Albert Einstein từ nhỏ không chỉ lười học ở trường mà còn rất thiếu kiên nhẫn khi học Violin. Có đợt vì thiếu kiên nhẫn, cậu bé này còn cầm ghế quăng cả thầy giáo của mình. Ngược lại như trong Whiplash, ông thầy quăng ghế vào học sinh : )).
Mẹ Einstein lại là một người nghiêm khắc, yêu thương và kiên nhẫn. Bà không cho đó là vì Einstein đã quá chán ghét môn này, bà liền tìm ngay một thầy giáo thậm chí còn nghiêm khắc hơn gấp bội để khắc chế Einstein, rốt cuộc cậu cũng chịu theo học lâu dài.
Sau này như chúng ta đã biết, Violin là một trong những món khoái khẩu của Einstein để ông giải trí lành mạnh, nhờ đó mà tập trung được trí lực cho toàn bộ sự nghiệp của mình.
Có 2 xu hướng rõ nét trong việc giáo dục đứa trẻ, một là thả lỏng quá mức do nuông chiều, tức là học gì trong cuộc sống thì cha mẹ cũng sợ con mình không chịu nổi áp lực, nên từ nhỏ đã vô tình làm hỏng đứa trẻ, lớn lên mới tá hoả lên là nếu cứ thế này thì nó hỏng người mà trở thành đứa èo uột, bất hiếu. Liền cho đi ngay Học Kỳ Quân Đội hay whatever cái gì mà cứ "hành xác nó" cho nó biết mùi.
Xu hướng thứ 2 là nghiêm khắc ngay từ nhỏ, từ lời chào, mời cơm, đến cách làm việc nhà, kỷ luật, gấp chăn mền, cần cha mẹ kiên nhẫn gấp đôi và đôi khi phải dùng hình phạt roi hay các hình phạt nghiêm khắc khác.
Vấn đề của phụ huynh trước kia là theo kinh nghiệm, họ chọn xu hướng thứ 2. Sau đổi mới, 86 trở đi, 90 trở đi, họ thường có xu hướng 1 nhiều hơn. Tuy vậy, thời nào cũng hơi "cực đoan" là nếu đã đi theo một xu hướng thì cứ bám thế mà đi, họ không biết cách linh hoạt và cân bằng giữa 2 xu hướng.
Chuyện này rất khó, ép thì không nỡ, mà bỏ hoang cho cỏ dại mọc thì đứa trẻ càng khó uốn nắn về lâu dài.
Vì thế các phương pháp giáo dục trẻ hiện đại mới yêu cầu đặc biệt là muốn làm gì thì làm, cha mẹ phải dành càng nhiều thời gian cho con càng tốt, chứ không phải giao cho ai khác dạy dỗ. Dành thời gian trò chuyện với con, chơi với con, học nhạc với con, mới là quan trọng để giúp đứa trẻ phát triển toàn diện, từ đó mới thêm vào những bài học kỷ luật, kiên nhẫn, điềm tĩnh trong âm nhạc, trong toán học hay trong các bài học võ, thể dục thường nhật, và các hoạt động làm việc nhà và khám phá thế giới.
Cha mẹ các thời đều không dành nhiều thời gian đồng hành cùng con, chủ yếu là do bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Càng kiếm nhiều tiền, họ càng không có thời gian cho con, và càng có ít tiền, họ càng không có thời gian cho con.
Phụ huynh muốn cân bằng, thường phải chuẩn bị trước khi sinh con, nhiều người bị gia đình ép buộc đã vội sinh con theo ý muốn của ông bà, hay định kiến xã hội là 22 phải cưới, 25 phải có con là muộn rồi, thường bị cuốn theo việc chăm sóc con cái và cơm áo gạo tiền và không chuẩn bị một cuộc sống gia đình hạnh phúc khi có nhiều hơn 2 người, để đạt được sự cân bằng, phải nỗ lực rất lớn và chuẩn bị từ sớm.
2 xu hướng dạy nghệ thuật nghiêm khắc hay dạy nghệ thuật nhưng tuỳ hứng, người ta vẫn hàng ngày tranh cãi. Một số người cho rằng học thì phải có kết quả (mình thì theo xu hướng này), một số người thì cho rằng học là hành trình (miễn vui là được thì người ta mới học).
Cả 2 xu hướng này nếu dẫn đến cực đoan thì đều sai, học mà không đo lường được kết quả thì không phải là giáo dục mà chỉ thuần vui chơi, học mà chỉ nhắm đến kết quả mà không màng đến cảm xúc học viên, là học mà không chơi.
Tuỳ lứa tuổi mà tỷ lệ thêm "chơi" hay thêm "học" sẽ cân bằng, trẻ nhỏ mẫu giáo phải dành 90% thời gian cho chúng chơi, rồi mới học một chút còn lại, tiểu học thì còn 70% chơi, rồi lên THCS thì còn 50%, lên Phổ Thông thì phải ngồi nghiêm túc để rèn luyện tính kỷ luật nhiều hơn, và tập các đức tính chăm chỉ, nhẫn nại mà lúc nhỏ chưa có cơ hội được chuyên sâu.
Con người càng lớn càng khó học, không phải là vì cái đầu dốt học không vào, mà nguyên nhân chính là do nhu cầu cuộc sống đã rất phức tạp thay đổi liên tục, và sức tập trung kém vì trí tuệ và năng lượng bị sao nhãng liên tục do công việc và áp lực cuộc sống.
Học cái gì cũng vậy, phải có kỷ luật mới được, bất kể là khoa học hay nghệ thuật, còn ở mức độ nào, thì người giảng dạy phải biết nắm bắt được nhóm đối tượng ở phía dưới đầy đủ.
Những bạn mà cam đoan rằng phải vui mới học được thì tôi cam đoan luôn là bạn sai rồi.
Cách đây 2 năm tôi có dạy đàn bên quận 7 cho 2 chị em, cô chị 8 tuổi, cô em 6-7 tuổi. Chị thì học cái gì cũng vào, tới giờ cho bài là chỉ cần 50% thời lượng đã hoàn thành bài, còn cô em thì lúc học thì nằm lên nằm xuống, lý luận đủ kiểu, cho rằng bài học khó và không chịu tập, chỉ muốn đi chơi. Một ngày nọ quá chán cô em, cô chị mới bảo là, "Đi học không phải để chỉ cho vui thì mới học..." để "giáo huấn" cô em lười biếng.
2 đứa trẻ dạy cho chúng ta một bài học rằng, trong việc học cũng như trong công việc, nếu đợi "Có dịp" mới làm, vui thì mới làm, mới học, thì cũng có thể trở thành người giỏi, nhưng chắc chắn không thể dễ dàng trở thành người giỏi và người hữu ích với cái tính thiếu hệ thống và thiếu kỷ luật.
Cô chị thì học và tự tìm niềm vui trong việc hoàn thành các mục tiêu học tập, còn cô em thì tìm niềm vui thì mới học được. Trong tương lai, ai là người mà cha mẹ phải suốt ngày quan tâm lo lắng hơn nhiều, các bạn có thể đoán biết được.
Đợi đến lúc khát nước mới uống thì cơ thể đã thiếu nước được một lúc rồi.