Ai mà chẳng có những phút chốc “cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”, sống thơ sống thẩn như nhạc của Đen. Mẹ tôi bảo, “nhưng Đen không cho tiền mua đất trồng rau và ao để nuôi cá nha con gái mộng mơ của tôi ơi. Tay làm thì hàm mới có cái mà nhai”.
Ừ thì, giờ mình cố gắng. Độc lập tài chính sớm ngày nào, nghỉ hưu sớm ngày đó. Ngày độc lập lúc nào cũng là ngày vui nhất mà nhỉ. Nhiều người nghe đến “nghỉ hưu sớm” thường nhảy lên bảo điên. Mình muốn làm rõ bài viết này sẽ tập trung nhiều hơn vào việc làm sao để đạt được "độc lập tài chính". Và "nghỉ hưu sớm" chỉ là một trong rất nhiều sự lựa chọn bạn có thể làm sau khi đã đạt được cột mốc về “độc lập tài chính”. 
Vài năm trở lại đây, các nước bắt đầu rộ lên trào lưu FIRE - Financial Independence (FI) and Retire Early (RE). 

Bao nhiêu là đủ? 
Câu trả lời là Không bao nhiêu là đủ, nhưng bao nhiêu cũng sẽ đủ nếu bạn biết mình muốn sống như thế nào. À tất nhiên môn gì thì cũng sẽ có văn mẫu cho bạn tham khảo, nên FIRE giới thiệu quy tắc 4% giúp bạn phần nào xác định được khoảng tiền để bạn đạt được Financial Independence (FI), cụ thể: bằng cách nhân số tiền cần tiêu hàng năm với 25 (= 100% chia 4%). Lưu ý là số tiền bạn cần chứ không phải là số tiền bạn muốn nhé. (Haha vì muốn thì bao nhiêu cho mà đủ, loài người tham hết phần loài khác trong cái sự mưu cầu giàu có rồi). 🤪
Ví dụ mình sẽ theo đuổi cuộc sống độc thân suốt cả cuộc đời, không lập gia đình, chi tiêu (tối thiểu) 240 triệu đồng/năm (20 triệu đồng/tháng). Vậy con số mình cần có để đạt được FI là: 240,000,000 x 25 = 6,000,000,000 (6 tỷ đồng). (mình sẽ tính lại con số này nếu sau này bỗng muốn lấy chồng và đẻ con nha). 
Tại sao lại có con số 4% thần thánh đó thì là:
"Quy tắc 4% thực ra được phát triển dựa trên một nghiên cứu của William P. Bengen. Sau khi ông nghiên cứu và phân tích dữ liệu thị trường trong suốt 75 năm, William đã nhận ra rằng, trong chu kỳ 30 năm, thì 90% nhà đầu tư có thể bảo toàn được khoản tiền đầu tư của mình khi mỗi năm rút ra 4% số tiền ấy, với mức lạm phát trung bình là 3%" - Bob Dockendorff.
Hết nợ mới nghĩ đến tiết kiệm - Tiết kiệm mới nghĩ đến đầu tư
Rõ ràng. Đại khái sẽ có 4 bước chính để bạn có thể thực hiện FI. 
Bước (0). Trả hết nợ, trả hết nợ
Tài chính của bạn ít nhất cũng phải >0 thì mới nghĩ đến thực hiện FI được. Nên "first thing first", trả hết tất cả các khoản nợ dùm. Dù bạn có tiết kiệm được bao nhiêu chăng nữa, nếu vẫn còn nợ, nó cũng sẽ chỉ dừng lại ở việc bạn tiết kiệm để trả lãi mà thôi. Nợ credit, nợ ngân hàng, nợ trả góp mua xe cộ... 
Nợ tình nợ nghĩa thì từ từ trả cũng được haha. 
Bước 1. Tính toán con số để bản thân đạt được FI
Bước 2. Tối ưu hóa chi tiêu, cũng đã là tăng thêm thu nhập
Bước 3. Đầu tư đầu tư
Bước 4. Ai bảo ĐAM MÊ chỉ là thứ bị lãng quên khi dòng xoáy "cơm áo gạo tiền" ập tới
(chi tiết từng bước để phần 2 viết tiếp tại đang mưa to quá không nghĩ nổi gì nữa).