Bài viết lấy cảm hứng từ đề bài của chị Linh Phan trong group Facebook "Những người viết hằng ngày (Viết đi đừng sợ!)".
"Sáng nay mình đọc bài báo về việc kêu gọi xoá sổ mạng xã hội Facebook. Thật ra, mình nghĩ mạng xã hội giống như cái bút, rơi vào tay ai thì viết ra những thứ tốt đẹp hoặc xấu xa là quyền lựa chọn của họ. Nhưng việc theo dõi người khác như Facebook đang làm thì thực sự vi phạm quyền con người và đó là lý do vì sao ở châu Âu người ta không dùng Facebook nhiều như ở Việt Nam. Khi thành lập group mới này, mình cũng đã trải qua một vài biến động với mạng xã hội này và mình cảm thấy mình không có quyền kiểm soát gì với nó. Giống hệt một ngôi nhà đi thuê, rất đẹp đẽ nhưng không biết bị lấy lại lúc nào. Tệ nữa là nó còn bị đặt máy nghe trộm. Mình vẫn duy trì nhưng với một tâm thế khác và mình sẽ có một sự dịch chuyển từ từ để không còn phụ thuộc và dần dần là không còn sử dụng nó nữa. Nếu một ngày mình lại biến mất, chúng ta lại lạc mất nhau, bạn có biết phải tìm mình ở đâu không? Đó là câu hỏi mình đã luôn nghĩ về. Hôm nay, hãy viết về một ngày không có mạng xã hội của bạn và bạn đã làm gì để nếu không còn sử dụng mạng xã hội, thì những người khác vẫn còn có thể tìm ra bạn?" --------- --------- Linh Phan -Tác giả sách, cây viết và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp


Photo by <a href="https://unsplash.com/@solenfeyissa?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Solen Feyissa</a> on <a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by Solen Feyissa on Unsplash
Tôi sinh năm 1997. Như vậy có nghĩa, tôi thuộc thế hệ 9x đời cuối và là GenZ đời đầu, sống trong thời đại chuyển giao mạnh mẽ của internet. Những bạn trẻ trong thời đại hôm nay, có lẽ sẽ không biết được những icon như :)) =)) :x :D :"> xuất phát từ đâu. Thi thoảng, bạn sẽ bắt gặp những icon ấy, khi chat với những anh chị lớn hơn bạn nhiều tuổi. Đó đơn giản là những icon của ứng dụng chat Yahoo Messenger - một ký ức đã xa với các thế hệ 8x, 9x.
Từ khi Facebook xuất hiện, cuộc sống của tôi đã thay đổi. Ngày hôm nay, hãy cùng tôi nhìn lại những kỷ niệm khó quên giữa tôi và Facebook, từ khi tôi chớm biết đến người bạn này, cho đến khi nó trở thành một phần gắn bó với cuộc sống.

❤️NHỮNG NGÀY XƯA YÊU DẤU

Một thời Yahoo Messenger
Khi còn là học sinh cấp một, cấp hai, lũ trẻ chúng tôi nào biết Facebook là gì. Chúng tôi chỉ có Yahoo Messenger là người bạn thân nhất. Lần đầu tiên biết đến Yahoo Messenger là khi tôi học lớp sáu, năm 2008. Mùa hè năm lớp năm, bố tôi lắp Internet tại nhà. Cuối cùng, sau những ngày lên lớp trong sự ngơ ngác khi không hiểu bạn bè đang bàn tán điều gì, nào là chat Yahoo, Boom Online, Audition, bài hát "Công chúa bong bóng" của ca sĩ Bảo Thy, tôi cũng hiểu được những gì chúng nó bảo với nhau. Lần đầu tiên tiếp xúc với Internet, nói chuyện với bạn bè thông qua màn hình máy tính, trong tôi dấy lên sự say mê lạ kì. Internet khi ấy rất mộc mạc và giản dị, nhưng đã có sức quyến rũ mạnh mẽ. Một thế giới mới mở ra trước mắt tôi. Những buổi trưa không ngủ để xem video lyrics những bài hát nhạc phim High School Musical. Hỏi nick Yahoo của nhau rồi buzz đứa này, pm đứa kia. Viết entry trên Yahoo Blog 360 với những dòng cụt ngủn, đa phần là trả tag và tìm kiếm những theme thật đẹp để trang trí blog: tuyết rơi, mưa rơi, chèn những bản nhạc hay ho. Vậy nên, làm sao trách được những đứa trẻ thời nay say sưa với mạng xã hội, điện thoại thông minh. Chúng là trẻ con, mà trẻ con thì làm sao có nhận thức trước phải trái, đúng sai. Bước vào tuổi trưởng thành đã lâu, tôi vẫn chìm đắm trong mạng internet, thế giới ảo đấy thôi.
Ảnh minh họa: Những icon quen thuộc của Yahoo Messenger
Ảnh minh họa: Những icon quen thuộc của Yahoo Messenger
Nhớ mãi Nông trại vui vẻ trên Zing Me
Sáng đi học trên lớp, tối về chat Yahoo với bạn bè. Ăn tối xong là lên kiểm tra Yahoo Messenger xem đứa nào đang online, đứa kia đang viết status - stt gì. Tôi không dám online quá lâu. Phần vì tôi không có nhiều bạn để trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Phần vì đứa nào cũng lo học. Và hơn nữa, Yahoo Messenger chỉ là một ứng dụng để trò chuyện với nhau. Không có nhiều nội dung đa dạng như mạng xã hội hiện nay.
Năm lớp tám, tôi chuyển sang dùng Zing Me, vì bạn bè ai cũng có Zing Me cả. Lúc ấy vẫn dùng Yahoo làm phương tiện trò chuyện chính. Tôi bắt đầu biết đến Nông trại vui vẻ, Khu vườn trên mây, download những bản nhạc V-Pop, K-Pop từ website Zing MP3. Tôi bắt đầu đăng lên Zing Me những status, hình ảnh của chính mình. Hầu như ai trong lớp tôi cũng đều có tài khoản Zing Me.
Ảnh minh họa: Nông trại vui vẻ trên Zing Me
Ảnh minh họa: Nông trại vui vẻ trên Zing Me
Người bạn mới - Facebook
"Zing Me sao chép Facebook. Nó chẳng khác gì Facebook hết".
Một người bạn chung lớp chín với tôi khẳng định chắc nịch như thế. Năm 2011, tôi biết đến Facebook nhờ lời tuyên bố hùng hồn kể trên của bạn. "Facebook là gì nhỉ?" - Tôi thắc mắc và bắt đầu tìm hiểu trên Internet. Tạo một tài khoản Facebook bằng địa chỉ Yahoo Mail. Chẳng có gì trên đó cả. Giao diện hai màu trắng - xanh chán ngắt. Tôi không biết làm thế nào để add bạn bè. Người bạn đầu tiên trên Facebook của tôi là một người bạn chung lớp sáu. Bạn có vẻ rành rọt Internet hơn hẳn.
Chưa tìm thấy bạn bè trên Facebook, tôi trở lại với Yahoo Messenger. Dần dà, bạn bè cùng lớp chơi Facebook nhiều hơn. Chúng tôi bắt đầu viết những status trên tường nhà. Tạo group lớp trên Facebook để đăng hình ảnh và bình luận qua lại. Facebook lưu giữ những hình ảnh tốt nghiệp cấp hai. Facebook - một người bạn mới đầy thú vị; một thế giới sinh động, hấp dẫn, khác hẳn sự đơn điệu của Yahoo Messenger.
Năm 2012, những luồng gió mới thổi vào cuộc sống của tôi. Tôi bước vào cấp ba, trở thành một học sinh lớp mười. Thiên hạ đồn rằng, cấp ba là thời thanh xuân khó quên nhất. Hãy lưu giữ lại thật nhiều kỉ niệm của thời niên thiếu này nhé.
Lớp tôi là lớp Văn, toàn con gái chơi chung với nhau. Con gái mộng mơ, con gái điệu đà, con gái thích làm duyên làm dáng. Đứa nào cũng thích chụp thật nhiều hình đẹp. Ngày đầu tiên mặc áo dài, chụp hình. Lễ khai giảng đầu tiên ở cấp ba, chụp hình. Ngày đầu tiên học thể dục, chụp hình. Bất cứ khoảnh khắc nào, lớp tôi cũng chụp hình lại cho bằng được, về nhà đăng lên Facebook rồi tag lẫn nhau. Nhờ có Facebook, những hình ảnh chất chứa bao ký ức tươi đẹp vẫn vẹn nguyên như thuở mười năm trước.
Facebook với tôi khi đó, là một nơi để kết nối với bạn bè. Có thể tôi không nói chuyện với bạn bè thật nhiều nếu như gặp họ ngoài đời. Nhưng ở trên Facebook, tôi dễ dàng gửi những lời chúc mừng sinh nhật, chúc mừng năm mới, dễ dàng hỏi han tình hình bạn bè cũ. Tôi cũng có thể biết được những người bạn cũ của tôi có hạnh phúc ở ngôi trường mới hay không, nhìn thấy tụi nó thay đổi theo thời gian, biết được tụi nó đang làm gì, ở đâu, chọn trường đại học nào, biết được những cảm xúc của tụi nó, dù đó chỉ là một lát cắt bé nhỏ. Bởi vì, Facebook khi ấy là nơi tự do thể hiện quan điểm, cảm xúc. Nhất là những đứa trẻ con, chẳng bao giờ phải suy nghĩ, liệu nhà tuyển dụng nghĩ gì khi thấy mình đăng những status này.
Facebook ở Việt Nam vào những năm 2011, 2012, 2013, thật đơn sơ và bình dị. Dạo một vòng quanh Facebook, chỉ toàn gặp những status của bạn bè, những cảm xúc bộc phát, những hình ảnh tụi bạn trong lớp, những hình ảnh của đứa bạn cũ với ngôi trường mới của nó, với những người bạn mới. Bên cạnh đó, những fanpage dần dà xuất hiện, như là fanpage của trường học, page Confessions của các trường, những page phục vụ cho việc truyền thông khi trường có những chương trình lớn,...
Ngày đó, tôi rất thích để công khai sinh nhật của mình trên Facebook. Cảm giác được chú ý, được nhớ tới vào một ngày của riêng mình trong năm, đó là niềm vui to lớn của một đứa trẻ. Lên đại học, bỗng dưng tôi không muốn bất cứ ai biết đến sinh nhật của mình nữa. Cảm giác được tất cả bạn bè trên Facebook đăng lên tường nhà chúc mừng sinh nhật, bỗng nhiên trở nên trống rỗng và vô vị. Trào lưu ẩn sinh nhật trên Facebook cũng dần trở nên phổ biến, khi giờ đây những người bạn cùng lứa với tôi ít ai công khai ngày sinh trên mạng xã hội. Nếu họ nhớ đến sinh nhật của tôi, thật may mắn vì tôi có những người bạn tốt, cảm thấy hạnh phúc vì nghĩ rằng chắc là mình đã để lại trong họ nhiều kỷ niệm đáng nhớ, hoặc đơn giản, họ chỉ là một người bạn tốt luôn nhớ đến sinh nhật của người xung quanh. Dấu hiệu đầu tiên của việc ở ẩn trên Facebook đã nhen nhóm từ đấy rồi ư?

❤️MỘT QUÃNG ĐỜI GẮN BÓ VỚI FACEBOOK

Những ngày đầu tiên
Năm 2012, tôi học lớp mười. Facebook dần trở nên phổ biến trong môi trường học đường. Lúc ấy, tôi vẫn hỏi bạn bè cùng lớp nick Yahoo của tụi nó là gì. Đến tận năm lớp mười một, tôi vẫn dùng Yahoo Messenger nhưng hình như chẳng còn ai ở trên đó. Cùng thời điểm, Facebook đã có chức năng chat, gọi video, gửi hình ảnh, cộng thêm những icon dễ thương, tích hợp nhiều tính năng chỉ trong một trang web. Bọn trẻ chúng tôi chuyển hẳn sang Facebook "sinh sống".
Cùng lúc đó, iPhone nói riêng và điện thoại thông minh (smartphone) nói chung phát triển như vũ bão. Đã xa rồi cái thời teencode "Dg lam j z" hoặc là "Chieu maj m co dj hox them k? T mun nghj hox. Co day chan' wa". Giờ đây, "hot trend" phải là nhắn tin, đánh máy đúng chính tả, không dùng những ngôn ngữ quái lạ kia. Sự xuất hiện của smartphone, màn hình cảm ứng đã thổi bay thói quen bấm điện thoại Nokia của giới trẻ. Và smartphone giúp việc truy cập internet nói chung và Facebook nói riêng trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết. Lướt Facebook với chiếc điện thoại iPhone cảm ứng trên tay, trong ánh nhìn của đứa trẻ con là tôi khi đó, trông thật ngầu và đại diện cho phong cách sống hiện đại cần phải noi theo.
Những năm 2011, 2012, gia đình nào khá giả thì mới có thể sắm cho con cái những chiếc iPhone đời đầu. Nhìn lại, những người bạn xung quanh tôi năm đó có iPhone đều xuất thân từ gia đình có điều kiện. Còn bây giờ, chỉ cần khoảng 3 - 5 triệu là đã có thể mua được một chiếc điện thoại màn hình rộng với chức năng tốt không kém. Những năm tháng ngày xưa, tôi cũng dùng điện thoại cảm ứng mà là chiếc Samsung Galaxy Y. Chiếc điện thoại bé nhỏ nằm lọt thỏm trong bàn tay. Đó là cả thế giới đối với tôi khi ấy.
Bây giờ nhìn lại, tôi cảm thấy may mắn khi ngày đó tôi không dùng iPhone. Tôi không dám xin bố mẹ tiền mua điện thoại khi đã có Samsung Galaxy Y. Dường như, iPhone khiến người ta nghĩ rằng mình thật sang trọng, lên đời, cảm thấy tự tin khi cầm chiếc iPhone trước mặt thiên hạ. Ngoài ra, điện thoại càng "tốt" thì cảm giác "lướt" sướng không kém, xem video thấy "nét" và "mượt mà" hơn hẳn. Đó cũng là lý do khiến con người ta nghiện điện thoại, nghiện lướt mạng xã hội hơn chăng? Lần đầu cầm trên tay chiếc Samsung Galaxy Y, tôi vui lắm chứ. Cảm giác đua đòi để bằng bạn bằng bè đã lấn át tâm trí tôi khi đó.
Tôi không dám tải nhiều ứng dụng. Trong trí nhớ của tôi, Samsung Galaxy Y luôn bắt cập nhật phần mềm và dung lượng bộ nhớ không nhiều. Tôi chỉ tải mỗi Facebook về máy. Lần đầu tiên lướt Facebook bằng điện thoại cảm ứng, tôi thấy lòng mình khác đến lạ thường. Như có chất chất kích thích làm tôi say mê chiếc điện thoại và ứng dụng này. Tôi vẫn còn nhớ, vào một buổi tối năm lớp mười, tôi lên Facebook bằng điện thoại Samsung để xem bạn bè đang nói những gì trên đó, để xem tụi nó giao nhiệm vụ gì để làm bài thuyết trình. Cứ lướt liên hồi và thời gian trôi qua nhanh chóng, tôi sợ quá và tắt máy ngay. Tôi sợ cứ xem Facebook như thế thì không có thời gian để học, mà việc học trên trường của tôi lại rất nặng.
Tôi cảm ơn những ngày học tập lao lực khi đó. Tôi cảm ơn chiếc điện thoại Samsung "cùi bắp" với bộ nhớ luôn đầy. Tôi cảm ơn cuộc đời vì đã không cho tôi tiếp xúc với iPhone, với những chiếc điện thoại cảm ứng đắt tiền hơn, nhiều tính năng hỗ trợ người dùng hơn. Tôi cảm ơn sự thi đua trong học tập, áp lực của một học sinh phổ thông, vì nhờ có chúng, tôi đã được kéo ra khỏi vòng xoáy của việc nghiện điện thoại. Tôi thấy biết ơn vì thời học sinh của tôi trùng khớp với khoảng thời gian smartphone và mạng xã hội chưa phát triển mạnh mẽ. Tôi tin chắc rằng, nếu như ngày đó tôi được sắm chiếc điện thoại đắt tiền với tính năng hỗ trợ người dùng tối đa, nếu như ngày đó tôi không học chung với những người bạn giỏi giang, nếu như tôi không ở trong một môi trường áp lực, và nếu như Facebook có nhiều nội dung đa dạng như bây giờ, chắc chắn với tâm hồn non nớt và độ tuổi trẻ con khi đó, tôi đã nghiện điện thoại, nghiện Facebook, học hành xuống dốc và ảnh hưởng đến cả tương lai sau này. Không ai nói với tôi tác hại của việc nghiện Facebook nói riêng, nghiện mạng xã hội nói chung, và tôi cũng không đủ nhận thức để hiểu sự nghiêm trọng của vấn đề này.


Photo by <a href="https://unsplash.com/@plhnk?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Paul Hanaoka</a> on <a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by Paul Hanaoka on Unsplash
Nghiện ngập Facebook
Năm 2015, tôi trở thành một sinh viên đại học. Đó cũng là lúc Facebook đạt đến thời kì hoàng kim và các mạng xã hội khác phát triển rực rỡ. Đại học nhàn thật, tôi thấy vậy. Ai mà nói đại học không nhàn, là do họ biết tận dụng quãng thời gian học đại học. Đối với tôi, học đại học rất thoải mái, khi chỉ đi học rồi về nhà. Không còn áp lực, nhiều thời gian trống, học hành tàng tàng không cần đào sâu kiến thức vẫn có thể qua môn. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với bản thân tôi. Tôi biết rằng, áp lực học tập ở một số ngành học và trường đại học khác rất nặng nề. Học hành không đàng hoàng thì đừng mong ra trường.
Dẫu vậy, quãng thời gian đại học vẫn là quãng thời gian thoải mái với tôi. Vừa rảnh rang không có gì để làm, cũng không biết làm gì, và sợ phải làm gì đó, tôi tìm đến chiếc điện thoại, nay đã là iPhone với dung lượng đủ lớn để tải về những ứng dụng yêu thích. Thoạt đầu, tôi cũng như bao người khác, tải Facebook về điện thoại vì đó là nơi gắn bó lâu ngày, liên lạc với bạn bè, người quen, xem họ đang làm gì, ở đâu. Dần dà, Facebook là mảnh đất màu mỡ để kinh doanh, truyền thông, kiếm thêm lợi nhuận, hái ra tiền. Càng nhiều người dùng Facebook, càng nhiều cơ hội để các cá nhân và tổ chức tạo sức ảnh hưởng.
Đó là khoảng thời gian cuối năm 2015, vào đại học với biết bao háo hức mong chờ, tôi theo dõi tất cả những page tôi cho rằng "bổ ích". Đúng là chúng bổ ích thật, vì đó là những hội nhóm, fanpage chuyên đăng tải những thông tin việc làm, cơ hội hoạt động ngoại khóa, những tài liệu học tập, những tips để phát triển bản thân,... Tôi cũng không cưỡng lại được việc theo dõi những trang thông tin quảng cáo, mua sắm, giải trí, tin hot trong ngày, page cá nhân của những người nổi tiếng, blogger, influencer, những người nhiều kinh nghiệm với những status giàu ý nghĩa. Giờ đây, thay vì dùng Facebook để xem hình ảnh bạn bè, tôi dùng Facebook để xem những thông tin bên lề, những thông tin ở thế giới ngoài kia mà tôi cho rằng chúng bổ ích.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh "nghiện ngập" Facebook khi tôi là sinh viên năm nhất. Tôi chỉ có lịch học vào buổi chiều. Vì vậy, sáng mở mắt đi ăn sáng, nếu có bài kiểm tra thì tôi sẽ học bài, nhưng không phải ngày nào cũng ngồi vào bàn học. Khi không có gì để làm, tôi ngồi gác chân lên thành giường, lướt Facebook trong vô định. Tôi lướt Facebook với một niềm tin: Tôi chỉ like và follow những trang thông tin bổ ích. Vì vậy, làm sao tôi có thể tiếp cận những thông tin "rác", những page giải trí không phù hợp với sở thích của tôi? Với niềm tin sắt đá đó, tôi tiếp tục lướt Facebook và nghĩ rằng tôi đang tiếp thu những tinh hoa tri thức của nhân loại. Tôi không đọc, tôi chỉ lướt. Tôi không ghi chú lại những gì mình thấy, tôi đọc lướt qua, chia sẻ những bài post về tường nhà theo chế độ riêng tư và không bao giờ mở ra để đọc lại. Hàng ngày, Facebook nhắc lại những kỷ niệm "ngày này năm trước". Tôi xem lại những bài post tôi share về tường nhà - một năm, hai năm, và cả ba năm, năm năm trước. Đã sáu năm trôi qua kể từ khi tôi trở thành sinh viên năm nhất. Và tôi chưa lần nào đọc lại những bài post tôi share về trang cá nhân.
Tôi cứ lướt và lướt Facebook thôi. Facebook dễ nghiện thật đấy.
Cảm ơn deadlines ở trường đại học giúp tôi không sa đà vào Facebook
Nhận thấy Facebook của tôi sao mà hỗn tạp quá, tôi còn tạo một tài khoản Facebook ảo, với mục tiêu theo dõi những trang thông tin bổ ích, như là hoạt động ngoại khóa, việc làm, phát triển bản thân,... Ở trong tài khoản Facebook đó, tôi đã làm đúng như mục tiêu ban đầu, nhưng rồi tôi cảm thấy chán và không bao giờ đọc những tin tức từ các trang yêu thích ở Facebook ảo đó nữa. Tôi chẳng bao giờ đăng nhập vào Facebook ấy, vì nó chán ngắt. Tôi chẳng bao giờ dành thời gian để xem những thông tin hay ho. Vì ở Facebook cá nhân của tôi, có nhiều thứ hấp dẫn hơn nhiều.
Ngồi trong lớp, lướt điện thoại. Giảng viên dạy chán, lướt điện thoại. Giờ ra chơi, lướt điện thoại. Một ngày nọ, một người thầy bỗng nhiên nói với lớp tôi: "Các bạn đừng lướt điện thoại trong giờ học nữa. Lâu dần việc đó sẽ trở thành thói quen, cứ lướt như vậy thì mình không tập trung làm được việc gì hết. Cất hết điện thoại vào hộc bàn đi. Người yêu nhắn tin thì kệ nó. Nó lấy lí do chia tay vì không trả lời tin nhắn thì lại càng hay. Có việc cần thì cứ đi ra ngoài nghe điện thoại".
Tôi không nhớ chính xác nguyên văn lời nói của thầy. Nhưng những điều thầy muốn truyền tải khi đó, đối với tôi là một lời cảnh tỉnh. Tôi bàng hoàng thức giấc sau quãng thời gian vùi mình trong điện thoại và Facebook. Từ đó về sau, tôi cố gắng không xem điện thoại mặc dù tôi có thể làm điều đó trong giờ học. Dù cho tiết học có chán đến đâu, tôi tập trung nghe giảng hoặc chép bài, không đụng đến chiếc điện thoại. Sự thờ ơ trong việc học, nhất là những lúc tôi lướt Facebook trên giảng đường - là một tội ác, là một nỗi xấu hổ. Tôi cảm thấy tội lỗi khi bố mẹ bỏ tiền ra để tôi ăn học, thay vào đó tôi lại ngồi trên giảng đường lướt Facebook. Một thầy giáo khác cũng từng ra quy định không được dùng điện thoại và laptop trong giờ học của thầy. Ban đầu, tụi sinh viên chúng tôi la oai oái. Đứa này ra sức ca thán với đứa kia. Thầy vẫn kiên quyết với quy định của riêng thầy: "Các anh chị dùng laptop để lướt Facebook chứ có học hành gì đâu. Ai có việc thì cứ thoải mái ra khỏi lớp mà dùng điện thoại". Quả nhiên, mọi người tập trung hơn hẳn khi chỉ dùng giấy và bút để ghi chú bài giảng. Thầy cũng là một trong số những giảng viên để lại ấn tượng cho lớp chúng tôi vì kiến thức uyên bác, sự tận tâm và nhiệt tình trong công việc giảng dạy.
Tôi chưa thấy một trường học cấp ba nào đồng ý cho học sinh tự do sử dụng điện thoại trong lớp, kể cả khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cho học sinh sử dụng điện thoại như một công cụ phục vụ việc học tập. Nhưng khi lên đại học, sinh viên chúng tôi được tự do dùng điện thoại. Có những lúc giảng viên yêu cầu sinh viên thảo luận nhóm, sử dụng điện thoại, laptop để tìm kiếm tài liệu ngay trong giờ học. Bên cạnh đó, sự tự do này khiến sinh viên dùng điện thoại để lướt mạng xã hội ngay trong giờ học nhiều hơn. Giảng viên biết tỏng điều đó nhưng không nhắc nhở hay trách phạt gì. Thầy giảng bài là việc của thầy, các anh chị sinh viên không chịu nghe thì các anh chị tự chịu hậu quả.
Tôi một mực sống với quy tắc của mình: Cố gắng không lướt điện thoại trong giờ học, kể cả khi đó là tiết học chán ngắt. Lướt điện thoại trong khi giảng viên đang giảng bài trên bục giảng, chính là sự thiếu tôn trọng giữa người với người. Thầy cô sẽ buồn lắm nếu như sinh viên cắm mặt vào laptop, điện thoại mà không phải vì ghi chép bài vở. Ai mà chẳng buồn, chẳng mất động lực khi thấy những học sinh, sinh viên ngồi ở dưới loay hoay bàn tán, xì xào, hoặc cúi mặt vào điện thoại, không thèm nghe lấy một lời của thầy cô. Cá nhân tôi, mỗi khi thuyết trình trước lớp, tôi cũng rất bực bội nếu như ở bên dưới các bạn nói chuyện ồn ào. Có thể, các bạn khác cúi mặt nhìn điện thoại chính là một cách báo hiệu bài thuyết trình của tôi thật buồn tẻ. Tôi chấp nhận điều đó. Nhưng tôi không chấp nhận sự thiếu tôn trọng của đám đông khi người khác đang đứng đó và trình bày ý kiến của họ. Vì vậy, chăm chú nghe giảng, nghe thuyết trình, không chúi mũi vào điện thoại, laptop, chính là cách thể hiện sự tôn trọng của tôi với đối phương, tôn trọng chính bản thân tôi, dù cho bài thuyết trình ấy chưa xuất sắc, dù cho môn học không gây hứng thú, dù cho người thầy chưa truyền được cảm hứng.


Photo by <a href="https://unsplash.com/@stereophototyp?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Sara Kurfeß</a> on <a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by Sara Kurfeß on Unsplash
Hành trình cai nghiện rồi tái nghiện Facebook
Một buổi chiều năm ba đại học, tôi bị giựt mất chiếc iPhone. Bọn trộm vào Facebook của tôi, xóa lịch sử hoạt động, xóa nhật kí định vị. Chúng thay đổi dòng code để tôi không thể vào Facebook, không dò được vị trí của chúng. Tôi vĩnh viễn mất chiếc điện thoại ấy. Tôi cũng ngỡ rằng, tài khoản Facebook của tôi sẽ mãi mãi ra đi với biết bao kỉ niệm.
Sau vài ngày nghiên cứu, bạn tôi tìm ra được dòng code bị thay đổi và bạn lấy lại được Facebook cho tôi. Một phen hú vía. Tôi còn viết sẵn danh sách những người bạn mà tôi bắt buộc phải add friend lại, trường hợp bị mất Facebook cũ. Sau đó, tôi dùng tạm chiếc Samsung đời cũ có sẵn ở nhà. Như đã nói ở trên, điện thoại càng "xịn", càng đời mới, càng có nhiều tính năng hỗ trợ người dùng. Lướt thấy êm tay hơn, màn hình sắc nét hơn, xem video thấy mượt mà hơn, và con người ta càng nghiện điện thoại và mạng xã hội hơn. Chuyển sang dùng lại chiếc điện thoại cũ kĩ, tôi thấy việc lướt web, lướt Facebook, xem Youtube thật chán chường. Chẳng sướng gì cả.
Thời sinh viên trôi qua với quãng thời gian gắn bó với Facebook. Tìm hoạt động ngoại khóa trên Facebook. Tìm việc làm trên Facebook. Nhận những thông báo gấp rút từ khoa cũng trên Facebook. Cũng may còn đi học, còn có gì đó níu giữ tôi lại, chứ không là tôi trở thành "con nghiện" suốt thời sinh viên rồi.
Ngày đầu tiên tỉnh dậy sau khi hoàn thành bốn năm đại học, tôi rơi vào trạng thái vô định. Kiếm việc làm luôn hay là tự cho mình có một mùa hè nghỉ ngơi? Mà làm gì bây giờ nhỉ? Mà sao sợ đi làm quá. Sợ cảnh nộp CV thật nhiều nơi và không nơi nào phản hồi. Sợ những buổi phỏng vấn với những câu hỏi lặp đi lặp lại. Sợ chính bản thân mình khi không biết mình thích gì, mình muốn gì và phải làm gì. Vậy là lại đắm chìm trong mạng xã hội, trong Facebook.
Một ngày nọ, bạn tôi cố gắng kéo tôi ra khỏi vũng lầy của sự nghiện ngập. Lần đầu tiên, tôi biết được cảm giác bứt rứt khi phải xóa Facebook. Tôi như người điên, chỉ muốn đập phá đồ đạc khi không được táy máy lướt điện thoại cả ngày. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần, hai tuần, đầu óc tôi bỗng dưng tỉnh táo hơn hẳn. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản. Trái tim tôi như trút được một gánh nặng, khi giờ đây chẳng còn cảnh cả ngày ngồi và nằm lướt Facebook.
Vài tháng sau, tôi có được công việc đầu tiên sau khi ra trường nhờ một người bạn học chung đại học giúp đỡ. Điện thoại không cài Facebook, nhưng tôi vẫn phải dùng Facebook trên laptop, máy tính, vì công việc của tôi cần đến mạng xã hội này: Đăng tin tuyển dụng trên group Facebook, trả lời inbox của ứng viên, đăng bài trên fanpage công ty,... Lúc này, tôi lướt Facebook trong trạng thái có ý thức. Những lúc như thế, lướt Facebok trở thành một nhiệm vụ, cho nên việc này không gây nghiện chút nào. Thậm chí lại gây căng não, tốn chất xám, vì tôi phải tìm kiếm thông tin, hội nhóm, ghi chú lại những điều tôi thấy có ích cho bản thân. Bên cạnh đó, tôi hiểu được tôi nghiện điện thoại, nghiện Facebook là vì tôi quá rảnh, không có việc gì để làm. Còn khi trở thành nhân viên văn phòng, cả ngày ngồi tám tiếng, về nhà chỉ muốn nằm chết dí trên giường chứ thời gian đâu mà lướt Facebook nữa.


Photo by <a href="https://unsplash.com/@firmbee?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Firmbee.com</a> on <a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by Firmbee.com on Unsplash
Cuộc sống của tôi không thể rời khỏi Facebook, vì tôi chọn cách sống đó. Nghỉ việc, tôi ở nhà và lại làm bạn với Facebook. Xóa app rồi lại tải app. Cứ cái vòng luẩn quẩn như vậy. Thế rồi tôi quyết định phải rời xa Facebook. Tôi nhận ra những bạn bè đồng trang lứa với tôi chẳng còn ai gắn bó với Facebok nữa. Tôi không biết gì về họ, kể cả khi họ dùng Facebook. Có lẽ, tôi phần nào hiểu được cảm giác của những người bạn trạc tuổi. Cả ngày đi làm mệt nhoài, về nhà chỉ muốn leo lên giường, chẳng còn thời gian lướt Facebook. Bực dọc điều gì đó, viết lên Facebook không phải là cách giải quyết tối ưu. Bạn bè "chuyển nhà" sang Instagram với những stories chỉ dành cho "bạn thân" hết rồi. Facebook của chúng ta ít nhiều đều add friend bố mẹ, hay những người họ hàng trong gia đình. Chắc là những người trẻ như chúng tôi ít cập nhật trên Facebook vì không muốn họ hàng nhìn thấy những cảm xúc ngổn ngang của một tuổi trẻ chông chênh không biết ngày cập bến?
Tôi bắt đầu chán ngấy Facebook. Tôi chẳng bao giờ thấy được những bài post của bạn bè. Có thể, họ không cập nhật điều gì. Và cũng vì thuật toán của Facebook luôn đẩy những thông tin từ page, lấn át những status vụn vặt từ những người thân quen. Cứ cách một vài post lại hiện một quảng cáo khác nhau. Facebook đầy rẫy những bài post quảng cáo. (Quảng cáo không xấu. Chỉ là chúng làm tôi phát bực. Doanh nghiệp trong thời đại ngày nay bắt buộc phải chạy quảng cáo nếu muốn tiếp cận người dùng).
Xóa app Facebook trên điện thoại, tôi vẫn lướt Facebook trên trình duyệt web. So với việc lướt bằng app, lướt trên web đỡ nghiện hơn nhiều, thậm chí gây nỗi chán chường, nhưng tôi vẫn mất thời gian để lướt. Lướt trong vô thức. Tưởng như đang tiếp cận những nguồn thông tin giá trị, nhưng thực chất tôi không nhớ những gì đã lướt qua.
Đầu năm 2021, tôi quyết định unlike, unfollow tất cả những page Facebook. Tôi rời khỏi tất cả hội nhóm. Mỗi lần nhấn nút unlike, tôi thắc mắc với lòng mình: Tôi đã theo dõi nhiều page đến thế sao? Có cả những page không bao giờ hiển thị trên news feed của tôi. Mỗi nút unlike là một lần tôi tự giải phóng chính mình khỏi gông cùm của sự nghiện ngập. Không có Facebook, không có những page và hội nhóm, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn hẳn. Đó là một sự giải thoát.


Photo by <a href="https://unsplash.com/@heftiba?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Toa Heftiba</a> on <a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by Toa Heftiba on Unsplash
Và tôi vẫn dùng Facebook.
Tôi dùng Facebook để đăng bài trên page. Thông qua Facebook, một số bạn đọc nhắn tin cho tôi, hỏi han, tâm sự. Tôi cũng nhận được rất nhiều lời cảm ơn, lời động viên từ những người xa lạ nay đã trở thành thân quen, thông qua khung chat bé nhỏ của Facebook.
Nhưng không phải vì Facebook mới có những điều tốt đẹp như thế. Không có Facebook, tôi vẫn có thể đăng tải bài viết ở những trang mạng khác. Không có Facebook, các bạn đọc vẫn có thể liên hệ, trò chuyện trực tiếp với tôi thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Không có Facebook, tôi cảm thấy một ngày dài hơn. Không có Facebook, tôi cảm thấy tôi sống trọn vẹn hơn.

❤️FACEBOOK VÀ TÔI, HIỆN TẠI

Facebook vẫn là nơi để tôi đăng tải những bài viết, là nơi để tôi kết nối với những người theo dõi blog. Nhưng tôi không bao giờ đăng toàn bộ bài viết dài thật dài như bài viết này đây. Vì vậy, tôi cần đến website tạo blog.
Facebook như một ngôi nhà đi thuê: phải tuân theo luật của hợp đồng thuê nhà, chủ nhà thích lấy lại nhà khi nào thì lấy. Page trên Facebook, đó không phải là sở hữu của tôi. Tôi có thể mất nó bất cứ lúc nào. Vì cuộc đời vốn dĩ vô thường, không ai biết ngày mai sẽ ra sao. Không thiếu những trường hợp hack nick, hack page, mua bán page. Khi thấy một page hoặc group nào đó chất lượng, thu hút nhiều thành viên, một số đối tượng lại lăm le hỏi mua page, mua nhóm, không mua được thì hack. Vậy đó, Facebook, mạng xã hội chỉ là những nơi tạm bợ mà thôi.
Hiện tại, tôi dùng Facebook, với một sự ý thức cũng như một nỗi chán chường. Không thích thì tắt Facebook một thời gian. Tham gia rất ít hội nhóm, like một vài page - những page và admin để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Quá nghiện thì dùng News Feed Eradicator để chặn news feed. Khi nào cần tìm điều gì, chúng ta sẽ có cách để tìm điều đó. Chứ không phải tìm bằng cách lướt Facebook.

❤️TẢN MẠN VỀ FACEBOOK

Một buổi trưa buồn chán, tôi vào danh sách bạn bè và sắp xếp theo thứ tự người kết bạn sớm nhất. Ồ, Facebook đã gắn liền với tuổi trẻ của tôi đấy ư. Theo dòng thời gian, những người bạn trên Facebook đại diện cho từng khung trời kỉ niệm. Những người bạn đầu tiên trên Facebook, là những người bạn học chung cấp hai. Sau đó, là những người bạn chung lớp cấp ba. Rồi đại học. Có cả Facebook của thầy cô từ tiểu học cho đến đại học. Rồi những người đồng nghiệp đầu tiên ở công ty đầu tiên. Thêm một số đồng nghiệp ở những công ty sau này. Và hiện tại, là những bạn nhỏ hơn tôi vài tuổi, có thể xa lạ, có thể thân quen - đại diện cho khoảng thời gian hai năm gần đây tôi viết blog. Tự hỏi rằng sau này các bạn sẽ unfriend tôi chăng, khi add friend tôi các bạn trông đợi điều gì? Là được đọc những chia sẻ thật hay, thật bổ ích? Là "theo dõi" một người nhiều kinh nghiệm hơn? Khi thấy tôi đăng những thứ vớ vẩn không liên quan đến bạn, bạn có unfriend tôi không, giống như tôi ngày trước add rất nhiều người và unfriend cũng rất nhiều người. Hiện tại, bất cứ ai add friend tôi, đặc biệt là những ai biết tôi qua blog, tôi đều add lại. Thời gian càng lùi xa, tôi không còn gói gọn trong suy nghĩ: Chỉ add friend những người thực sự thân thích - những người thân quen đã từng gặp mặt ngoài đời. Suy nghĩ tôi đã đổi khác. Bao nhiêu người add friend cũng được. Quen biết càng nhiều người càng tốt. Vì biết đâu, sẽ có một ngày tôi cần họ. Hơn nữa, công việc viết blog đòi hỏi trải nghiệm và quen biết rộng, và Facebook là công cụ hữu hiệu cho mong muốn ấy.
Unfriend trên Facebook chẳng thành vấn đề. Cứ tưởng tượng như là một người bạn đã chuyển lớp, chuyển trường. Chúng ta có thể không bao giờ gặp lại họ thêm lần nào nữa trong cuộc đời. Mười năm trước, tôi chơi Facebook theo trào lưu. Tôi add thật nhiều bạn bè, từ những người học chung trường, chung lớp, cho đến những người tôi chưa bao giờ nói chuyện ngoài đời. Chỉ cần biết họ đôi chút, là tôi add. Có những người đồng ý kết bạn, nhiều người thì không. Tôi trách họ tại sao khó khăn với nút add friend đến thế. Và tôi hiểu ra, có vẻ như càng trưởng thành, con người ta chỉ muốn gắn bó với những người thực sự hiểu họ, thực sự quan tâm đến họ, chứ không phải với những người xã giao ngoài kia, những con người chưa một lần nói chuyện, thậm chí là người dưng xa lạ. Thật băn khoăn nếu như đăng tải hình ảnh, trạng thái cá nhân lên Facebook mà chỉ có người lạ thấy được.
Facebook ảo lắm. Đầy rẫy những giá trị ảo trên đó. Có những người thật oai, với "thương hiệu cá nhân" hào nhoáng làm bạn choáng ngợp. Bạn ao ước trở thành như họ. Nhưng đôi lúc, đằng sau những hình ảnh ấy là một chiếc thùng rỗng kêu to thì sao? Bạn sẽ thất vọng rất nhiều đấy.
Đầu năm 2021, có một bạn nhắn tin cho tôi, hỏi tôi cách xây dựng content cho page. Bạn biết tôi thông qua một group Facebook nọ. Bạn ấy đang xây dựng một page về ngành hàng mỹ phẩm nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào. Tôi không có nhiều kinh nghiệm, cho nên biết được bao nhiêu thì tôi nói hết với bạn. Chẳng giúp bạn được gì, nhưng bạn vẫn vui vẻ và cảm ơn tôi bằng cách: "Cảm ơn bạn. Mình sẽ "trả công" xứng đáng. Mình vừa tặng bạn 1000 followers đó". Tôi ngớ người ra: "Tặng 1000 followers là sao nhỉ?". Sau đó, số lượng người theo dõi Facebook cá nhân tôi tăng đột biến như đồng bitcoin. Đúng là bạn ấy "tặng" tôi 1000 người follow thật. Nhưng tôi thấy việc này thật nguy hiểm. Facebook dễ dàng "hack" like, "hack" follow như thế sao? Lượng like và lượng followers có thể trao đổi qua lại, có công cụ để tăng chóng mặt như thế ư? Giờ đây, có cả những dịch vụ tăng tương tác cho page, group, có cả những trao đổi mua bán; thước đo của một chiến dịch, của một bài viết là lượng like, share và comment. Những người giàu kinh nghiệm trong ngành hiểu rằng lượng like, share, follow không phải là thước đo chính xác và duy nhất cho một bài viết truyền thông. Thế nhưng vẫn còn nhiều lầm tưởng và ngoài kia vẫn còn nhiều người vin vào điều ấy.
Cảm thấy sợ hãi hơn là vui mừng, tôi tắt nút follow ở trang cá nhân, xóa những tài khoản ảo vừa follow tôi, đồng thời block người bạn kia. Dù sao đó cũng chỉ là một nick ảo. Bạn ấy có ý tốt muốn cảm ơn tôi. Có thể bạn ấy cho rằng tăng follow là một điều hay, nhưng tôi không chạy theo những giá trị ảo như thế.


Photo by <a href="https://unsplash.com/@neonbrand?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">NeONBRAND</a> on <a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by NeONBRAND on Unsplash

❤️NẾU MỘT MAI KHÔNG CÒN FACEBOOK NỮA

Nếu một mai không còn Facebook nữa, điều tôi lưu luyến nhất đồng thời trân quý nhất, chính là những hình ảnh cá nhân, tập thể, những hình ảnh tôi tự đăng và những hình ảnh tôi được tag. Chúng đại diện cho những năm tháng tôi đã đi qua., từ thuở còn là một cô học sinh cho đến một người đang bước chân vào thế giới người trưởng thành. Ngày Facebook biến mất, tôi không sợ lãng quên những kỉ niệm thời thanh xuân, vì tôi đã lưu lại tất cả những hình ảnh ấy, những kí ức tươi đẹp trước khi Facebook tạm biệt cuộc sống này. Thời chưa có Facebook, chúng ta lưu giữ kỉ niệm bằng cách rửa và in ra những bức ảnh dung dị. Và giờ đây, những bức ảnh ấy chính là kho báu vô giá. Công nghệ càng phát triển, thời gian thoăn thoắt thoi đưa, con người lại càng muốn trở về với những ngày xưa cũ. Hãy gọi tôi là một người hoài cổ. Và tôi tin rằng, vẫn còn đó thật nhiều tâm hồn hoài cổ như tôi ở cuộc sống ngoài kia.
Nếu một mai không còn Facebook nữa, chắc chắn Mark Zuckerberg sẽ thông báo điều đó trước vài ngày, hoặc thậm chí vài năm để cả thế giới chuẩn bị. Mỗi người sẽ có một cách chia tay Facebook khác nhau. Còn tôi, tôi sẽ xem lại dòng thời gian Facebook cá nhân. Ở đó, tôi lưu giữ những status vụn vặt. Ở đó, tôi có những lời chúc, từ bạn bè, từ người thân - lời chúc mừng sinh nhật, lời chúc mừng năm mới, câu nhắn gửi chúc mừng Giáng sinh, những lời chúc vào những dịp đặc biệt và vào những ngày bình thường như mọi ngày trong đời. Facebook của tôi, cất giữ những kí ức bình yên và tươi đẹp. Nếu Facebook không ra đời, chắc chắn những kí ức ấy vẫn ngự trị ở một nơi nào đó. Vững chãi hơn, ít náo nhiệt hơn. Như trong trái tim chẳng hạn.
Nếu một mai không còn Facebook nữa, tôi sẽ đọc lại lâu thật lâu những tin nhắn Messenger. Từ tin nhắn cũ nhất cho đến tin nhắn mới nhất. Tôi mỉm cười, khi đọc những tin nhắn giữa tôi và bạn bè, khi chúng tôi còn là những học sinh trung học. Tự hỏi lòng mình, ngày xưa đã từng vô tư đến thế sao? Dòng ký ức cuồn cuộn chảy. Hình ảnh của những ngày đã xa ùa về trong tâm trí. Đọc lại những tin nhắn với bạn bè, chợt nhận ra xung quanh tôi luôn thường trực những con người thú vị, những người bạn hồn nhiên, ngây thơ, nhưng cũng thật chín chắn, trưởng thành. Chúng tôi đã từng trò chuyện với nhau về những dự định tương lai, về những ngày sắp tới, thật mơ hồ nhưng cũng thật hấp dẫn. Chúng tôi đã từng kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối - những câu chuyện đã trôi vào quá khứ nhưng lại là bước đệm vững chắc cho tương lai. Lật giở lại những cuộc trò chuyện cũ, chợt nhận ra ký ức là một món quà vô giá.
Nếu một mai không còn Facebook nữa, tôi sẽ mừng thầm trong bụng. Vậy là mối quan hệ độc hại giữa tôi và Facebook đã chấm dứt thật rồi. Giờ đây tôi sẽ tập trung hơn, không mất đi quãng thời gian quý giá và chẳng còn bận tâm người khác nghĩ gì về mình. Rời khỏi Facebook là một sự giải thoát. Tôi sẽ mừng lắm khi Facebook bị xóa sổ. Tôi sẽ không còn bị sao nhãng. Tôi sẽ không còn lướt news feed như một thói quen, như một sự tò mò thế giới ngoài kia đang vận hành như thế nào. Ngày Facebook biến mất, tôi sẽ là người hạnh phúc nhất.
Nhưng tôi chợt nghĩ, cái mới sẽ xuất hiện khi cái cũ mất đi. Facebook nói riêng, chỉ là một điểm tựa để công nghệ phát triển ngày một rực rỡ. Thế giới phát triển theo chiều hướng đi lên, nghĩa là cái mới sẽ được sản sinh ra dưới nền tảng cái cũ. Facebook mất đi, sẽ có thứ khác hiện đại hơn, toàn năng hơn thay thế. Như là sự tạm biệt của Nokia, của Yahoo Messenger. Những công ty ấy biến mất vì không chịu thay đổi, hoặc thay đổi không kịp với cuộc cách mạng công nghiệp nhanh như vũ bão. Hiện tại, công nghệ đang phát triển vượt bậc và con người khát khao chinh phục những điều lớn lao hơn. Facebook mất đi, sẽ nhường chỗ cho những điều không tưởng hơn nữa.
Facebook không phải là cuộc cách mạng của thế giới. Mark Zurkerberg không phải là người thay đổi cuộc sống của chúng ta. Anh cũng không phải là người thông minh nhất, nhưng anh lại là người biết nắm bắt cơ hội và dám thực hiện những ý tưởng dù chỉ mới nhen nhóm trong đầu. Ngày Facebook không còn, sẽ là ngày những dải ngân hà mạng xã hội khác xuất hiện. Biết đâu được, đó sẽ là ngày Metaverse thực sự là một vũ trụ, như tham vọng của Mark Zukerberg thì sao.
Đầu tháng 10 năm 2021, một lần nữa Facebook bị mất kết nối trên toàn cầu. Lần này, quãng thời gian dài hơn hẳn khi Facebook mất tận bảy tiếng mới có thể phục hồi như trạng thái ban đầu. Tối hôm ấy, tôi không thể vào Facebook, Instagram, Messenger cũng chẳng thế gửi tin nhắn. Tắt máy đi ngủ, lòng tôi chẳng bực dọc gì, vì tôi chẳng có công việc nào phụ thuộc vào Facebook. Thức giấc vào sáng hôm sau, cả thế giới rầm rộ vì sự cố của Facebook. Hóa ra cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào mạng xã hội nhiều như vậy. Nhưng đó chỉ là một ngôi nhà cho thuê, một nơi trú ngụ tạm bợ, một nơi dừng chân ngơi nghỉ, dù cho lâu thật lâu. Không có Facebook, chắc chắn sẽ có một thứ khác xuất hiện và thay thế. Biết đâu được, ngay bây giờ, ở một nơi nào đó, ở một kí túc xá trường đại học hoặc ở một ngôi nhà nào đó, có một sinh viên, một cô cậu học sinh, hoặc một con người nào đó đang gõ những dòng code đầu tiên đủ sức rung chuyển cả thế giới.
Nếu một mai không còn Facebook nữa, đừng buồn nhé vì tôi sẽ ở bên cạnh bạn. Không còn Facebook, tôi vẫn hiện diện ở những trang thông tin liên lạc khác. Bạn vẫn có thể trò chuyện với tôi, tìm thấy tôi, miễn là bạn thực sự muốn, miễn là những dòng suy nghĩ, cảm nhận, những bài viết của tôi đem lại cho bạn những cảm xúc thực sự đồng điệu. Cũng như tôi, cũng là một độc giả, có cho mình những tác giả, những con người lay động tâm hồn. Tôi vẫn nhớ đến họ, kể cả khi họ và tôi không dùng mạng xã hội. Không truy cập vào Facebook, tôi vẫn nhớ về họ như những người bạn lâu ngày, vì họ đã để lại những ấn tượng khó phai, những kỉ niệm không thể nào thay thế. Và một ngày nào đó, tôi sẽ tìm được họ theo cái cách tình cờ nhất.
Nếu một mai không còn Facebook nữa, cả thế giới sẽ dùng YouTube chăng? TikTok sẽ ngồi chễm chệ trên ngai vàng của vương quốc mạng xã hội? Nếu một mai không còn Facebook nữa, bạn có thể tìm tôi ở trang blog này, với địa chỉ email cũng như có thể trò chuyện trực tiếp với tôi, thông qua hình thức nào đó. Mọi việc rất dễ dàng, chỉ là có muốn làm hay không.
Nhưng bạn đừng lo, nếu một mai không còn Facebook nữa, bạn không cần đi tìm tôi đâu. Vì tôi sẽ có cách để tìm đến bạn.
============ ===========
P/S: Nếu một mai không còn Facebook nữa, Spiderum chính là mạng xã hội tiêu biểu nhất dành cho những người yêu thích viết lách. Nếu ngày mai Facebook mất đi, website của Spiderum vẫn vững chãi ở đây. Biết đâu được, ngày Facebook biến mất, chính là kỷ nguyên của những trang web dành cho cộng đồng yêu viết lách, như là Spiderum thì sao.
Ngày Facebook biến mất, chắc chắn Spiderum vẫn ở đây, đúng chứ?