1. 
Với tôi, Minh An là một cô gái mạnh mẽ. An bất cần, em sẽ phê phán những quy tắc cũ mèm của xã hội, những áp đặt cổ hủ của cha mẹ. An vẽ rất đẹp, em muốn trở thành một hoạ sĩ tự do. An sẽ nói với tôi: Anh đừng để họ quyết định cuộc sống thay. An sẽ nói với tôi: Anh từng nghe cái gì gọi là trưởng thành trong nghịch cảnh chưa? Chỉ có trong nghịch cảnh, người ta mới bứt phá được thành kẻ xuất chúng.
Thế mà một ngày An lại gục vào vai tôi mà khóc.
"Mày mà không theo học trường này thì tao sẽ giết mày"
Hoá ra, trong số chúng tôi, kẻ bất cần nhất lại là kẻ phải nghe theo những nguyên tắc cũ mèm của xã hội, những áp đặt cổ hủ của mẹ cha.
 "Tao sống khổ sở như thế này để cho mày ăn học, vậy mà mày lại định huỷ hoại tất cả để vẽ tranh?"
 Hoá ra, trong số chúng tôi, chẳng có ai có thể trở thành một hoạ sĩ tự do. Không có hoạ sĩ, cũng chẳng có tự do.
 "Nếu mày không nghe lời, tao sẽ chết trước mặt mày".
Hoá ra, trong số chúng tôi, kẻ cứng cỏi nhất lại để người khác quyết định cuộc sống của mình.
Tôi vẫn tưởng em trưởng thành nên hay nhường nhịn người khác, hoá ra là do em từ nhỏ đã quen không thể nói không với bất cứ lời đề nghị nào. Tôi vẫn tưởng em là một cánh bướm tự do, hoá ra chỉ có tâm hồn em tự do, còn thân xác thì bị giam cầm trong một mái ấm độc hại.
An mất vào một ngày nắng đẹp. Thuốc ngủ, rửa ruột không kịp, hoả thiêu. Hoá ra,  trưởng thành trong nghịch cảnh là câu chuyện của người khác, câu chuyện của em là sinh ra trong nghịch cảnh, mãi mãi dừng trước ngưỡng cửa trưởng thành.
Ai cũng trách em ra đi vì bồng bột, ước mơ hiện tại không theo đuổi được thì sau này theo đuổi. Thật ra không phải, tôi biết, em đi là vì hệ giá trị cùng sức khoẻ tinh thần của em đã bị huỷ hoại quá nhiều.
 
  
  1. Đôi  khi không có ai là kẻ xấu cả. Chúng ta chỉ không hiểu được tổn thương trong lòng mình và tiếp tục tổn thương nhau.
 Đối với nhiều người, nghịch cảnh phải là nghèo khó, tàn tật. Một đám trẻ thành phố, đầy đủ mẹ cha, học hành đàng hoàng, lấy tư cách gì để nói mình phải sống trong nghịch cảnh? 
Có chứ. Nghịch cảnh của các em có tên: Tra tấn cảm xúc. 
Trong cuốn sách "Emotional Blackmail" của mình, tác giả Susan Forward chia tra tấn cảm xúc thành 4 chiến thuật:  
  • Trừng trị ("Nếu em không nghe, anh sẽ  bỏ rơi em"): Nói rõ điều mà mình muốn. Khẳng định hậu quả mà nạn nhân sẽ phải chịu nếu làm trái ý.
  • Tự hại  ("Nếu em rời xa anh, anh sẽ biến mất khỏi thế gian này"): Tự biến mình      thành nạn nhân để khiến nạn nhân cảm thấy tội lỗi.
  • Bị hại  ("Tại sao em chỉ biết nghĩ cho bản thân mình? Chị khổ sở như thế này      đều là do em"): Đổ lỗi - nếu nạn nhân không làm những gì họ muốn, họ  sẽ khổ sở và tất cả là lỗi của nạn nhân. 
  • Nhử mồi: Đây là  chiến thuật nhẹ nhàng nhất. Họ cổ vũ nạn nhân, hứa hẹn tình yêu, tiền,  công danh, và nói rõ rằng trừ phi nạn nhân làm theo ý họ, nạn nhân sẽ không có được những phần thưởng ấy.
Dựa trên FOG - Nỗi sợ (Fear), Bổn phận (Obligation) và Sự tội lỗi (Guilt), tra tấn cảm xúc ăn sâu vào những mối quan hệ, khiến người ta cảm thấy sợ hãi khi làm trái lời, nghĩ rằng việc vâng lời là bổn phận tất yếu, và phản kháng là một lỗi lầm không thể tha thứ.
AI đó từng bảo mình "Vậy thì tránh xa khỏi những người độc hại là được rồi". Đáng tiếc là, mặc dù sự tra tấn cảm xúc này nghe có vẻ xa vời, nhưng thật ra nó tồn tại ở rất gần mỗi chúng ta, với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.  Nỗi sợ, bổn phận, sự tội lỗi,... đây là những thứ rất dễ ẩn mình dưới dáng vẻ của tình yêu thương, kết nối gia đình, kết nối vợ chồng. Và nỗi đau nó để lại cho mỗi người trong những mối quan hệ ấy rất nặng nề.
"Em là một thất bại."
"Em là một đứa ích kỉ, nuôi phí cơm phí gạo."
"Em cô đơn lắm"
"Em ước mình có thể làm cho họ hạnh phúc nhiều hơn." 
Nạn nhân thường cố gắng tìm kiếm sự chấp thuận, tránh làm người khác phật lòng, nhận mọi lỗi lầm về phía mình. Họ là những người dễ cảm thông cho người khác, nhưng lại khó tha thứ cho bản thân mình. Họ tin rằng nghĩa vụ của mình là hi sinh và làm hài lòng tất cả mọi người.
Những người tấn công cũng là những kẻ bất ổn về mặt cảm xúc và thiếu cảm giác an toàn. Họ sợ bị bỏ rơi, sợ bị tổn thương, muốn tìm kiếm cảm giác có thể kiểm soát mọi thứ, và rất có thể đã từng tiếp xúc với ai đó sử dụng chiến thuật này và thấy nó giúp đem lại những điều họ muốn.
Mình không viết những thông tin này để lên án và công kích một trường hợp cụ thể nào. Mình không viết bài này để lãng mạn hoá cái chết hay trầm trọng hoá xung đột trong các mối quan hệ. Mình chỉ đau lòng khi chứng kiến những Minh An phải lớn lên trong sự tổn thương. Mình chỉ đau lòng khi nhận ra xung quanh mình, chính bản thân mình, cũng ít nhiều lần từng là nạn nhân hoặc thủ phạm thực hiện chiến thuật tra tấn cảm xúc. 
Khi chúng ta nhận ra được điều này, khi chúng ta nỗ lực kiểm soát nó trong khả năng của mình, sẽ bớt đi những tình yêu thương độc hại làm khổ tất cả mọi người.

  1. Quyền lực của nạn nhân.
Tấn công cảm xúc là một loại giao dịch. Nó cần sự đồng thuận từ 2 phía. Điều khó khăn cho nạn nhân đó là dù nhận ra được vấn đề, dường như họ không thể chống lại nó, bởi vì áp lực mà tra tấn cảm xúc tạo ra gần như kích hoạt tất cả phản ứng đã được lập trình sẵn bên trong họ.
Dưới đây là một số những cách mà mình tổng hợp được từ tài liệu. Bạn có thể tập luyện cho tới khi cảm thấy có thể nói chúng một cách tự nhiên để phản ứng lại sự đe doạ và phóng đại đến từ người tấn công. Chống lại cảm giác sợ hãi và tội lỗi không hề dễ dàng, nhưng hãy giữ vững lập trường của mình, mỗi một lần bạn vượt qua được chiến thuật này là một lần bạn giúp cả 2 tiến đến một mối quan hệ lành mạnh hơn.
Đầu tiên, hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần vững vàng
  • Cho dù kết quả có thể nào, hãy yêu thương bản thân mình. Bạn là một người đáng trân trọng, và giá trị của bạn không bị suy giảm bởi những lời lăng mạ của người khác.
  • Bạn đang chống  lại sự tra tấn tâm lí chứ không phải chống lại người đối diện. Nếu bạn muốn, hai người cũng có thể ở cùng một chiến tuyến, cùng nhau chống lại vấn đề đang đe doạ mối quan hệ.
  • Bạn sẽ là người lí trí hơn và định hướng cuộc trò chuyện.
Khi họ nói
  • Anh đang huỷ  hoại gia đình này.
  • Tao không có  loại con cái như mày.
  • Em sẽ làm anh  phải hối hận.
Bạn có thể thử
  • Em/ Con thật sự  hi vọng anh/ bố/ mẹ sẽ không làm như thế. Nhưng em có quyết định của riêng  mình rồi.
  • Em biết anh đang  rất tức giận. Khi bình tĩnh lại, có lẽ anh sẽ hiểu em hơn.
  • Tại sao chúng ta không nói về chuyện này khi anh bình tĩnh hơn? Đe doạ/ Tự làm hại mình  không có ích gì cả.
 Khi họ nói:  
  • Tại sao em lại  ích kỉ như thế? Không giống tính cách của em chút nào.
  • Em nghĩ anh phải  là loại đàn ông khá hơn.
  • Đó là điều ngu xuẩn nhất anh từng nghe.
  • Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Bạn có thể thử:
  • Đó là góc nhìn của anh.
  • Chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả nếu như em cứ tiếp tục lăng mạ anh.
  • Con rất tiếc nếu bố mẹ buồn lòng. Con tôn trọng ý kiến của bố mẹ, nhưng chúng ta nhìn sự việc ở những góc nhìn khác nhau. Con mong bố mẹ có thể lắng nghe ý kiến của con khi bình tĩnh hơn.
Khi họ tra tấn bạn bằng cách giữ im lặng:
  • Hãy nhớ rằng họ có thể  là những người đang sợ bị bỏ rơi, tổn thương, mất đi cảm giác kiểm soát.
  • Thuyết phục họ rằng họ có thể lắng nghe bạn nhiều hơn. Thử viết một lá thư, có thể điều này sẽ giúp họ bình tĩnh tiếp nhận.
  • Đảm bảo với họ rằng họ có thể từ từ nói suy nghĩ và cảm xúc của họ cho bạn, bạn hoàn toàn tôn trọng điều đó.
  • Đừng ngại nói với họ những suy nghĩ của bạn, nhưng hãy bắt đầu bằng thái độ trân trọng : "Bố, con rất quan tâm đến bố, và bố là một trong những người mà con kính trọng nhất. Nhưng con rất buồn nếu như mỗi lần tranh cãi bố đều gạt đi mọi ý kiến của con. Điều này có hại với tình cảm của bố con  mình. Bố có muốn cùng con bình tĩnh nói chuyện không?
  • Hãy chuẩn bị tâm  lí bị tấn công khi bạn mở lời. Hãy hiểu rằng bạn sẽ phải chủ động mở lời hầu hết mọi trường hợp.
Mình biết thoạt nghe thì những điều này khá sáo rỗng và văn vở. Nhưng mình đã thử và đã thấy nó có ích. Ban đầu sẽ khó khăn, nhưng bạn thực sự có thể từ từ giải quyết chúng. Hãy lựa chọn từ ngữ theo cách của bạn và tận dụng mọi cơ hội đưa mình ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự dằn vặt cảm xúc.
Nếu bạn là nạn nhân, mình hi vọng bạn có thể yêu thương bản thân mình và tin tưởng vào những nỗ lực bảo vệ sức khoẻ tinh thần, dù là nhỏ nhất. Bạn không cô đơn, và những điều tốt đẹp đang chờ đợi bạn ở phía trước.
Nếu bạn là người tấn công, hoặc có thể trở thành một người tấn công, mình hi vọng bạn nhận ra vấn đề của mình và dừng lại trước khi quá muộn. Tình yêu thương trong mọi mối quan hệ nên được đến từ hai phía một cách tự nguyện và tôn trọng, chứ không phải một bên kiểm soát, một bên có bổn phận phải tuân lời.

4. H I V Ọ N G
Mình hi vọng, ở một thế giới nào đó, con cái và cha mẹ không còn bị ràng buộc bởi công lao và nợ nần, mà bởi yêu thương và thấu hiểu. Mình hi vọng, ở một thế giới nào đó, mọi chàng trai cô gái đều hiểu được rằng, chúng ta có thể có những mong muốn khác nhau, ý kiến khác nhau, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta yêu thương và tôn trọng nhau. Mình hi vọng, ở một thế giới nào đó, chẳng ai cần phải dùng những chiến thuật để kiếm tìm cảm giác an toàn.
Chắc hẳn ở thế giới đó, sẽ có một cô hoạ sĩ tự do.