Có những hình ảnh "đẹp" mà chẳng biết nhét vào đâu. Thôi thì gom hết vào đây.
#1.
Như cách ông bố dạy con đi xe đạp ở công viên, cứ dặn hoài dặn hoài 1000 lần câu "Sao con đi bên trái vậy phải đi bên phải chứ?" Y như cách mẹ Liễu nói quài nói quài 5000 lần chuyện con gái đi ngủ phải giém màn cho cẩn thận. 
#2.
Như hai anh đi xe máy hỏi đường, lúc nghe mình nói xong thì cảm ơn thật rõ tiếng. Anh ngồi sau gầy hơn, lưng cong, bộ quần áo cùng đôi dép nhựa đều đã rất cũ và lấm lem bẩn. Nhìn bộ dễ đoán ra người ở quê lên làm công nhân thợ xây gì đó. Hay thay là, cái lưng cong đấy cúi đầu xuống cảm ơn mình tận hai lần, ánh mắt có sự cảm kích xen lẫn nhút nhát. Vòm lưng cong càng được tô đậm cong tròn hơn, thật biết cách mà in sâu vào đầu cái đứa hay để ý vẩn vơ này quá.
#3.
Như cái quầy hàng hai mẹ con bác béo đầu chợ, bán đủ thứ xôi đĩa các màu, rồi nếp miến gạo, rồi thịt gà chín sống đủ kiểu. Cũng ít thấy người hỏi mua. Thi thoảng thấy hai mẹ con cãi nhau chuyện con con. Lạ là không hiểu sao đầu cứ chỉ để ý đến mấy cái bánh rán tẩm đường to tròn. Lần nào đi ngang qua cũng trăn trở hình ảnh chiếc bánh rán đó, tò mò muốn đến hỏi "Ủa hỏi thiệt chứ bác có bán được cái bánh nào không mà ngày nào con cũng thấy mấy cái bánh nằm tơ hơ chung với các đám đồ khác như thế này". Trăn trở ghê gớm. Ơn trời mấy nay đi ngang qua không thấy bánh rán nữa. Có thế thôi mà sự trăn trở của người con gái như được giải thoát.
#4.
Ví như cái chú sửa xe máy đầu ngõ hay bơm xe đạp miễn phí cho, và luôn nói câu: "Nào đi đi cháu!" khi chú kéo vòi bơm ra khỏi bánh xe. Lần nào hí hoáy mở ví chú đều kêu: "Thôi cất tiền đi. Chú cho cháu". Ủa. Cái câu "Nào đi đi cháu!""Thôi cất tiền đi. Chú cho cháu" nó hay ghê nơi, làm người cháu cứ phải cười lên và mất thêm mấy giây trong đầu để nhắc lại.
#5.
Ví như hôm nắng đông mới lên, thấy hai bố con chú đó đem ghế nhựa ra ngồi ngay giữa con ngõ nhỏ phơi nắng. Chú ngồi đọc Báo Mới qua app Zalo, đoán vậy. Cậu con trai ôm con chó lông xù vô người, lấy tay vò vò hai cái tai cho nó. Dễ thương quá thể. Lòng tui ấm rộn lên từ tận phía trong cùng. Phía trước còn có một con chó con cùng màu đang nằm soãi chân cẳng, quẳng hết thảy sự đời phơi nắng trước mặt hai bố con. Trời ơi chết người vì dễ thương mất thôi. Ủa ủa. Thế này thì ai chẳng thích làm chó hả. Ấy nhưng mà chưa chết được. Tiệm sửa xe máy của chú có một bộ CD cũ cũ mà có vẻ xịn. Thi thoảng đi ngang qua các bài nhạc từ đó phát ra cũng cũ cũ lạ lạ mà chất lắm luôn. Mỗi tội tui mù âm nhạc nên chẳng biết bài gì. Tui đi chết đây.
#6.
Ví như đi ra gửi sách cho người bạn lạ. Cô nhân viên bưu điện bận rộn vì phải một mình kiêm hết quầy, sắc mặt với giọng nói tuy hơi cứng cỏi nghiêm khắc nhưng lời lẽ lại rất đúng mực. Kỳ cục thay là mấy người đi gửi đều bình lặng mà tử tế dễ thương ghê gớm (có thể hào phóng tính luôn cái đứa đang kể chuyện).
Cái bác gái gửi hai thùng bánh kẹo cho ai đó làm quà Tết, giọng Nghệ An, câu từ thật thật, quê quê mà chân thành lắm chân thành. Gửi đồ trả tiền xong cảm ơn to rõ tận hai lần, làm cô kia phải ngại ngùng đáp nhẹ"Không có gì".
Rồi có bà lớn tuổi, nghe mình nhẹ nói có ba chữ "Dạ đúng rồi" sau lớp khẩu trang mà cũng nhận ra người cùng quê. Nhanh nhẹn bà hỏi luôn "Quê m ở đâu, bà ở Thanh Chương cũng Nghệ An nè". Độ tuổi đã loanh quanh 70 nhưng rất nhạy bén trong suy nghĩ và hỏi đáp. Bà nghe câu trả lời của mình một cách nhanh chóng, trọn vẹn và phản hồi trong chớp nhoáng. 9x đó hả 9x yêu ai thì năm sau cưới nhé. Ở trọ khu nào sao không ở chung với ai cho tiết kiệm? Khu cháu ở đó có chỗ này chỗ kia bán đồ rẻ nè... Lúc bà xong việc rồi vẫn kéo lại dặn dò nhiều thứ, và chốt lại hai lần dặn dò phải kiếm người tốt nha. Hay ở chỗ, lúc xong việc, hai bà cháu chào nhau đi về mà chẳng hỏi thêm thông tin gì để giữ liên lạc về sau. Mình thích thú những mối quan hệ, nhân duyên tốt, lòng tuy rất quý nhưng chỉ muốn là ở vị trí đó, không gắng gượng hay nhất thiết phải cố tìm hiểu hay kết nối gì thêm.
Rồi chị gái kia cầm chiếc bằng lái gửi đi nước ngoài. Ban đầu mình để ý vì chị ấy chỉ cầm đúng một tấm bằng lái vuông vuông chìa ra hỏi cách gửi. Não của một đứa hay gói ghém như mình sẽ phản xạ ngay kiểu thắc mắc Ủa sao chị ấy cầm trống trơn vậy nhỉ? Phải gói lại hay để vào một phong bì gì đó chứ. Như mình chắc còn thêm tâm thư cmnl. Gửi đi ra nước ngoài cơ mà. Nhưng mình thấy lạ hơn khi nghe cô nhân viên nói Chờ chị một chút nhé!, chị gái kia trả lời giọng nhẹ nhẹ đều đều: Dạ. Chị làm đi, em chờ được. Ồ. Cái câu "Em chờ được" rõ ràng và bình thản không giống cách một người đi gửi đồ nói với một người bưu điện lần đầu gặp nhau. Đúng rồi. Chờ được hay không, thân quen hay không, thậm chí người kia có muốn nghe hay không, cũng là điều nên phải nói ra vậy chứ. 

Rồi còn thêm vô vàn những sự nhỏ bé tin hin dễ chịu.

Như là chập choạng chiều đi về thì gặp Tuệ Nga đi bộ chiều ngược lại. Hai chị em thấy nhau rồi ồ cười. Mình đứng đó, Nga đến dang tay ôm chị thật trọn vẹn. Dưới khoảng vỉa hè rộng, trong ánh đèn đường vàng ấm, chị thấy mình lọt thỏm trong cái ôm ấm áp dễ chịu của Nga.
Như là buổi chiều Tree với Tranh kêu "nhớ chị Hạnh quá" qua phòng chơi. Pha chohai đứa hai cốc trà nóng, chị một cốc cafe, cứ ngồi thủ thỉ nhỏ nhẹ những chuyện cá nhân linh tinh. Tree kêu tụi em lây một chút bình an vui vẻ từ chị. Chị nói chị hưởng một chút kinh nghiệm và "người lớn" từ hai đứa em thua mình tận 5,6 tuổi. Ai bảo tuổi là vấn đề nhỉ? Ngoài người lớn nhà mình. ^^
Như là buổi tối Ninh với Hương đòi gặp chị Hạnh. Hai đứa gửi xe rồi chạy ào về phía chị. Rồi 8,9h tối chị dẫn hai đứa đi bộ đêm cái đoạn đường mà chị quen thuộc đến từng viên gạch. Ba chị em níu tay nhau rồng rắn dàn hàng ngang đi choán hết cmn vỉa hè. Ninh mở nhạc duy nhất bài Ngày đầu tiên của Đức Phúc đâu đó 8000 lần. Chị nhắc hai đứa tầm 200 lần rằng đừng bước vào cái ô tròn tròn trên đường nhé. Là bởi trong phim Soul hình như nhân vật chính chết vì vậy. Nhưng nếu em đi xe đạp hay xe máy thì cũng không sao. Phim hoạt hình không nói đến điều đó.
Rồi cả buổi chiều chị đi bộ qua đón T ở trung tâm, gọi là chơi trò Bà đón cháu. Rồi hai "bà cháu" cùng đi bộ về nhà, vừa đi vừa xé bánh khoai bà này mua trước đó. Người cháu đi bên trái ôm tay người bà.
Trên đường về thì ghé vô siêu thị mua đồ về nấu cơm ăn. Mua đồ thì ít nhưng chị sẽ cằn nhằn nhiều chuyện hôm nay siêu thị mở bài "Có em chờ" kiểu chi mà tận 80 lần rồi không đổi. Ai mà chờ được lâu vậy. Như T là chịu thôi không chờ đâu nhỉ? :))
Nhưng chị sẽ kể lại cho T chuyện chị gái gửi đồ ở bưu điện. Chị ấy nói câu "Em chờ được" rất đỗi nhẹ nhàng.
Chị mong chi là T cũng vậy.
T thử nói với M đi.
Dạ. Em chờ được.