Về cơ bản, mình cũng có nỗi sợ bị lỡ mất một thứ gì đó, một thông tin gì đó trên internet. Mình có nhiều lý do để biện minh cho việc sở hữu nỗi sợ này: vì mình làm marketing, vì mình làm content, vì mình cần update nhiều thứ để phục vụ công việc, vì mình đang trong một cộng đồng nhỏ nên phải update tin tức của mọi người để tương tác kịp thời... Nên sau nhiều nỗ lực, từ gỡ app, khóa tài khoản, cho đến giới hạn thời gian sử dụng, mình vẫn lướt các thể loại mạng xã hội. Hôm nào lướt FB ít thì lướt Instagram nhiều, và ngược lại.
Ảnh bởi
Brett Jordan
trên
Unsplash
Cho đến một ngày, mình tự nhiên thấy bứ.
Sao newsfeed toàn tin nhảm thế nhỉ? Tại sao mình phải xem hết stories của những đứa bạn này nhỉ? Đằng nào thì những đứa mình cần giữ liên lạc - mình vẫn đang giữ và vẫn đang hỏi han chúng nó mà. Mình có mua sắm đâu mà phải lướt lắm shop thế nhỉ? Rõ ràng có nhiều platform để đọc tin tức hơn mà cứ phải lên Facebook nhỉ? Các kiến thức người ta post trong các group mình toàn skip mà, lướt tiếp làm gì nhỉ?
Ảnh bởi
Vladimir Fedotov
trên
Unsplash
Những câu hỏi chen chúc trong đầu, nhưng tay thì cứ lướt. Cảm giác ấy khiến mình nhớ lại một ký ức từ hồi cấp 2.
Hồi đấy nhà mình lắp truyền hình cáp, chỉ có tivi ở phòng khách và phòng của bà nội. Ngồi ở phòng khách lâu thì bố mẹ sẽ nhắc tắt tivi, nên mình hay chui sang phòng bà để xem cho thoải mái. Mà bà thì hay ngủ sớm, nên mình thường xem tivi trong không gian tối om, với âm lượng thật nhỏ. Thời điểm đấy phòng cũng chưa có điều hòa, nên mình thường ngồi xem mà không bật thêm quạt.
Hôm đấy, mình xem một bộ phim trên HBO, thực sự không thể nhớ được tên phim. Nội dung nói về một rạp hát, hay là gánh xiếc gì đó, do một người đàn ông vận hành. Ông ta có một cô con gái xinh xắn. Để giữ con trong tầm kiểm soát, ông ta cho cô gái đeo một chiếc lắc chân gắn đầy những chiếc chuông, chỉ ông mới có thể mở khóa.
Sau này, cô gái gặp chàng trai mình yêu và rời bỏ gánh hát với những sân khấu sặc sỡ được dựng lên từ ảo ảnh. Cuộc rời bỏ là sự săn đuổi và chạy trốn giữa hai cha con. Mình không nhớ diễn biến thế nào, nhưng nhiều năm sau, người cha tìm lại được con gái ở một thành phố lớn, nhộn nhịp và hiện đại. Cô con gái lúc này đã có một cậu con trai nhỏ, và vẫn giữ chiếc vòng chân. Nhưng khi hai cha con đối diện thì cô không nhận ra cha mình nữa.
Toàn bộ quang cảnh và diễn biến bộ phim mang một gam màu tối và bức bách. Giống như không gian mình xem phim. Nên thi thoảng khi cảm thấy bức bách, mình lại thấy con bé cấp 2 năm nào đang ngồi xem tivi trong căn phòng kín bưng và tối om, bộ phim cũng tối om và bức bách không gian bên ngoài.
À một bộ phim khác, cũng đem lại cảm giác ngột ngạt như thế cho mình, là Bi, đừng sợ.
Rõ ràng, khi ấy, mình chỉ cần tắt phụt màn hình đi. Bước ra ngoài, rửa mặt và lên giường đi ngủ. Thì không, mình cố nán lại, xem cho hết bộ phim rồi vươn mình ngáp dài lết về giường.
Bây giờ cũng thế, khi đối chiếu lại những cảm giác mình đã trải qua trong quá khứ với những sự kiện hiện đại. Vẫn là cảm giác ngột ngạt, bí bách. Vẫn là sự tò mò bướng bỉnh nán lại xem nốt. Chỉ là từ một bộ phim đã chuyển thành một thói quen.
Nếu mình không lướt tiếp, thì mình cũng chẳng mất gì, chẳng bỏ lỡ gì. Nhưng không thể cứ thế mà đặt điện thoại xuống được. Đặt xuống thì vừa ăn cơm vừa làm gì, vừa đi ẻ vừa làm gì, vừa nói chuyện vừa làm gì?
Ảnh bởi
Anne Nygård
trên
Unsplash
Thì gần đây, sau 2 tháng sống với một bà ngoại gần 80 tuổi, mình mới phát hiện ra có thứ nghệ thuật sống gọi là "chả làm gì cả". Thi thoảng mình thấy bà ngồi nhai trầu, mắt nhìn xa xăm, hỏi thì bà bảo: "Chả làm gì, nghĩ xem trồng cây đậu hay đi rang lạc đã. Không làm thì làm gì. Làm đến đâu phải xong đến đấy chứ lị.". "Chả làm gì cả" tức là "làm tất cả mọi thứ" - theo ngôn ngữ của bà mình, những công việc không tên, nhưng luôn giữ cho tay chân bận rộn, và luôn luôn giữ mọi thứ vào nề nếp: đúng 5h40 dậy, 11h ăn trưa, 18h đi tắm, ăn tối trước 19h và đi năm trước 23h. Xem thời sự để biết xã hội đang xoay vần ra sao.
Mình cũng nhận ra rằng, tất cả những gì có trên mạng xã hội, thì vẫn ở trên mạng xã hội. Những thứ mình dễ kiến mình bỏ lỡ, như là một livestream bóc phốt, một câu chuyện drama, một giờ flashsale... cuối cùng thì nó cũng không thực sự quan trọng đến mức bắt mình phải canh cánh nó suốt 22% thời gian sống (theo báo cáo dữ liệu sử dụng điện thoại, thì 7 ngày gần đây mình ngốn hết 22% thời gian sống để dùng điện thoại lướt mạng xã hội).
Hy vọng sau bài viết này thì mình, với sự quyết tâm và kỷ luật, sẽ đứng lên, bước ra khỏi phòng, rửa mặt và đi ngủ thay vì cố nuốt nốt bộ phim ngột ngạt kia.