Xã hội ngày nay, việc làm việc tốt hoặc có lòng tốt đều là điều đáng được tuyên dương. Nhưng có vẻ dường như một số người lại dựa trên cái danh nghĩa “đạo đức” ấy làm cái danh chính nghĩa đi phán xét người xung quanh.
Như sự việc cậu bé trên xe buýt đã nhường người lớn tuổi lại bị chỉ trích tới mức chỉ có thể ấm ức khóc. Rõ ràng cụ ông trung niên kia đã mượn danh nghĩa “đạo đức” thanh niên bắt buộc phải nhường người lớn tuổi để to tiếng và thậm chí là nhục mạ nhân phẩm của cậu bé. Và rằng mình là người lớn tuổi, đương nhiên sẽ có tư cách chỉ dạy thậm tệ hoặc to tiếng với người nhỏ lớn. Và như thế là mình luôn đúng….
Như chuyện một chị trên xe buýt không nhường ghế cho một cậu bé tầm 6-7 tuổi mà mẹ cậu ấy đã đăng lên là người không có đạo đức, không nhường cho trẻ em và chụp hình chị ấy cùng với bảo con mình ngồi chung ghế dù rằng đoạn đường đi xe buýt ấy rất ngắn (từ Safari của Phú Quốc về resort). Việc đi xe buýt ấy tham quan là của chung, ghế ấy cũng không phải ghế ưu tiên và dĩ nhiên ai lên trước sẽ ngồi trước. Thì việc chị ấy không nhường là hiển nhiên, và việc người mẹ đưa hình ảnh của người khác lên mạng để bôi nhọ đã là sai. Và việc còn kêu con mình ngồi chung. Và dường như với suy nghĩ của người mẹ ấy, đạo đức là chị kia phải đứng lên nhường ghế cho con mình. Thật ra, nếu muốn ngồi, có thể chờ chuyến xe sau cho rộng rãi, hoặc là kêu xe về. Vì ai ở đó cũng đều có tiền, người mẹ ấy chỉ lựa người để bắt nạt trên tư cách của “đạo đức” mà thôi.
Như cả chuyện gần đây lùm xùm vé xem phim của nam MC nổi tiếng nọ. Dù rằng sáng tỏ từ hai phía rằng nam MC đó là không sai, nhưng bạn nam kia vẫn khăng khăng là mình đúng. Từ việc người nổi tiếng sẽ cẩn trọng trong hình ảnh của bản thân họ, và suy nghĩ của bạn nam- theo một cách tiêu cực là ăn theo nổi tiếng- thì bạn nam ấy dựa vào “đạo đức” rằng người ta phải lịch sự với mình vì sợ có tai tiếng. Nên bạn sẵn sàng nâng cao hình tượng của mình bằng nhường có người đang ngồi xe lăn và hạ thấp hình tượng đối phương là chen hàng để định hướng dư luận. Vậy nếu nam MC đó không đủ nổi tiếng, không có bằng chứng, hay gia đình nọ không lên tiếng xác minh, liệu có phải cả một sự nghiệp của một người sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là hủy hoại chỉ vì không chiều lòng một người vô lí nhân danh “đạo đức”. Mà trong rạp phim, việc nhân viên mời bạn đứng sau lên mua vé trước vẫn có thể xảy ra nếu hàng dài và đông hoặc người ta đã đặt vé trước thì việc đi sang hàng ưu tiên là điều hiển nhiên. Và đã là dịch vụ mua bán sẽ có trước sau, tôi tới trước tôi mua hết suất, anh tới sau không có thì quay về là một việc khá bình thường kia mà, chính bạn nam ấy cũng thấy bình thường thì tại sao lại mang cái uất ức đem lên để câu like và ảnh hưởng người khác như vậy…..
Có một câu nói thế này “người khác giúp mình đó là lòng tốt, không giúp mình đó là hiển nhiên”, vì vậy việc mình có thể làm được thì hãy tự giúp mình, đừng đem oán trách ấy đổ lỗi cho người khác và bảo họ là “vô đạo đức”. Thiện ác trong xã hội nhiều khi không tách bạch rõ ràng như phép tính cộng trừ, việc mình nghĩ là thiện đôi khi lại là điều ác. Như việc phóng sinh, như việc từ thiện….
Lòng tốt là đúng nơi đúng chỗ và là tùy tâm. Nên hi vọng mọi người đừng đem tiêu chuẩn “đạo đức” ra để áp đặt lên bất kì ai.