Khắc kỉ Stoicism là một trong số các trường phái triết học quan trọng nhất Hy Lạp và La Mã cổ đại và đồng thời có tầm ảnh hưởng hàng đầu. Những ghi chép của các nhà tư tưởng Khắc kỉ như Seneca, Epictetus và Marcus Aurelius đầy sức lay động và được giới học giả, các nhà lãnh đạo tìm đọc trong suốt hai nghìn năm nay.
Marcus Aurelius. Paulo Gaetana/E+/Getty Images
Với cuốn sách mang tựa đề A Guide to the Good Life: The Ancient Art of Stoic Joy  tác giả William Irvine chỉ ra Khắc kỉ là thứ triết học đáng quý và chặt chẽ bàn về cuộc đời. Ông khẳng định cuộc sống của nhiều người trong chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu chúng ta trở thành những người Stoic. Đây quả là một một nhận định đáng chú ý. Làm sao mà lí thuyết và việc thực hành một trường phái triết học được ra đời từ tận 1500 năm trước cách mạng công nghiệp vẫn có thể có giá trị đến tận ngày nay, một thế giới thay đổi không ngừng và là nơi ngự trị của công nghệ?
Irvine có rất nhiều điều có thể nói tới nhằm trả lời câu hỏi đó. Nhưng phần thú vị nhất trong những gì ông đưa ra là sự trình bày những chiến lược cụ thể mà những người Stoic khuyên chúng ta áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ba trong số đó đặc biệt quan trọng: hình dung tiêu cực, nội tại hóa mục tiêu  thường xuyên tiết chế bản thân.

Hình dung tiêu cực

Epictetus gợi ý, khi cha mẹ đặt nụ hôn chúc đứa con một đêm ngon giấc, họ nên xét đến khả năng đêm đó đứa trẻ có thể chết. Khi bạn nói lời tạm biệt với một người bạn, hãy nhắc mình nhớ, có thể hai người sẽ không bao giờ gặp nhau lần nữa. Tương tự như vậy, bạn có thể tưởng tượng ra cảnh căn nhà bạn ở bị lửa thiêu trụi hay bị gió bão cuốn bay, cảnh bạn bị mất việc, hay chiếc xe hơi bạn vừa mới mua bị một chiếc xe tải nghiền nát.
Tưởng tượng Điều Tệ-nhất là Điều Có-thể-xảy-ra
Tại sao nên dành ra thời gian cho những suy nghĩ gây khó chịu như thế? Việc thực hành như vậy, theo ngôn từ của Irvine là “hình dung tiêu cực” (hay tưởng tượng tiêu cực), thì có thể đem lại ích lợi gì? Sau đây là một vài ích lợi khả thể đến từ việc tưởng tượng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra:
• Khi lường trước những việc không hay, bạn có động lực để bắt tay chuẩn bị những phương án dự phòng. Ví dụ, nghĩ đến việc gia đình chết vì ngạt khí độc carbon monoxide, bạn cho lắp đặt đầu báo khói carbon monoxide trong nhà.
• Nếu bạn đã từng tưởng tượng một việc khủng khiếp xảy ra, khi nó trở thành sự thật, cú sốc sẽ nhẹ nhàng hơn. Chúng ta đều thấy quen với hiện tượng này ở những tình huống thường nhật. Nhiều người khi bước vào một kì thi sẽ tưởng tượng, thậm chí là cố thuyết phục bản thân tin rằng họ đã làm bài không tốt để nhỡ kết quả đúng thật là như vậy, họ sẽ đỡ thất vọng hơn. Hình dung tiêu cực giúp chúng ta chuẩn bị về mặt tinh thần và cảm xúc để đương đầu với những trải nghiệm không dễ chịu một khi chúng đến. Và chúng sẽ đến như một lẽ tất yếu.
• Suy ngẫm về việc mất đi điều gì đó giúp ta trân trọng trọn vẹn giá trị của nó. Trong chúng ta, xu hướng thiếu trân trọng những gì mình có là chuyện không ai lấy làm lạ. Khi lần đầu mua căn nhà mới, chiếc xe, cây đàn, chiếc điện thoại, áo quần, hay bất cứ thứ gì, ta thấy món đồ thật tuyệt vời. Nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, sự mới lạ biến mất, sự phấn khích và cảm giác thú vị đối với món đồ cũng không còn nữa. Các nhà tâm lí học gọi đây là sự “thích nghi với khoái lạc” hedonic adaptation. Nhưng tưởng tượng ra sự mất mát lại là cách để làm tươi mới lại sự trân trọng mà ta dành cho nó. Đây là một phương thức để thực hành lời khuyên của Epictetus và học cách để muốn những gì mình đã có (learn to want what we already have).
Trong số những lập luận về thực hành hình dung tiêu cực, lợi ích thứ ba có lẽ quan trọng và thuyết phục nhất. Và còn hơn cả chuyện món đồ công nghệ mới mua. Cuộc đời có rất nhiều điều để ta cảm thấy biết ơn, nhưng ta thường than phiền cái này cái nọ không hoàn hảo. Nhưng bất kì ai đang đọc bài viết này hẳn đang có được một cuộc sống mà nếu được hỏi, có lẽ hầu hết con người trong lịch sử sẽ cho là thoải mái, dễ chịu đến mức không tưởng. Rất ít mối lo về nạn đói, dịch bệnh, chiến tranh hay sự đàn áp đẫm máu. Chúng ta có thuốc gây tê, kháng sinh, tân dược, giao tiếp tức thời với bất kì ai, ở bất cứ đâu, khả năng đi lại để đến bất kì nơi nào trên thế giới trong vài giờ đồng hồ. Internet giúp ta có thể tiếp cận những công trình nghệ thuật, văn chương, âm nhạc và khoa học thật dễ dàng nhanh chóng. Danh sách những điều để cảm thấy biết ơn kéo dài vô tận. Việc hình dung tiêu cực chính là để nhắc ta rằng, chúng ta đang “sống cuộc sống trong mơ”.

Nội tại hóa các mục tiêu

Văn hóa trong xã hội chúng ta sống đề cao giá trị của thành công thế tục. Thế là người ta tìm cách để theo học những ngôi trường top đầu, kiếm thật nhiều tiền, tạo dựng công việc kinh doanh ăn nên làm ra, trở nên nổi danh, vươn tới vị trí cao trong công việc, thắng các giải thưởng, v.v. Thế nhưng, những mục tiêu như thế chứa đựng một vấn đề, đó là, khả năng một người có thành công hay không lại phụ thuộc phần lớn vào những yếu tố nằm ngoài kiểm soát của họ.
Giả sử mục tiêu của bạn là giành được huy chương Olympic. Bạn cam kết trọn vẹn với mục tiêu này và nếu sở hữu một khả năng tự nhiên, bạn có thể trở thành một trong những vận động viên hàng đầu trên thế giới. Thế nhưng, việc bạn giành được huy chương lại phụ thuộc vào rất nhiều thứ, một trong số đó là những người mà bạn cạnh tranh. Nếu bạn thi đấu với những vận động viên sở hữu lợi thế tự nhiên vượt trội hơn bạn – ví dụ như hình thể và thể chất phù hợp với môn thể thao các bạn tranh tài – thì rõ ràng tấm huy chương là ngoài tầm của bạn. Tương tự với những mục tiêu khác. Nếu bạn muốn trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, chỉ tạo ra âm nhạc hay không thôi chưa đủ. Âm nhạc của bạn cần đến được tai của hàng triệu người, và họ cũng cần thấy yêu thích nó. Đây không phải là những thứ bạn dễ dàng kiểm soát được.
Nhận định những gì bạn có thể kiểm soát
Vì lí do này, những người Stoic khuyên chúng ta phân biệt rạch ròi những thứ nằm trong kiểm soát của mình với những thứ nằm ngoài. Quan điểm của họ là chúng ta nên dành toàn bộ sự tập trung cho cái thứ nhất. Chúng ta nên quan tâm về thứ ta lựa chọn để gắng sức đạt được, quan tâm về việc trở thành con người ta muốn là, và quan tâm về việc sống theo những giá trị đúng đắn. Đây đều là những mục tiêu phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta, không phải theo cách thế giới vận hành hay cách thế giới đối xử với ta ra sao.
Do vậy, nếu tôi là một người nghệ sĩ âm nhạc, mục tiêu của tôi không nên là có được một bản hit vị trí thứ nhất, hay là bán được một triệu bản thu, được chơi tại Carnegie Hall, hay trình diễn tại Super Bowl. Thay vào đó, tôi nên đặt mục tiêu là tạo ra thứ âm nhạc tốt nhất trong thể loại tôi chọn bằng hết khả năng của mình. Tất nhiên, nếu cố gắng làm vậy, tôi sẽ làm tăng khả năng có được sự công nhận của công chúng và đạt được thành công thế tục. Nhưng nếu những điều ấy không tới với tôi, thì cũng không đồng nghĩa là sự thất bại, và tôi không nên cảm thấy quá thất vọng, bởi lẽ tôi sẽ vẫn đạt được mục tiêu đã đặt ra cho bản thân.

Thực hành tiết chế ham muốn

Các Stoic tranh luận rằng thi thoảng chúng ta cần chủ đích ngăn bản thân khỏi việc tận hưởng một số lạc thú nhất định. Ví dụ, nếu chúng ta vẫn thường thưởng thức món tráng miệng sau bữa ăn, cứ vài ngày ta nên bỏ qua việc đó một lần; ta thậm chí có thể thay thế bánh mì, pho mát và nước cho những bữa tối bình thường, thú vị hơn. Các Stoic thậm chí kêu gọi việc tự đặt bản thân vào những trải nghiệm không dễ chịu. Ví dụ, không ăn trong một ngày, ăn mặc phong phanh trong tiết trời giá lạnh, nằm ngủ trên sàn nhà, hay dăm bữa nửa tháng tắm nước lạnh.
Lí do để sử dụng chiến lược này
Kiểu tiết chế, kìm hãm bản thân này nhằm mục đích gì? Tại sao nên làm những việc như vậy? Lí do của nó thực ra khá gần với lí do cho việc hình dung tiêu cực.
Tiết chế lạc thú như thế có tác dụng rèn giũa để ta có khả năng đương đầu một khi rơi vào tình huống khó khăn, nghịch cảnh. Có một ý tưởng cũng rất quen thuộc. Đó là việc quân đội có các chương trình huấn luyện có điều kiện khắc nghiệt. Nếu binh lính ngày thường đã quá quen với khó khăn thì một khi tình huống đòi hỏi, họ sẽ đối phó với nó tốt hơn. Tư duy theo kiểu những tướng lĩnh quân đội như thế đã tồn tại ít nhất là từ thời Sparta cổ đại. Quả thực là vậy, những người Spartan hiếu chiến có niềm tin mãnh liệt rằng, tước bỏ những thú vui, sự xa xỉ, hưởng thụ khỏi con người sẽ tạo nên những người lính giỏi. Quân luật kiểu này trở thành một đặc tính căn bản trong lối sống của họ. Từ “spartan” ngày nay được dùng với nghĩa là thiếu đi xa hoa (chỉ lối sống tiết dục, khổ hạnh - ND).
Tiết chế giúp chúng ta thêm trân trọng những lạc thú, sự thoải mái, tiện nghi mà chúng ta vẫn thường có và có nguy cơ bị coi là đương nhiên. Hầu hết mọi người sẽ tán thành – trên lí thuyết là vậy. Nhưng vấn đề trong việc đưa lí thuyết trở thành hành động nằm ở chỗ, trải nghiệm của việc chịu khổ tự nguyện không hề thoải mái chút nào, tất nhiên rồi. Dẫu vậy, do ít nhiều nhận thức được giá trị của tiết chế lạc thú, vẫn có những người chọn hoạt động cắm trại hay “xách ba lô lên và đi”.

Nhưng những người Stoics liệu có đúng không?

Những lập luận cho việc thực hành những phương pháp Khắc kỉ thế này nghe rất hợp lí. Nhưng chúng ta có nên tin hay không? Có thật là những phương pháp như hình dung tiêu cực, nội tại hóa mục tiêu và thực hành tự thân từ chối sẽ giúp ta được hạnh phúc hơn?
Câu trả lời khả dĩ nhất đó là nó tùy thuộc ít nhiều vào mỗi cá nhân. Hình dung tiêu cực có thể giúp một số người biết trân trọng trọn vẹn những gì họ đang được hưởng trong hiện tại. Nhưng với người khác, nó có thể dẫn đến lo âu nhiều hơn về khả năng mất đi điều họ trân quý. Shakespeare sau khi miêu tả một số ví dụ về sức tàn phá của Thời Gian, tại Sonnet 64, ông đưa ra kết luận:
Time hath taught me thus to ruminate 
That Time will come and take my love away. 
This thought is as a death, which cannot choose 
But weep to have that which it fears to lose.
(Ý nghĩ về thời gian, cái chết luôn bám chặt lấy nhà thơ. Ông lo sợ về ngày tình yêu của mình bị lấy đi, bởi Thời Gian, nên khóc thương và tiếc nuối khôn nguôi)
Dường như đối với nhà thơ, hình dung tiêu cực không phải là một chiến thuật mang lại cho ông hạnh phúc. Ngược lại, nó gây ra âu lo và khiến ông càng bám chấp vào thứ ông sợ một ngày nào đó sẽ mất.
Nội tại hóa các mục tiêu có vẻ hợp lí: làm tốt nhất có thể, chấp nhận sự thật rằng thành công khách quan phụ thuộc vào những yếu tố bạn không thể kiểm soát. Thế nhưng, chắc chắn rằng viễn cảnh về thành công có tính khách quan ấy – ví dụ, như như tấm huy chương Olympic, kiếm ra tiền, sở hữu bản hit, thắng một giải thưởng danh giá – là một động lực lớn lao. Một số người có lẽ sẽ không màng đến những chỉ dấu bề ngoài về thành công như thế, nhưng hầu hết chúng ta thì có. Chắc chắn rằng, rất nhiều thành tựu tuyệt vời của nhân loại đã được truyền động lực, chí ít là một phần, bởi khao khát có được những thứ như thế.
Delayed Gratification - Sự thỏa mãn tạm hoãn thu về phần thưởng 
Hầu hết mọi người không thích ý tưởng phải tiết chế ham muốn cho lắm. Tuy vậy, có lí do nào đó để cho rằng nó thực sự đem lại điều gì đó tốt đẹp mà những người Stoic khẳng định. Có một thí nghiệm vào khoảng những năm 1970 được tiến hành bởi các nhà tâm lí học ĐH Stanford mà nhiều người biết đến. Một số trẻ nhỏ tham gia vào thí nghiệm để xem các em có thể tạm hoãn, không ăn ngay marshmallow trong bao lâu để nhận một phần thưởng thêm vào (được một chiếc cookie cùng với marshmallow chẳng hạn).
Petri Oeschger / Getty Images
Bài kiểm tra cho trẻ nhỏ quyết định giữa một phần thưởng ngay lập tức  hoặc, nếu chúng trì hoãn sự thỏa mãn, một phần thưởng lớn hơn.
Kết quả đầy bất ngờ từ nghiên cứu này đó là những cá nhân giỏi trong việc tạm hoãn sự thỏa mãn được cho là có một cuộc sống tốt hơn sau này, dựa theo một số tiêu chí như thành tích học vấn hay sức khỏe tổng thể. Điều này có vẻ như chứng thực rằng năng lực ý chí cũng giống như cơ bắp, việc rèn luyện cơ bắp này thông qua tiết chế ham muốn sẽ xây dựng khả năng kiểm soát bản thân, yếu tố chủ chốt làm nên một cuộc sống hạnh phúc.
--