Elon Musk - Người vẽ chart vĩ đại nhất sao Hỏa
Chỉ vài ngày trước, Elon Musk bất ngờ đổi tên tài khoản Twitter của mình thành KEKIUS MAXIMUS, và ngay lập tức, một đồng coin mang...
Chỉ vài ngày trước, Elon Musk bất ngờ đổi tên tài khoản Twitter của mình thành KEKIUS MAXIMUS, và ngay lập tức, một đồng coin mang tên KEKIUS tăng giá gấp hơn 400 lần. Nhưng như một trò đùa khắc nghiệt, khi Musk đổi lại tên và ảnh đại diện, đồng coin này lao dốc chia 13 lần. Đây không phải là lần đầu tiên "Tony Stark của đời thực" khuấy động thị trường tiền mã hóa bằng những động thái tưởng như vô thưởng vô phạt của mình.

Năm 2023, Musk khiến cộng đồng crypto phải "dậy sóng" khi đăng một meme sử dụng hình ảnh từ bộ sưu tập Milady NFT. Chỉ với một dòng tweet đơn giản, giá sàn của bộ sưu tập này tăng mạnh, trong khi một memecoin liên quan mang tên LADYS tăng hơn 11,000% – một cơn sốt đúng nghĩa. Và khi mọi người còn chưa hết ngỡ ngàng, Elon lại tiếp tục "bắn phát pháo" mới. Một bức ảnh con mèo kèm từ "PSYOP" được ông đăng tải đã ngay lập tức kích hoạt sự tăng giá chóng mặt của một memecoin cùng tên, với mức tăng hơn 2,600%.
Đến năm 2024, Musk không làm người hâm mộ thất vọng. Trong chuỗi các tweet liên quan đến con số yêu thích của mình, 42069, Elon vô tình – hoặc cố ý – gắn dãy số này với tổng cung của đồng Pepe Coin: 42069 nghìn tỷ. Ngay lập tức, cộng đồng crypto lại đồn đoán rằng Pepe chính là "con cưng mới" của Musk, như cách Dogecoin từng được ông đưa "lên mặt trăng" năm 2021. Và quả thật, Pepe đã tăng hơn 4000% chỉ trong năm 2024, minh chứng rõ ràng cho sức ảnh hưởng khủng khiếp của Elon.
Elon Musk – không chỉ biết "lái" xe điện hay tàu vũ trụ, mà còn là bậc thầy "lái giá" crypto. Nhưng từ bao giờ ông lại sở hữu quyền năng này? Điều gì đã đưa Musk từ vị thế của một doanh nhân công nghệ hàng đầu đến vai trò của một "tay chơi" có khả năng định hình cả thị trường tiền mã hóa?
Hành trình ấy không chỉ đơn thuần là những dòng tweet. Đó là sự giao thoa giữa tầm nhìn dài hạn, công nghệ tiên phong, và cả những "trò đùa" tỷ đô. Và có lẽ, tất cả đã được nhen nhóm từ hơn 10 năm trước…
Elon Musk và những bước đầu với crypto
Elon Musk lần đầu được liên kết với tiền mã hóa vào năm 2014, khi một nhiếp ảnh gia hỏi ông về quan điểm cá nhân đối với crypto trên Twitter. Đáp lại, Musk trả lời một cách đầy ẩn ý: “À, giờ thì chúng ta đã biết Satoshi Nakamoto là ai, tôi đoán là vụ này coi như xong rồi.” Câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý này ngay lập tức gây xôn xao, cộng thêm tính cách nửa đùa nửa thật trứ danh của Musk, khiến cộng đồng đặt câu hỏi: liệu Musk có thực sự biết điều gì đó mà thế giới chưa biết?
Thời điểm đó, Newsweek đã tung một bài báo tuyên bố phát hiện ra danh tính thực sự của Satoshi Nakamoto, là người đàn ông mang tên Dorian Nakamoto. Thế nhưng cộng đồng tiền mã hóa vốn không tin vào Dorian. Từ đó, câu chuyện đồn đoán về danh tính thật của Satoshi thêm phần kịch tính.
Vào tháng 10 năm 2014, tại sự kiện Vanity Fair’s New Establishment Summit, Elon Musk được Walter Isaacson – một cây bút sắc sảo với những cuốn sách về tiểu sử – hỏi về quan điểm của ông đối với Bitcoin. Musk đã trả lời rất điểm tĩnh rằng Bitcoin “có lẽ là một điều tốt,” nhưng đồng thời cũng bày tỏ suy nghĩ rằng đồng tiền này sẽ chủ yếu được sử dụng cho “các giao dịch bất hợp pháp.” Tuy nhiên, ông nhanh chóng làm rõ quan điểm rằng điều đó không hoàn toàn xấu: “Một số thứ có lẽ không nên bị coi là bất hợp pháp.”
Musk còn phân tích sâu hơn, chỉ ra rằng Bitcoin sẽ hữu ích cho cả các giao dịch hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Theo ông, giá trị của Bitcoin nằm ở việc tạo ra một “cầu nối” giữa giao dịch hợp pháp và bất hợp pháp – một điều cần thiết để duy trì sự tồn tại của đồng tiền này. Đáng chú ý, ở thời điểm đó, Musk khẳng định rằng ông không sở hữu bất kỳ Bitcoin nào, chỉ đơn giản quan sát và đưa ra nhận định mang tính hệ thống.
Bẵng đi một thời gian. Nhiều năm sau, Elon Musk tiếp tục trở thành tâm điểm của những tin đồn. Năm 2017, một bài viết trên Medium tuyên bố Musk chính là Satoshi Nakamoto, dựa trên những lập luận về kiến thức sâu rộng của ông trong lĩnh vực kinh tế, mật mã học và kỹ năng lập trình bằng C++. Tuy nhiên, Musk nhanh chóng phủ nhận, khẳng định rằng ông không phải người tạo ra Bitcoin, và thậm chí còn nói rằng mình từng nhận được một phần nhỏ Bitcoin từ bạn nhưng đã “lạc mất.”
Những năm sau đó, chúng ta không thấy nhiều điểm giao nhau giữa Elon và thế giới tiền điện tử trên các nền tảng mạng xã hội. Không ai biết được rằng liệu ông có đang âm thầm theo dõi sự trưởng thành của các đồng tiền số này hay không. Và rồi, sự im lặng này đã bị phá vỡ.
Năm 2019, Elon Musk đã có một chia sẻ về crypto trong một podcast với Ark Invest. Lần đầu tiên, ông công khai ca ngợi Bitcoin là "một cấu trúc thiên tài," đồng thời thừa nhận rằng Ethereum cũng có những điểm đáng chú ý. Tuy nhiên, Musk vẫn thận trọng khi nói rằng công nghệ tiền mã hóa còn quá “tiêu tốn năng lượng” để phù hợp với mô hình kinh doanh của Tesla. Một phát biểu ngắn gọn, nhưng không khác gì một cái gật đầu cho câu hỏi liệu Musk có đang theo dõi thị trường crypto không!
Tuyên bố này không chỉ làm sống lại sự quan tâm của cộng đồng crypto, mà còn đặt ra câu hỏi: liệu Musk đã bắt đầu nhìn nhận crypto như một phần của chiến lược kinh doanh dài hạn?
Đặc biệt, năm 2019 cũng là thời điểm Elon Musk lần đầu nhắc đến một đồng tiền ít ai ngờ tới. Dòng tweet tưởng như chỉ là một trò đùa này lại mở ra một chương mới trong hành trình của Musk với crypto, khi ông bắt đầu được xem như một người có thể "lái" cả thị trường chỉ bằng những phát biểu của mình.
Dogecoin: Một trò đùa hay true love?
Vào ngày 2/4/2019, Musk lần đầu nhắc đến Dogecoin trên Twitter với dòng trạng thái: “Doge coin có thể là đồng tiền mã hóa yêu thích của tôi. Nó khá ngầu đấy”. Ngay sau đó, giá Dogecoin tăng gấp đôi, từ $0.002 lên $0.004 chỉ trong vài ngày. Đó là lần đầu tiên thị trường chứng kiến sức mạnh của Elon Musk trong việc "thổi giá" một đồng crypto. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhiều người vẫn cho rằng đây chỉ là một trong những trò đùa thường nhật của Elon.
Quay lại với Dogecoin, một đồng tiền mã hóa ra đời năm 2013 với mục đích đơn thuần là chế giễu sự bùng nổ của các loại tiền mã hóa mới, bất ngờ trở thành "crypto yêu thích" của Elon Musk. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, Dogecoin dường như mang trong mình một phần cá tính của chính Musk – một công nghệ đầy ấn tượng nhưng được gói ghém trong vẻ ngoài như một trò đùa. Và đó không phải là trò đùa thông thường, mà là một trò đùa tỷ đô.
Đến tháng 12/2020, sự chú ý của Musk dành cho Dogecoin bùng nổ mạnh mẽ hơn. Chỉ với một dòng tweet ngắn gọn, “Doge,” giá Dogecoin tăng 120% trong vòng 4 ngày. Mỗi khi Musk nhắc đến Dogecoin, thị trường lại chứng kiến những đợt tăng giá đột biến, biến đồng tiền này từ một meme đơn thuần trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Nhưng mối quan hệ giữa Musk và Dogecoin không chỉ toàn màu hồng. Vào tháng 2/2021, Musk chỉ trích sự tập trung tài sản quá lớn trong Dogecoin, khi 62% nguồn cung thuộc về 50 ví lớn nhất. Dòng tweet này khiến giá Dogecoin giảm 20%, một lần nữa đã minh chứng rõ ràng cho sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Musk đến thị trường. Mặc dù vậy, giận thì giận nhưng thương thì thương, Elon Musk vẫn tiếp tục ủng hộ Dogecoin. Ông thậm chí còn gọi đây là "crypto của nhân dân" và đề xuất cải tiến công nghệ để giúp nó trở thành một phương tiện thanh toán hiệu quả hơn.
Diễn biến cao trào của cuộc tình này tiếp diễn vào năm 2021, khi Musk thông báo rằng SpaceX sẽ chấp nhận Dogecoin làm phương thức thanh toán cho một nhiệm vụ không gian mang tên DOGE-1. Đây là lần đầu tiên một công ty lớn như SpaceX chấp nhận một đồng tiền mã hóa mang tính chất hài hước như Dogecoin, đưa nó lên một tầm cao mới.
Đỉnh cao của “trò đùa” này phải kể đến khi chỉ vài tháng trước, Donald Trump bổ nhiệm Elon Musk vào vị trí đứng đầu một cơ quan mới mang tên “bộ hiệu quả chính phủ” hay "Department of Government Efficiency”. Tình cờ thay, tên viết tắt của bộ này lại chính là D.o.g.e.
Dogecoin và Musk có nhiều điểm chung đến vậy, và khi họ gặp nhau, như có chemistry khiến cho mối quan hệ này bùng nổ. Tuy nhiên, sự yêu thích Dogecoin của Musk rõ ràng không chỉ đơn thuần là trò đùa. Nó còn phản ánh sự quan tâm của ông đối với cách thị trường crypto có thể tiếp cận đến cộng đồng đại chúng, thay vì chỉ phục vụ những nhà đầu tư lớn mặc vest trên phố wall.
Nhưng nếu xem Dogecoin là đồng coin yêu thích của Elon, thì Bitcoin có lẽ là một câu chuyện khác – một câu chuyện mang tính chiến lược, pha chút mâu thuẫn.
Bitcoin và Tesla: Khi đam mê gặp mâu thuẫn
Cùng năm 2021, xảy ra một sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa Elon Musk và Bitcoin, khi Tesla – công ty dẫn đầu ngành công nghiệp xe điện của ông – chính thức đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin. Thông báo này không chỉ khiến giá Bitcoin tăng vọt lên gần $58,000 vào tháng 2/2021 mà còn mang lại một tín hiệu mạnh mẽ về việc chấp nhận tiền mã hóa trong giới doanh nghiệp lớn.
Elon Musk tiếp tục củng cố niềm tin vào Bitcoin bằng kế hoạch chấp nhận đồng tiền này như một phương thức thanh toán cho xe Tesla. Cộng đồng crypto hoan nghênh động thái này, xem đây là một bước tiến lớn trong việc đưa Bitcoin đến gần hơn với sự chấp nhận toàn cầu.
Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, mọi thứ thay đổi. Vào tháng 5/2021, Elon Musk bất ngờ thông báo Tesla sẽ ngừng chấp nhận Bitcoin vì lo ngại về tác động tiêu cực của việc khai thác Bitcoin đối với môi trường. Tweet này ngay lập tức khiến giá Bitcoin có cú giảm mạnh xuống gần $43,000, tạo ra làn sóng chỉ trích trong cộng đồng crypto. Nhiều nhà đầu tư đã cáo buộc Musk đã gây ra sự bất ổn cho thị trường và phá hỏng niềm tin của nhà đầu tư. Phải chăng, Elon đã bắt đầu có tác động quá lớn trên một thị trường vốn phi tập trung?
Phản hồi trước làn sóng phẫn nộ, Musk cho biết ông không hoàn toàn từ bỏ Bitcoin, mà chỉ muốn tìm kiếm các giải pháp năng lượng bền vững hơn để hỗ trợ mạng lưới. Elon còn mạnh miệng khẳng định rằng Tesla sẽ không bán ra một đồng Bitcoin nào! Ấy thế mà, chỉ hơn 1 năm sau, ông lại phá vỡ lời hứa của mình!
Tháng 7/2022, Tesla khiến thị trường crypto xôn xao khi bán ra khoảng 75% lượng Bitcoin mà công ty đang nắm giữ, thu về 936 triệu USD. Elon Musk giải thích rằng đây là một quyết định chiến lược nhằm đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Thanh minh là thế, nhưng hành động của Elon như nhấn chìm hi vọng của thị trường crypto vào thời điểm đó, trong bối cảnh cộng đồng vừa trải qua sự kiện sụp đổ của Terra Luna.
Tuy nhiên, Tesla không hoàn toàn rời bỏ Bitcoin. Đến cuối năm 2023, công ty vẫn giữ lại khoảng 10.500 Bitcoin, với tổng giá trị ước tính 184 triệu USD tại thời điểm đó, và có giá trị lên tới hơn 1 tỷ 50 triệu USD nếu tính giá trị hiện tại. Kể từ tháng 12/2022, Tesla không thực hiện thêm bất kỳ giao dịch mua bán nào liên quan đến Bitcoin, cho thấy một sự kiên định trong việc duy trì phần còn lại của tài sản này.
Sự quay lưng và sau đó là những động thái giữ vững niềm tin vào Bitcoin của Musk cho thấy một mối quan hệ đầy mâu thuẫn – giữa niềm đam mê với công nghệ đột phá và những thách thức thực tế trong việc cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội. Và dù rằng đã có những cú tát đau đớn của Elon dành cho crypto space, thế nhưng vai trò của của ông trong việc phát triển thị trường này là không thể phủ nhận. À mà, một tỷ phú như Elon, tại sao lại đặt cược lớn đến vậy vào thị trường đầy tranh cãi này?
Vai trò của Elon Musk với tương lai crypto
Có lẽ, trong lăng kính crypto, phần lớn mọi người vẫn nhìn vào Elon Musk như một người thích đùa giỡn với những dòng tweet đầy ẩn ý. Đúng, Elon có thể rất hay đùa giỡn – nhưng cá chắc rằng ông không bao giờ đùa với mục tiêu của mình. Những gì ông làm, dù đôi khi mang vẻ ngẫu hứng, luôn ẩn chứa một kế hoạch dài hạn và đầy tham vọng.
Quay trở lại những trang đầu của cuốn sách sự nghiệp Elon, ông đã khởi đầu với không gian số. Từ những dự án đầu tiên như Zip2 – một nền tảng xuất bản trực tuyến, đến X.com – tiền thân của PayPal, Elon đã chứng minh rằng ông không chỉ hiểu rõ về không gian số, mà còn có tầm nhìn về việc nó sẽ phát triển như thế nào. Các ý tưởng của ông từ những năm 2000 cho thấy một bức tranh tương lai, nơi mà không gian số trở thành xương sống của nền kinh tế toàn cầu.
Trong bức tranh đó, crypto, Bitcoin hay blockchain sẽ nằm ở đâu? Mọi thứ dường như vẫn là ẩn số, cho đến khi Elon thực hiện một trong những thương vụ gây chấn động – mua lại Twitter và đổi tên nó thành X. Động thái này không chỉ là một sự thay đổi thương hiệu, mà còn là tín hiệu đầu tiên về một bước chuyển lớn trong tầm nhìn của Musk. Elon biến X trở thành một nền tảng đề cao sự tự do ngôn luận, thậm chí đi xa hơn với tuyên bố táo bạo: "You are the media." Đây là cú đấm thẳng mặt vào các cơ quan báo chí truyền thống, thể hiện rõ triết lý về quyền kiểm soát thông tin trong tay người dùng.
Nhưng X sẽ không chỉ dừng lại ở một mạng xã hội. Elon tiết lộ tham vọng lớn hơn: biến X thành "the everything app" – một ứng dụng tích hợp mọi thứ, từ mạng xã hội, thanh toán, thương mại điện tử, đến quản lý tài chính. Và trong bối cảnh này, vai trò của crypto bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Với công nghệ blockchain, Musk có thể hiện thực hóa ý tưởng xây dựng một hệ sinh thái tài chính phi tập trung, nơi người dùng có thể giao dịch, lưu trữ giá trị, và kiểm soát hoàn toàn dữ liệu của mình. Crypto không chỉ là một công cụ tài chính; nó là yếu tố cốt lõi để X thực sự trở thành “ứng dụng cho mọi thứ.”
Hình dung X như một "siêu ứng dụng" (super app) lấy cảm hứng từ những nền tảng chẳng hạn như WeChat của Trung Quốc – một ứng dụng mà người dùng có thể trò chuyện, mua sắm, đặt vé, và thực hiện các giao dịch tài chính chỉ trên một nền tảng duy nhất. Tuy nhiên, Elon không chỉ muốn sao chép mô hình đó. Ông còn muốn đưa X vượt ra ngoài giới hạn hiện tại bằng cách tích hợp công nghệ blockchain và crypto, biến nó thành một hệ sinh thái thực sự phi tập trung.
Trong tầm nhìn của Elon Musk, công nghệ blockchain chính là xương sống cho X, cung cấp một lớp bảo mật và minh bạch mà các hệ thống tài chính truyền thống không thể đạt được. Crypto không chỉ đóng vai trò như một công cụ thanh toán đơn thuần trong X, mà còn là chìa khóa để xây dựng một nền kinh tế số phi tập trung – nơi quyền kiểm soát thực sự thuộc về người dùng, không phải các ngân hàng hay tập đoàn lớn.
Với công nghệ blockchain, X có thể cung cấp dịch vụ thanh toán không biên giới, vượt qua mọi rào cản về địa lý và hệ thống tài chính truyền thống. Người dùng sẽ có khả năng chuyển tiền hoặc thanh toán trực tiếp bằng các đồng tiền mã hóa, loại bỏ hoàn toàn chi phí trung gian và rút ngắn thời gian giao dịch từ vài ngày xuống chỉ vài giây. Đây không chỉ là một giải pháp tài chính, mà còn là bước đi cách mạng hóa cách thế giới giao dịch. Và nên nhớ, Paypal đã khởi động cho mình một đồng stablecoin riêng, một sự ngẫu nhiên ư?
Không chỉ dừng lại ở thanh toán, blockchain còn mở ra cơ hội cho quyền sở hữu dữ liệu cá nhân – một lĩnh vực mà Elon Musk đặc biệt quan tâm. Ông từng chỉ trích các mạng xã hội truyền thống vì khai thác dữ liệu người dùng để kiếm lợi nhuận. Với X, công nghệ phi tập trung sẽ mang đến một mô hình hoàn toàn mới, nơi dữ liệu không bị khai thác một cách vô tội vạ mà trở thành tài sản có giá trị cho chính người sở hữu nó. Đây chính là bước tiến giúp khôi phục quyền kiểm soát và bảo vệ thông tin cá nhân cho người dùng.
Tham vọng của Musk còn đi xa hơn khi hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi) ngay trong X. Nhờ blockchain, người dùng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính như cho vay, đầu tư, hoặc bảo hiểm mà không cần thông qua bất kỳ tổ chức trung gian nào.
Thực tế, Elon đã thử nghiệm tính năng donate bằng crypto ngay trên nền tảng X, nhưng phải tạm ngưng do các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, điều này chỉ như một phép thử – một bước đi nhỏ trong hành trình lớn hơn của Musk. Với sự hỗ trợ từ công nghệ blockchain và một tương lai chính trị dưới thời Trump, không loại trừ khả năng tính năng này sẽ được phát triển toàn diện hơn, biến X thành trung tâm của hệ sinh thái tài chính phi tập trung toàn cầu.
Kết luận: Liệu đây có là nhiệm vụ bất khả thi?
Elon Musk chưa bao giờ giấu tham vọng thay đổi thế giới, và X chính là minh chứng rõ nhất cho tầm nhìn lớn lao của ông. Đối với Elon, crypto không chỉ là một xu hướng hay công cụ tài chính hiện đại – nó là nền tảng để xây dựng một "ứng dụng cho mọi thứ," một nền kinh tế số toàn diện, và xa hơn, là một xã hội kết nối chặt chẽ trên toàn cầu.
Nhưng tham vọng này cũng đặt ra nhiều thách thức: làm thế nào để tích hợp crypto vào X mà không làm mất đi sự đơn giản và thân thiện với người dùng? Làm thế nào để cân bằng giữa quyền tự do của người dùng với các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ từ chính phủ?
Câu trả lời vẫn còn ở phía trước, nhưng có một điều chắc chắn: với X là trung tâm, và blockchain là động lực, Elon Musk không chỉ muốn tham gia vào tương lai của crypto – ông muốn định hình và dẫn dắt nó. Tham vọng này không chỉ thay đổi cách chúng ta sử dụng công nghệ, mà còn có thể thay đổi chính cách chúng ta hiểu về kinh tế và xã hội trong thế kỷ 21.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này