Ếch ngồi đáy giếng.
Câu tục ngữ này xuất phát từ câu chuyện Ếch ngồi đáy giếng rất quen thuộc với tất cả chúng ta, nó phản ánh sự hạn hẹp của con người khi chỉ quan sát thế giới qua với một tầm nhìn nhỏ hẹp, coi thường các mối hiểm hoạ bên ngoài thế giới rộng lớn kia.
Tuy nhiên, hôm nay mình sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện khác về những chú ếch yêu khoa học. Những chú ếch này cũng coi trời bằng vung, nhưng khác cái là chúng không kiêu ngạo như version cũ thôi.
Có một bộ lạc ếch nọ sinh ra và lớn lên ở đáy giếng, từ bé tới lớn chúng chưa bao giờ được lên miệng giếng cả, bộ lạc này thống trị cả thế giới đáy giếng, và các loài côn trùng khác phải e sợ chúng. Những chú ếch này hàng ngày nhìn lên miệng giếng và nghĩ rằng bầu trời trên đầu chỉ to bằng miệng giếng. Một ngày nọ, có chú ếch A đặt câu hỏi:
-“liệu có thực sự bầu trời chỉ to bằng miệng giếng không? Tôi nghĩ bầu trời phải lớn hơn thế mới đúng, vì tôi thấy các ngôi sao trên đó không bao giờ cố định, ắt hẳn chúng phải trốn ở những nơi khác mà ta không nhìn thấy được”
Chú ếch B mới hỏi lại rằng:
-“điều kiện để chứng minh bạn sai là gì?”
Chú ếch A đáp:
-“nếu tôi được leo lên miệng giếng, và tôi không thấy những vùng trời khác thì tôi sai, vậy điều gì khiến mọi người tin chắc rằng bầu trời chỉ to bằng miệng giếng chứ?”
Chú ếch B đáp:
-“vì chúng ta quan sát thấy điều đó, nếu kết quả cuộc thăm do miệng giếng mà bạn nêu ra cho thấy thực sự tồn tại những vùng trời mới nằm ngoài tầm quan sát, niềm tin cũ sẽ cần được từ bỏ. Ý tưởng của bạn nên được ghi chép lại, các thế hệ ếch sau nếu có điều kiện, họ sẽ thám hiểm miệng giếng để xác quyết điều chúng ta nói”
Chú ếch C nghe thấy cuộc trò chuyện liên nói rằng:
-“theo truyền thuyết, có một vị thần Giếng đã tạo ra cái giếng, dùng bầu trời làm nắp giếng đậy lại, nắp giếng được thổi vào năng lượng niềm tin để duy trì ánh sáng mỗi ngày. Nếu niềm tin vào nắp giếng thiêng liêng bị suy giảm, ánh sáng sẽ bị yếu đi và dập tắt, thế giới đáy giếng sẽ chìm vào bóng tối. Các cậu không nên tuyên truyền những suy nghĩ lệch lạc, điều đó sẽ khiến thế giới lâm nguy”
Thời gian trôi qua, câu hỏi về “diện tích thực sự của bầu trời” bị bỏ ngỏ mà không ai trong thế giới đáy giếng có thể giải đáp.
Tuy nhiên cần hiểu rằng, suy nghĩ của chú ếch B là rất khách quan, chú ấy có đặt ra điều kiện để thừa nhận mình sai, còn trước mắt khi ta chưa biết gì về thế giới bên ngoài, ta nhìn thấy bầu trời chỉ to bằng miệng giếng thì ta chấp nhận quan điểm “coi trời bằng miệng giếng”. Quan điểm đó không có gì là sai trong bối cảnh này cả. Ít nhất về mặt trực quan nó hợp lý hơn giả thuyết “có những vùng trời khác” mà chú ếch A nêu ra. Nhưng chú ếch A đã nêu một ý tưởng mới kèm theo khả năng chứng minh sai, nên ý tưởng đó rất có tính đóng góp cho cuộc cuộc khám phá miệng giếng của loài ếch. Chúng ta là người ngoài đọc câu chuyện có thể sẽ cảm thấy lũ ếch ngu ngốc vì không biết gì, thực ra cảm giác đó khá là chủ quan, vì việc chú ếch bị đặt vào tình thế thiếu thông tin về thế giới bên ngoài là một bất lợi, quan trọng là tinh thần học hỏi và quan sát thế giới của anh ta như thế nào thôi. Nếu bạn xui xẻo sinh ra và lớn lên trong miệng giếng như chú ếch, bạn cũng sẽ không biết gì về thế giới bên ngoài cả.
Tới một ngày, khi mà có một chú Ếch D nọ phát minh ra một đôi giày bám dính, giúp bám được vào thành giếng. Điều này mở ra một hy vọng mới cho tương lai loài ếch trong công cuộc khám phá. Khi chú ếch D cùng đội thám hiểm tiến lên miệng giếng, càng tới gần, miệng giếng càng mở rộng, họ bắt đầu nhìn thấy cây cối, núi đồi và nhiều mây trời hơn, thậm chí nhìn thấy cả những động vật khổng lồ khác xung quanh. Các chú Ếch ngỡ ngàng và phấn khích trước khung cảnh mà họ chưa thấy bao giờ, chưa từng có ai trước đây tưởng tượng hay miêu tả về thế giới bên ngoài cái giếng cho họ nghe cả. Họ về kể lại trải nghiệm đó cho bộ lạc ếch của mình, quan điểm “coi trời bằng nắp giếng” bị bác bỏ. Cuộc thảo luận giữa 2 chú ếch A và B năm nào cuối cùng đã ngã ngũ.
Tuy nhiên điều này lại gây ra một sự giận dữ trong cộng đồng ếch có đức tin vào thần Giếng, họ cho rằng tuyên truyền những điều sai trái sẽ làm bầu trời ngày càng tối đi, thế giới sẽ chìm vào bóng đêm. Nhưng sự thật đã được tìm ra, cuối cùng giáo hội tôn thờ thần Giếng buộc phải thay đổi lý thuyết thần học để phù hợp hơn với sự thật khách quan mới, họ nói rằng “thần Giếng đã tạo ra cái giếng và bầu trời trên cao, ‘thế giới bên ngoài’ là nơi ở của các vị thần”, các lãnh đạo giáo hội phải xoa dịu tinh thần các tín đồ ếch rằng “niềm tin chúng ta không có gì mâu thuẫn với sự thật cả, miễn là các con luôn duy trì đức tin với thần Giếng, chuyện bầu trời lớn tới mức nào thì tất cả đều là ý đồ của thần Giếng hết, chúng ta không nên đánh mất đức tin của mình”
Bây giờ làng ếch còn sinh ra thêm khái niệm mới, khái niệm “thế giới bên ngoài”.
Từ đó những chú ếch tiếp tục cẩn trọng khám phá thế giới và ghi chép lại những điều họ khám phá được.
Trong bối cảnh của những chú ếch thì “coi trời bằng vung” không có gì sai hết, nhưng coi trời bằng vung mà không kèm theo điều kiện chứng minh sai thì mới là sai.
Chúng ta có thể là ếch ngồi đáy giếng, nhưng vấn đề là thà chúng ta tìm hiểu tới đâu nói tới đó còn hơn là ta bịa ra những thứ bên ngoài miệng giếng và tuyên bố chắc nịch là mình biết hết về thế giới bên ngoài.
#ykh