Trong cuốn FAQ Black Sabbath năm 2011 của Martin Popoff, Ronnie James Dio đã nói về bài “Ear in the wall”:

Bài hát nói về một kẻ lập dị, hắn nhìn thấy những cái tai ở trên tường, hắn lo lắng và sợ hãi. Hắn liền gọi cho người bạn - người mà hắn tin tưởng.

“Này, tôi không thể nói cho bạn vào tối nay. Hãy gặp nhau vào sáng mai, vì tôi nhìn thấy những cái tai ở trên tường!”

Và với người bạn khác, hắn lại nói:

“Này, tôi biết rằng bạn đã nghe thấy tất cả trước tôi rồi!”

Bạn biết đấy, hắn hiển nhiên là mất trí rồi, và người bạn đó kẻ duy nhất lắng nghe hắn nói, người mà hắn cố gắng để nói chuyện. 
Và hắn nói:
“Tôi đã khóc, tôi biết rằng những điều đó làm mọi người xa lánh, và bây giờ tôi phải chứng minh cho họ!”
Cuối cùng, người bạn nói với hắn:
“Kẻ ngu ngốc cuối cùng phải nhìn thấy sự thật!”
Cả hai người về nhà, người bạn ngỡ ngàng và mắng hắn rằng, chẳng có cái tai nào trên tường cả. Nhưng có lẽ là không, người bạn không nhìn thấy gì cả. Nhưng kẻ lập dị của chúng ta, không những là một cái tai mà còn cả con mắt nữa. 
Black Sabbath
Một câu chuyện khá thú vị, tôi nghĩ vậy. Nó bất chợt làm tôi nhớ đến bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn Thái Tuấn.
Không đề - Nguyễn Thái Tuấn
Toàn bức tranh phủ lên một màu xanh buồn, một màu xanh của bầu trời đêm. Có lẽ sau cái điểm giao của mặt trời nơi rặng núi, hoàng hôn là thời khắc mà con người bắt đầu đắm chìm trong những suy nghĩ của mình. Những dòng ý nghĩa tuôn trào như thác lũ của con đê vừa vỡ, tàn bạo và không điểm dừng, nó đưa trí não của chúng ta thoát khỏi thực tại. Tại bàn tiệc, nơi ta thấy chính những bản thể của ta đang ngồi đó. Chúng chẳng khác ta là mấy, nhưng từ trong sâu thẳm mỗi hình hài, ta nhìn thấy “con người” mà ta muốn trở thành. “Con người” mà ta chối bỏ, “Con người” mà xã hội áp đặt, “Con người” mà xã hội cho là vô hình. Dằn vặt, đau khổ, hạnh phúc,.. Tất cả mọi thứ xúc cảm tuôn trào, và ta bị kẹt giữa. Chẳng thoát cũng chẳng ở lại.
Đêm mộng lại đến, tưởng như có thể thoát. Nhưng không! Nó lại đến, những hình hài của ta, chúng nhòm qua những ô cửa kính vỡ. Khuôn mặt chúng trơn láng, hoàn toàn không nhận diện được. Ta cảm thấy tiếng cười, cả anh mắt soi mói của những kẻ vô diện. Lời lẽ đầy sự trách móc, đày đoạ. Chúng bòn rút hết nguyên khí của sự sống, kéo ta vào tâm thế ruồng bỏ bản thân, ruồng bỏ con người ra đang sống. Đẩy ta tới sự chết.
Ta chạy trốn. Nhưng có chăng là thoát? Nó lại đến với ta từng đêm, hung hãn hơn bao giờ hết. Tiếng cười chúng vang to trong tâm trí, ánh mắt chúng đâm sâu vào thân thể tật nguyền, bàn tay chúng trườn vào trong phòng, lấy đi những mảnh linh hồn còn sót lại. Và ta còn lại gì?
Linh hồn ta đã mất - sợi dây liết kết của ta với con người. Ta bị cầm tù trong chính cơ thể này, sống chỉ là một điều xa xỉ mà ta chẳng mơ tới. Ta nghĩ tới cái chết, nhưng ta vẫn hy vọng. Và ta nghĩ rằng hy vọng là điều ngu xuẩn. Thật vậy.
Chúng dần rõ hơn trong tâm trí. Ảo ảnh và thực tại giờ chỉ là còn ranh giới mong manh, chúng lao thằng vào thực tại và trèo lên cái tấm thân khốn khổ này. Miệng chúng ghé vào tai, rót từng lời nói, hỗn loạn và điên cuồng. Bầu trời cũng thôi xanh, những đoá hoa thôi diệu kì. Nhường chỗ cho quan cảnh xám xịt, u tối. Ta ngừng nói, ta ngừng vui vẻ, ta ngừng hy vọng, và ta thôi sống. Ta là nô lệ của chính con người ta.
Ai đó cứu tôi với! 
Không ai cả!
Căn phòng nhuốm màu của cái chết, Ta ngồi đó thu mình, những giọt nước mắt của lòng ham sống cũng chẳng làm Chúa rủ lòng thương xót. Từ trong bốn bức tường, lồi lõm những hình thù như vành tai. Chúng thật hơn bao giờ hết. Chúng bước ra từ những ác mộng, và giờ với sự hung tợn vốn có, chúng ẩn đằng sau những bức tường. Những sinh thể đấy chăm chú nghe, nghe tiếng lòng yếu ớt, nghe cái đập cánh cuôi cùng của sự sống. Ta chết - Ta giải thoát. Không người thân, không bạn bè. Chúng bước ra, quây quần bên cái bằng chứng cuối cùng của sự sống, ôm lấy và ru ta vào cõi địa ngục.