất đi cá tính riêng, trở thành những con rối vô danh, chỉ biết tuân theo mệnh lệnh. Những câu nói của Tyler – từng là nguồn cảm hứng cho sự tự do – giờ đây biến thành chân lý tuyệt đối, không ai được phép nghi ngờ. Họ không còn là những cá nhân đấu tranh cho chính mình, mà chỉ là những bánh răng trong cỗ máy mới, và lần này, cỗ máy đó do chính Tyler điều khiển.
Cảnh tượng những tòa nhà sụp đổ ở cuối phim, khi người dẫn chuyện và Marla đứng nhìn, có thể khiến ta lầm tưởng đó là chiến thắng của Tyler, là sự giải phóng khỏi chủ nghĩa tiêu dùng. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, đó không phải là tự do. Tyler chưa bao giờ thực sự là giải pháp đúng đắn để giải thoát con người khỏi vòng lặp của xã hội hiện đại. Anh ta chỉ thay thế một hình thức nô lệ này bằng một hình thức nô lệ khác. Từ chỗ bị thao túng bởi quảng cáo và thương hiệu, người dẫn chuyện và các thành viên Project Mayhem giờ đây bị thao túng bởi chính lý tưởng của Tyler. Sự khác biệt duy nhất nằm ở cái tên của kẻ cầm quyền: trước là IKEA, Starbucks, giờ là Tyler Durden. Cả hai con đường – chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa hư vô của Tyler – cuối cùng đều dẫn đến một đích đến: sự đánh mất bản thân.

Vậy nên, khi suy ngẫm về Tyler Durden, mình nhận ra anh ta không phải là một vị cứu tinh, mà là một lời cảnh báo. Anh ta cho thấy rằng, trong cơn tuyệt vọng để tìm kiếm bản sắc và ý nghĩa, con người rơi vào một cực đoan khác, nơi họ tưởng mình tự do nhưng thực ra chỉ đang đổi từ chiếc lồng này sang chiếc lồng khác. Tyler hấp dẫn, cuốn hút, nhưng anh ta không phải là câu trả lời. Câu trả lời thực sự, có lẽ, nằm ở chính người dẫn chuyện khi anh ta quyết định bắn vào chính mình để từ bỏ Tyler – một hành động tượng trưng cho việc tự giải phóng khỏi cả hai: sự phụ thuộc vào vật chất lẫn sự phụ thuộc vào một lý tưởng cực đoan.
Lối thoát
Vậy nếu cả Tyler và người dẫn chuyện đều bị cuốn vào một vòng lặp không hồi kết, vậy thì làm sao để thoát khỏi vòng lặp này ? Câu trả lời có lẽ với nhân chính là nằm ở cô gái mang tên Marla Singer, người đã góp phần vào câu chuyện về bản dạng và sự giải thoát. Cô nàng xuất hiện trong cuộc đời của người dẫn chuyện như một cơn bão nhỏ: một người phụ nữ lập dị, bất cần, và đầy mâu thuẫn. Cô không phải là hình mẫu phụ nữ lý tưởng theo chuẩn mực xã hội – không xinh đẹp kiểu cách, không dịu dàng, không "đàn bà" theo cách thông thường. Thay vào đó, Marla sống một cách bản năng, đôi khi liều lĩnh và phóng túng: hút thuốc liên tục, ăn cắp quần áo từ tiệm giặt là để bán lấy tiền, tham gia các nhóm hỗ trợ mà không thực sự mắc bệnh – tất cả chỉ để cảm nhận sự sống trong một thế giới mà cô cảm thấy trống rỗng. Khi người dẫn chuyện gặp Marla lần đầu tại các nhóm hỗ trợ (nơi cả hai đều giả vờ là bệnh nhân để tìm sự an ủi), cô trở thành một mối đe dọa đối với anh ta. Anh cần những buổi họp này để giải tỏa cảm giác cô đơn và mất ngủ, nhưng sự hiện diện của Marla – một "kẻ giả tạo" khác – khiến anh không thể tiếp tục vờ vịt. Điều này buộc anh phải đối mặt với sự giả dối trong chính mình. Marla, với sự bất cần và thái độ sống không quan tâm đến quy tắc, là một cái gương phản chiếu sự yếu đuối và kìm kẹp của người dẫn chuyện. Anh ghét cô vì cô giống anh – một kẻ lạc lối, không biết mình là ai, nhưng không cố gắng che đậy điều đó như anh.

Tuy nhiên, Marla cũng đánh thức một phần con người thật trong anh. Mối quan hệ phức tạp giữa họ – vừa thu hút vừa xua đuổi – là khởi nguồn cho sự xuất hiện của Tyler Durden. Có thể nói, nếu không có Marla, Tyler sẽ không bao giờ "ra đời" trong tâm trí của người dẫn chuyện, vì cô chính là yếu tố làm lung lay cái vỏ bọc hoàn hảo mà anh ta xây dựng qua chủ nghĩa tiêu dùng. Nếu Tyler đại diện cho sự nổi loạn chống lại xã hội tiêu dùng và áp lực "nam tính", thì Marla lại là hiện thân của sự hỗn loạn cá nhân không cần lý do hay mục đích. Tyler có một triết lý rõ ràng (dù cực đoan), còn Marla thì không – cô chỉ sống theo cách của mình, không cần định nghĩa hay biện minh. Trong khi Tyler lôi kéo người dẫn chuyện vào bạo lực và chủ nghĩa hư vô để tìm kiếm tự do, Marla lại là người kéo anh trở lại với cảm xúc con người, với sự kết nối thật sự.
Mối quan hệ tình cảm giữa Marla và Tyler (mà sau này hóa ra cũng là người dẫn chuyện) cho thấy một khía cạnh khác của bản dạng: tình yêu, dục vọng, và sự phụ thuộc cảm xúc. Tyler dùng Marla như một công cụ để khẳng định sự nam tính và quyền lực của mình, nhưng với người dẫn chuyện, Marla lại là một lối thoát khỏi sự trống rỗng. Cô là người duy nhất mà anh thực sự quan tâm đến cuối phim, khi anh nhận ra mình cần phải từ bỏ Tyler để sống thật với bản thân.

Khi nghĩ về Tyler Durden và Project Mayhem về Marla, về người dẫn chuyện, mình chợt nhớ đến lời nhận xét của người bạn cũ bên Phê Phim lúc đó: 'Em đang trong một cuộc khủng hoảng định danh'. Mình từng nghĩ rằng để thoát khỏi cảm giác lạc lối, mình cần một thứ gì đó mạnh mẽ như Tyler, một lý tưởng, một sự nổi loạn để phá bỏ tất cả. Nhưng càng xem phim, mình càng thấy rằng chạy theo một Tyler Durden trong đời thực có thể chỉ khiến mình lạc lối hơn. Có lẽ điều mình cần không phải là đập phá mọi thứ hay chạy theo một xu hướng mới, mà là học cách đối diện với chính mình, như cách người dẫn chuyện đã làm ở cuối phim, như cách anh ta đã dùng súng để tự kết liễu cái phần Tyler trong mình, để được sống là con người thật của mình.
TỔNG KẾT
Dù Fight Club đã ra mắt cách đây 26 năm, những thông điệp mà bộ phim gửi gắm vẫn không hề phai nhạt, vẫn vang vọng mạnh mẽ như một lời nhắc nhở dành cho bất kỳ ai đang sống trong xã hội hiện đại này. Xuyên suốt hành trình xem phim, từ câu chuyện về căn hộ IKEA của người dẫn chuyện, sự nổi loạn của Tyler Durden, đến sự hỗn loạn chân thực của Marla Singer, mình nhận ra rằng cuộc sống này không chỉ là một vòng lặp của tiêu dùng hay phản kháng, mà là một câu hỏi lớn hơn: chúng ta là ai, và ta đang tìm kiếm điều gì? Lời nhận xét của người bạn cũ – rằng mình đang rơi vào khủng hoảng định danh – đã khiến mình trăn trở rất nhiều, nhưng chính Fight Club lại là chiếc gương soi để mình nhìn rõ hơn về bản thân. Bộ phim không chỉ lên án chủ nghĩa tiêu dùng, không chỉ phơi bày bi kịch của con người hiện đại, mà còn đặt ra một thách thức: liệu ta có dám đối diện với chính mình, hay chỉ mãi chạy theo những chiếc vỏ bọc – từ catalog ngày xưa đến TikTok ngày nay?
Tyler Durden từng khiến mình ngưỡng mộ với triết lý “chỉ khi mất tất cả, ta mới có thể làm bất cứ điều gì”, nhưng rồi mình nhận ra anh ta không phải là câu trả lời. Từ Fight Club đến Project Mayhem, anh ta chỉ thay thế một hệ thống áp bức bằng một hệ thống khác, để lại những con người mất đi cá tính trong một cỗ máy mới. Marla Singer, với sự bất cần và tổn thương, lại cho mình một góc nhìn khác: đôi khi bản sắc không cần phải là thứ gì đó rõ ràng, mà là sự chấp nhận những mâu thuẫn trong chính mình. Cuộc sống này, như bộ phim đã gợi lên, vừa dài đằng đẵng để ta mải miết kiếm tìm, lại vừa ngắn ngủi đến mức không kịp để ta hiểu mình thực sự cần gì. Thời gian trôi qua không ngừng, mỗi giây phút đều quý giá, và đây là cuộc sống của chính bạn – một hành trình đang dần kết thúc từng ngày.
Sau tất cả, mình hy vọng rằng không chỉ mình mà cả các bạn – những ai đang đọc những dòng này – sẽ tìm thấy lý do để sống, để tồn tại. Dù là qua những cú đấm trong sàn đấu của Tyler, qua sự chân thực của Marla, hay qua chính những trăn trở của bản thân, mình mong chúng ta sẽ hiểu được mình là ai, mình cần gì, và điều gì thực sự quan trọng trong thế giới đầy rối ren này. Bởi lẽ, cuộc đời không chỉ là những món đồ ta sở hữu hay những xu hướng ta chạy theo, mà là hành trình tìm ra một cái “tôi” đích thực – một cái “tôi” không bị định nghĩa bởi bất cứ ai ngoài chính mình.


Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Giang Pham
bài viết hay, dù đã xem phim này 2 lần và rất thích nhưng mình ko cảm nhận sâu sắc nhiều như bạn. Có lẽ do mình chưa bị khủng hoảng =))) good luck
- Báo cáo