Erling Kagge: “Tôi đã cận kề cái chết”
Phiêu lưu và hào hứng là một điều mà rất nhiều người chúng ta tìm kiếm. Một số tìm được khi nhảy dù từ máy bay, số khác khi chạy marathon....
Phiêu lưu và hào hứng là một điều mà rất nhiều người chúng ta tìm kiếm. Một số tìm được khi nhảy dù từ máy bay, số khác khi chạy marathon. Những người như nhà thám hiểm Na Uy danh tiếng Erling Kagge có hơi khác một chút, tìm kiếm xa hơn thú trần thế kia đôi chút.
Không hài lòng với những trải nghiệm thường ngày, CV của Erling còn hơn cả một danh sách cầu được ước thấy. Ông nổi tiếng nhất vì thành thích mà chưa con người nào trong lịch sử từng thành tựu được. Trong thập niên 90, ông đã đi tới cả Cực Bắc và Cực Nam, đã leo các độ cao của đỉnh Everest, bằng chân, không thiết bị hỗ trợ và không vô tuyến liên lạc. Ông tìm thấy ở những vùng xa xăm đó của thế giới lại chẳng phải cảm giác thành công hay thỏa mãn cái tôi cá nhân, mà là sự thinh lặng. Một sự nâng niu quý trọng sâu sắc, mãnh liệt cho chính sự thinh lặng mà rất ít người chúng ta đạt được trong một thế giới bị công nghệ và tiếng ồn cuộc sống hiện đại nhận chìm. Từ đó ông vẫn duy trì cơn nghiện các cảm giác phi thường, như đi bộ băng qua LA, giong buồm vượt Đại Tây Dương hai lần, khám phá hệ thống cống ngầm New York. Ông là một người ta có thể xem là toàn tài văn hóa, với các vai trò chính trị gia, triết gia, luật sư, nhà sưu tầm nghệ thuật, và còn là đại sứ Rolex, nhưng bên dưới những danh hiệu đó Erling chỉ là một người đã tìm thấy cái thinh lặng nội tại giữa dải băng trắng xóa ở Nam Cực, thứ từ đó đến nay vẫn luôn ám ảnh lấy ông. Thành tựu gần nhất của Erling là quyển Silence in the Age of Noise, Thinh lặng giữa thời đại tiếng ồn, ghi chép chuyến du hành trọn đời của ông đến những sự khoan khoái giản dị nhất nhưng đa phần chúng ta vẫn chẳng sao đạt được.
Khi nói về các chuyến du hành đáng kinh ngạc của mình trong quyển sách, ông có viết, “Ở đây tĩnh lặng bao trùm. Tôi cảm thấy nó, nghe được nó. Âm thanh của không gian không hề đáng sợ hay khiếp sợ, mà lại khoan khoái.” Ông có thể kể lại thời điểm đó được không?
Khi ấy là 24 năm về trước. Tôi vẫn chưa thật sự nghĩ về trải nghiệm ấy quá nhiều cho đến khi bắt đầu viết quyển sách này. Rồi tôi tìm thấy trong nhật ký và tìm thấy trích dẫn đó. Thú vị khi đi ở Nam Cực một mình, là điều tôi nghĩ ai cũng nên thử, nằm ở chỗ khi ta bắt đầu mọi thứ chỉ có một màu trắng và phẳng phiu đến tận đường chân trời. Chúng ta có 1400 km để đi, mọi thứ ta cần cho trải nghiệm chỉ là một xe trượt, không vô tuyến hoạt động, do đó tôi hoàn toàn không có một ai để trò chuyện cùng. Bạn bắt đầu đi và ngày và tuần cứ trôi qua, và bạn nhận ra rằng hóa ra nó không chỉ có màu trắng; bạn bắt đầu những màu sắc trong băng và tuyết, những sắc xanh, đỏ và xanh lá. Nó cũng không hoàn toàn thẳng tắp, ta có thể nhìn thấy tất cả các hình thù do băng tuyết tạo thành. Ta có cái cảm giác cơ thể mình không chỉ kết thúc ở đầu ngón tay, mà như thể chính mình đang hòa quyện với tự nhiên. Bạn có cuộc đối thoại với môi trường, không theo nghĩa đen bằng các từ ngữ rồi, và sau đó một vài ngày bạn bắt đầu có những câu trả lời cho một số câu hỏi mà bạn thậm chí còn không biết mình vẫn hằng tự chất vấn. Dĩ nhiên, tất cả đều dẫn về thinh lặng.
Bạn bắt đầu có những câu trả lời cho một số câu hỏi mà bạn thậm chí còn không biết mình vẫn hằng tự chất vấn.
Khi ông nói ai cũng nên đi Nam Cực, có người có thể cho rằng ông đang đùa, nhưng ông nói giống như đó là điều ông khuyên thật lòng. Ông có tin rằng tất cả chúng ta đều có điều gì đó bên trong thôi thúc ta thực hiện không?
Đó không phải điều mà tôi cảm thấy, mà là điều tôi biết. Tôi tin rằng ai cũng sinh ra là một nhà thám hiểm. Tôi nhìn thấy ba đứa con tôi, và chúng muốn leo trèo trước cả khi biêt đi, nhưng đương nhiên tinh thần ấy đã suy giảm. Khi chúng ta chừng 4 hay 5 tuổi, nó bắt đầu yếu dần, dù do những mong muốn áp đặt tại nhà trẻ, từ cha mẹ hay bạn bè cùng trang lứa.
Đương nhiên từ quan điểm thực tiễn, đi bộ ở Nam Cực là một hành trình đòi hỏi nhiều thể chất, nhưng nó giống hơn với một trò chơi diễn ra trong tâm trí. Bạn biết đó, một con chuột có thể ăn trọn một con voi nếu nó cứ ăn dần, ăn dần, từng mẩu nhỏ.
Khi chúng ta nói về thinh lặng trong văn hóa, chúng ta sẽ nghe những cụm từ như “sự yên lặng kỳ quặc”, hay “yên lặng điếc tai” hay thậm chí một phút mặc niệm để bày tỏ lòng tôn kính cho một ai đó vừa mất. Nhưng rõ đây không phải sự thinh lặng mà ông đang nói tới, có phải không?
Đúng thế. Tôi muốn viết một quyển sách về cách thinh lặng có thể làm đời sống của chúng ta thêm giàu có, và có thể là một cái gì đó tích cực. Thinh lặng đó còn là một cái gì đó chúng ta đang mất đi rất nhiều trong xã hội. Tôi nhìn ba cô con gái của mình, và chúng không biết thinh lặng là gì, vì chúng lúc nào cũng kết nối. Chúng nghĩ thinh lặng chẳng có ý nghĩa gì, và dĩ nhiên trong triết học bạn biết rằng không có gì đến từ hư vô cả. Nhưng tôi nghĩ chúng sai, vì thinh lặng là một cái gì đó hiện hữu.
Tôi phải nói rằng trong 50 ngày đêm, tôi chỉ nhớ thế giới bên ngoài đâu đó vài giờ.
Tôi muốn quay trở lại thời điểm các cuộc khám phá của ông. Khi tôi nói tới thinh lặng với ông, liệu có một thời điểm cụ thể nào đó xảy ra trong tâm trí ông, chẳng hạn vươn tới đỉnh Everest, hay không?
Tôi ước gì có thể trả lời là phải, nhưng khi ta đến đỉnh ngọn Everest, thoạt tiên bạn sẽ thấy cực kỳ vui, nhưng chỉ 2 3 phút sau đó, ý nghĩ kế tiếp bạn có sẽ là, làm thế quái nào để trèo xuống đây.
Do đó cơ bản đó là một cú tụt cảm xúc khủng khiếp ư?
Nếu ai đó bảo bạn rằng họ muốn trèo lên đỉnh Everest để thưởng thức tự nhiên và môi trường, kẻ đó nói dối.
Tôi nhớ rằng ông đã nhắc trong quyển sách, phần khó khăn nhất khi quay trở lại với đời thường là bắt đầu nói trở lại.
Đúng vậy. Dù Châu Nam Cực không hoàn toàn yên lặng, đó vẫn là một nơi cực kỳ, cực kỳ yên ắng. Do đó phần thú vị nhất khi đi ở Cực Nam là bạn không có bất kỳ sự quấy rầy nào. Quay về nhà, luôn có ai đó đang chờ đợi, hay bạn hy vọng ai đó đang đợi chờ mình, bạn mong nhận một tin nhắn, hay bạn đang sống trong các thiết bị điện tử, thường trực bị quấy rầy.
Tôi phải nói rằng trong 50 ngày đêm, tôi chỉ nhớ thế giới bên ngoài đâu đó vài giờ.
Ông đã nói chuyện với nữ nghệ sĩ Marina Abramoviç về trải nghiệm thinh lặng của bà. Bà đã ở trong sa mạc nhưng lại không nghe thấy gì ngoài tiếng ồn. Ông có nghĩ thứ phẩm của thinh lặng có thể là sự lo âu vì chúng ta chưa bao giờ trải qua thinh lặng đích thực hay không?
Chính xác. Tôi thích giai thoại ấy từ Marina vì tôi nghĩ trải nghiệm của cô ấy rất phổ biến. Cô ấy đã vào sa mạc vì mỏi mòn tìm kiếm thinh lặng, cô ấy muốn trải qua nó. Cô ấy đã đến một nơi thật sự yên tĩnh và ngồi xuống, và dĩ nhiên, cô ấy nghe thấy tất cả chỗ tiếng ồn trong đầu dù xung quanh lại rất đỗi yên bình. Tôi nghĩ đó là một hiện tượng rất điển hình, nếu bạn tự ngồi trong phòng một mình tối nay và thử cảm giác về thinh lặng, bạn sẽ vẫn nghĩ ngợi. Thường chúng ta suy nghĩ rất nhiều, về quá khứ hay tương lai, và đó là tiếng ồn. Do đó giống như Marina, bạn phải trả giá để hiểu ra được điều đó – cô ấy đã phải vượt qua các ý nghĩ ấy để thư thái trở lại và học cách trân trọng thinh lặng nội tại.
Hãy quay lại thời niên thiếu của ông, vì trong sách ông nói về việc bị hành hạ bởi sự yên lặng. Tôi thấy đó là một điều gì đó rất kỳ quặc để nhớ về tuổi thơ, và để nó theo cùng với ông.
Có lẽ hành hạ là một từ hơi quá nặng, nhưng khi tôi bắt đầu đi ngủ, tôi là đứa út trong nhà do đó tôi phải đi ngủ sớm hơn và tôi vẫn còn nghe tiếng ồn từ xung quanh nên chưa thể nào ngủ ngay được. Thời gian cứ trôi qua, và nằm đó chờ giấc ngủ ập tới chẳng hề là một trải nghiệm hay ho.
Rồi, đương nhiên, có sự yên ắng khi ta không có gì để làm, khi còn bé, khi không ai chơi cùng. Tôi nhớ mẹ tôi đã nói trở nên chán cũng là một điều lành mạnh, nhưng tôi thì không thấy như vậy.
Nhưng ngày nay tôi đã bắt đầu đồng ý với bà. Tôi nhìn lũ trẻ lúc này và chúng luôn làm một cái gì đó để không bị chán hệt như anh em trong nhà tôi đã từng hồi thập niên 60. Nhưng chúng chán theo nghĩa chúng bị nghèo nàn trải nghiệm vì có quá nhiều thứ để làm, trong khi vào thập niên 60, sự nghèo nàn đó đến từ việc không có gì để làm. Tôi nghĩ cảm giác ấy như nhau.
Vậy ý ông là điều mẹ ông đã nói về sự chán nản đã dạy cho ông cách sống? Dường như ông luôn không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm hay theo đuổi mới, do đó triết lý nào là triết lý đằng sau động cơ này?
Không có triết lý nào đằng sau đó cả, nhưng tôi nghĩ rằng rất khó giải thích được vì sao chúng ta làm điều gì đó. Cuộc sống nằm ở chỗ thỏa trọn những năng lực của bản thân, và tôi cho rằng hầu hết con người đều đánh giá thấp những khả năng của mình.
Ông nhắc tới việc đã đi khắp các châu lục. Ông có nghĩ mọi nền văn hóa đều định nghĩa thinh lặng theo những cách khác nhau không?
Chắc chắn như thế. Tôi chủ yếu viết từ góc nhìn của phương Tây hay Na Uy/Châu Âu nhưng trong các nền văn hóa á Đông, thinh lặng là một cái quan trọng hơn rất nhiều. Nếu bạn nghe người Nhật nói chuyện với nhau, tôi cản thấy sự im lặng giữa những lần họ cất tiếng cũng quan trọng không kém những gì được nói ra.
Tôi tin rằng những gì ông đề cập trong quyển sách cũng áp dụng với văn hóa – có không gian và quãng dừng trong âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật, và đôi khi đó lại là những khoảnh khắc mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm.
Đúng thế. Tôi không viết về phim, nhưng thú vị ở chỗ khi tôi đọc tiểu sử của đạo diễn Ingmar Bergan, và giấc mơ tối hậu của ông chính là làm phim câm trở lại. Ông cảm thấy đó chính là cách ông diễn tả được những gì ông muốn nói trong đầu. Trong âm nhạc, có rất nhiều quãng lặng trong nhạc cổ điển, do đó con người phàn nàn không có sự yên lặng trong nhạc đại chúng, nhưng nói vậy là không đúng; vẫn có, chỉ là hơi ồn ào hơn.
Cũng giống như ai đó đang trình bày một diễn văn nếu họ biết sử dụng chỗ nghỉ, nếu ta nghe các diễn văn của Barack Obama trên Youtube, ta có thể thấy cách ông ấy luôn sử dụng những khoảng lặng để chinh phục người nghe.
Nếu ai đó đã chết 50 năm trước sống lại và thấy mọi người chúng ta ai ai cũng cầm điện thoại như ôm gấu bông hôm nay, đi trên đường, họ sẽ nghĩ chúng ta đã phát rồ.
Để chuẩn bị cho bài phỏng vấn này, tôi đã tìm kiếm thí nghiệm diễn ra tại Mỹ, ở đó họ chia nhóm những người chỉ ngồi và nhìn vào nhau. Họ có tỉ lệ kết hôn rất cao sau đó, thật đáng kinh ngạc. Hầu hết mọi người sẽ thấy đó là một ý tưởng đáng sợ, kỳ lạ thay vì đó theo nghĩa đen chỉ là sự yên lặng thôi mà.
Thí nghiệm mà anh đang nhắc tới là một nghiên cứu khoa học về những gì cần phải làm để chúng ta yêu nhau. Họ soạn ra 36 câu hỏi, và bạn có thể thấy hết 36 câu hỏi này nếu tìm trên Internet. Người tham gia ngồi xuống cùng với nhau và hỏi nhau 36 câu hỏi đó qua lại, và kết thúc là cặp đôi sẽ nhìn vào mắt nhau, những người họ chưa từng gặp gỡ, trong 4 phút. Điều xảy ra chính là hầu hết mọi người đã yêu nhau. Thực tế là, hầu hết họ kết hôn trong vòng 6 tháng sau khi thí nghiệm tiến hành. Tôi đã thử, và nó thật sự hữu hiệu.
Tôi tò mò muốn biết vì sao một nhà thám hiểm người Na Uy lại tò mò bởi ý nghĩ về thinh lặng, vì tôi thấy trong nền văn hóa Na Uy đã có quá nhiều sự thinh lặng. Hay tôi đã sai?
Không đâu, anh hoàn toàn đúng. Ở nơi tôi sống, nếu đi về một hướng nào đó chừng 30 phút, ta sẽ tìm thấy một nơi yên ắng. Do đó rất dễ tìm thấy thinh lặng nhưng hầu hết mọi người lại không làm như vậy. Ta thức giấc buổi sáng, đi tới văn phòng và trở về nhà, nấu nướng, xem truyền hình, kiểm tra điện thoại, hay Google một cái gì đó, và 20 phút sau vẫn còn trên Google. Rốt cuộc bạn sẽ ngồi trong nhà và phàn nàn thời gian sao trôi qua quá nhanh, đời quá ngắn, nhưng dĩ nhiên là ngắn nếu ta sống như vậy.
Tôi nghĩ ở các thành phố khắp thế giới chuyện này rất phổ biến, do đó có một nơi yên tĩnh ở gần vẫn chưa đủ - mà còn phải tìm những nơi như thế. Tôi tin rằng bạn có thể tìm thấy thinh lặng ngay ngoài đường, thậm chí cả ở đường băng sân bay Heathrow.
Tôi thích thú khi được biết ta có thể tìm thấy thinh lặng giữa sự quấy nhiễu trong nền văn hóa của chúng ta. Sống ở London là một trải nghiệm kinh khiếp về ô nhiễm tiếng ồn. Đâu là những cách mà ông nghĩ chúng ta có thể hạn chế mức tiếng ồn và quấy nhiễu trong cuộc sống?
Đồng nghiệp tôi đã viết một quyển sách vài năm trước tên Rừng Na UY, trở thành một bestseller ở Anh. Chủ yếu viết về đàn ông Na Uy, những người đốn củi, chất củi, và rồi đốt củi suốt mùa đông cùng gia đình. Dĩ nhiên, lý do hầu hết đàn ông ở Na Uy đi đốn củi là để tránh xa gia đình của họ. Họ có một thời gian tạm lánh, vài giờ, tập trung vào duy nhất một thứ. Đó cũng cùng nguyên nhân vì sao người ta đan vá, chơi đàn, hay đọc sách, chủ yếu vì đó là cách họ trải qua thinh lặng. Đôi khi ở nhà tôi sẽ mở nhạc, chỉ để xóa tan những âm thanh khác, và rồi tôi có thể cảm thấy sự thinh lặng bên trong.
Tôi nghĩ điều quan trọng là cần nhớ rằng cái thinh lặng tôi trải qua khác với của mọi người khác. Khi tôi nói về cái tĩnh tại bên trong, cái mà ta bắt gặp là bản thân ta. Gặp gỡ bản thân là một trong những thứ khó thực hiện nhất trong cuộc sống, và đó là lý do vì sao nó quan trọng, vì nếu ta vượt qua tất cả các tiếng ồn, ta cũng cho người khác đi vào trong ta. Ta đang lảng tránh bản thân.
Suốt lịch sử, luôn có một lời khuyên rằng ta nên hiểu về bản thân, và tôi cho rằng bất cứ lời khuyên nào lâu hơn 1000 năm cũng nên được nghiêm túc nhìn nhận.
Tôi không tin rằng ta cần phải vào sống trong tu viện, tuy nhiên nếu có thể thì hãy cứ việc, mà tôi cho rằng chúng ta là sinh vật xã hội một cách tự nhiên. Đôi khi ta chỉ cần thư giãn.
Có rất nhiều dẫn dắt triết học trong sách. Một câu của Blaise Pascal từ thế kỷ 15, và ông ấy nói một câu mà tôi rất thích, “Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng”
Đó là quan điểm của Pascal, vì chúng ta không chịu ngồi và lắng nghe tiếng ồn bên trong đầu. Con người không thể ngồi yên mà không làm gì cả. Nhưng đương nhiên chúng ta có thể, bạn chỉ cần làm với một kỳ vọng có thể đạt được một điều gì đó hơn là không làm gì cả, khi đó bạn sẽ trải qua thinh lặng. Điều thú vị ở đây là Pascal đã nhìn thấy vấn đề và viết ra chừng 350 năm trước, nhưng 5 năm qua, chúng ta đã có quá nhiều tiếng ồn. Nếu ai đó đã chết 50 năm trước sống lại và thấy mọi người chúng ta ai ai cũng cầm điện thoại như ôm gấu bông hôm nay, đi trên đường, họ sẽ nghĩ chúng ta đã phát rồ. Dĩ nhiên chúng ta đã phát rồ.
Do đó có rất nhiều người đang tìm kiếm sự không gì cả, như ông đã nói. Nhưng trong sách ông thật sự đã nói rằng ông đã thử tìm yên lặng tuyệt đối nhưng chưa bao giờ tìm thấy, “Tôi tin rằng thinh lặng tuyệt đối tồn tại gần với mơ hơn là thực” Ông có thể giải thích nói như vậy có nghĩa là gì không?
Khi bắt đầu viết, tôi nghĩ có thể tìm thấy sự thinh lặng tuyệt đối.
Nhưng, để nói ngắn gọn, tôi giờ đây tin rằng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một nơi hoàn toàn thinh lặng. Có một căn phòng ở bên dưới trung tâm Paris, ngay bên cạnh Trung tâm Pompidou, nơi không có tiếng ồn nào. Sau khi viết xong sách, tôi đã đến đó và cảm giác rất lạ kỳ. Khi không có tiếng ồn, sau một lúc tôi không còn nhận biết đâu là trên đâu là dưới nữa. Rồi bạn cũng sẽ nghe thấy mỗi tiếng tim đập, tiếng thở, bạn có thể gần như nghe thấy máu tuần hoàn trong cơ thể, do đó vẫn có tiếng ồn.
Trong các cuộc phiêu lưu vốn đã quá nhiều của mình, ông có từng trải qua những thời điểm gần kề cái chết không?
Tôi nghĩ thoạt trông thì, nếu mẹ tôi vẫn còn đang dõi theo tôi từ đâu đó tôi sẽ nói là đúng, tôi đã từng gần kề cái chết nhiều lần. Nhưng khi ta lâm vào hoàn cảnh ở thời điểm đó, tôi chẳng cảm thấy như thế, kể cả khi đã bị gấu bắc cực tấn công hay rơi tòm vào kẽ nứt trên băng. Nhưng kết quả của điều mà tôi đã nói về cái cảm giác quyện hòa với thiên nhiên, ta chỉ cảm thấy thư thái với những gì đang diễn ra xung quanh, và chấp nhận nó thành một phần của đời sống hàng ngày. Tôi nghĩ nó đứng chờ taxi ở Oslo với lắm kẻ say xỉn còn đáng sợ hơn.
Nghĩ về tương lai, tôi đã đọc đâu đó rằng ngày nay kiến trúc sư ở Anh đào tạo 5 năm nhưng chỉ học duy nhất một ngày về âm thanh. Ông có nghĩ chúng ta nên có tiếp cận thấu suốt hơn đối với sự yên lặng hay không?
Tôi nghĩ nhiều người như các kiến trúc sư và thiết kế muốn có tiếng ồn. Các bạn muốn nhà hàng có cấu trúc âm thanh tốt và hệ thống âm thanh có thể chơi nhạc to. Không phải vì họ ngu ngốc, mà vì như thế mang lại đông khách; các bạn muốn người ta đến, thấy thoải mái, ăn và uống nhiều và 2 giờ sau ra về. Do đó nó hoàn toàn hợp lý. Với kiến trúc sư, họ chỉ cần hiểu 2 thứ và đó là âm thanh và ánh sáng.
Khía cạnh thị giác cũng rất quan trọng?
Đúng thế, ở Paris có một bảo tàng rất nổi tiếng, chính bảo tàng Louis Vuitton mà Frank Gehry thiết kế và ai cũng phát rồ muốn tham quan. Đó là một công trình tuyệt vời, nhưng nếu ta nhìn vào ánh sáng, trong vai trò một bảo tàng, nó đã sai; trông giống một nhà kho hơn. Nếu ta bắt đầu xây nhà, trước tiên ta cần hình dung về ánh sáng, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào không gian và bắt đầu từ đó.
Một trong những thành tựu khác mà ông đã làm là đi bộ băng qua LA, vốn là một thành tích rất đặc biệt, cũng như việc đi bộ băng qua hệ thống cống ngầm ở New York. Ông có cảm thấy để chúng ta tìm thấy sự yên tịnh trong tâm hồn và thinh lặng, chúng ta cần phải ra kế hoạch để làm điều gì đó nằm ngoài vùng an toàn hay không?
Chắc chắn. Chuyến băng qua LA là một cái gì đó mà gần như ai cũng có thể làm được – tôi chỉ đi từ đầu này sang đầu bên kia trong suốt 4 ngày, chậm chạp và ngủ ở khách sạn. Tất cả chỉ để nhìn thấy thành phố từ vỉa hè vì LA chẳng có ai đi bộ nữa.
Cảnh sát có dừng ông lại không?
Có chứ. Họ nghĩ có người đi bộ như thế rất khả nghi. Họ nói chỉ có dân nghiện ngập, đĩ điếm và người điên mới đi bộ ở LA.
Đó là một chuyến đi rất thú vị. Chúng tôi băng qua nhà thờ Khoa luận giáo ở cuối mạn đông của Đại lộ hoàng hôn, nơi tôi đã băng qua nhiều lần bằng xe nhưng lần này tôi quyết định vào trong. Chúng tôi đã thực hiện một bài kiểm tra tính cách của họ và sau 90 phút họ quyết định rằng tôi và bạn tôi có vấn đề cá nhân nghiêm trọng, nhưng họ có thể giúp được.
Khi ta đến đỉnh ngọn Everest, thoạt tiên bạn sẽ thấy cực kỳ vui, nhưng chỉ 2 3 phút sau đó, ý nghĩ kế tiếp bạn có sẽ là, làm thế quái nào để trèo xuống đây.
Câu hỏi cuối cùng, ông đã thành công đến đâu khi dạy các cô con gái về nghệ thuật của thinh lặng?
2 trên 3. Ngay lúc này chúng 15, 18 và 21 tuổi. Tôi cho mỗi đứa một quyển và 2 đứa lớn đã đọc xong, chúng thấy thú vị và rất tích cực. Chúng vẫn còn chết dí trên điện thoại nhưng tôi nghĩ quyển sách đã có tác động vào cách chúng đang sống. Tôi không muốn cản chúng kết nối với người khác nhưng có lẽ nên bớt đi đôi chút và suy nghĩ nhiều hơn. Đứa 15 tuổi không hiểu gì; nó bắt đầu đọc và nghĩ là nó mất thời gian.
Tôi nghĩ lúc nào cũng sẽ có người chê.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất