Franz Kafka và Felice Bauer năm 1917.
 Franz Kafka và Felice Bauer vào năm 1917. Ảnh: Danh mục Mondadori / Hình ảnh: Getty                   Nguồn The Guardian
Ngày 1 tháng 11 năm 1912,
Fraulein Felice thân mến!
Em đừng giận vì cách xưng hô của anh nhé, chí ít là không phải vào lúc này, trong bức thư này, bởi nếu anh kể em nghe về cuộc sống của anh như em đã yêu cầu đôi ba lần trước thì anh sẽ phải nhắc đến vài điều nhạy cảm – những điều thật khó để có thể nói với một “Fraulein Bauer”. Dù sao thì cách xưng hô mới này cũng không quá tệ, đúng không?
Về cơ bản thì cuộc sống của anh luôn gắn liền với việc viết lách và phần lớn đều thất bại. Nhưng khi anh không viết, anh lại cảm tưởng như mình đang nằm bẹp trên thảm đất như một kẻ bỏ đi. Sức lực của anh vỏn vẹn một cách đáng thương. Và ngay cả khi anh không nhận ra, thì nó cũng hiển hiện rõ ràng, rằng anh cần kiềm chế mình mọi lúc, cố gắng không bị phân tâm trước quá nhiều điều quanh mình để giữ đủ nguồn năng lượng cho mục đích thực sự của anh. Khi mà anh không làm như vậy, (Trời ạ, ngay cả trong những ngày lễ như thế này, khi anh đang hành xử như một kẻ trực ở cơ quan, cũng sẽ không có lấy một sự an tĩnh, cũng sẽ có hết người khách này đến người khách khác, như thể mọi thứ sắp bùng nổ), cố làm điều gì vượt quá sức mạnh của mình, anh lập tức bị trói buộc, bị tổn thương, bị nhục mạ và rơi vào thế của kẻ yếu. Nhưng sau tất cả, những điều khiến anh đau lòng ấy lại là cơ sở cho niềm tin nơi anh về một nơi nào đó, có thể sẽ rất khó để tìm thấy, sẽ có một vì sao lành chiều rọi, để con người có thể tiếp tục sống. Anh đã từng vẽ ra một danh sách chi tiết những điều bản thân có thể hi sinh cho nghiệp viết, cũng như những điều được viết ra từ chính cuộc đời anh, hay đúng hơn là tất thảy sự mất mát trong cuộc đời anh chỉ có thể được giải thích theo cách ấy mới khiến anh thôi âu sầu.
Thực lòng thì anh là một kẻ gầy gò, gầy gò bậc nhất trong những người anh quen biết (anh có thể khẳng định vì anh không xa lạ gì với nhà điều dưỡng). Không có điều gì kết nối anh với nghiệp viết lại đáng bị gọi là thừa thãi – dù đã chịu đựng quá nhiều và không thể chịu đựng thêm. Nếu như có một thứ quyền lực đang muốn lấy anh làm trò tiêu khiển thì anh sẽ trở nên thật đáng thương, không hơn gì một thứ công cụ hoàn hảo. Còn nếu không, anh sẽ chẳng là gì cả, và rồi buông rơi trong một không gian trống trải đáng sợ.
Giờ đây, cuộc sống của anh đã rộng mở hơn trước nhờ những suy tư về em, cứ 15 phút khi anh thức giấc và anh sẽ chẳng thể làm được gì nếu không nghĩ đến em. Điều đó có liên quan mật thiết với việc viết lách. Đời anh là gì nếu không phải sự bấp bênh của nghiệp viết ấy. Trong suốt những thời kì tăm tối, anh sẽ không có đủ can đảm để đến với em. [...]
Gần đây, anh rất ngạc nhiên khi nhận ra giữa em và nghiệp viết của anh có sự gắn bó với nhau như thế nào, dù rằng gần đây anh vẫn tin rằng có những khoảng thời gian anh tin rằng anh không nghĩ quá nhiều đến em khi anh viết điều gì đó. Trong một đoạn ngắn anh từng viết, giữa những điều khác, có những điều liên quan đến em và những lá thư của em: Ai đó đã trao một thanh sô-cô-la. Có một cuộc nói chuyện về việc làm xao nhãng ai đó trong giờ làm việc. Sau đó điện thoại reo. Và cuối cùng có người giục ai đó đi ngủ và dọa rằng sẽ tống cổ anh ta về phòng nếu anh ta không nghe lời, điều nghe như lời của những bà mẹ thường phàn nàn khi ta ở quá muộn tại phòng làm việc. Lời văn đó rất đỗi thân thuộc với anh, trong chúng anh như chạm đến được em dù em không hề cảm thấy gì, và bởi vậy mà em chẳng thể rời xa anh. Và giả như em có đọc đôi điều anh viết, những chi tiết nhỏ có thể không đề cập đến em. Nhưng hãy tin ở anh, có lẽ đâu đó trên thế giới này em sẽ tìm thấy chính mình theo cách tuyệt vời hơn những chi tiết vụn vặt ấy.
Cuộc đời anh gắn liền với nghiệp viết và nếu có sự xáo trộn nào, thì âu cũng là để phục vụ cho việc viết tốt hơn, bởi thời gian thì ngắn ngủi, sức lực thì có hạn, ở văn phòng thì thật tệ hại, ở nhà thì lại ồn ã. Và nếu cuộc sống bình ổn và đáng để hài lòng là điều không tưởng, thì con người cần cố gắng lách qua như một kẻ “giật dây” khôn khéo. [...] Đã một tháng rưỡi nay, với vài ngày ngắt quãng vì sự yếu đuối khó có thể chấp nhận được, thời gian biểu của anh thường thế này: từ 8h đến 14h hoặc 14h30 - ở văn phòng, 15h-15h30 – ăn trưa, sau đó thì đi ngủ (thường thường chỉ là ý định: cả tuần lễ liền anh chỉ nhìn thấy Montenegrins trong những giấc mơ, với những ấn tượng rõ ràng đến kinh ngạc, nó khiến anh đau đầu, anh cảm tưởng như mình có thể nhìn thấy mọi chi tiết phức tạp của nó), đến tận 19h30, sau đó tập thể dục mười phút cạnh ô cửa sổ mở, rồi có một giờ đi dạo cùng ông Max hoặc một anh bạn, tiếp đó là ăn tối cùng gia đình (tôi có 3 chị em gái, một người đa có chồng, một người có người yêu, còn cô út thì vẫn chưa có bạn trai – người thân thiết với anh hơn cả, dĩ nhiên nó không đồng nghĩa với việc anh không yêu quý hai người kia); 22h30 (nhưng cũng có khi là 23h30), anh ngồi vào bàn và viết cho đến khi kiệt sức, có khi viết say sưa đến tận 1,2,3 giờ đêm, có lần là tới tận 6h sáng. Rồi lại tập thể dục, tất nhiên là tập nhẹ nhàng thôi, tắm rửa một chút, rồi sau đó thường khi đi ngủ anh sẽ gặp một cơn đau tim nhẹ, các cơ bụng thì bứt rứt. Anh sẽ cố tìm cách thiếp đi – một điều rõ là không thể - vì con người chẳng thể nào vừa ngủ (Herr K thậm chí còn đòi hỏi một giấc ngủ không mộng mị) vừa nghĩ về công việc và cố gắng giải quyết những vấn đề mà một câu trả lời chẳng thể giải quyết thỏa đáng, như là liệu ngày mai có nhận được thư của em nữa không, và bao giờ anh mới lại nhận được thư của em đây. Vì vậy mà buổi đêm gồm hai phần: phần thứ nhất là hoàn toàn tỉnh táo và phần kia là trằn trọc khôn nguôi. Và nếu anh kể em nghe toàn thì câu chuyện sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Và đương nhiên sau đó cũng không có gì ngạc nhiên là anh sẽ lại đến cơ quan và rơi vào vòng lặp với toàn bộ sức lực cuối cùng còn sót lại.  Trước khi vào giờ làm, ở ngoài hiên chỗ anh thường gặp nhân viên đánh máy của anh, có một chiếc xe đẩy để phân phát tài liệu, hồ sơ mẫu. Mỗi lần đi qua, anh lại cảm thấy chiếc xe đó được làm ra để dành cho anh vậy, và nó đang chờ đợi anh tiến tới.
Để tóm lược lại thì, anh không chỉ là một người làm thêm mà còn là người chế tạo. Người em rể của anh có một nhà máy sản xuất amiang, anh là một thành viên trong đó (dù bố anh mới là người góp vốn) mà sống như một kẻ ngoại biên. Cái nhà máy đó đã mang đến co anh không ít lo toan và muộn phiền nhưng ngay lúc này anh không tiện kể em nghe về điều đó. Sớm muộn gì anh cũng buông bỏ nó, chẳng hợp tác gì nữa.
Lại một lần nữa anh chẳng kể được chi nhiều cho em và cũng chưa kịp hỏi chuyện em nhưng đã phải kết thúc. Nhưng không có một câu hỏi nào không có nghĩa là chúng bị bỏ qua. Thật kỳ diệu khi hai người chẳng thể gặp nhau, chẳng thể nói cùng nhau nhưng vẫn có thể chia sẻ cho nhau nghe về những hồi ức trong nháy mắt, dù chẳng cần nói ra tất thảy. Nó như một phép màu kỳ ảo, vô thưởng vô phạt. Vậy nên anh sẽ dừng lời, và em sẽ dự đoán. Thật là ngắn ngủi, giống như mới thoáng chốc đây thôi.
Tạm biệt em, với một chiếc hôn tay thật sâu.
Franz K.

Hải Yến dịch.

 Chú giải
1. Bài viết được dịch từ Letters to Felice.
2. Felice Bauer là người họ hàng xa của Max Brod - một người bạn thân của Kafka. Cô gặp Kafka trong một lần đến chơi nhà Max Brod. Dù không thể thường xuyên gặp mặt nhưng giữa Franz và Felice đã có sự liên lạc qua những bức thư. Cuộc gặp gỡ lần cuối của họ là vào năm 1917 tại Praha, đặt dấu kết thúc cho cuộc tình qua thư. 
3. Trên đây chỉ là một trong vô số các bức thư giữa Franz Kafka và Felice Bauer. Mình lựa chọn bức thư này để dịch bởi tại đây mình không chỉ thấy được một góc chân thành và thương yêu nồng nhiệt của cây bút thể kỉ XX mà còn thấy được những yếu đuổi và khát khao của con người ấy.  
Tác phẩm của Kafka vốn khó giải mã, mình đã cố gắng, nhưng có những phần chẳng thể dịch trọn vẹn.
4. Mình biết đến Kafka qua cô giáo dạy Văn của mình - người đã đưa chúng mình với thế giới bên ngoài chương trình sách giáo khoa (điều này đúng với cả thế giới văn học nói riêng và cuộc đời nói chung). Và mình thấy biết ơn vô vàn!