Mùi hương vòng bảng lảng trong không khí. Hôm nay là ngày Mồng 1 tháng Chạp. Thế là vẻn vẹn một tháng trời nữa là Tết Nguyên Đán. Cái Tết luôn khơi gợi trong lòng người nhiều xúc cảm hỗn độn. Phấn khởi, lo lắng, tiếc nuối, ưu tư. Những ngày cuối năm, ga tàu, bến xe ở khắp các thành phố lớn lúc nào cũng chật kín người. Đôi chai rượu vang, cuốn lịch vạn niên hay một chiếc balo rỗng là hành trang của những đứa con tha hương trở về với đất mẹ.
Chuyến tàu cuối cùng của năm bắt đầu lăn bánh chậm thật chậm, đủ để kí ức tuổi thơ như một thước phim đen trắng được nhấn nút playback trong tiềm thức người lữ khách. Dần dần đoàn tàu tăng tốc lao vèo đi hết vài chục năm tuổi trẻ. Vài chục năm tấp nập, bon chen trong một xã hội phân tầng giả tưởng chớp mắt cái đã hết vèo. Tàu hoả sáng đèn tráng lệ vụt qua khiến lũ trẻ trong “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) bày ra ánh mắt ngỡ ngàng và khao khát như nhìn thấy viễn cảnh về thanh xuân hào nhoáng của chính mình. Gần về ga, đoàn tàu ì ạch lăn bánh khiến hành khách cứ ngỡ bác lái đã phanh lại từ lâu. Cái tầm xế bóng cũng trầm và chậm như vậy. Một niên sắp hết, tàu sắp dừng tại bến cuối, đời người cũng chẳng rõ còn bao nhiêu. Chiếc đồng cát lật ngược, vài hạt bụi đời rơi rơi trong chiếc ống thủy tinh thắt lại như lòng người.
Tết năm nào cũng thế, kẻ đi xa về sẽ thấy lũ trẻ con trong nhà cứ lớn nhanh như Thánh Gióng. Đứa nào đứa nấy cao kều trong tiếng chẹp miệng của bố mẹ: “Cao nhanh lắm, quần áo cộc hết cả rồi. Làm cả năm không đủ tiền mua tấm áo mới cho chúng nó”. Chỉ có người già là vẫn thế. Bà nội vẫn còng lưng bới mái tóc bạc trắng hết cả cho chỉn chu. Tết nhất mà. Hồi đầu đông, bố gọi điện cho tôi bảo: “Bà yếu lắm rồi, lại vừa mới ngã. Chắc chẳng được mấy lâu nữa…” Trước khi về thăm bà, tôi đã trộm nghĩ không biết bận này bà đã lẫn chưa nhỉ. Nhỡ bà không nhận ra tôi, không nhớ gì về tôi thì sao? Tôi sẽ thấy xa lạ như những nhân vật không có kỉ niệm trong cuốn “Người truyền kí ức” (Lois Lowry)? Hay cảm giác thân mật vẫn sẽ tồn tại, do quan hệ máu mủ? Tôi không rõ và cũng chẳng thể kiểm nghiệm những suy đoán. Vì thật may, bà tôi vẫn còn nhiều phần minh mẫn. 
Thông tin “Bà yếu đi nhiều, không biết đến bao giờ…” đã được họ nội tôi truyền tai nhau ba bốn năm nay. Những câu nói kiểu “Chuẩn bị tinh thần đi” hay “Sẵn sàng tâm lý đi” đã được nhai đi nhai lại như một khẩu hiệu gia đình. “Chuẩn bị tinh thần” là gì mà có thể xoa dịu nỗi đau mất người thân? Có ai thực sự chuẩn bị cho cái chết của những người thân thương? Trong phim điện ảnh “Fences”, nam nhân vật chính Troy có vẻ luôn sẵn sàng chào đón Thần Chết khi “cậu ta” tìm đến với lưỡi hái tử thần trên tay. Tuy nhiên, trong đêm người tình bí mật phải từ bỏ mạng sống lúc sinh cho ông một bé gái kháu khỉnh, Troy đã không thể nén được đau lòng mà rơi nước mắt. Đây có lẽ cũng là những giọt nước mắt hiếm hoi của người đàn ông da màu này suốt quãng thời gian sống trên đời. Hàng rào - biểu tượng mang tính ẩn dụ của bộ phim cũng được Troy dựng lên để bảo vệ các thành viên trong gia đình khỏi cái chết ác nghiệt. “Thần Chết, cậu phải đứng ở phía bên kia hàng rào”. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị tâm lý cho sự ra đi của một người lớn tuổi lại có vẻ như "hiệu nghiệm" dưới nhiều mái nhà. Trong phần lớn trường hợp, cảnh tượng tang lễ may thay không đến mức nực cười như đám tang cụ cố tổ trong tiểu thuyết “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng).
Thú thực, tôi không có quá nhiều kỉ niệm với bà nội. Mỗi năm, tôi chỉ về quê thăm bà được đôi ba lần. Vài lần gặp gỡ ngắn ngủi có đủ xây thành kí ức? Đã rất nhiều lần tôi tưởng tượng bản thân sẽ đón nhận tin bà không còn nữa như thế nào. Liệu tôi có vội vã bắt chuyến xe cuối cùng về chịu tang bà? Liệu tôi có khóc suốt đường về trên chuyến xe mờ nhòe ấy? Người ta thường chỉ rơi nước mắt đau đớn vì mất đi thói quen hoặc tiếc nuối những kỉ niệm. Vậy tôi sẽ khóc vì điều gì? Trong cuốn “Khu vườn mùa hạ”, cậu bé Yamashita đã không thể òa khóc khi dự đám tang bà khiến người bạn Wakabe tức giận quát mắng: “Mày không khóc ư? Đó là bà mày mà!”. Nhưng người đọc biết chẳng ai có thể trách được cậu nhóc 12 tuổi với số lần gặp bà không quá 10 đầu ngón tay ấy. Chính Yamashita cũng đã thầm ước giá như cậu không có mặt ở đám tang ấy, vì tiếc thay cậu bé chẳng thể rơi nước mắt lã chã như người ta vẫn thường nghĩ. Giả sử người nằm trong cỗ quan tài hình chữ nhật ngày hôm đó là một nghệ sĩ thần tượng thì có lẽ Yamashita đã thút thít suốt cả ngày. Nghệ sĩ đó có thể cả đời chúng ta chưa từng gặp gỡ, chứ đừng nói tới con số vài lần mỗi năm. Kỉ niệm và thói quen với họ cũng là do ta tự tô vẽ bằng những hoạt cảnh sống động trong tâm trí. 
Những người xa lạ “không thật” ấy lại là những người thân quen “rất thật” trong tiềm thức ta. Ngược lại, những người thân “một giọt máu đào hơn ao nước lã” có thể ở gần ngay trước mắt nhưng lại xa tận chân trời. Chúng ta có phải những cá thể đáng trách không khi có một vài “người thân rất lạ” và “người lạ rất thân” nơi ngực trái?
Và tôi có khóc trong đám tang bà không?