EDNA MODE: Mặc gì cũng được, miễn là 'No Capes!!!'
Học cách xây dựng nhân vật từ bà hoàng thời trang.
Edna Mode là nhà thiết kế thời trang cho các siêu anh hùng trong phim The Incredibles. Sở dĩ đạo diễn Brad Bird đưa nhân vật này vào vì ông nghĩ phải có ai đó thiết kế đồ cho các siêu anh hùng chứ. Năm 2018, dì Edna được mời thực hiện buổi phỏng vấn với Harper’s Bazaar. Dẫu biết đây chỉ là bài PR cho phần hai của The Incredibles, nhưng ai bảo dì Edna nổi tiếng và chân thực quá nên phỏng vấn dì là vừa đúng vừa hợp rồi.
Vậy mới thấy tuy chỉ là nhân vật phụ song Edna Mode rất được yêu thích và tỏ rõ vị thế của một bà hoàng thời trang trên màn ảnh. Dưới đây là ba bài học mà bạn có thể tham khảo để xây dựng một nhân vật hư cấu sống động và chân thực.
1. Liệt kê thật nhiều đặc điểm về nhân vật
Edna Mode có ngoại hình bé hạt tiêu, đứng cạnh các siêu anh hùng đúng chuẩn tí hon và người khổng lồ. Nhưng không vì thế mà Edna Mode e ngại các siêu anh hùng nhé. Lúc thấy Helen – vợ của Bob – khóc lóc nghĩ đến một vạn bi kịch hôn nhân, dì Edna không nhịn nổi mà cầm báo đánh tới tấp luôn. Ghê gớm thật!
Ngoại hình đặc trưng của Edna Mode còn có kính tròn choán nửa khuôn mặt và tóc mái bằng. Chính kiểu tóc mái bằng này khiến cho nhiều người liên tưởng Edna Mode giống một số nhân vật kinh điển trong giới thời trang như Anna Wintour – tổng biên tập tạp chí Vogue, Edith Head – nhà thiết kế phục trang phim Hollywood thế kỷ 20, Rei Kawakubo – nhà thiết kế thời trang người Nhật kiêm người sáng lập thương hiệu Comme des Garçons. Tuy nhiên, đạo diễn Brad Bird đã xác nhận đó chỉ là suy đoán của khán giả. Anh còn nói thêm: “Trong quá trình quảng bá The Incredibles, Edna Mode là nhân vật duy nhất mà khán giả tin là dựa trên một ai đó đến từ đất nước của họ. Hài thật!”.
Một số đặc trưng khác của Edna Mode có thể kể đến như bước chân ngắn nhưng nhanh nhẹn, giọng nói trầm khàn (do chính Brad Bird lồng giọng), sống trong một căn nhà bề thế, phòng thiết kế được bảo vệ chặt chẽ, gương mặt lúc nào cũng cộc nhưng cực kỳ phấn khích (cười lộ hết cả hai hàm răng) khi xem thử nghiệm đồ mình thiết kế. Brad Bird cho biết Edna Mode có dòng máu lai Đức và Nhật. Nói đến thời trang Nhật thì chỉ xem street style của Nhật cũng thấy nó rất dị, mà dị kiểu chất và khó bắt chước. Đức thì mình không rõ nhưng nghe nói dân Berlin chẳng quan tâm đến trend, họ thích mặc gì thì mặc, kể cả thả rông thì cũng bình thường. Nói chung đều là hai nơi phá vỡ chuẩn mực thời trang.
Như vậy, bước đầu tiên của xây dựng nhân vật là liệt kê càng nhiều đặc điểm về nhân vật càng tốt: quốc tịch, dòng máu, ngoại hình, gương mặt, kiểu tóc, giọng nói, dáng đi, nhà ở, có lấy cảm hứng từ nhân vật có thật nào hay không,... Tính chất nghề nghiệp cũng ảnh hưởng rõ rệt đến nhân vật đó. Ví dụ, nhà thiết kế thời trang càng nổi tiếng thì tính cách càng lập dị. Có thể là khó tính khó chiều, đồng bóng, có thể là hướng nội, mặc đồ đơn giản, nhìn tưởng dân công sở chứ không ai nghĩ là “trùm sỏ” của những bộ sưu tập đắt giá. Edna Mode thuộc trường hợp thứ nhất, được thể hiện qua một số chi tiết như gọi mọi người là “dahling”, nhìn mặt đã thấy khó chiều, điệu bộ phấn khích. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cho khán giả thấy năng lực làm việc của nhân vật thông qua tư duy, thành tựu.
Tựu trung lại, thiết lập nhân vật càng sâu thì bạn càng hiểu nhân vật của mình và càng có cơ hội để nhân vật đó giống một “con người” có thật.
2. Câu nói mang tính chất “viral”
Câu nói nổi tiếng nhất của Edna Mode là “NO CAPES!!!”. Nó bắt nguồn từ tư duy “áo choàng cổ lỗ sĩ lắm rồi” của dì Edna. Lúc mới nghe Edna nói vậy, Bob liền phản đối vì khăn choàng là vật bất ly thân của siêu anh hùng. Nhưng đó chỉ là tiếng phản đối yếu ớt thôi, chứ nghe bà hoàng thời trang show ra những cái chết tức tưởi của các siêu anh hùng chỉ tại khăn choàng thì đố mà cãi lại được.
Qua đây chúng ta sẽ thấy nhân vật nên có một câu nói để đời. Câu nói đó cần gắn liền một tình huống cụ thể và đặc sắc (hài hước, thâm thúy, châm biếm, xéo xắt, giễu nhại, kề cận cái chết,...). Dẫu sao câu nói cũng là thứ dễ “viral” nhất và nhớ lâu nhất. Sau nhiều năm, khán giả có thể không còn nhớ bộ phim nhưng chỉ cần một lời thoại (hoặc một đối thoại ngắn) xuất hiện trở lại, họ sẽ có cảm giác ký ức ùa về.
3. Nhân vật phụ cũng cần làm nổi bật nội dung phim
Nếu xem The Incredibles, mọi người sẽ thấy phim có nhiều chi tiết mang tính giễu nhại. Chẳng hạn như ngay từ đầu phim, Bob đã ví siêu anh hùng giống như hầu gái, mới dọn xong lại bừa (vừa nói xong là anh phải đi giải cứu con mèo trèo lên cây của một cụ già), siêu anh hùng cứu người nhảy lầu nhưng bị nạn nhân kiện là xâm phạm quyền tự do cá nhân, những lần ra tay nghĩa hiệp làm nhà nước thiệt hại hàng tỷ đồng xây sửa cầu đường. Việc anh hùng chết vì khăn choàng cũng đầy tính giễu nhại, đã thế cuối phim kẻ phản diện Syndrome cũng chết vì khăn choàng nữa chứ. Vậy mới thấy thiết kế của dì Edna không những đẹp, hợp thời, có tính ứng dụng, đồng thời có sự liên kết xuyên suốt với nội dung bộ phim.
Bài học cuối cùng để hoàn thiện một nhân vật là nhân vật này cũng cần làm nổi bật toàn bộ nội dung hoặc một khía cạnh nào đó của bộ phim. Có vậy nhân vật sẽ đóng một vai trò quan trọng và có chỗ đứng trong phim (dù có thể họ chỉ là nhân vật phụ) chứ không phải xuất hiện chỉ để làm đẹp đội hình.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất