Không khí mấy hôm trước dường như đặc quánh lại. Xen lẫn sự oi nồng hiếm thấy ở đầu thu là mùi tro vàng mã bay dày đặc trên suốt những hàng cây, góc phố. Chỉ mười lăm ngày và mười lăm ngày này thôi, mật độ dân cư ở đô thị này sẽ tăng lên gấp mười, à không, gấp cả trăm lần. Mười lăm ngày của âm dương hòa hợp. Mười lăm ngày mà việc cấp visa lên hạ giới từ địa phủ trở nên dễ dàng hơn tất cả những quãng thời gian khác trong năm. Mười lăm ngày mà cái chết được nghĩ tới nhiều không kém gì sự sống. Mùa này trong đạo Phật gọi là mùa Địa Tạng. Còn trong đạo Yêu, người ta gọi là mùa Ngâu.
Mùa Địa Tạng là mùa của vong, là tinh anh, là thể phách của những người từng sống và tồn tại. Mùa Ngâu cũng là mùa của người đã mất, cũng là thể phách, là tinh anh của hai kẻ cũng từng sống và tồn tại, có chăng khác biệt là chết trong sự nhớ nhung, sự chia cách và những gia vị hồi ức.
Hôm nay, không khí trở lại mùa thu như nó vốn dĩ, kèm theo những cơn mưa ồ ạt, đủ làm phố ngập sâu. Mưa mùa thu nhưng chẳng còn như nước mắt ai nhớ nhau nữa. Những cơn mưa đủ để che kín màu đèn của con phố bên hồ. Những cơn mưa cũng đủ để làm con người chợt sợ hãi, vì có thể sẽ đến một ngày mà niềm vui cũng chỉ để vơi đi nỗi buồn, cạn đi nỗi nhớ. “Mưa trời rồi sẽ tạnh, nhưng mưa trong lòng thì sao?”
Tình yêu nhiều khi đẹp bởi sự chia ly. Cái chết đẹp vì là tận cùng của cái sống. Nỗi nhớ cũng đẹp em nhỉ? Thế còn con người? “Con người đẹp vì đâu hả em?”Nó có như ngôi nhà kiên cố ở phố ấy? Ngôi nhà không kiên cố bởi kiến trúc hay giá trị của nó. Ngôi nhà kiên cố bởi những ẩn giấu, những chứa đựng trong lòng nó. Phải chăng con người cũng vậy, đẹp nhờ tâm hồn hay những gì ẩn giấu thẳm sâu trong nó phải không?
Nghĩ về em, ta lang thang trong ba nghìn thế giới, ta bỗng thấy mình lạc vào cõi vô hình vô sắc…
Những con người thất thểu, từng đoàn từng đoàn lẫn lộn bước đi dưới tinh kỳ của một dị nhân lưỡi dài.
Những đoàn người phục trang sặc sỡ hát ca, tung hoa trên những nơi mà bàn chân chạm tới.
Những đoàn người oai phong lẫm liệt, gươm giáo súng đạn uy nghi chỉnh tề ngay ngắn.
Những văn nhân “phong lưu tài mạo tốt vời” dưới những bóng tùng, ung dung nghiêng mình trên cánh hạc.
...
Bỗng như một cái tát làm ta giật mình và hoang mang, trong thăm thẳm lời từ đâu vọng lại :
“Không có hạc vàng, mây trắng đâu
Chẳng có người tiên, chẳng có lầu
Tưởng hạc vàng đi, mây trắng ở
Lầm Thôi Hiệu trước, Nguyễn Du sau…”.
Thơ cũ chưa dừng thì đâu đó chợt ngân lên đôi câu :
 “Tương tiếu nhất thanh song lệ lạc
Khả liên bán điểm thấp châu huyền”
Một tiếng đại đao chạm vào Cao thánh, kết thúc một tiếng nói khác ở xã hội Việt Nam, trong thời kỳ rực rỡ cuối cùng của văn học Việt Nam vào buổi cuối trung đại, đầu cận đại. Nhát đại đao đã cuộn vào biết bao nước mắt, từ những bậc tài tử vương giả như Miên Thẩm, Miên Trinh … cho tới những sĩ phu đương thời như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu … Phải chăng “Tài Hoa Là Nợ”?
Người tài mỗi người mỗi hướng, mỗi thân mỗi chí nhưng đều giao nhau bởi cái tâm rộng mở. Những giọt nước mắt xót thương mà Nguyễn hầu dành cho chúng sinh muôn loại, nếu không nhiều như mưa hồ Tây đêm nay thì chắc cũng ít hơn là mấy. Những giọt nước mắt xót thương từ công hầu khanh tướng cho tới kẻ thảo dân cùng cực, tới cả những hạng cùng đinh trong xã hội đương thời. Lúc sống dẫu bị phân chia, nhưng khi đã mất đi thì ai cũng như ai trước Phật, trước Tiêu Diện đại sỹ.
Con người thật đẹp, em nhỉ? Cái đẹp đâu chỉ ở trong thế giới tinh thần. Cái đẹp còn hiện hữu trong những sự tương tác độc lập và giá trị tự thân ở mỗi cá thể. Cái đẹp cũng có những khi hiện hữu trong việc “quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng”, như cái chết của Romeo & Juliet, như tình cảm của Marguerite & Duval. Hay cái đẹp nằm ở sự mới mẻ của chính nó? Hay cái đẹp nằm trong những sự bất toàn? Bạn bè vẫn bảo là cái đẹp ở khắp mọi nơi cơ mà?
– “Giữa cuộc đời đầy bất định, anh không chỉ hay viết những điều nhảm nhí mà còn quá độc đoán phải không em?”
– “Em thấy con người đẹp chứ?”