EVERYWHERE AT THE END OF TIME – BẢN GIAO HƯỞNG CỦA KÍ ỨC
Sơ lược về album Everywhere at the End Of Time của The Caretaker.
Ngày 28/8/2021, thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi vô tình lướt ngang qua một hình ảnh, một cái tên. Nó vừa mang lại một cảm giác quen thuộc, vừa xa lạ, tôi không chắc mình có thể gọi tên của vật thể trong bước hình được, nhưng tôi có thể chắc chắn nó là một tuyệt tác nghệ thuật đương đại.
Nó làm tôi nhớ đến bức ảnh nổi tiếng cách đây vài năm nổi lên trên internet, bức ảnh mang lại cho người xem một cảm giác bất an khi không thể nào gọi tên được, dù chỉ một vật thể nằm trong đó. Các vật thể giống như chồng chéo lên nhau, tất cả tan chảy ra và hòa lại với nhau tạo nên bước hình vừa quen quen vừa méo mó xa lạ.
Hơi lạc đề, nhưng hình ảnh tôi gọi là nghệ thuật đương đại phía trên đi cùng với một dòng chữ:
The Caretaker – Everywhere At The End Of Time.
Tôi đã đặc biệt chú ý cụm từ “The end of time” bởi lẽ bản thân đã dùng chúng tất nhiều trong các truyện ngắn tôi từng viết, và tôi cũng có cảm xúc đặc biệt với nó trước đây khi xem một video về vũ trụ. Tôi không nhớ chính xác tiêu đề nữa, nhưng đại loại nội dung là về dự đoán tương lai của toàn vũ trụ, từ bây giờ cho đến tận cùng của thời gian, theo trải nghiệm của con người.
Cụm từ căn bản khá dễ nhớ, cùng với hình ảnh đi với nó có phần kì dị, cả hai lôi tôi vào một album mà tôi chẳng hề nghĩ rằng mình nên biết về nó.
Có thể nói rằng, tôi đã tan vỡ hoàn toàn sau khi nghe hết cái album này, đến mức độ tôi mất ngủ hai, ba ngày liền.
Nếu các bạn search cụm từ trên, các bạn sẽ nhận được một video dài hơn 6 tiếng rưỡi, đó là một album mà tác giả là một nhạc sĩ điện tử người Anh tên Leyland James Kirby, The Caretaker chính là tên một dự án lâu năm của anh ấy, nhằm để tri ân vị đạo diễn Stanley Kubrick, chính xác hơn là bộ phim “The Shining” của ông . Toàn bộ cuộc hành trình dài 6 tiếng hơn đó là trải nghiệm của một bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ, hay được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam với cái tên Alzheimer. Album được chia ra thành 6 giai đoạn và được biểu diễn thông qua âm nhạc.
Phản ứng của tôi khi mới nhìn thấy video, có thể tóm tắt bằng hai chữ “cợt nhả”. Tôi khi ấy vẫn chưa nhìn vào phần mô tả phía bên tay phải màn hình, và cho rằng chắc đây là một cái gì đó cũ lắm rồi được làm ra chỉ để cho vui, tôi không hề biết nó là một meme trên mạng, đây có thể chỉ là một album của giới phương Tây tôi không biết đến giống bao bài hát khác. Mọi thứ thay đổi dần khi tôi bắt đầu nghe từng giây từng phút và…
Cảm xúc của tôi vụn vỡ dần qua thời gian, qua từng giai điệu da diết đậm chất thập niên 30 ở Mỹ, tôi có một chút liên tưởng đến các bản nhạc trong phim Tom & Jerry những năm 40, hoặc khoảng đấy tôi không nhớ rõ. Hãy lưu ý một chút ở điểm này, bởi tác giả có dụng ý khi sử dụng vật liệu như thế.
Nói một chút về tác giả và ý tưởng xuất phát cho album, như đã đề cập ban đầu, toàn bộ album này nói về trải nghiệm của một bệnh nhân mắc các chứng bệnh về suy giảm trí tuệ. Sở dĩ Kirby thực hiện album này khi anh biết được những điều cuối cùng một người mắc bệnh Alzheimer nhớ được là những giai điệu, những âm thanh họ yêu thích trong suốt cuộc đời mình. Những ngày cuối cùng ấy họ có lẽ sẽ ngâm nga những giai điệu đấy cho đến khi họ nhìn thấy ánh sáng.
Sự khủng khiếp của album này không chỉ đến từ tổng thời lượng của cả album, mà còn đến từ tên của từng ca khúc, thời lượng của một số chúng, và số lượng. Có tất cả 50 bản nhạc khác nhau, được chia ra thành 6 giai đoạn, bắt đầu từ giai đoạn 0.
Tại sao lại là số 0 ?
Theo những gì tôi tìm hiểu, đơn giản khi người mắc bệnh, sẽ có một giai đoạn họ không hề có một triệu chứng nào của bệnh cả, các thiết bị y tế hiện đại sẽ không phát hiện ra bất cứ điều gì bất thường, và cả với người bệnh, tất cả đối với họ vẫn rất bình thường. Cho đến giai đoạn 0 gần như không có quá nhiều điều để nói về.
Câu chuyện chỉ bắt đầu từ giai đoạn 1.
Những giai điệu giống hết như ở giai đoạn 0 được cất lên, những âm thanh giao hưởng thanh thoát mang lại cho người nghe cảm giác hoài cổ của thập niên 30, khiến chúng ta – người nghe cảm thấy mình đã già, đã sống một cuộc đời hơn 80 năm, nhưng âm thanh bản nhạc không được trong trẻo như giai đoạn 0. Ở phần nền luôn có những tiếng crack, những âm thanh trắng tuy rất nhỏ nhưng vẫn hiện diện rõ ràng, giống như khi chúng ta nghe nhạc bằng đĩa than trên máy chơi đĩa đã rất cũ.
Giai đoạn 1 không chỉ có một giai điệu duy nhất chơi đi chơi lại, nó còn có những bản nhạc khác nhau được chơi liền mạch. Và tất nhiên, mỗi bản nhạc có một cái tên khác nhau. Không có nhiều người nhớ tên những bản nhạc sau, cũng như giai điệu, mọi người hầu như chỉ nhớ nhất bản đầu tiên, cũng là thứ đã khơi dậy sự tò mò của chính họ. Bài đầu tiên có tên “It’s just burning memories”.
Thậm chí cái tên cũng cho chúng ta một cái nhìn rất rõ ràng về thứ chúng ta đang nghe, những giai điệu đang cháy dần theo ngọn lửa thời gian, cũng giống như trí nhớ của người lớn tuổi vậy, nhất là những người mắc các bệnh về sa sút trí tuệ, khi những kí ức họ còn nhớ cứ mất dần mất dần theo thời gian.
Nhưng những thứ đáng sợ chỉ bắt đầu ở giai đoạn 2.
Giai đoạn hai cũng gần giống như giai đoạn 1, vẫn những giai điệu quen thuộc đấy, nhưng lượng âm thanh trắng cùng với tiếng crack cứ nhiều dần lên qua từng track nhạc, nó vẫn chưa đến mức đáng sợ cho người nghe, nhưng chúng ta bắt đầu cảm thấy có điều gì đó sai sai trong tâm trí mình, với cái không gian mà những bản nhạc mang lại cho người nghe, mọi thứ như mờ dần trong tâm trí.
Đây là lúc người bệnh nhận ra rằng, có điều đó sai rất sai đang diễn ra trong tâm trí mình, nhưng họ vẫn tin rằng mình sẽ qua được tất cả những khó khăn này.
Tiếc thay, bộ não của họ đã không còn đủ sức chống chọi lại với bệnh tật.
Đôi khi tôi hình dung giai đoạn này giống như khi tôi đã chết, nhưng vẫn nhận thức được những gì đang diễn ra với cơ thể mình, linh hồn tôi chẳng đi đâu cả, nó vẫn ở trên trong thân thể đã chết này, và bắt đầu quá trình phân hủy diễn ra, và ngay lúc này đây, là lúc những biểu hiện của việc phân hủy bắt đầu lộ rõ hơn trên thân thể này.
Đến với giai đoạn 3, mọi thứ gần như thay đổi hoàn toàn.
Bầu không khí của các bản nhạc thay đổi, những âm thanh vang vọng xa xăm gây cho người nghe một cảm giác không mấy dễ chịu, những giai điệu không còn được giữ nguyên như bản gốc ở giai đoạn 1 nữa, nó giống như những bản nhạc chúng ta đã nghe ở giai đoạn 1 bị trộn lẫn lại với nhau, những giai điệu đi liền với nhau lúc đầu nay bị xé ra, một số mất đi, một số bị dán chồng lên nhau, số lượng âm thanh trắng cùng với sự “phân hủy” ngày một lớn dần, người bệnh đang níu kéo những âm thanh quen thuộc nhất đối với mình, nhưng họ bất lực nhìn những điều thân quen trở nên xa lạ, như một khuôn mặt, một ánh mắt, một cử chỉ, một món đồ vật nào đó. Giai đoạn này là những ngày tháng bình yên cuối cùng của người bệnh khi họ chống chọi với ngọn lửa thời gian đang thiêu cháy dần trí nhớ họ, và ngày càng lúc nó càng cháy dữ dội hơn. Đến lúc này họ mới bắt đầu hình dung được điều gì đang diễn ra đối với trí nhớ của mình, nhưng thực sự đã quá trễ. Giây phút những âm thanh trắng lần đầu tiên xuất hiện, họ đã thua trong trận chiến này rồi.
Nỗi sợ càng lúc càng lớn mạnh hơn ở giai đoạn thứ 4.
Tới thời điểm này, những giai điệu đã không còn có thể nhận ra được nữa, người nghe chúng ta lúc này không thể nhận biết được loại nhạc cụ nào đang được chơi, sự hủy hoại của âm thanh không còn chỉ nằm ở phần nền của bản nhạc, giờ đây nó chính là những giai điệu mà chúng ta quen thuộc qua ba giai đoạn của bệnh.
Bắt đầu đến giai đoạn này, chúng ta không còn có những bản nhạc nhỏ lẻ dài 2 đến 4 phút nữa, giờ đây nó là bản giao hưởng hỗn tạp của tất cả những gì chúng ta đã nghe ở những giai đoạn trước. Tuy nhiên, nó chưa đến mức không thể nhận ra giai điệu, nó vẫn phần nào nhận ra được, chỉ là nó đã bị biến dạng đi rất nhiều đến mức chúng ta gần như quên hẳn bản gốc.
Và điều chúng ta sợ đã đến: Giai đoạn 5.
Giai điệu lúc này đã bị những âm thanh trắng, tiếng crack và vô số những thứ khác chèn lên đến mức không thể nào nhận ra được nữa, giai điệu nó vẫn ở đó, nhưng dường như chẳng cách nào có thể nhận ra được nữa. Nó đã bị bóp méo, giống như kí ức của người bệnh vậy, nó thấy một thức gì đó rất quen, nhưng chẳng thể nào gọi tên nó được cả, mọi thứ chẳng hề liên quan với nhau nay như tan chảy và hòa quyện với nhau trở thành một thứ hỗn hợp méo mó, trông rất quen những chẳng thể gọi tên. Giai đoạn 5 cũng dài đến kinh người khi độ dài của nó lên đến hơn một tiếng, đây là lời than khóc cuối cùng của người bệnh trước những gì họ đang đánh mất dần, kí ức cứ dần dần tan biến, để lại không gì hơn nỗi sợ đã được báo trước và sự trống rỗng.
Ở thời điểm này, những âm thanh chồng chéo lên nhau, mà những âm thanh đó còn chẳng thể gọi là giai điệu hay âm nhạc nữa, cũng giống như kí ức của người bệnh, họ mất đi phần lớn kí ức của mình, họ gần như quên luôn hiện thực rằng mình đang quên, những kí ức họ níu kéo nay trở lên xa lạ đến quen thuộc, và họ còn chẳng biết những kí ức đó có thật sự tồn tại hay không nữa. Khái niệm không gian lúc này dường như trở nên vô nghĩa, nếu như kí ức là thứ khẳng định chúng ta, thì khi chúng ta mất đi từng mảng kí ức mà thậm chí đến thời điểm này bản thân còn chẳng rõ những kí ức đó có là của mình hay không, nỗi sợ dâng lên thế nhưng sao lại sợ? Tại sao lại sợ những điều này cơ chứ.
Về mặt sinh học, thời điểm này não đã không chỉ mất đi những kí ức, mà nó còn mất dần các chức năng cơ bản của bộ não, chúng ta quên mất cách nói, quên mất những động tác nhỏ nhất, dường như mọi hoạt động thường nhật của người bệnh đều phải phụ thuộc vào người chăm sóc.
Và chúng ta đến với cuối hành trình của một đời người – Giai đoạn 6:
Nói thật sau những gì tôi đã trải qua ở năm giai đoạn vừa rồi, tôi còn chẳng dám nghe đến giai đoạn 6, tôi chỉ muốn lướt qua, vì cái không khí mà tác giả xây dựng nên cho giai đoạn này thật sự là đau đớn, một sự tan vỡ báo trước nhưng người bệnh chẳng còn nhận ra được điều đó nữa, khi này cái tên tiêu đề “Everywhere at the end of time” bắt đầu trở nên có nghĩa đối với tôi, giai đoạn này giống như chúng ta đã đến với tận cùng của thời gian.
Âm thanh lúc này chỉ còn là tiếng xì xào, âm thanh trắng, chẳng còn giai điệu nào cả, chỉ là những âm thanh, vang vọng, những thứ ta chẳng thể gọi tên dội vào bức tường kí ức của chúng ta, như thể chúng vốn dĩ luôn ở đó.
Chúng ta đã nghe nó quá lâu đến mức thấy quen với nó, giống như nó đã luôn như vậy. Chỉ có những thứ âm thanh này trong tâm trí mình, người bệnh đã thua cuộc, và họ còn chẳng biết đến việc đó nữa. Trận chiến giữ lấy chút tỉnh táo cuối cùng đã không còn, giờ đây chúng ta chìm mình vào những âm thanh trắng đã bị hủy hoại, vô định trong không gian vô tận.
Và đến những giây phút cuối cùng của album, chúng ta lại được nghe những giai điệu quen thuộc, nhưng chẳng có âm thanh nào chồng lên nó cả. Những giai điệu trong trẻo, giống như giai đoạn một, và đúng như mô tả, rằng những điều cuối cùng mà người bệnh còn nhớ là giai điệu của bài hát mà họ yêu thích. Giờ đây chúng ta lại được nghe nó, như sống lại một giây phút ngắn ngủi cuối cùng mà bản thân còn giữ được sự tỉnh táo, và rồi, thật sự, tất cả chìm vào hư vô, không còn một âm thanh nào nữa, chúng ta trôi dạt ra khỏi cuộc đời, đánh mất đi tất cả, và cứ thể trôi đi theo sự hư vô.
Để một người có thể đặt toàn bộ tâm huyết đề làm nên album này, cũng như việc album này hoàn toàn được làm bằng nhạc điện tử chứ không phải từ bất kì nhạc cụ vật lý nào, có thể thấy độ tâm huyết của tác giả, cũng chính là điều thôi thúc tôi sống hơn bất kì điều gì.
Vốn dĩ tôi luôn nhìn nhận mọi thứ là vô nghĩa, bởi lẽ mọi điều chúng ta làm điều vô nghĩa, như chính bản chất vũ trụ này vậy. Suy cho cùng, chúng ta sẽ chết, chúng ta sẽ bị lãng quên, con người sẽ tuyệt chủng, và vũ trụ này sẽ suy tàn. Nếu có thêm 1 kẻ chết đi, thì vũ trụ cũng không thoát khỏi cái chết của chính nó.
Nhưng bằng một cách nào đó, tuy tan vỡ, sợ hãi và hoang mang, nhưng tôi lại có động lực sống hơn bao giờ hết, những kí ức của tôi có thể phai mờ, nhưng theo một cách nào đó, nó vẫn tồn tại, bằng cách này hoặc cách khác, sẽ luôn nó những người nối tiếp con đường của tôi, như bản chất của con người qua từng thế hệ vậy: Kế thừa và phát triển.
Nguồn tham khảo:
Xin cám ơn mọi người đã đọc, chúc mọi người có một ngày tốt lành.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất