Nguồn: The Athletic
Chúc mọi người xem bóng vui vẻ và đừng bơi quá xa bờ.


Ảnh: Claudio Villa/Getty Images
Những yếu tố cụ thể của quốc gia tổ chức một giải đấu quốc tế sẽ luôn ảnh hưởng đến không khí của cả giải đấu.
Khi nhớ lại Argentina '78, bạn sẽ nghĩ ngay đến những sợi băng giấy. Nhắc đến Mexico '86 ai cũng sẽ mường tượng ra những đợt sóng người khắp các sân vân động. Còn Nam Phi 2010? Hẳn là tiếng kèn vuvuzela đinh tai nhức óc.
Những sự kiện tại châu Âu đúng là có ít hơn sự khác biệt, nhưng một sự kiện được tổ chức trên khắp châu lục, từ Glasgow cho đến Baku, vẫn làm dấy lên những lo ngại về tính bản sắc. Euro 2020 mang đến cho chúng ta một cảm giác không rõ ràng, thiếu cá tính, ngay cả khi chưa tính đến một lượng lớn khán giả không thể vào sân.
Một giải đấu thiếu bản sắc của từng quốc gia sẽ phản ánh thứ bóng đá có thể xuất hiện tại giải đấu đó.
Anh, Đức, Hà Lan đã từng có một phong cách bóng đá rất rõ ràng của riêng họ. Cho dù đã 2 năm không xem bóng đá Ý, bạn vẫn sẽ hình dung ra họ sẽ chơi như thế nào – cùng một lối chơi năm này qua năm khác.
Từ ngày mai, nếu bạn có thể dự đoán chính xác lối chơi của một đội bóng dù chẳng xem họ thi đấu suốt 3 năm qua, thì đó là bởi hầu như các đội đều chơi bóng giống nhau.
Nhìn rộng ra cả thập kỷ vừa qua, sự khác biệt giữa các phong cách chơi bóng đã phai nhòa đi rất nhiều. Tại World Cup 2010 và Euro 2012, 2 đội bóng hàng đầu của châu Âu dĩ nhiên là Tây Ban Nha (TBN) và Đức. TBN ưa thích lối chơi cầm bóng và điều khiển trận đấu bằng cách kiểm soát bóng vượt trội, trong khi Đức tập trung vào khả năng chuyển đổi trạng thái và tấn công nhanh. Rồi dần dần phong cách của họ gần giống nhau hơn, khi TBN không còn ưa chuộng tiki-taka sau khi Xavi Hernandez và Xabi Alonso treo giày, còn tuyển Đức nhận ra rằng không phải lúc nào cũng có thể chơi phản công.
Các cầu thủ của họ cũng thi đấu với nhau nhiều hơn. Tại World Cup 2010, đội hình của TBN gồm 20 cầu thủ chơi bóng tại La Liga và 3 người thi đấu tại Anh. Tuyển Đức không có một lính đánh thuê nào. Nhưng tình thế nhanh chóng thay đổi; Thiago và Javi Martinez có đỉnh cao sự nghiệp tại Bayern của Guardiola (cùng với Xabi). Sami Khedira, Mesut Ozil và sau này là Toni Kroos gia nhập Real Madrid.
Chưa cần đi sâu hơn, chúng ta cũng có thể thấy Đức và TBN không còn mang trong mình 2 phong cách đối lập nhau mà đã dần trở thành 2 phiên bản khác nhau của cùng một phong cách, với những cầu thủ có thể chơi bóng ở một trong hai đội tuyển mà không gặp nhiều khó khăn. Trớ trêu thay, Mario Gomez, cầu thủ thực sự có thể chơi cho 1 trong 2 đội bóng khi mang 2 dòng máu TBN và Đức, lại là mẫu cầu thủ mà 2 nền bóng đá này không còn sản sinh ra nữa.

Lối đá của Đức và TBN đang dần trở nên tương đồng (Ảnh: CRISTINA QUICLER/AFP trên Getty Images
Năm 2021, cả TBN và Đức đều đang tuyệt vọng bấu víu vào vị thế hàng đầu châu lục của mình. Ở cấp độ câu lạc bộ (CLB), Premier League đang dần thống trị; ở cấp độ đội tuyển, Pháp đã vào đến chung kết EURO 2016, vô địch World Cup 2018 và là ứng viên số 1 cho giải đấu lần này.
TBN và Đức thực ra vẫn cho ra lò rất nhiều cầu thủ tài năng và bước vào giải đấu này với đội hình vô cùng ấn tượng – trên lý thuyết. Theo bảng xếp hạng của GoalImpact, đo lường chất lượng của cầu thủ dựa trên ảnh hưởng của họ trên sân đối với số bàn thắng và bàn thua, TBN và Đức là 2 đội bóng có chỉ số tốt nhất và có nhiều cơ hội nhất trong số các đội dự giải.
Tuy nhiên, đội bóng của Joachim Low không giỏi tạo ra cơ hội, có thể do thiếu đi những đường chuyền rất đồng đội của Ozil. Khi đã hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng chơi bóng kiểm soát, tuyển Đức giờ đây dĩ nhiên cần phải luân chuyển quả bóng về phía đối phương tích cực hơn.
TBN đã triệu tập các tiền đạo giàu tốc độ với khả năng "lẻn" ra sau lưng hậu vệ – Ferran Torres có thể là một cầu thủ quan trọng, trong khi Adama Traore là mẫu cầu thủ chạy cánh rất khác với những người đã từng lên tuyển. Người TBN không còn dựa vào tiki-taka sau thời của Xavi và cũng thi đấu không thật sự thuyết phục với lối chơi này.
Ở đâu đó, những người hoài niệm về catenaccio và lối đá Tổng lực sẽ rất vui mừng khi thấy sự trở lại của Ý và Hà Lan sau các thất bại tủi hổ những năm qua ở vòng loại. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh cãi quanh việc họ có nên chơi thứ bóng đá đặc trưng trong suốt chiều dài lịch sử của mình hay không.
Tuyển Ý đã là một đội bóng chơi kiểm soát trong vài năm qua dưới thời Mancini, dù ta cần nhớ rằng họ đã chơi khá tích cực và chủ động trong suốt EURO 2012.
Mancini không phải là người hay mơ mộng trong bóng đá và trong suốt sự nghiệp cầm quân – đặc biệt là tại Manchester City – ông thường bị chỉ trích bởi sự thận trọng đặc sệt chất Ý của mình. Phong cách "mới" của Azzurri thật sự là kết quả của một hàng tiền vệ kiểu mới mà họ đang sở hữu (dù một cầu thủ quan trọng là Jorginho lại sinh ra ở Brazil). Điều này có được là nhờ di sản của Andrea Pirlo, mẫu cầu thủ "regista" không phù hợp với vai trò tiền vệ nhiều tiểu xảo, dứt khoát theo lối truyền thống của người Ý. Marco Verratti, rõ ràng mang dáng dấp của Pirlo ngay cả khi cầu thủ này đá ở vị trí cao hơn.
Mancini chỉ đơn giản đang sử dụng những cầu thủ tốt nhất của mình ở các vị trí cụ thể và cũng làm tương tự như vậy với hàng công. Tuyển Ý đã từng thiếu đi những cầu thủ bám biên chất lượng. Họ đã sản sinh ra số 10 (Francesco Totti), tiền đạo lùi (Alessandro Del Piero) và sát thủ trong vòng cấm (Pippo Inzaghi) nhưng lại không có những cầu thủ tấn công biên giàu tốc độ. Điều này một phần là bởi yêu cầu nghiêm ngặt về vị trí của catenaccio. Nhưng giờ đây, tuyển Ý đã có Domenico Berardi, Lorenzo Insigne, Federico Chiesa và Federico Bernardeschi, những lựa chọn ở 2 cánh mà hầu hết các đội bóng khác tại giải đấu này đều thèm muốn.
Một trong số đó là Hà Lan, nơi từng nổi danh với những cầu thủ chạy cánh. Người phát minh ra lối đá Tổng lực, Rinus Michels, luôn tự hào rằng Hà Lan đã sản sinh ra những cầu thủ chạy cánh đại tài, chứ không chỉ là những tiền vệ cánh thuần túy.
Tuy nhiên, dù luôn sở hữu những cầu thủ chơi bóng xuất sắc ở trục giữa; Frenkie de Jong vẫn được cho là cầu thủ trẻ đáng xem nhất của bóng đá châu Âu, họ lại thiếu những chân chạy đẳng cấp thế giới. Memphis Depay là cầu thủ tấn công tốt nhất của họ nhưng lại có xu hướng bó vào giữa, hay thậm chí phải đá ở vị trí trung phong (điều tương tự với Arjen Robben tại World Cup 2014, lần cuối cùng Hà Lan vượt qua vòng loại của 1 giải đấu lớn). Sự thiếu vắng của các hậu vệ cánh biết leo biên cũng là một điều đáng quan ngại.
Tương tự như vậy, Bồ Đào Nha (BĐN) đã từng sở hữu lớp lớp cầu thủ chạy cánh. Ai cũng từng muốn trở thành truyền nhân của Luis Figo, kể cả Cristiano Ronaldo. Nhưng giờ đây, bản thân Ronaldo là một tiền đạo, Andre Silva là một số 9 đúng nghĩa, Joao Felix và Bernardo Silva có thể thi đấu rộng và đảm đương nhiều vai trò, trong khi Bruno Fernandes là một số 8 hoặc số 10. Dù Diogo Jota có thể đá cánh nhưng là mẫu cầu thủ ghi bàn chứ không phải bám biên. Goncalo Guedes, người ghi bàn mang về chiến thắng trong trận chung kết Nations League trước Hà Lan 2 năm trước, cũng thi đấu khá ổn ở hành lang cánh nhưng vẫn sẽ chỉ sắm vai siêu dự bị.
Bản sắc của BĐN đã thay đổi. Chúng ta không còn phàn nàn về việc họ thiếu đi một tay săn bàn và thời kỳ quá độ ngắn ngủi sau thời Deco khi họ thiếu tiền vệ công cũng không còn đáng được nhắc đến. Về mặt này, họ đã trở nên hoàn thiện hơn và bước vào giải đấu với đội hình tốt hơn 5 năm về trước khi nâng cao chức vô địch.
Lựa chọn của nhà cái cho giải đấu lần này là tuyển Anh và Pháp. Tuyển Anh đã không còn quá đậm đặc chất Anh. Những cầu thủ đáng xem nhất, Phil Foden, Jack GrealishMason Mount là mẫu cầu thủ mà người Anh từng khao khát. Gareth Southgate có thể sử dụng nhiều đội hình, nhưng gần như không có chỗ cho 4-4-2, một phần bởi Harry Kane xuất sắc trong cả 2 vai trò số 9 và số 10. Thực tế là thật khó để tìm ra chất Anh thực sự trong tuyển Anh, ngoại trừ Harry Maguire, mẫu trung vệ thể lực và đôi chút vụng về theo kiểu truyền thống, được ưa thích ở Anh hơn các nền bóng đá khác tinh tế hơn.
Công bằng mà nói, tuyển Pháp có khá nhiều chất Pháp, mặc dù bản sắc bóng đá của họ luôn là thứ khó giải mã nhất trong số các cường quốc bóng đá, khi hệ tư tưởng của họ luôn là sự hoán đổi giữa tinh tế và nỗ lực, kỷ luật.
Tuy nhiên, không khó để nhận thấy những điểm tương đồng giữa hệ thống ưa thích của Didier Deschamps và đội hình đã vô địch World Cup 1998 khi ông là người cầm chịch tuyến giữa: một tiền vệ chơi rộng và linh hoạt (Christian Karembeu) – có thể là Corontin Tolisso – và một trung phong cắm không-(biết)-ghi-bàn (Stephane Guivarc’h và Olivier Giroud, dù điều này có thể không còn đúng với sự trở lại của Karim Benzema).
Nhưng nếu Pháp lên ngôi, thì không phải bởi họ có bản sắc bóng đá đồng nhất hơn cả, mà bởi họ có đội hình xuất sắc hơn hết thảy.
Một số đội bóng ngoài nhóm hàng đầu lại không có nhiều lựa chọn chơi bóng khi chúng ta nhìn lại lịch sử của họ. Nổi tiếng với những tiền vệ sáng tạo hàng đầu, Croatia có thể không còn dựa vào Ivan Rakitic nhưng vẫn còn rất nhiều lựa chọn bên cạnh Luka Modric ở hàng tiền vệ. Marcelo Brozovic và Nikola Vlasic có thể chắc suất, nhưng Mateo Kovacic cũng là lựa chọn không tồi. Croatia là một trong số ít đội tại giải đấu lần này có khả năng chiếm ưu thế cầm bóng, kiên trì triển khai bóng qua lại hai cánh và chờ đợi cơ hội mở ra.
Thụy Điển cũng vô cùng dễ đoán: chắc chắn là đội hình 4-4-2, thoải mái khi phòng ngự lùi sâu và rối loạn khi phải dâng cao, một hàng tiền vệ chơi gần nhau và 2 tiền đạo đáng xem, Alexander Isak và Dejan Kulusevski, những người có thể phối hợp ăn ý như 2 vị tiền bối Brolin – Dahlin.
Tất nhiên, tất cả những nhận định trên không phải để cho thấy rằng các đội bóng lớn sẽ không chơi bóng khác đi, và những sự thay đổi rõ rệt có thể xuất hiện khi họ tiến sâu hơn vào giải đấu. Nhưng ngày càng khó nhận thấy phong cách đặc trưng của những đội bóng nhiều khả năng giành chức vô địch.
Điều này là hoàn toàn tự nhiên. Trong thời đại Internet và bóng đá phủ sóng khắp nơi, có rất ít lý do để một cầu thủ trẻ người Anh muốn trở thành Wayne Rooney thay vì Lionel Messi. Không có lý do rõ ràng để một huấn luyện viên (HLV) trẻ người Hà Lan tìm đến các phương pháp huấn luyện của Ronald Koeman thay vì Jurrgen Klopp. Các cầu thủ và HLV, khoan nói đến Brexit, có thể di chuyển tự do giữa các quốc gia và họ cảm thấy dễ dàng sinh sống ở nước ngoài với những tiến bộ về công nghệ, giao tiếp và mục vụ.
Ngày nay, chúng ta có ít cuộc đối đầu thù địch hơn bao giờ hết (cuộc đấu Anh – Scotland có thể vẫn như vậy). Bình luận viên người Pháp George de Caunes đã nói rằng hình ảnh thủ môn tuyển Đức Toni Schumacher thẳng chân hạ đo ván Patrick Battiston của tuyển Pháp vào năm 1982 đã gợi lên ký ức về quá khứ chiến tranh giữa hai nước. Nhận xét đó sẽ trở nên lố bịch vào thời điểm này khi Đức và Pháp đã xích lại gần nhau hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập rộng lớn hơn tại châu Âu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi rằng liệu các quốc gia có thật sự muốn quảng bá bản sắc bóng đá riêng của mình không và liệu điều này thực sự có ý nghĩa hay không. Người Hà Lan về cơ bản tin tưởng vào bóng đá Tổng lực và chế nhạo khái niệm catenaccio. Người Ý thì ngược lại. Nếu họ đối đầu vào mùa hè này, có thể người Ý sẽ áp đặt thế trận trước đội bóng Da cam, những người lùi sâu và chơi phản công nhờ Depay. Giờ đây, tất cả mọi người cạnh tranh để xem ai xuất sắc hơn khi chơi cùng một thứ bóng đá. Đó là thứ bóng đá chủ động dựa trên chất lượng kỹ, chiến thuật.
 Nhà vô địch gây sốc gần đây nhất là Hy Lạp vào năm 2004, khi họ đánh bại đương kim vô địch (Pháp), đội bóng xuất sắc nhất (Cộng hòa Séc) và đội chủ nhà (BĐN) bằng thứ bóng đá hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại với chiến thuật kèm người cũ kỹ và một trung vệ quét. Lối chơi đó hiệu quả vì nó khác biệt. Đôi khi, một giải đấu cần đôi chút khác biệt.