Bản đô của Nga về các chiến dịch bành trướng của Menelik II
Bản đô của Nga về các chiến dịch bành trướng của Menelik II
Ở một bài trước đây, mình đã giới thiệu về một tình huống hài hước trong lịch sử - khi mà vua Menelik II đã lợi dụng, cài cắm khác biệt ngôn ngữ vào hiệp ước với người Ý để giành được lợi ích cho quốc gia.
Thế nhưng, nếu chỉ dựa vào trò lừa đó, thì không thể nào đảm bảo cho Ethiopia độc lập trước cuộc xâm lược. Họ phải có một thực lực đủ mạnh. Và trong bài hôm nay, mình sẽ gộp chung 2 bài vào một, để cho các bạn thấy tiềm lực của quốc gia Ethiopia thời điểm đó - từ cả 2 mặt chủ quan và khách quan.
Chủ quan, là sức mạnh, truyền thống quân sự có sẵn của đất nước này, giúp họ có thể tổ chức một lực lượng quân đội quy củ, chuyên nghiệp.
Khách quan là về cách Đế quốc Nga đã giúp đỡ cả về nhân lực, vũ khí và huấn luyện, đến mức gần như san lấp khoảng cách công nghệ giữa 1 quốc gia châu Âu và 1 quốc gia châu Phi bấy giờ.

Phần 1: cuộc bành trướng của Đế quốc Ethiopia.

Khi đọc về phần này trong tài liệu tiếng Nga, sẽ có 2 thuật ngữ. Một là Расширение Эфиопской империи (Cuộc bành trướng của Đế quốc Ethiopia). Hai là Военные кампании Менелика II (các chiến dịch quân sự của Menelik II)
Hai thuật ngữ này nghe có vẻ tương đương, vì Menelik II là vua của Ethiopia. Nhưng thực ra không hoàn toàn. Trên thực tế, tài liệu của Nga phân định "cuộc bành trướng của Ethiopia" gồm 2 giai đoạn - nơi Ethiopia tấn công các nước láng giếng.
Còn "các chiến dịch quân sự của Menelik II" thì có một phần "tiền truyện", nơi Menelik II chiến đấu từ địa vị chư hầu, vươn lên kiểm soát, chiếm được toàn bộ nước Ethiopia. Trên thực tế, phần này các bạn đã biết nếu đọc bài trước về trò lừa của Menelik II. Nhưng ở đây, mình vẫn nhắc lại sơ qua, bởi vì cần nhắc rõ hơn về hoàng đế đương thời của Ethiopia lúc đó là Yohannis IV:

*Giai đoạn 1: Menelik II chiếm ngôi Hoàng Đế (1879-1889)

Bản đồ các chiến dịch quân sự của Ethiopia giai đoạn 1 (bao gồm đồng thời của cả Menelik II và Yohannis IV)
Bản đồ các chiến dịch quân sự của Ethiopia giai đoạn 1 (bao gồm đồng thời của cả Menelik II và Yohannis IV)
Nhắc lại cơ bản, thì Menelik II là hoàng tử của nước Shoa. Nước Shoa lúc đó là 1 nước nhỏ, nhưng độc lập với Ethiopia - lúc đó cai trị bởi hoàng đế dũng mãnh Tewodros II.
Trong cuộc chiến của Tewodros II nhằm khuất phục các quốc gia chư hầu, cha của Menelik II là Haile Melekot đã thua trận, sau đó bị bắt và ốm chết. Menelik II và nước Shoa buộc phải làm chư hầu cho Ethiopia.
Nhưng Tewodros II, với tham vọng bành trướng, đã gây chiến tranh với người Anh. Không may, trong một trận chiến bại, bị người Anh bao vây, hoàng đế dũng mãnh của Ethiopia đã tự sát bằng một khẩu súng - trớ trêu thay lại do nữ hoàng Victoria trao tặng.
Haile Melekot - vua nước Shoa và cha của Menelik II
Haile Melekot - vua nước Shoa và cha của Menelik II
Hoàng đế Tewodros II tự sát bằng súng lục khi thua trận trước người Anh
Hoàng đế Tewodros II tự sát bằng súng lục khi thua trận trước người Anh
Từ đó, ngai vàng của đế quốc Ethiopia được kế nối bởi Hoàng đế Yohannis IV. Trong khi đó, ngôi vua của nước Shoa được Menelik II thay cha kế thừa. Cũng từ đây, diễn ra 2 xu hướng quân sự riêng biệt xảy ra đồng thời - chiến dịch của Yohannis IV và Menelik II
Đối với Yohannis IV, ông tiếp tục duy trì các cuộc chiến tranh trước đó của người tiền nhiệm Tewodros II. Chủ yếu ở đây là xung đột với người Anh, người Ý, và đặc biệt nhất là với quân nổi dậy Hồi giáo Mahdi ở Sudan (có dịp mình sẽ viết bài riêng về Khởi nghĩa Mahdi).
Thế nhưng, điều không may đã xảy ra với Yohannis IV. Cuối năm 1888 đầu năm 1889, quân Ethiopia của Yohannis IV bị thất bại trước quân Mahdi Sudan. Vua Yohannis IV xui xẻo bị bắt, và quân Hồi giáo đã chặt đầu vị Hoàng đế Ethiopia theo Cơ đốc giáo, rồi mang diễu hành khắp Sudan như một biểu tượng của "thắng lợi vĩ đại phục hưng đạo Hồi".
Hoàng đế Yohannis IV của Ethiopia
Hoàng đế Yohannis IV của Ethiopia
Tranh vẽ Ethiopia miêu tả thất bại trước Sudan - quân Sudan đốt nhà thờ và chặt đầu Yohannis IV
Tranh vẽ Ethiopia miêu tả thất bại trước Sudan - quân Sudan đốt nhà thờ và chặt đầu Yohannis IV
Tuy vậy, cái chết của Yohannis IV không làm Ethiopia suy yếu, mà hóa ra nó lại tạo cơ hội cho 1 người dũng mãnh hơn tiến lên. Trong lúc Yohannis IV bận rộn với cuộc chiến chống người Hồi giáo, ở nước Shoa miền Nam, vua Menelik II âm thầm vươn lên.
Từ năm 1881 tới năm 1887, Menelik II chủ yếu đánh tỏa ra các hướng Nam, Tây Nam và Đông Nam. Các quốc gia, bộ lạc nhỏ xung quanh có thể kể tên như Kaffa, Jimma, Hera, Guma,... lần lượt đều bị nước Shoa chiếm giữ.
Vào giai đoạn sau 1887, Menelik II đưa quân xa hơn về phía Đông, lấn chiếm lãnh thổ Ogaden của người Somalia theo Hồi giáo. Menelik II chiếm được Ogaden, và vùng đất Ogaden về sau với những mâu thuẫn giữa Hồi giáo và Cơ đốc giáo sẽ tạo ra cuộc chiến Ogaden năm 1977 giữa 2 quốc gia Cộng sản đương thời, lôi kéo cả Liên Xô, Cuba,... tham chiến.
Cuối cùng, với cái chết của Hoàng đế Yohannis IV năm 1889, Menelik II đưa quân vào đánh lãnh thổ Ethiopia, loại bỏ con cháu của Yohannis IV và chiếm được ngai vàng Ethiopia. Đến đây, Menelik II đã hoàn tất con đường trở thành Hoàng đế từ địa vị 1 chư hầu bại trận.

*Giai đoạn 2: tiếp tục mở rộng về phía Nam và Đông (1889-1894)

Bản đồ giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự do Menelik II chỉ huy
Bản đồ giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự do Menelik II chỉ huy
Giai đoạn 2 này đặc trưng bởi các cuộc chiến xa hơn về phía Nam, vào địa hình cao nguyên hiểm trở bậc nhất trên lục địa châu Phi. Dù vậy, trong thời kỳ này đánh dấu người Nga tăng cường trợ giúp Ethiopia (mà mình sẽ nhắc ở đoạn cuối bài này).
Nhờ sự giúp đỡ của người Nga, các trở ngại khó khăn về địa hình, khí hậu, dịch bệnh,... đã được quân Ethiopia bỏ qua và chinh phục được miền Nam.
Một phần quan trọng khác trong giai đoạn này là mở rộng chiếm đóng và bình định vùng Ogaden phía Đông của người Hồi giáo. Quân Menelik II đã đàn áp tàn bạo người Hồi giáo trong khu vực, tạo mầm mống cho những xung đột tôn giáo dai dẳng về sau này.
Cuối cùng, giai đoạn 2 kết thúc với việc quân Ý xâm lược Ethiopia, khiến Menelik II phải tập trung chống Ý, bỏ dở các cuộc chinh phạt.

*Giai đoạn 3: mở rộng về phía Tây và thiết lập biên giới (1896-1904)

Bản đồ chiến dịch quân sự giai đoạn 3 của Menelik II - với các đường biên giới được phân định
Bản đồ chiến dịch quân sự giai đoạn 3 của Menelik II - với các đường biên giới được phân định
Giai đoạn cuối đặc trưng bởi sự mở rộng sang phía Tây và sau đó là các cuộc chiến với thực dân phương Tây để thiết lập biên giới đế chế Ethiopia của Menelik II.
Sau khi đánh bại người Ý năm 1896 (dĩ nhiên với sự giúp đỡ của Nga), Menelik II nối lại các cuộc chinh phạt. Trọng tâm lần này là tái chinh phục các vùng lãnh thổ phía Tây đã bị quân Hồi giáo Sudan chiếm trước đó. Các cuộc chiến này cuối cùng thắng lợi (đồng thời với việc quân Hồi giáo Sudan bị liên quân châu Âu đánh bại), lãnh thổ Ethiopia mở rộng đáng kể về phía Tây. Đồng thời, nhiều cuộc nổi dậy phản kháng trong lòng Ethiopia thời kỳ này cũng bị đàn áp hiệu quả.
Sau khi hoàn tất chinh phục các lãnh thổ, Menelik II bước vào một thời kỳ mới đầy tham vọng. Lấy danh nghĩa "bảo vệ láng giềng châu Phi khỏi thực dân châu Âu", vua Menelik II đã phát động nhiều chiến dịch quân sự tấn công vào các thuộc địa của châu Âu xung quanh đó.
Đó là các cuộc tấn công vào Ai Cập/Sudan thuộc Anh, vào Somalia thuộc Ý/Anh, vào Djibouti thuộc Pháp, và vào Congo thuộc Bỉ. Các cuộc tấn công quá tham vọng này không thu được nhiều thắng lợi, do sức mạnh của thực dân châu Âu mạnh hơn đáng kể. Dù vậy, người châu Âu vẫn lo ngại sức mạnh của Ethiopia, và đã sớm phải tìm cách phân định ranh giới với nước này.
Kể từ đó, các quốc gia châu Âu đã tích cực đàm phán, chia ranh giới với Ethiopia theo hướng có lợi cho Ethiopia.
Năm 1897 thiết lập biên giới với Somalia của Anh và Ý, trong đó Ethiopia chiếm được vùng Ogaden nơi có nhiều người Somalia sinh sống.
Cùng năm đó thiết lập biên giới với Djibouti thuộc Pháp, trong đó cho phép người Ethiopia sử dụng hải cảng của vùng này.
Năm 1900 thiết lập biên giới với Eritrea thuộc Ý, trong đó Ethiopia bị mất đường ra biển (thế nên phải mượn đường Eritrea)
Năm 1902, thiết lập biên giới với Ai Cập/Sudan và Kenya thuộc Anh, trong đó Ethiopia giành được nhiều nhánh thượng nguồn sông Nile và ốc đảo trù phú trong sa mạc.
So sánh lãnh thổ Ethiopia thời đầu (xanh đậm) và sau khi Menelik II chinh phạt (xanh nhạt)
So sánh lãnh thổ Ethiopia thời đầu (xanh đậm) và sau khi Menelik II chinh phạt (xanh nhạt)
Tổng kết lại, sau chiến dịch quân sự của Menelik II, ông đã biến Ethiopia thành một quốc gia hùng mạnh, với lực lượng quân sự chính quy, hiện đại, tổ chức chuyên nghiệp không kém phương Tây. Lãnh thổ Ethiopia mở rộng gấp 3 lần, chiếm được các lãnh thổ của láng giếng (kèm theo các mâu thuẫn tôn giáo/sắc tộc âm ỉ). Đồng thời vị thế của Ethiopia cũng trở nên lớn hơn, khiến thực dân châu Âu phải e ngại, không dám xâm lược.

Phần 2: Nikolai Leontiev – người Nga giúp Ethiopia kháng chiến chống quân Ý

Nikolay Leontiev
Nikolay Leontiev
Như đã nói, mình sẽ trình bày về sự giúp đỡ của Nga cho Ethiopia. Nhưng để nói hết toàn bộ thì nó sẽ rất dài trong bài này. Vì vậy, mình quyết định tập trung viết về một nhân vật tiêu biểu cho việc này - ông là Nikolay Leontiev.
Nikolai Stepanovich Leontiev sinh ngày 26/10/1862 tại làng Malaya Beryozovka, tỉnh Kherson thuộc Đế quốc Nga (nay thuộc Ukraine). Dòng họ Leontiev là một dòng họ quý tộc cao quý nhất ở Đế quốc Nga bấy giờ.
Nikolai Leontiev trở thành thành viên Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Nga rất được coi trọng lúc đó. Tuy nhiên thay vì thám hiểm Bắc Cực hay Viễn Đông, những công việc được ưu ái và đem lại nhiều lợi nhuận, ông chọn một con đường rất riêng và có phần mạo hiểm - mở rộng ảnh hưởng của Nga ở châu Phi - vốn đã là thuộc địa của Tây Âu.
Năm 1894 ông đến Ethiopia. Tại sao lại là Ethiopia? Vì quốc gia này theo Chính thống giáo giống người Nga. Dù 2 dòng "chính thống giáo" này thực chất khác nhau, nhưng người Nga không quan tâm, họ chỉ cần tìm 1 điểm chung nhỏ nhất để kiếm cớ đặt chân tới châu Phi.
Tháng 3 năm 1895, Leontiev đã tới Entoto, nơi ở của hoàng đế Abyssinian, nơi người Nga được tiếp đón rất nồng hậu và long trọng với sự tham gia của quân đội triều đình, giáo sĩ và dân chúng. Ngay sau đó, hoàng đế Menelik II của Ethiopia gửi đại sứ đến Nga, mở đầu cho quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Nikolay Leontiev và phụ tá bản địa.
Nikolay Leontiev và phụ tá bản địa.
Nokolay Leontiev gặp hoàng đế Menelik II - tranh vẽ của Nga
Nokolay Leontiev gặp hoàng đế Menelik II - tranh vẽ của Nga
Tuy nhiên, cần chú ý thời điểm đó, Ethiopia đang đứng trước nguy cơ xâm lược của người Ý. Người Ý chưa chiếm được những vùng quan trọng của Ethiopia, nhưng đã chiếm được các vùng đất xa xôi là Assab (1880) và Massawa (1885) trên Biển Đỏ.
Ở Rome, nhà cầm quyền đã cân nhắc mở rộng vùng đất của Ý vào sâu nội địa Ethiopia.Vào ngày 12 tháng 2 năm 1893, hiệp ước giữa Ý và Ethiopia hết hạn, mở đường cho quân Ý mở rộng xâm lược đất nước châu Phi này.
Chính quyền Ethiopia đã tích cực tìm kiếm đồng minh trong cuộc đối đầu này. Một trong những đồng minh như vậy là Nga, quốc gia cho thấy họ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ ngoại giao và quân sự cho quốc gia châu Phi này.
Đừng quên rằng Ethiopia là một quốc gia Chính thống giáo!
Vào đầu cuộc chiến, một nhóm các sĩ quan tình nguyện của Nga đã đến nước này, đứng đầu là một đoàn quân Cossack của Nikolai Leontiev, cùng với khá nhiều cố vấn quân sự và quân y người Nga.
Leontiev đã giúp đỡ Vua Ethiopia trong việc thành lập một đội quân chính quy với vai trò là cố vấn quân sự. Ông giúp xây dựng quân đội Ethiopia theo mô hình phương Tây. Ông cũng khuyên nhà vua Ethiopia sử dụng các chiến thuật của quân Nga trong cuộc chiến năm 1812 chống Pháp.
Quan trọng nhất, tháng 11 năm 1895, một lô vũ khí khổng lồ của quân đội Nga đã được bí mật đưa lên một chiếc tàu hơi nước đưa đến Ethiopia. Con tàu vận chuyển 30 nghìn khẩu súng trường, 5 triệu viên đạn, đạn pháo, 5 nghìn thanh kiếm và khoảng 42 khẩu pháo. Đáng chú ý, số pháo này lớn hơn và mạnh hơn pháo của người Ý đương thời. Việc này đã thu hẹp đáng kể chênh lệch vũ khí giữa quân Ethiopia và quân Ý.
Tranh khắc của Ethiopia về trận chiến Adua chống quân Ý - đáng chú Ý người Ethiopia sử dụng pháo binh mạnh ngang ngửa.
Tranh khắc của Ethiopia về trận chiến Adua chống quân Ý - đáng chú Ý người Ethiopia sử dụng pháo binh mạnh ngang ngửa.
Tranh vẽ khác về trận chiến Adua
Tranh vẽ khác về trận chiến Adua
Sự tham gia của Nga trong cuộc chiến này mang lại kết quả tích cực. Trận chiến Adua lớn nhất của cuộc chiến kết thúc với thắng lợi của người Ethiopia, khi mà ưu thế hỏa lực của người Ý bị đảo ngược, quân Ethiopia áp đảo ngược lại về pháo, súng trường và kỵ binh.
Ngày 26 tháng 10 năm 1896 chiến tranh kết thúc, Ý thua trận và công nhận Ethiopia độc lập, phải trả cho bên thắng cuộc một khoản bồi thường. Lưu ý rằng đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Âu trả tiền bồi thường cho người châu Phi.
Sau chiến tranh, vai trò của Leontiev vẫn chưa kết thúc. Năm 1899 ông lại giúp vua Menelik II của Ethiopia khai phá vùng hồ Rudolph (người Ethiopia gọi là Hồ Turkana) hoang sơ. 2000 lính Ethiopia đã cùng quân Cossacks của Nga tiến hành cuộc khai phá hồ Turkana. Cuộc thám hiểm làm 216 người chết, nhưng lãnh thổ Ethiopia được mở rộng đáng kể. Bản thân Leontiev cũng bị trúng đạn và bị thương. Để ghi nhận công lao to lớn này, vua Menelik II của Ethiopia phong Leontiev làm Bá tước và trao tặng nhiều huân chương.
Sau đó, Nikolai Leontiev trở về Nga tham gia đàn áp cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn ở Trung Quốc (1900) và Chiến tranh Nga-Nhật (1905). Năm 1910, một vết thương cũ (có thể là ở Ethiopia) đột ngột bộc phát làm Nikolai Leontiev qua đời ở thủ đô Pari, Pháp. Thi hài ông được chuyển về Nghĩa trang Tikhvin ở St. Petersburg, Nga.
Bất chấp cái chết của Nikolay Leontiev, sự trợ giúp về quân sự, công nghệ, kinh tế, ngoại giao của Đế quốc Nga cho Ethiopia vẫn tiếp tục. Nhiều cố vấn người Nga tương tự như Leontiev vẫn ở lại, giúp Ethiopia hiện đại hóa. Có thể kể tới các sĩ quan tiêu biểu như:
- Leonid Konstantinovich Artamonov
-Alexander Ksaverievich Bulatovich
-Nikolai Stepanovich Gumilyov
-Viktor Fyodorovich Mashkov,
-Nikolay Ivanovich Ashinov (trong số này Ashinov được coi trọng đặc biệt vì là người đã Latin hóa và xuất bản từ điển bảng chữ cái tiếng Amharic của người Ethiopia.
Leonid Konstantinovich Artamonov - cố vấn quân sự Nga ở Ethiopia
Leonid Konstantinovich Artamonov - cố vấn quân sự Nga ở Ethiopia
 Nikolay Ivanovich Ashinov - nhà khoa học đã Latin hóa bảng chữ cái của Ethiopia
Nikolay Ivanovich Ashinov - nhà khoa học đã Latin hóa bảng chữ cái của Ethiopia
Điều này tạm thời ngắt quãng khi Đế quốc Nga sụp đổ, thay thế bởi Liên Xô - những người đã từ chối giúp đỡ Ethiopia vì coi họ là "phong kiến, bảo thủ và phản động". Ethiopia vào giai đoạn đó phải quay sang nhờ sự giúp đỡ của các nước Tây Âu, cụ thể là Anh. Tuy vậy, tình thế 1 lần nữa đảo ngược vào năm 1974, khi cuộc cách mạng ở Ethiopia bùng nổ đã lật đổ nền quân chủ, thay thế bằng chính quyền Cộng sản thân Liên Xô. Mối liên hệ lịch sử đứt quãng giữa 2 quốc gia Chính thống giáo từ đó mới được tiếp nối.
Ngoài những người đáng chú ý kể trên, còn một nhân vật khác ít được chú ý hơn, nhưng mình muốn nói ra ở đây. Ông tên là Alexander Bulatovich (không biết họ), dù chỉ là một lính nhỏ nhưng đã có công ghi lại những hình ảnh cổ xưa của Ethiopia đương thời, trở thành những tài liệu lịch sử quý báu. Mình đã đọc tài liệu, sách viết của ông này, xin đưa ra ở đây những hình ảnh về Ethiopia lúc đó (chủ yếu là về vùng Kaffa bị Ethiopia xâm chiếm). Bài viết cũng xin kết thúc ở đây.
Canh tác bằng bò ở Galla (gia súc gầy yếu do hạn hán)
Canh tác bằng bò ở Galla (gia súc gầy yếu do hạn hán)
Quân đội Ethiopia trở về thủ đô Addis Ababa - với tù binh là vua nước Kaffa bị bắt
Quân đội Ethiopia trở về thủ đô Addis Ababa - với tù binh là vua nước Kaffa bị bắt
Nữ quý tộc Ethiopia (nhà vẫn bằng đất lạc hậu)
Nữ quý tộc Ethiopia (nhà vẫn bằng đất lạc hậu)
Cả gia đình nô lệ da đen bị bắt
Cả gia đình nô lệ da đen bị bắt
Người dân Kaffa đói khát
Người dân Kaffa đói khát
Người Kaffa bị hành quyết
Người Kaffa bị hành quyết
Người bản địa vùng hồ Rudoph bị chinh phục (với đĩa môi đặc trưng)
Người bản địa vùng hồ Rudoph bị chinh phục (với đĩa môi đặc trưng)
Đoàn nô lệ bị bắt
Đoàn nô lệ bị bắt