Một đứa bạn của mình hồi còn nộp CV xin chân thực tập đã bị loại trước thềm phỏng vấn vì… Facebook (FB) của bạn không dùng tên thật.
Hồi còn học năm 2, năm 3 gì đấy, mình có dự một buổi talk show về định hướng nghề nghiệp, học xong làm gì, xin vệc ra sao, với 2 diễn giả là 2 người có nhiều thành công và kinh nghiệm trong ngành. Một người, mình tạm gọi là thầy nhé, vì thầy có dạy những lớp kĩ năng nghiệp vụ, đồng thời cũng là một nhà tuyển dụng.
Thầy nói, thông thường khi các bạn nộp CV, thầy sẽ yêu cầu bạn cung cấp đường link FB cá nhân, mà nếu không thì thầy cũng tự tìm. Thầy đã từng loại một bạn vì FB không có hình thật mà để hình idol Hàn Quốc. Thầy cũng nói rằng không chấm nổi những bạn FB suốt ngày chỉ đăng những câu than thở, những thứ linh tinh, sống ảo, chả có chút gì gọi là quan tâm đến nghề nghiệp. Cuối cùng, lời khuyên dành cho các bạn sinh viên là từ bây giờ hãy chăm chút lại trang cá nhân của mình, vì đó cũng là thứ để nhà tuyển dụng đánh giá bạn khi xin việc.
Sau buổi hướng nghiệp, mình đã quyết định không đi theo cái nghiệp mà thầy ấy hướng. Tất nhiên không phải chỉ vì chuyện FB kia, còn nhiều vấn đề khác về tính chất công việc thấy mình không hợp. Tính ra thì buổi hướng nghiệp cũng đã thành công về một mặt nào đó :)))
Nhưng mà giờ vòng lại chuyện FB đi. Từ khi nào trang cá nhân trở thành một thứ để đánh giá người khác vậy nhỉ?


Đọc thêm:

Bằng cấp đẹp, CV đẹp, FB cũng phải đẹp

Trước tiên là nói về cảm giác của một người đi xin việc đi. Từ khi còn là sinh viên, tụi mình đã được rất nhiều thầy cô khuyên nên thể hiện sự trưởng thành trên FB, bằng cách bớt share những thứ nhảm nhí, bớt đăng mấy cái trẻ con như hôm nay ăn gì uống gì yêu đương gì. Thay vào đó phải thể hiện sự quan tâm đối với các vấn đề đang diễn ra trong lĩnh vực của mình, phải đăng những thứ tạo cảm giác tích cực cho người xem. Vì đó chính là những thứ sau này nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào và đánh giá bạn.
Mình nghĩ rằng việc này nó chả giúp người ta trưởng thành lên được, mà chỉ khiến người ta mệt mỏi và buộc phải sống giả tạo hơn mà thôi. 
Đối với mình, trang cá nhân FB chỉ là một nơi để giải trí, chia sẻ, kết nối với bạn bè sau những giờ vật lộn với cuộc sống ngoài đời thực. Nó không phải diễn đàn nghề nghiệp, nơi khoe thành tích hay đánh bóng bản thân. 
Đây, FB của mình là để đăng những thứ thế này :>
Mình biết có những bạn rất quan tâm đến lĩnh vực họ đang học/làm và thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội. Tốt thôi vì đó là quyền tự do của bạn mà. Nhưng mình không đăng, không chia sẻ thì cũng là quyền của mình, và mình không nên bị đánh giá về chuyện đó. Có phải ai không đăng những vấn đề rất gì và này nọ lên phây thì có nghĩa là họ không cool đâu nhỉ?
Sau khi nuốt trọn một ngày (thường không mấy khi ngọt ngào) ở trường, ở chỗ làm, bạn lết được lên giường khi đã dùng gần hết calories dự trữ. Bạn cầm điện thoại, lên phây, muốn đăng vài câu than thở như nay trời mưa bùn wá, trời nắng nóng wá, hay mấy thứ đùa vui tếu táo cho đời nó hửng màu lên tí. Nhưng chợt nhớ ra mình còn trách nhiệm phải xây dựng hình ảnh. Nên thôi dẹp sang bên, lại tiếp tục đóng vai một nhà trí thức trẻ mẫu mực, đầy trăn trở với những vấn đề tầm cỡ đang diễn ra.
Thế là mỗi lần đăng nhập, FB hỏi, bạn ơi, bạn đang nghĩ gì? (yêu thế)

Đọc thêm:

Bạn ơi, bạn đang nghĩ gì?
Trong đầu bạn nghĩ: Tan làm trễ dính mưa xe tắt máy xui vl.
- Những thứ bạn gõ vào ô trạng thái: Tình hình thị trường chứng khoán, nhà đất, góc nhìn pháp luật từ vụ li hôn thế kỉ, phát hiện mới của các nhà khoa học ở trường đại học gì đấy tại một đất nước nào đấy, dù cuộc sống không dễ dàng nhưng tôi vẫn đang chờ để chinh phục những thách thức mới, mỗi ngày được cống hiến là một niềm vui…
Như vậy có gọi là sống ảo không nhỉ? Theo mình, sống ảo không phải là đăng dăm ba câu than thở, dăm ba cái hình thả thính lên phây. Sống ảo, chính là sống không thật với những gì bạn đang nghĩ và làm.

Muốn hiểu về một người qua FB của họ ư? Cẩn thận kẻo ăn cú lừa

Cái quy trình ở đây là thế này: Các nhà tuyển dụng loại khỏi mắt xanh các ứng viên có FB không đẹp >> Sinh viên và những người xin việc được hướng dẫn phải xây dựng nên một hình ảnh không phải là mình trên FB >> Rồi cú lừa này ai lãnh?
Tìm hiểu một người qua FB thì sẽ biết được bao nhiêu % về họ? Mình cũng chốt luôn là chả có cái phương thức nào thể hiện được tất tần tật trong ngoài trên dưới của một con người cả. Mỗi cá thể là độc nhất và được tạo nên từ rất rất nhiều mặt.
- Mặt năng lực: Thể hiện qua CV, portfolio, bằng cấp, kinh nghiệm, thực tế làm việc, và (nhiều người nghĩ) qua FB
- Mặt thái độ, tính cách: Thể hiện qua cách đối nhân xử thế, và (nhiều người nghĩ) qua FB
- Mặt đời sống nội tâm: Trong trường hợp của mình là thể hiện qua blog cá nhân rất ít người mò vào, còn người khác mình không biết, có thể qua FB hoặc không qua đâu cả
- Cùng 8 nghìn mặt khác…
FB của một người chỉ nói lên một phần rất nhỏ của con người họ mà thôi. Hoặc chả nói lên gì cả, trong những trường hợp cố tình đánh bóng trang cá nhân như đã nói ở trên.

Vậy tại sao người ta vẫn thích tìm hiểu người khác qua đời sống online thế nhỉ? Trong tất cả các loại tuyển dụng luôn: Tuyển nhân viên, tuyển sếp, tuyển bạn bè, tuyển crush, tuyển người yêu…

1. Vì người ta quá tự tin vào khả năng đánh giá con người của mình

Hãy cho tôi biết anh đăng gì lên FB, tôi sẽ nói anh là người thế nào.
Nó cũng giống như mấy câu hãy cho tôi biết anh đọc sách gì, anh chơi với ai thì nói lên anh là người thế nào vậy. Ủa, đâu nói lên gì đâu ba?
Mấy dòng trạng thái, mấy tấm hình, mấy câu bình luận, nó chỉ mô tả được con người trên mạng mà thôi. Còn con người ngoài đời thực có khi trái ngược hoàn toàn.
Vấn đề tiếp theo là dù mấy cái status, comment có phản ánh đúng một phần tính cách của con người ngoài đời đi nữa, thì có chắc là bạn đã “đọc” đúng hay không, hay chỉ hiểu chúng theo cái cách mà bạn muốn hiểu?
Mình biết một cô bạn cùng trường, bạn ấy thích đăng review và các thứ liên quan đến mỹ phẩm trên trang cá nhân, bạn ấy cũng bán mỹ phẩm online nữa. Có lần bạn ấy hỏi, “Liệu FB mình toàn son phấn như vậy, nhà tuyển dụng nhìn vào có nhận ra mình là một người yêu cái đẹp không nhỉ?”
Hay cũng có thể, họ chỉ nghĩ bạn là một girl bán hàng onl cộng theo vô số những định kiến chả biết từ đâu ra về những cô nàng chỉ biết son phấn.

2. Vì nó tiện quá đi chứ


Thay vì bỏ thời gian quan sát, tiếp xúc để hiểu một người, thì bạn chỉ cần ngồi lướt tường nhà họ rồi đánh giá họ theo trực giác của bản thân. Nhanh và tiện quá phải không?
Các chàng trai lướt thấy ảnh của một cô nàng xinh gái, rồi tán, rồi gặp, rồi thấy ở ngoài thua đứt mấy tấm hình đăng phây, rồi đứng hình mất 5 giây, rồi chê trách cuộc đời nhiều giả dối.
Bạn ngồi một chỗ và muốn tuyển được hàng chất lượng? Hãy nhớ rằng chất lượng tương xứng với công sức mà bạn bỏ ra để tìm kiếm và lựa chọn, chẳng có gì là dễ dàng cả.

3. Hết ý viết rồi nhưng muốn thêm mục 3 vào cho nó đẹp

Như bạn thấy đấy, chả có nội dung gì trong mục này cả.
---
Cuối cùng, chốt lại là mình không ủng hộ việc chọn/loại, đánh giá một ai đó chỉ qua FB của họ, trong bất cứ việc “tuyển dụng” nào, cả công việc lẫn cuộc sống. Con người dễ hiểu đến thế kia à?
Cũng thật may là, với cái tường nhà chỉ toàn share nhạc linh tinh và hình chó mèo, mình vẫn không thất nghiệp, yay :)))