1955 - 1975
1955 - 1975
Đối với Việt Nam, chiến tranh không phải là một thuật ngữ xa lạ khi chính đất nước đã trải qua 2 cuộc kháng chiến lớn để đem lại độc lập, tự do và sự thống nhất toàn dân tộc. Thống nhất ở đây có 2 phương diện, về lãnh thổ và về dân tộc. Chiến tranh Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 đã thể hiện sâu sắc sự chia cắt đó, có những gia đình, người thân của họ chiến đấu ở 2 bên chiến tuyến, suy cho cùng yếu tố con người vẫn là tiên quyết khi nó chỉ ra được đâu là một cuộc chiến phi nghĩa. Đó chính là những suy nghĩ của mình sau khi xem bộ phim “From Hollywood to Hanoi” công chiếu năm 1992 của nữ đạo diễn Tiana Thị Thanh Nga. Bộ phim đã được đề cử cho hạng mục “Best Non-Fiction Film” tại liên hoan phim Sundance cùng năm đó.
Tiana Thị Thanh Nga hay Tiana Alexandra – Silliphant, cô là vợ của nhà biên kịch đoạt giải Oscar Stirling Silliphant, một trong hai người quan trọng đã có ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn cũng như sự nghiệp làm phim của cô, người còn lại chính là huyền thoại phim võ thuật Lý Tiểu Long. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha là viên chức cấp cao của chính quyền cũ ở Sài Gòn những năm 50, đến năm 1966 khi xung đột ở miền Nam trở nên căng thẳng, Tiana cùng gia đình định cư sang Mỹ. Đối với Tiana, Việt Nam luôn giữ một vị trí trong ký ức của cô, ban ngày đi học ở trường, Tiana nói tiếng Anh nhưng buổi tối, khi về nhà, cô thường nằm mơ về Việt Nam. Khát khao muốn khám phá phần Thanh Nga trong mình cùng với cá tính mạnh mẽ, năm 1987 Tiana quyết định quay lại Việt Nam mặc cho sự phản đối của gia đình.“From Hollywood to Hanoi” chính là thành quả của những chuyến trở về đó.
Trailer
Là bộ phim Mỹ đầu tiên được thực hiện kể từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, “From Hollywood to Hanoi” được ví như cây cầu hòa bình, xoa dịu nỗi đau chiến tranh được cả hai nước trong cuộc, Việt Nam và Mỹ đánh giá cao. Bộ phim đưa ta theo chân nữ đạo diễn Tiana trở về Việt Nam cuối những năm 80 đầu thập niên 90. Từ Sài Gòn là nơi Tiana sinh ra và lớn lên đến Đà Nẵng quê hương của cha cô và cuối cùng là Hà Nội thủ đô của nước Việt Nam, nơi mà thuở bé Tiana được nghe kể rất nhiều nhưng chưa bao giờ có cơ hội đặt chân đến.
Hành trình trở về đó được Tiana so sánh trong một buổi phỏng vấn với hành trình của cô bé Dorothy trong phim “Phủ Thủy xứ Oz”. Cả 2 đều có một điểm chung đó là đều tìm đường để trở về “nhà” và đối với Tiana, nhà chính là Việt Nam. Khi xem phim, ta sẽ cảm thấy được chất giọng trần thuật hồn nhiên và chân thành của chính đạo diễn, bởi những điều mà cô được học khi xưa và định kiến của người lớn đã tác động đến hình ảnh Việt Nam ở trong cô. Để rồi đến khi bản thân được trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận chính đất nước của mình, thì những quan điểm khi trước đã bị thay đổi và thay vào đó là một cái nhìn mới hơn, rõ hơn về Việt Nam. Khi đấy, tình yêu đất nước và con người của Tiana đã được chúng ta cảm nhận qua các bức thư mà sau mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm mới Tiana gửi về cho gia đình.
“From Hollywood to Hanoi” thành công khi thể hiện chân thực những khó khăn và hậu quả của chiến tranh như khi đạo diễn Tiana tới thăm những em bé bị nhiễm chất độc màu da cam hay hình ảnh của những người con lai ở Việt Nam không biết rõ cha mẹ, cũng như danh tính của mình là ai. Tất cả đều được truyền tải bằng hình ảnh phim rõ nét chân thực phần nào nói lên mong muốn của đạo diễn nhằm làm một điều gì đấy để giúp đỡ và khắc phục những khó khăn mà cuộc chiến mang lại.
Bất ngờ ở bộ phim đó là có sự xuất hiện của các nhân vật cấp cao – những người đã từng điều khiển cuộc chiến như tướng Westmoreland hay ở Việt Nam như đại tướng Võ Nguyên Giáp, thủ tướng Phạm Văn Đồng và bác Lê Đức Thọ. Những đoạn phỏng vấn đó cho chúng ta thấy đúng nhất cái nhìn và quan điểm ở cả hai nước về cuộc chiến. Không những thế, ở bộ phim còn là tình cảm đặt biệt của đạo diễn Thanh Nga dành cho đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà cô biết tới là giáo viên dạy lịch sử của cha cô nhưng đồng thời cũng chính là người tạo nên lịch sử với những chiến công trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước.
Một điểm mình rất thích ở “From Hollywood to Hanoi” chính là chất liệu phim nhựa 16 ly, phổ biến ở thời điểm bấy giờ trong ngành công nghiệp phim tài liệu vì nó đủ gọn nhẹ để vừa có thể di chuyển, vừa quay. Đồng thời, nó còn tạo nên hình ảnh phim mang cảm giác hồi tưởng và vô cùng gần gũi về Việt Nam nói chung và đặc trưng về Sài Gòn nói riêng vào cuối những năm 80 đầu thập niên 90.
Kết thúc phim với bài hát “Tôi Sẽ Đi Thăm” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thể hiện sâu sắc chủ đề của bộ phim, đặt trong hoàn cảnh sau cuộc chiến, khi đất nước hòa bình, những người con dù ở bất cứ nơi đâu trở về chung tay giúp đỡ phát triền đất nước, khắc phục hậu quả của chiến tranh. Không những thế, đối với bản thân mình, bài hát còn có tác động lớn vì sau khi xem phim mình đã nghe lại bài hát nhiều lần và dường như nó thúc đẩy trong mình mong muốn để tìm hiểu nhiều hơn nữa về lịch sử và về chính đất nước Việt Nam nơi mình sinh ra và lớn lên.
Bài hát kết thúc phim
Chiến tranh là một trong những chủ đề vĩ đại của các tác phẩm nghệ thuật, nói vĩ đại ở đây vì có quá nhiều khía cạnh có thể nhìn thấy ở trong đó, từ những sự hy sinh, tình đồng đội trên chiến trường cho đến sự mất mát, chia ly nơi hậu phương. Không có một bộ phim nào, kể cả phim tài liệu có thể vẽ lại bức tranh toàn cảnh của một giai đoạn lịch sử hay của một xã hội nhưng nó có thể gợi nên cho người xem sự đồng cảm và tình yêu dành cho một đất nước hoặc dân tộc từ đó truyền cảm hứng khát vọng muốn biết nhiều hơn về lịch sử và con người.