FEELINGS ON TRIAL - Khi cảm xúc bước lên bàn cân
Trong căn phòng rộng lớn, tiếng nói của Vui vẻ và Tự tin vang lên đanh thép, mạnh mẽ: - Chúng tôi đến đây để phản đối việc ...
Trong căn phòng rộng lớn, tiếng nói của Vui vẻ và Tự tin vang lên đanh thép, mạnh mẽ:
- Chúng tôi đến đây để phản đối việc Buồn bã, Sợ hãi và Giận dữ đang ảnh hưởng tiêu cực đến con người! Trong khi chúng tôi giúp con người sống tích cực hơn thì họ chỉ biết tạo thêm áp lực và sự mệt mỏi. Vì vậy, mong quý tòa và bồi thẩm đoàn chấm dứt tình trạng này, nhốt họ sau song sắt “Kìm nén” và đề cao chúng tôi hơn.
Nghe Vui vẻ và Tự tin lên án, ngài Tâm hồn - chủ tọa của cuộc tranh chấp cảm xúc từ bao đời nay chỉ phán nhẹ bẫng:
- Mới nghe qua, các ngươi cũng có lý. Thế nhưng, ta phải nghe cả biện luận của những cảm xúc tiêu cực thì mới có thể quyết định. Bởi vậy, cho truyền Buồn bã, Sợ hãi và Giận dữ, cùng luật sư của họ, lão
Zoom ra đây.
Một lúc sau, những kẻ được triệu hồi bước đến: từng người sẽ phải bước lên cán cân của lý trí và tâm hồn để giải thích cho sự tồn tại của mình.
Lão Zoom, luật sư của các bị cáo, lên tiếng trước:
- Thưa quý tòa, những gì bên kia đang đưa ra thật vô lý. Họ muốn con người chỉ bị chi phối bởi sự vui vẻ và tích cực. Cuộc sống như vậy sẽ nhạt nhẽo, vô vị đến nhường nào? Cuộc đời trọn vẹn chỉ khi con người trải qua hết những thăng trầm của cuộc sống, với thành công lẫn thất bại, buồn tủi lẫn sung sướng. Thưa mọi người, bên kia đang cố lấy đi một nửa những điều khiến cuộc sống có ý nghĩa và chúng tôi ở đây để phản đối điều đó.
Nói rồi, lão Zoom quay ngoắt, khoát tay ra hiệu cho cô bé Buồn bã. Đôi mắt đỏ hoe, long lanh nước ấy từ từ mở to:
- Dạ… thưa mọi người… Buồn bã thường đến khi có chuyện không hay xảy ra... Trong cuộc sống thì đây là những điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi là thứ giúp ta thật sự vượt qua những điều này--
- Vớ vẩn! Sự vui vẻ, tích cực mới giúp ta vượt qua chứ. - Vui vẻ cướp lời. - Người ta thường bảo, người lạc quan mới thành công, còn kẻ bi quan sẽ thất bại.
- Phải biết buồn thì con người mới biết nhìn lại bản thân sau mỗi lần vấp ngã. Nếu sau những sai lầm, chúng ta vẫn vô tư, không lo nghĩ thì liệu ta có học được gì hay không? Bởi vậy, nỗi buồn là một phần thiết yếu để mỗi con người trưởng thành.
Thấy Vui vẻ im lặng, Buồn bã lại nói tiếp:
- Hơn thế, buồn, hay khóc, chính là cách tôi giúp con người giải tỏa lo âu, áp lực. Khi ấy, cơ thể tạo ra hoóc-môn điều hòa cơ thể, tăng đề kháng. Nếu tôi bị kìm hãm, những lo âu mệt mỏi đó bao giờ mới được giải tỏa? Nếu con người không thể cảm nhận được nỗi buồn của chính mình, họ làm sao có thể đồng cảm với khổ đau của người khác? Bởi, đồng cảm được bắt nguồn từ sự thương xót và buồn bã trước những mảnh đời bất hạnh kia mà.
- Được thôi, coi như Buồn bã có ích đi, thế tại sao cậu Sợ hãi này lại nên ở đây? Nếu không có nó, con người sẽ không quan tâm đến lời nói gièm pha, sẽ sẵn sàng làm mọi thứ để bứt phá. - Thấy vậy, Tự tin nhanh nhẹn đế vào.
Lập tức, chàng trai cao lều khều bên cạnh Buồn bã lên tiếng:
- Không, ngược lại mới đúng! Sự sợ hãi giữ cho con người sống sót! Nỗi sợ làm con người ta suy xét lại sự nguy hiểm và các lựa chọn của mình. Tôi sinh ra là để trung hòa ảnh hưởng của cậu đấy, Tự tin ạ! Cậu cho con người niềm tin quá lớn vào bản thân, khiến họ phiến diện, đánh giá không kỹ tình hình, vì vậy nên mới cần tôi!
- Ừ, thì sao nào? Ít nhất tôi không gây ra sự tự ti cho con người. Nỗi sợ tồn tại làm con người quan tâm quá mức đến lời nói, đánh giá của những người xung quanh. - Tự tin vẫn cố cãi.
- Đúng, nếu sự sợ hãi đi quá xa, nó có thể trở nên tồi tệ. Nhưng trái lại với các người, tôi không muốn bỏ tù một cảm xúc nào cả. Tôi chỉ mong các cảm xúc tồn tại ôn hòa để mang đến sự tích cực tối ưu.
- …
- Đúng vậy! Chúng tôi công nhận tính đối ngẫu của các cảm xúc! Vậy tại sao các người lại không hiểu?
Giọng của Giận dữ nổ như sấm, oang oang trong không gian, xoáy vào tâm trí mọi người. Vui vẻ và Tự tin giật nảy mình lùi về phía sau.
- Các người lại định tấn công ta sau Buồn bã và Sợ hãi đúng không? Thế để ta thể hiện sự quan trọng của chính mình ngay tại đây.
- ....
- Giận dữ có mối quan hệ mật thiết với Sợ hãi: nếu Sợ hãi giúp con người suy xét về môi trường nhiều hơn, thì ta chính là cơ chế để con người thay đổi thế giới. Sự tức giận bắt nguồn khi mọi người đối xử ngược lại với mong muốn của mình. Khi ấy, sự tức giận thể hiện qua thay đổi hành vi, tâm lý, lời ăn tiếng nói, qua sự tăng cường cơ thể (tim đập nhanh, adrenaline tăng cao) để sẵn sàng cho tranh chấp. Nhưng chỉ thông qua quy trình đó, vấn đề ban đầu mới được giải quyết. Trong trường hợp nào, sự giận dữ cũng mang lại sự công bằng, cảm giác giải tỏa cho con người.
- Nhưng giận dữ vẫn gây ra bạo lực! - Cả Vui vẻ lần Tự tin kêu lên.
- Vậy thì sao? Hãy so sánh một thế giới có và một thế giới không có sự tức giận. Nếu những người công nhân bị đối xử bất công trong thế kỷ XVIII không giận dữ và đứng lên đấu tranh với ngọn lửa căm hận, nếu người Việt Nam không sôi máu lửa khi Tổ quốc bị xâm lược, thì sự công bằng có đạt được không?
Đúng lúc đó, Buồn bã tiến đến, đặt tay lên vai Giận dữ. Tức thì, ngọn lửa bừng bừng xung quanh anh ta chợt giảm xuống.
- Nếu Giận dữ bị kìm hãm, thì con người khi bị đối xử vô lý sẽ mãi chịu cảnh đó. Sự cực đoan là một điều xấu, theo đuổi bạo lực mù quáng được tạo ra bởi sự giận dữ vô lý là điều xấu. Nhưng điều gì đảm bảo sự giận dữ không vô lý? Đó là tôi, Buồn bã. Tôi tồn tại để cân bằng khi sự nóng nảy tăng quá cao, để tạo ra sự đồng cảm. Và khi đồng cảm, thì những cuộc cãi vã, tranh chấp nhỏ bé, lẻ tẻ, không quan trọng ít xảy ra hơn.
- Chính vì vậy, mà chúng tôi cho rằng, cảm xúc nào cũng quan trọng - Sợ hãi tiếp lời. - Con người chẳng thể thiếu bất kỳ một cảm xúc nào: chúng ta tồn tại để con người tồn tại, và chúng ta tồn tại để bù trừ cho nhau.
Vui vẻ và Sợ hãi, giờ đây im lặng hoàn toàn. Thế nhưng, lão
Zoom cười xòa, lên tiếng:
- Thưa quý tòa, có lẽ giờ đây, ngài đã có quyết định cho riêng mình.
Ngài Tâm hồn, vẫn thật nghiêm nghị, cao lớn, một lần nữa chiếm lĩnh cả không gian để đưa ra lời phán quyết cuối cùng:
- Đúng vậy. Sau khi nghe những tranh luận của hai bên, ta thấy tất cả các loại cảm xúc đều đáng được tồn tại, và không ai cần phải bị đưa vào nhà ngục “Kìm nén”. Hy vọng, đây là lời nhắc nhở cho Vui vẻ và Tự tin, và cho con người nói chung rằng: dù là đồng cảm, suy xét, đấu tranh, hay đơn giản là tồn tại để ta quý trọng niềm vui, những cảm xúc kia phải được tự do và không bị kìm nén.
Đôi dòng tái bút:
- Mình là tác giả của bài viết này, còn bạn mình là người design các bức ảnh. Chúng mình là học sinh thuộc trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, thuộc ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội.
- Bài viết này được đăng tải lần đầu trên web https://cnnzoom.com/, trang web chính thức của CLB CNN Zoom - Nội san của trường. Nếu mọi người thấy thích content này thì có thể theo dõi fan page và web.
- Link đến bài gốc ở đây: https://cnnzoom.com/2019/07/16/feelings-on-trial/
* Bài viết đã được sự chấp thuận của mọi cá nhân, tập thể liên quan.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất