Viết chỉ là sở thích, không phải là công việc đối với mình nên mình rất phụ thuộc vào cảm hứng thành ra sẽ có giai đoạn mình không hề viết được bất kì điều gì. Kể cả  đó chỉ đơn thuần viết nhật ký của một ngày đặc biệt nào đấy. Và cảm giác  đó thật sự rất khó chịu với người viết lâu năm như mình. Có thể, trong mắt nhiều người những gì mình viết ra không có gì đặc biệt hay mang tính đại chúng. Nhiều người họ thích đọc những bài viết được đầu tư cao, hoặc đơn thuần là đánh trúng tâm lý xã hội lúc bấy giờ. Bỗng dưng những sẻ chia của mình không ai bận tâm đến cả, trừ mình.
pexels-photo-273222
Ảnh của Pixabay (Pexels)
Nhưng để duy trì việc viết suốt hơn mười mấy năm thì đó thật sự là con đường đầy gian nan.  Hàng năm, dù có hứng hay không thì mình vẫn cố gắng viết vài bài để  không khiến trang blog của mình phải đóng bụi. Chưa kể mình vẫn thường  đổi “theme” (chủ đề) cho blog mỗi năm để tạo cảm hứng mới. Mình không muốn nhìn đứa con tinh thần của mình chết dần chết mòn theo thời gian.
Có những bạn, mình thấy viết rất hay, từ  cách dùng từ phong phú đến cách nhấn nhá vấn đề. Mình đọc mà thoáng  “ganh tỵ” vì khả năng đó của các bạn. Mình rất khó viết được như vậy,  mình tin phần lớn nhờ vài “tài năng” vốn có. Còn mình không xuất thân từ “tài năng” mà vì yêu thích con chữ và rèn luyện chuyện viết lách qua từng ngày. 
Giai đoạn đầu, mình viết rất ngắn, chắc  cũng khoảng 300 chữ là cùng. Về sau, mình có nhiều ý để triển khai hơn  thì nâng lên 500 chữ và đỉnh điểm khi có hứng mình sẽ viết được hơn 1000  chữ. Tất nhiên, mình thích những lúc có hứng nhất, vì chữ giống như  được viết sẵn trong đầu mình vậy và việc của mình chỉ là gõ nó ra mà  thôi. Cảm giác này thật sự rất tuyệt, cuối cùng là cảm giác thỏa mãn sau  khi đã hoàn thành bài viết.
Mình không viết nhiều về các chủ đề mang  tính học thuật hay tranh luận, bởi đó vốn không phải là thế mạnh của  mình. Mình thường tập trung viết về những suy nghĩ và cảm xúc của bản  thân ở hiện tại khi nhìn vào một vấn đề nào đó. Thành ra, nếu người xem  đọc bài viết của mình, họ chỉ có thêm một hướng nhìn khác về vấn đề đó  mà thôi.
Vậy thì mình đã duy trì chuyện viết lách này qua hơn mười mấy năm như thế nào?
  • Hãy viết dù chẳng ai cần quan tâm đến điều bạn đang viết.  Điều này nghe hơi mâu thuẫn với chuyện viết blog, bởi đã đăng tải bài  viết trên bất kì mạng xã hội nào thì bất kì ai trong chúng ta cũng muốn  có người đọc nó cả. Nhưng viết là cho bạn đầu tiên, sau đó hãy viết cho  người khác đọc. Khi bạn viết quen, thì bạn không chỉ viết cho chính mình  đâu. Bạn sẽ triển khai nhiều ý tưởng một cách dễ dàng hơn.
  • Chọn trang mạng xã hội phù hợp để đăng tải những gì bạn viết,  cũng như để giới thiệu về blog riêng của bạn nếu có. Muốn viết lâu dài  bạn cần xây dựng một ngôi nhà riêng trên internet. Có thể thông qua mạng  xã hội (Facebook, Twitter, Tumblr), các trang web chuyên về thảo luận  viết bài (Spiderum, Webtretho), lập website cá nhân miễn phí (woprdress,  blogger).
  • Viết không phải là tài năng thiên thẩm, nó tồn tại sẵn trong mỗi con người. Điều bạn cẩn làm duy trì, rèn luyện chuyện viết như một thói quen cần có trong cuộc sống hàng ngày của bản thân.
  • Hãy viết theo thế mạnh của bản thân, và khi thuần  thục nó thì hãy trải nghiệm nhiều thể loại viết khác nhau để đa dạng hóa  phong cách viết. Nhấn mạnh là “thuần thục” rất quan trọng với chuyện  viết lâu dài. Bởi khi có nền tảng thì khi bạn có bất kì ý tưởng nào, bạn  sẽ rất dễ dàng trình bày nó ra.
Duy trì chuyện viết là một chuyện, nhưng  cảm hứng cũng không kém phần quan trọng. Bởi nó sẽ giúp bài viết của bạn  mang phong cách riêng hơn, quan trọng là có “hồn”. Cái “hồn”  khi viết này rất khó diễn tả bằng lời nhưng nó đem lại một sự cuốn hút  đối với người đọc, khiến họ phải đọc hết tất cả những gì bạn đã viết ra. Sau đây là vài gợi ý cho bạn để tạo cảm hứng khi viết:
  • Nghe nhạc.
  • Quan sát và cảm nhận mọi thứ xung quanh nhiều hơn.
  • Đọc nhiều chủ đề khác nhau.
  • Làm mới hình nền máy tính, trang blog.
  • Góc viết nên hướng ra cửa sổ để nhìn thấy bầu trời, không khí.
  • Nhìn vào cây cối hay những gì màu xanh để giúp đầu óc thư thái.
  • Chịu khó ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống bằng cách đi du lịch hoặc đơn thuần là khi đi cafe với một ai mới quen.
  • Không nên cầu toàn quá những gì mình viết.
  • Khi không còn cảm hứng, thì đừng chờ đợi nó đến mà hãy tạo điều kiện cho nó có khả năng xuất hiện trong bạn.
Cảm hứng là cái gì đó rất trừu tượng khi viết nhưng sự siêng năng luyện tập viết cũng rất quan trọng. Tính tới giờ mình không chắc bản thân đã thành công trong chuyện viết  lách nhưng mình rất tự hào vì khi đem những bài viết của hiện tại so với  quá khứ thì mình đã tiến bộ hơn trước rất nhiều. Mình cảm thấy tự hào  về điều đó. Và mỗi ngày trôi qua, mình vẫn đang cố gắng viết những chủ  đề khác nhau trong cuộc sống để thách thức bản thân hơn. Như bài viết này chẳng bạn, vốn không phải là sở trường của mình.
Cuối cùng thì mình hi vọng bài viết này  sẽ giúp ích cho những bạn đang tìm cảm hứng để viết dài lâu. Những gợi ý  của mình chỉ mang tính tương đối, bởi nó xuất phát từ trải nghiệm của  chính mình. Mỗi người sẽ có cách để duy trì cảm hứng riêng, bạn chỉ cần chịu khó lắng nghe tiếng nói bên trong mình là được.
Sài Gòn, ngày 22 tháng 01 năm 2018.
Trần Hoàng Ngọc Bích