Lần đầu mình viết! À, nói vậy cũng không phải cho lắm, đúng ra đây là lần đầu mình viết trên một diễn đàn lớn với nhiều những người trí thức với cá tính khác nhau như thế này. Mình vốn không phải một người giỏi văn mà còn là dở văn đến cùng cực, tận cùng. Nhưng lạ thay mình lại thích viết, muốn viết, muốn trình bày những gì mình cảm nhận được với mọi người... Nên hôm nay lần đầu mình lấy hết can đảm của một kẻ khù khờ viết về một người Nghệ Sĩ với riêng mình rất đặc biệt: "Eric Clapton".

Với mình, ông luôn đặc biệt. Vì sao? Vì đầu tiên mình là một người hâm mộ Clapton cũng như bao người khác. Ở thế hệ của mình, thế hệ 9x cũng không còn nhiều những bạn thích nghe hoặc nghe sành sõi dòng nhạc của Ông nữa. Mình thì dành nhiều thời gian để tìm hiểu và nghe nhạc của Ông khá nhiều. Ông được xem là một Nghệ Sĩ nhạc Blues, nhưng lại nổi tiếng ở những bản nhạc Rock và Ballad nhẹ nhàng! Ông thích Blues từ nhỏ và hâm mộ cùng cực Robert Johnson, nhưng khi bắt đầu sư nghiệp Ông lại chọn dòng nhạc Rock với nhóm Cream. Trải qua năm tháng với những thành công nhất định Ông lại trở về với thể loại nhạc Blues năm nào. Ông là một nghệ sĩ không biết rõ mặt cha của mình nhưng lại thành công với bài hát "My Fathers Eyes". Ông vượt qua nỗi đau mất mát để mang lại ca khúc "Tears In Heaven" lấy đi nước mắt của bao người.... Với mình Clapton đặc biệt thế đấy! Ông có những câu solo lead guitar mà dễ lắm chúng ta sẽ nghe đâu đó trong những bản nhạc ở những nghệ sĩ bây giờ. Cách Ông mang âm nhạc đến với mọi người cũng lạ lùng không kém, phong cách trình diễn của Ông không quá máu lửa như bậc tiền bối Buddy Guy, không quá điên cuồng như Jimmy Hendrix, giọng hát không thực sự nổi trội giống BB.King, ăn mặc không đậm chất tuyệt đối giống Santana... Vậy Eric Clapton mang đến điều gì khi lên sân khấu? 
Ông chỉ mang một cây guitar, có lúc là áo sơ mi quần jean, có lúc là bộ vest đen,... Ông chỉ mang lên sân khấu một thứ duy nhất! Đó là âm nhạc, thứ âm nhạc được tập dợt chỉnh chu. Thứ âm nhạc bắt tai dễ nghe nhưng không dễ cảm thụ nếu người nghe chỉ nghe để giải trí. Tiếng guitar của ông dù là trong Rock hay trong Blues và thậm chí có lần nó vang lên trong một ban nhạc Jazz vẫn bị người nghe phát hiện, Clapton không trốn được vì Ông chung thủy với một phong cách trình diễn và chơi đàn. Ông đến từ Anh Quốc, đất nước của những con người quý tộc nên một phần sự máu me trong Ông rất ư là công thức và cứng nhắc. Nhưng mâu thuẫn là tiếng đàn của Ông rất phóng khoáng và khi Ông hát cũng vậy. Kỹ thuật guitar của Ông thì được bình chọn chỉ sau Jimmy Hendrix, Ông dàn trải từ guitar điện, guitar gỗ và không bao giờ Ông cất tiếng hát mà không có cây đàn trên tay! Một thói quen? Hay chỉ là một cách để bắt nhịp? Mình chỉ nghĩ ngợi nôm na rằng Ông sẽ không hát nếu như cây đàn của Ông không cùng cất tiếng. 
Khi đàn Ông đứt dây thì chính đích thân Ông phải thay dây đàn ngay trên sân khấu chứ không thay một cây đàn mới giống những nghệ sĩ khác. "Slowhand" là một biệt danh của Ông gắn với điều đó. Phải chăng đó là tính cầu toàn? Hay chỉ vì Ông phải chơi tiếp tục trên cây đàn đó mới có thể hòa nhịp được với ban nhạc và khán giả? Mình thích nghĩ rằng Ông đồng điệu với nhạc cụ một cách tuyệt đối, điều đó làm mình ư là thích ở Ông. Ông không chơi những bản nhạc mang tính ý niệm và nặng về tư tưởng như Pink Floyd hay Radiohead hoặc gần nhất là Lana Delrey (Mình cũng là một Fan của Cô ấy). Nhạc của Ông cũng không phải thể loại nhạc Nghệ Thuật vị Nhân Sinh, đáp ứng khán giải theo từng thời kì. Nhạc của Ông đơn giản lắm, nhưng lại rắc rối cũng không vừa. Ông viết nhạc, phối nhạc và trình diễn. Ông khéo léo mang ý niệm vào những câu solo guitar hay vào những đoạn intro đầu bài nhưng cũng khéo léo lồng ghép tính thương mại để người nghe dễ tiếp thu qua giai điệu bắt tai hay lời ca đơn giản. À đây rồi! Người nghệ sĩ biết dung hòa những yếu tố cơ bản để thành công. Mình xem và nghe nhạc của Ông theo từng thời kì của cuộc đời Ông. Từ những ngày Ông mới sang Mỹ để lại sân khấu ở xứ sương mù cho những Jimmy Hendrix, The Beatles, Dire Straits,.. Đến những ngày Ông không còn đứng mà là ngồi đàn y như Ông Vua nhạc Blues BB.King khi đến tuổi "Lão thành". Cũng vẫn một phong cách, nhưng đôi mắt Ông khác nhiều. Đôi mắt không còn những chai rựu, không còn sự mệt mỏi với những show diễn xuyên suốt, đôi mắt chỉ còn mỗi một thứ đó là "Di sản". Ông muốn truyền lại di sản âm nhạc của mình cho thế hệ sau này.  Ông sợ nó sẽ mất đi theo thời gian? Đúng vậy, riêng ở nước ta liệu ai sẽ còn nghe những "Layla, Old love,..." khi những bản EDM quá mạnh mẽ, khi dòng nhạc Bolero đang khơi dậy nỗi buồn của người nghe....? 
..........
Mình xin ngưng gõ phím ở đây vì miên man và nghêu ngao quá nhiều về Clapton rồi! Mình thích nhạc Blues, không chỉ riêng một mình Eric Clapton mà còn nhiều những nghệ sĩ khác dù đã cao tuổi nhưng vẫn diễn để truyền lại di sản về âm nhạc, những tinh hoa của quá khứ. Tản mạn đến đây thôi, mình viết theo cảm xúc nên văn chương câu từ và nội dung chắc chỗ đắp chỗ lồi. Cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc đến đây.
---Đêm Sài Gòn, 17/10/2018.