Xe đạp

Có một lần, toàn bộ cột điện ở dãy nhà mặt đường chỗ tôi gặp sự cố. Tôi đi làm về buổi trưa thì thấy hàng loạt hộp cầu dao đã cháy đen, dây điện đứt lổn ngổn trên mặt sân trước - giờ đã bị phủ kín bởi vụn cao su chảy ra do nhiệt mùi khét lẹt. Tôi dựng xe vào nhà và trở lại ra sân để nghe ngóng tình hình, nhưng xung quanh hàng xóm chẳng có ai ra đứng cùng cả.
Được một lúc, có một bác gái lớn tuổi đạp xe đến. Người ta sẽ nhận ra bác ấy đang đạp xe chủ yếu dựa vào sự quen thuộc với chuyển động cơ thể hơn là dựa vào phương tiện bác đang dùng, vì nhìn nó giống mớ sắt vụn hơn là một cái xe đạp: từ cái ghi-đông hơi lệch cho đến từng cái nan hoa đều đặc một màu han gỉ, yên sau được gia cố bằng vài thanh gỗ đã cáu đen màu bụi bẩn quấn lại bằng nhiều đoạn dây cao su đen, còn lốp cả hai bánh thì đã bị mài mòn nhẵn thín.
Bác hạ xe xuống ở rìa đường, không biết từ đâu rút ra một chiếc búa đóng đinh nhỏ, màu cũng xin xỉn không kém, rồi bước lại gần đống dây. Bác ngó trong giây lát, rồi bước đến chỗ một đoạn dây bị cháy và để lộ ra phần lớp bọc màu bạc bên trong nhiều nhất. Bác tì tay vào đầu gối một bên chân rồi hạ người xuống, tay trái giữ dây, tay phải cầm búa đập. Đoạn dây điện trơ ra chẳng suy chuyển gì dưới tiếng gõ tạch tạch đều đều. Có lẽ bất kỳ ai nếu nhìn cảnh đó lúc ấy cũng sẽ nhanh chóng đi đến kết luận là “không ăn thua gì đâu”; mà giả như có thì phần bên trong chắc cũng chẳng đáng giá gì. Có lẽ bác cũng sớm nhận ra và thôi không đập nữa, chống tay vào cả hai bên gối để đứng dậy. Bác nhấc từng bước trở lại chiếc xe đạp, nhét cái búa nhỏ vào dưới cái yên xe nhẵn bóng cứng đờ, với tay lấy một cái nùi giẻ rách cáu bẩn lau tay rồi bỏ lại vào cái giỏ xe vá víu chằng chịt đủ thứ dây, rồi rời đi trong tiếng kim loại kin kít.
Sau này tôi mới đoán ra trong một lần nghĩ bâng quơ, về việc tại sao từ đầu cho đến cuối bác ấy chẳng một lần nhìn tôi lấy một lần, dù tôi lúc đó chỉ đứng cách chưa đến hai mét. Có lẽ bác muốn né việc phải giao tiếp với tôi để tránh việc bị từ chối không cho lại gần. Có lẽ đã rất nhiều lần bác bị người khác đuổi đi như vậy. Họ không muốn ai khác đến gần hoặc kiếm chác được gì đó từ thứ mà họ đã bỏ đi hoặc hoàn toàn chẳng dùng làm gì nữa. Có lẽ bác học được cách rằng cứ thế lẳng lặng mà làm, đến khi người ta lên tiếng thì hãy thôi, chỉ để có thêm chút cơ hội thu nhặt được gì đó từ những thứ vứt đi. Rất có thể là vậy, hoặc có thể tôi đã tưởng tượng quá nhiều. Tôi không biết. Chắc tôi sẽ không bao giờ biết. Tôi chưa gặp lại bác ở bất cứ đâu.

Phở

Có những ký ức ta thường ngờ ngợ xảy ra cách đây một, hai năm, nhưng thực tế có lẽ đã bốn, năm, hay có khi sáu, bảy năm không chừng. Đây là một ký ức như thế.
Lần đó tôi đi xe trên tỉnh lộ chạy dọc huyện quê tôi. Đã rất lâu tôi không đi lại đường này. Đột nhiên tôi nghĩ, mình muốn ăn phở, và ngẫu nhiên ghé vào một quán ven đường. Đấy là một quán phở nhỏ ven đường tiêu biểu ở các vùng ngoại thành miền Bắc, hoặc chí ít là ở Hải Phòng, với một tấm biển đứng đặt lấn trên vỉa hè có dòng chữ PHỞ BÒ NAM ĐỊNH, CƠM RANG, MÌ XÀO màu xanh lá hoặc đỏ xen kẽ in trên nền trắng sữa của lớp bạt nhựa, chân biển được chèn gạch hoặc mấy tảng bê-tông, đá tảng to để chống gió, biển quảng cáo treo trên cửa sẽ có màu đỏ nếu quán bán Coca-cola và màu xanh nếu nhập nước từ Pepsi. Khu bếp nấu, lấn một chút ra vỉa hè, có một chiếc quạt thông gió công nghiệp được hàn chúc xuống hai chiếc chảo thép sâu lòng. Bên trong sẽ có lèo tèo vài bộ bàn ghế gấp mặt nhựa in họa tiết sọc hoặc hình hoa màu hổ phách, hoặc xịn hơn chút là bàn ghế inox, nằm chìm dưới ánh sáng nhờ nhờ của những chiếc đèn tuýp cũ và những gục đầu ảm đạm của mấy chiếc quạt treo tường cánh dính đầy bụi. Nói chung là một quán có tất cả những đặc điểm khiến người ta chạy lướt qua mỗi ngày nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ vào ăn, chỉ trừ khi ngẫu nhiên hoặc rất đói.
Tôi gọi phở tái, vẫn như thường khi ăn ở quán lạ, vì chẳng biết miếng thịt bò luộc sẵn dùng cho phở chín đã để từ bao giờ, và bước vào trong, bắt gặp ánh mắt vài vị khách quay đầu ngó ra cửa theo phản xạ khi thấy chuyển động. Quán có một chiếc tivi trên bức tường đối diện cửa vào, phía dưới màn hình có một tấm phản nhỏ kê sát tường, trên đó có hai đứa trẻ con. Thằng nhóc, có lẽ chưa đến hai tuổi, nghển cổ lên chăm chú xem một bộ phim hoạt hình. Được ít chục giây, có vẻ đã chán, nó quay sang giành quyển truyện tranh màu đứa chị đang đọc bên cạnh. Việc này có lẽ đã quen thuộc, vì con bé chẳng phản ứng gì, lẳng lặng quay sang nghịch mấy món đồ chơi mà cũng chỉ chốc lát sau đứa em đã lại giằng lấy. Con bé bò lại cuối tấm phản với lấy điều khiển tivi và chuyển kênh. Lúc này thì bát phở của tôi được bưng đến.
Tôi ăn được vài đũa thì thằng nhỏ, có vẻ lại tiếp tục chán, bỏ cuốn truyện tranh xuống, tay vẫn cầm đồ chơi, nghển cổ lên xem tivi. Có lẽ đúng là chưa đến hai tuổi thật, vì nó không nói được mà chỉ liên tục trỏ vào màn hình và kêu lên những tiếng vô nghĩa chất đầy sự bất mãn không nhầm được. Đứa chị vẫn im lặng, nhưng lần này nó không chuyển kênh hoặc đưa điều khiển cho đứa em. Được một lúc ngắn, ông bố, đang chiên dở một chảo cơm to, có lẽ sợ khách thấy phiền, hắng giọng vào không cần ngoái lại: “Nhường em đi con”. Con bé không đáp, bấm chuyển lại đúng kênh hoạt hình. “Ra lấy rổ hành vào làm cho bố”. Con bé rụt tay khỏi cuốn truyện nó toan định đọc, xỏ đôi dép lê rộng gấp ba bàn chân, ra quầy bếp khiêng chiếc rổ hành to quá khổ đầy lưng lưng vào lại cái phản. Tôi không đoán được nó mấy tuổi, có lẽ bốn, năm, có lẽ sáu, bảy, nhưng không thể nào gạt đi cảm giác rằng nó trông nhỏ hơn so với tuổi thật. Vẫn với gương mặt phỗng ra, con bé cẩn thận ngắt, tước từng cọng hành, phần cuống trắng để một bên, phần thân xanh để một bên, chốc chốc ngoái nhìn màn hình tivi mà đứa em nó đang vừa xem vừa cười nắc nẻ.
Tôi ăn xong, thanh toán, ra khỏi cửa, chợt nghĩ chắc mình sẽ không ghé quán này thêm lần nữa. Tôi vẫn chưa quay lại quán đó thêm lần nào.

Đường cao

Từ cửa nhà tôi rẽ trái đi thẳng một đoạn rất ngắn sẽ đến một ngã tư, tiếp tục rẽ trái đi thẳng độ trăm năm mươi mét sẽ đến một ngã tư nữa. Đứng từ đây, góc vuông ngay bên trái là khu dân cư và chợ, góc bên phải là trường trung học và tiểu học, góc vuông chéo bên phải là khu ruộng trồng rau, góc chéo bên trái là đường cao.
Đường cao là phương ngữ người làng tôi dùng để gọi bãi tha ma. Tôi chưa bao giờ nhận ra nó là một cái gì đó quen thuộc và nghe không quá đáng sợ đến mức nào cho đến khi lên Hà Nội học đại học và giật mình nghe bạn bè dùng từ nghĩa địa hay nghĩa trang để gọi địa điểm này. Tôi nhớ đã sởn gai ốc và rùng mình, nghĩ rằng sao tụi nó có thể thản nhiên nói ra một từ chết chóc và đáng sợ đến vậy. Có lẽ đó là một phần lý do tại sao tôi chưa bao giờ thực sự cảm thấy thân thuộc với Hà Nội, vì tôi không hiểu rõ cách người sống ở đây nhìn nhận về cái chết, và họ sẽ làm gì khi có ai đó trong cộng đồng mất đi.
Ở làng, cùng với đường cao, từ ngày nhỏ bọn tôi đã quen thuộc với các chỉ dấu về cái chết.
Bởi đặc điểm của ngã tư tôi vừa nói, đường đến trường, dù từ xóm trên hay xóm dưới, đều là con đường các đám đưa tang thường đi qua. Tôi quen với tiếng trống tiễn đưa lúc tờ mờ sáng, thùng!!, thùng!! thùng!! hai nhịp chậm rãi lẫn trong tiếng khóc bi thương của đoàn đưa tang,và cả các thông báo từ loa xã khi có ai đó trong làng qua đời. Lúc còn nhỏ, đôi lúc khi nghe tiếng loa rè và giọng nam giới trung niên vang lên “Tin buồn…,” tôi hay vô tình nhại đọc theo, tự nhiên như cách người ta hát nối theo một câu vè hay một bài đồng dao bất chợt nghe được, “…gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin…” và nhẩm thuộc lòng những từ ngữ không bao giờ thay đổi, chỉ khác ở giới tính, tên, tuổi, trú quán. Hầu hết nguyên nhân qua đời sẽ đều là do tuổi cao, sức yếu, bệnh trọng, dù đã được gia đình con cháu và các y bác sĩ tận tình thuốc thang cứu chữa, nhưng không qua khỏi. Đã rất rất lâu tôi không nghe thấy một nguyên nhân nào khác, ngay cả vào thời điểm cách đây hơn hai mươi mấy năm, các tin buồn vẫn dùng lý do chết bệnh để nói về những người nghiện ma túy mới qua đời, dù có thể họ chết do sốc thuốc, do AIDS, do suy nhược.
Đó là một thời kỳ đen tối, cả một thế hệ thanh niên Việt Nam nghiện kinh hoàng, nhưng giờ không ai còn nhắc đến nữa. Ngày ấy tám giờ tối đã là rất muộn và tôi không được phép ra đường. Lũ trẻ bọn tôi ngoài bị dọa sợ ma, còn bị dọa sợ người nghiện. Tôi cũng chỉ còn nhớ lờ mờ những lời cảnh báo, những tờ rơi tuyên truyền giáo dục, những lời dặn dò kỹ lưỡng của người lớn rằng không được chơi ở chỗ có bụi rậm để tránh dẫm vào kim tiêm, không nhặt nhạnh đồ nhọn rơi ngoài đường, đi qua đường cao thấy có ai thanh niên lúi húi làm gì thì phải tránh xa.
Chúng tôi được dặn dò như vậy vì khi ấy người lớn bận đi làm đi chợ suốt, còn lũ trẻ hoặc ở nhà hoặc lang thang chơi cả ngày. Bọn tôi cũng chơi những trò thời thơ ấu như mọi đứa trẻ khác, và còn bày thêm được một số trò chỉ lũ nhóc vùng quê mới có. Một phần lớn trong số đó là để cho một mục tiêu: kiếm cái gì đó ăn được. Không phải vì quá đói khổ gì, mà đơn giản đó là cách bọn con nít khám phá thế giới - với chúng tôi lúc ấy chỉ vỏn vẹn quanh làng và khi lớn hơn xíu là quanh huyện.
Bọn tôi sẽ đi lang thang và hái hoa dâm bụt ở các bụi dọc đường hoặc bờ rào nhà ai đó để mút lấy chút nhựa ngọt ở cuống, đi đào khoai lang ở những thửa đất vừa được cắt lá hoặc các khoảnh vườn vắng người, rồi đến nhà đứa nào có vườn để vặt hoa quả, leo hái dừa, có ao thì xuống mò ốc, nếu có cây chuối mới chặt thì đào lấy phần lõi trắng bóc nhừa nhựa ở giữa thân cây gần rễ ăn giòn giòn chan chát, đến mùa lúa thì thi thoảng đi tuốt đòng đòng, tức cây lúa non. Món này ăn ngọt thanh, rất mềm và thơm, nhưng tôi bỏ không đi tuốt nữa vì thấy áy náy bởi cây lúa rất tốn công chăm sóc. Các anh lớn khéo tay hơn thì làm dây ná, súng cao su để đi bắn chim, có khi bắt cả chuột đồng, bẫy cò, rồi đem nướng. Khi có dịp cúng bái trong họ thì bọn tôi sẽ lao nhao thu nhặt vỏ trứng gà vừa được đập, hơ trên bếp than tổ ong hoặc bếp lửa nhỏ để nướng chút lòng trắng còn sót lại trên vỏ rồi vét ăn. Món này chả bõ bèn gì, nhưng rất thơm và có mùi khen khét đặc trưng.
Và khi có gì đó để ăn, bọn tôi sẽ ăn triệt để. Ăn dưa hấu sẽ gặm sạch phần ruột đỏ chỉ còn miếng vỏ dưa xanh, ăn mấy quả chuối đủ mập thì sẽ dùng răng nạo lớp xơ trắng mỏng phía trong vỏ. Lúc bóc mít thì cả nhà sẽ ăn bất cứ cái xơ nào không quá dai và nhai được, hạt mít sẽ được phơi khô và đem luộc, ăn rất bùi, tuy ăn nhiều thì sẽ bị xì hơi. Khi sắc thuốc Bắc, thường là được đun bằng một siêu chuyên dụng bằng nhôm hoặc sành rất to, phần bã thảo dược còn thừa sau khi sắc nước sẽ được đổ ra chiếc rổ tre to và cả nhà sẽ ngồi nhặt tất cả những thứ ăn ngòn ngọt. Táo Tàu là món ngon và ngọt nhất trong số này, nhưng mỗi lần chỉ có vài quả.
Bên cạnh việc tìm được món gì đó ăn được, hành trình khám phá làng ấy cũng rải rác những chỉ dấu của cái chết, theo đúng nghĩa đen. Bọn tôi sẽ hay được ai đó đang làm đồng hoặc làm vườn nói rằng cái ụ đất cao cao bọn tôi đang trèo, chạy qua chơi là mộ của ai đó; thi thoảng lúc bẻ tre non ở các bụi tre đầu ngõ, bọn tôi sẽ nhìn thấy một bát hương trong lúc tìm bới; đôi khi ở đoạn ngã ba hoặc chỗ rẽ nào đó ở một ngõ sâu trong xóm sẽ có một ngôi mộ cong tròn nằm chình ình. Gần như tất cả những ngôi mộ rải rác ở ngõ và đường xóm sau này đều đã được bốc đi để phục vụ việc xây nhà dựng cửa hoặc mở rộng đường làng ngõ xóm theo chủ trương. Tuy nhiên vẫn còn một ngôi mộ lớn nằm ở trong ngõ gần nhà bà ngoại tôi. Mẹ tôi kể ngôi mộ này đã ở đó từ ngày mẹ còn bé tí, có lẽ nó đã ở đó kể từ ngày bà tôi còn trẻ, là nơi chôn cất của một vị tiền nhân nào đó đã đến đây để khai hoang lập đất, khi toàn bộ khu quanh đây chỉ là một vùng đất trống. Thật tiếc tôi đã không tò mò sớm hơn để hỏi bà và ông.
Tôi có rất nhiều kỉ niệm dưới nhà ông bà ngoại. Từ nhà tôi xuống đây chỉ cách ba bốn xóm, và tôi với mấy ông anh họ xấp xỉ tuổi vẫn hay đi bộ đến chơi. Nhà bà có quán tạp hóa nhỏ, còn chuyên cả làm vàng mã, và ngày ấy vẫn còn kho thóc, nên luôn có gì đó để lũ con nít tụi tôi nghịch ngợm hoặc phụ giúp kiếm tiền. Ở đoạn ngõ ngay trước quán nhà bà cũng là nơi tôi lần đầu bắt gặp một người không nhà lang thang.
Đó là một dịp gì tôi được mẹ chở xuống, có lẽ để bàn chuyện cúng giỗ cuối năm gì đó. Khi chuẩn bị ra về, tôi có ra ngoài cửa đợi trước, và thấy một người đàn ông nhìn cực kỳ bẩn thỉu đi bộ đến từ bên phải. Thằng nhóc tôi lúc đó chưa từng nhìn thấy một người nào bẩn đến thế: tóc dài, bết lại từng cục, thân hình gầy gò đen quánh lại vì cháy nắng và ghét, quấn trong mớ vải rách nát cáu bẩn mà vì nó đang ở trên cơ thể người nên mới tạm có thể gọi là quần áo. Người đàn ông có vẻ chẳng đoái hoài gì đến tôi, tiến lại gần chỗ đống rác ở bờ tường nhà hàng xóm đối diện. Ông ta dùng tay bới, nhặt lên một mẩu lá rau diếp còn khá nguyên vẹn, vẩy nhẹ vài cái rồi bỏ vào miệng ăn. Rồi nhặt thêm một mẩu nữa, thêm một lá nữa. Mỗi lần ông ta bỏ vào miệng nhai lại phát ra tiếng rau ráu – âm thanh tận đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ như in. Xong ông ngoắc ngoải lướt qua mặt tôi và bỏ đi, như thể tôi không tồn tại.
Tôi kể cho mẹ nghe chuyện này lúc ngồi sau xe trên đường về, và hỏi điều mà mọi đứa trẻ đều sẽ thắc mắc: Sao người ta lại phải bới rác ăn khổ thế hả mẹ? Mẹ tôi im lặng không nói gì. Có rất nhiều điều trẻ con không biết và người lớn cũng không có câu trả lời. Tôi cũng đã tự hỏi điều này nhiều lần, và đến giờ vẫn không hiểu được, sao có người phải khổ đến vậy. Có lẽ nếu miễn cưỡng thì sẽ có thể nêu một vài nguyên nhân nào đó, nhưng tại sao lại phải vậy? Tại sao điều đó lại tồn tại? Một câu hỏi có lẽ không có câu trả lời, hoặc chỉ đơn giản mọi việc như vậy vì nó như vậy. Tôi không biết nữa. Đó là một thắc mắc khiến chạnh lòng. Tôi vẫn thường bắt gặp những khoảnh khắc cuộc đời khiến tôi thấy chạnh lòng.
Hồi tôi học cấp một, bác hàng xóm có mở quán bán đồ ăn sáng. Thực đơn của quán chỉ gồm ba món đơn giản: cháo sườn, xôi đỗ xanh, chè đỗ xanh. Một trong hai ký ức tôi còn sót lại về chiếc quán nhỏ này là nỗi phân vân hôm nay nên ăn gì: cháo, xôi, chè, hay cháo kèm xôi, xôi kèm chè. Mảnh ký ức thứ hai là về một thằng nhóc chạc tuổi thường đi học ngang qua trước dãy nhà. Nó lúc nào cũng một mình, vừa đi vừa ăn lúc thì nắm cơm nhỏ rắc muối vừng, lúc thì một quả chuối đã thâm vỏ, hoặc đôi khi hai tay hai thứ. Dường như hình ảnh ấy là sự minh họa cho từ lầm lũi trong từ điển của tôi. Thi thoảng mắt chúng tôi có chạm nhau, mỗi lần như vậy đột nhiên cháo xôi chè không còn ngon miệng nữa.
Cũng có những ký ức chỉ khi tình cờ được gợi nhớ lại, ta mới nhận ra mình có nó.
Tường bao xung quanh các ngôi nhà ở làng tôi hay được cắm những miếng thủy tinh nhỏ, chỗ tôi hay gọi là mảnh chai – vì đúng nghĩa đen đó là những mảnh vỡ từ những chai nước ngọt thủy tinh ngày trước. Thời đó thức uống đóng chai rẻ và phổ biến nhất quanh huyện tôi không phải là Coca-cola hay Pepsi, Fanta, 7Up, mà là một loại nước khoáng ngọt chai thủy tinh màu xanh lá, vì vậy phần lớn mảnh chai cắm trên các tường bao là của loại chai này. Đoạn tường cắm mảnh chai dài nhất ở trong làng là bờ tường nối liền trường cấp một và cấp hai – tuy hiện tại chỉ còn các mảnh thủy tinh trắng, phẳng, rõ ràng không phải lấy từ chai lọ. Trước tôi cứ nghĩ nó dùng để ngăn học sinh trốn học, nhưng giờ nghĩ lại rất có thể mục đích chính của nó là để ngăn người ngoài đột nhập.
Ở trên đoạn đường chạy dọc tường bao này, một chiều cách đây kha khá năm lúc đang chạy xe từ bên phố về, tôi thấy một anh ngồi xe lăn di chuyển ngược chiều ở phía bên kia đường. Nhìn gương mặt và đôi mắt nheo nheo nọ bị phủ kín trong nắng chiều, trong khoảnh khắc, tôi nhận ra mình có nhớ con người này.
Đó là một khung ký ức sống động bừng chiếu, và địa điểm cũng ở chính xác đoạn đường này, chỗ ngã tư đường cao này, cũng trong một chiều nắng muộn. Anh lúc đó đang vui đùa cùng vài ba người bạn, những người mà tụi nhóc tôi ngày ấy hay gọi là “mấy lão thanh niên”, những cậu trai mới mười tám đôi mươi, thấp người, da sậm, vai tròn, thân hình rắn rỏi và cơ bắp – kết quả của nhiều năm phụ việc gia đình vùng quê. Ngày đó chiếc xe lăn anh ngồi làm bằng gỗ, vá víu từng miếng, chỗ ngồi lót vải, có lẽ hoàn toàn là đồ tự chế của gia đình. Bạn anh lúc đó mỗi người đứng một bên xe, chạy hết tốc lực lấy đà đẩy anh đi rồi buông tay để chiếc xe tự lăn tiếp. Đôi khi nó sẽ chạy được thêm một đoạn dài, đôi khi lực đẩy hai bên không cân nhau khiến chiếc xe bị mất lái, tròng trành nghiêng một bên rồi đổ rụp. Tôi đứng đó ngó các anh chơi đi chơi lại, thích thú trước những tiếng cười giòn giã không ngớt vang đậm trong ánh nắng chiều, trong tiếng bánh xe gỗ lục cục lăn trên mặt đường nhựa bạc màu nhẵn thín, và trong sự vô tư của tuổi trẻ.
Khoảnh khắc nhớ về ký ức đó trôi qua nhanh. Tôi chạy lướt qua anh trên đường, bỗng thấy mình có chút thảng thốt và bối rối, tựa như vừa mất mát điều gì. Có lẽ vì tôi nhìn thấy anh ở đoạn đường này, gần đường cao, hoặc vì tôi nhớ ra thêm đã vài lần lướt qua đây và thấy anh dựng một cái bàn nhỏ để bán vé số, hoặc có lẽ do tôi đã nhìn thấy điều gì đó trong đôi mắt nheo nheo của anh lúc ấy. Người thanh niên ngày đó tóc giờ đã bạc màu gần hết, khuôn mặt to, dầy, nhăn nheo và khắc khổ, chiếc xe lăn giờ là loại được sản xuất sẵn; nhưng những người bạn ngày xưa thì không còn. Không biết có phải do lúc ấy tôi thấy anh nhìn thật buồn không. Không biết đã bao nhiêu lần anh đi tới đi lui chỗ này, nhớ về những lần vui đùa ngày xưa. Không biết anh có còn liên lạc với những người bạn đó không, nếu không thì có tự hỏi giờ họ đang ở đâu, có còn nhớ tới anh không.
Có lẽ tôi không nên nghĩ ra nhiều viễn cảnh ảm đạm khiến bản thân thấy cảm thương cho người khác như vậy, nhưng đây là những thắc mắc tôi không đừng được. Có rất nhiều thắc mắc về người khác tôi không đừng được.
Khi nhìn thấy anh hay những người bán vé số dạo khác, tôi hay nhẩm tính với mỗi tấm vé bán được chưng đây tiền, nếu mỗi ngày trung bình anh bán được chừng này vé, thì mỗi tháng anh sẽ thu được bây nhiêu, bù lại vào vốn thì anh dư được con số như này như kia. Và tôi thường thảng thốt nghĩ chắc chắn số tiền đó không đủ để sống, vót vét lắm có khi còn không đủ đề ăn. Mỗi khi bắt gặp những người lao động chân tay cực khổ, hoặc bán dạo những thứ cảm tưởng chẳng ai mua, tôi lại nghĩ và giật mình như vậy, rồi đành tự trấn an bằng những hi vọng hão huyền rằng chắc hẳn họ còn có thể kiếm thêm được gì nguồn nào đó khác hoặc có vợ, chồng, gia đình góp vào, để ít nhất đủ ăn đủ sống, chứ tôi không tưởng tượng được người ta sẽ tồn tại thế nào trong xã hội này với mức thu nhập vụn vặt như vậy. Tôi vẫn cố gắng chia sẻ và mua giúp những người ấy nếu có thể, lịch sự và nhã nhặn mong góp thêm chút dễ chịu khỏi những sự mệt nhọc, nhưng đồng thời cũng biết đó cũng là một cách để tôi tự làm mình thấy yên lòng, đánh lạc hướng bản thân khỏi điều nhức nhối: rằng tôi quá sợ để thực sự tìm hiểu về hoàn cảnh sống của họ.
Có rất nhiều điều trẻ con không biết và người lớn cũng không có câu trả lời, vì họ quá sợ phải nhìn vào câu trả lời ấy.
Tôi thường hay băn khoăn về kiếp người, và thứ khiến tôi băn khoăn về kiếp người nhiều nhất là những khoảnh khắc cuộc đời tôi chứng kiến, hoặc những dấu vết còn lại của một cuộc đời. Ngoài đường cao, tôi còn thấy những dấu vết này ở đường cái.
Con đường ngay trước cửa nhà tôi là đường cái – từ mà người chỗ tôi dùng để gọi trục đường lớn, đường giao thông chính. Đây là một tỉnh lộ chạy cắt dọc huyện và bị ngắt hai đầu bởi hai con sông, đầu phía trên tiếp giáp với tỉnh khác phía bên kia bờ, phía dưới nhìn sang nội thành. Phà là cách duy nhất để đi qua sông.
Đường cái ngày trước chỉ nhỏ bằng một nửa so với bây giờ, không có dải phân cách, dĩ nhiên không có vạch vôi, và có đủ mọi loại xe lưu thông. Lũ chúng tôi được dặn dò cẩn thận, và tự nhắc nhau, phải đi sát mép đường, biết tránh xe tải, và đặc biệt là xe container. Những ngày ấy dọc suốt tuyến đường không hề có một cái đèn đỏ, và chưa có luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Rải rác ở nhiều đoạn đường thường có những cục phân bò hay xác chuột bị cán dẹp lép và khô bong, những vết phanh xe, hay rất nhiều những vệt đen và tối màu. Những vệt này đôi khi là vết sơn hoặc nước bẩn vương tung tóe, đôi khi là vết dầu nhớt xe ô tô rơi xuống; đôi khi, nó có màu đỏ sậm và xin xỉn, được phủ một lớp cát – những dấu vết không nhầm lẫn được của một vụ tai nạn mới xảy ra, vết máu từ một thân thể người vỡ nát đã nằm đó đêm trước. Ai đó đã chết. 
Tôi luôn thấy sợ hãi và giật mình mỗi khi nhìn thấy một đám đông khác thường trên đường, biết chắc điều gì ở giữa vòng vây ấy, và luôn gắng đạp xe thật nhanh không ngó lại. Đến tận bây giờ, khi đi bất cứ đâu trên bất cứ con đường lớn nào, tôi vẫn có phản xạ quan sát mặt đường, vẫn thon thót khi thấy những vệt tối màu kỳ lạ, và thầm mong ấy chỉ là những vết dầu xe rơi rớt.
Các tuyến giao thông luôn là một chỉ dấu hiệu quả để nhận biết sự phát triển của một vùng. Con đường nay đã rộng hơn, đẹp hơn, có dải phân cách cứng. Bến phà sang phố xưa giờ bỏ trống với sự xuất hiện của hai cây cầu dây văng. Những mảng loang sẫm màu, vết vẫn còn tươi và phủ cát, ít xuất hiện hơn, và đã nhiều năm tôi không thấy một đám đông bu kín nào khi đi đường. Vỉa hè giờ đã đúng nghĩa là vỉa hè chứ không phải là phần đổ bê tông xây lấn chiếm của các gia đình như ngày trước. Khu mặt đường giờ chỉ toàn các nhà cao tầng, ngõ xóm cũng được trải bê tông. Những khoảnh vườn trồng rau thu gọn dần, cánh đồng lúa phía sau nhà tôi giờ là khu chợ và dân cư. Những thứ cũ dần biến mất, những thứ mới được thêm vào, như trước nay vẫn thế. Tuổi thơ thế hệ này không còn chút gì giống với chúng tôi ngày xưa.
Năm việc xây dựng đường hoàn tất, vào gần Tết một vài anh em ở cùng dãy nhà nảy ra ý tưởng tổ chức buổi tất niên ăn uống tụ họp, gặp mặt tất cả thanh niên trong xóm. Đó là một sự kiện chưa có tiền lệ và đột ngột, từ lúc lên ý tưởng, kêu gọi, cho đến lúc tổ chức diễn ra chỉ vỏn vẹn trong hai ngày rưỡi. Số lượng tham gia khá đông hơn dự kiến, được hơn tám mươi người. Mọi người có dịp gặp lại nhau, ngoài những người vẫn thường xuyên gặp gỡ, có những gương mặt dù gần nhà nhưng đã mười mấy hai mươi năm không thấy lại, có những người đi làm xa mà lần cuối tôi thấy họ là lúc còn bé. Những sự quen thuộc nay có chút xa lạ, và những sự xa lạ biến mất khi mọi người nhớ lại tên nhau, và chúc rượu. Những cái bắt tay, những tiếng nói ngọng đặc trưng, trong sự hồ hởi của tất cả mọi người cùng nhắc đi nhắc lại rằng ý tưởng tụ họp này thật sự rất hay và ý nghĩa. Một ông anh đến chúc rượu ở bàn tôi cũng nói lại những lời này, như một ông anh khác vừa chúc trước đó. Anh nói những điều mà một người anh lớn tuổi ngà ngà rượu ở những buổi chè chén vẫn thường hay nói, về tình cảm là trên hết, về tầm quan trọng của việc sống chung lâu bền, cùng giữ gìn truyền thống. “Anh em mình thì mái mái rồi”, anh chốt lại trước khi cả bàn cùng nâng ly.
Tôi nghĩ mình hiểu ý anh muốn nói. Mọi thứ thay đổi, con người cũng khác, nhiều thứ chuyển dịch, nhưng có những điều thì vẫn vậy, và người ta sẽ cố gắng duy trì sự “vẫn như vậy” ấy, hoặc chí ít là cảm giác về nó.
Như ngôi chùa nằm sâu trong xóm trên mà mẹ tôi bảo là một di tích văn hóa lịch sử, và cây đa ở đó đã nghìn năm tuổi; hóa ra ngay làng tôi cũng có một cái gì nghìn năm như thế. Dù giờ chùa đã được tu bổ, xây cất khang trang hơn, toàn bộ mặt sân cũng được lát gạch men đỏ thay cho nền đất, nếu đến đó vào bất kỳ một sáng ngày trong tuần nào, tôi cũng sẽ nghe thấy tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, hòa cùng tiếng nhạc bài Vùng lá me bay hoặc ca khúc nhạc vàng nào đó phát ra từ loa một nhà dân ở gần, khảm vào sự uể oải của một sáng vùng quê và sự tĩnh lặng của ngôi chùa cổng sắt khóa kín, có lối ngách nhỏ vừa đủ một người đi nồng mùi nước đái chó.
Như chiếc loa xã sẽ luôn rè như vậy, như cách người lớn luôn biết ai đó vừa mất trước cả khi có thông báo từ ủy ban, hoặc biết con nhà ai sắp cưới ai, người đó bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, lương bao nhiêu, đã từng bỏ chồng trước đây vì bồ bịch, và cô bồ đó sống ở đâu, làm nghề gì,…và tất tần tật những thông tin khác mà trẻ con không hiểu sao người lớn biết được dù đi làm đi chợ cả ngày.    
Nhưng tôi cũng không đừng được những mơ hồ mà, không hiểu sao, dễ khiến người ta cảm thấy mất mát.
Có lẽ, rất có lẽ, rồi cũng đến một lúc nào đó không còn ai gọi đường cao là đường cao nữa, và người trong làng hết nói ngọng – cái đĩa không còn gọi là cái đỉa, nấu nướng không bị đọc thành lấu lướng, và tuyệt nhiên không còn chút khoảnh vườn, ruộng lúa nào cho người nông dân. Sẽ không còn hàng cây xanh nào, như dãy bạch đàn dọc lối vào đường cao trước đây mà mẹ hay bảo tôi lên chỗ phơi quần áo tầng hai sau nhà để tập nhìn xa, với sự hy vọng gần như hão huyền rằng việc đó sẽ giúp tôi khỏi cận thị, ngặt vì thời những năm đầu thiên niên kỷ các bậc phụ huynh vẫn rất ngại ngùng chuyện con mình phải đeo kính.
Đôi khi nghĩ đến đó, tôi lại nhớ đến một nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami, sống ở những năm 60s-70s thế kỷ trước – thời kỳ bùng nổ kinh tế của Nhật Bản, trong lần trở về con sông quê hương sau một quãng đời đổ vỡ và xáo động, thấy hai bên bờ đã hoàn toàn bê-tông hóa, bỗng ngồi xuống khóc không hiểu tại sao.
Đô thị hóa lan đến, vùng quê không còn là vùng quê nữa mà dần trở thành một phiên bản kiểu thành phố, và những con người nơi đây đột ngột bị nối vào một sân chơi lớn hơn, cạnh tranh hơn, với những luật chơi móc nối kỳ lạ và những người chơi khác vượt trội hơn về nguồn lực và sự rành rẽ về những luật chơi đó.
Điều đó cũng tốt thôi, miễn là sẽ không còn có những đứa trẻ đói ăn, không còn nhiều những bác gái đạp xe đạp, và những người đạp xe khác sẽ có cuộc sống tốt hơn, và cô bé trong quán phở sẽ có cho riêng em một thứ gì đó, bất kỳ thứ gì, chỉ của riêng em không phải nhường ai và không ai có quyền lấy đi, để bắt đầu với cuộc đời và thế giới này, còn lũ trẻ thì có một sân chơi rộng lớn và an toàn để khám phá, theo cách tương tự với tụi nhóc chúng tôi ngày xưa ăn dưa hấu gặm sạch phần đỏ chỉ còn phần vỏ xanh, dùng răng nạo phần trắng bên trong vỏ chuối, không phải vì đói khổ gì, mà đấy là cách của trẻ con.
Kiếp người dài mà ngắn ngủi. Từ tuổi thơ ngày ấy đến tôi bây giờ đã hai mấy ba mươi năm, nhưng cảm giác chỉ như chớp mắt. Mọi thứ sẽ thay đổi, hay giữ nguyên, theo cách không ai đoán trước được, và chỉ một tôi thì quá nhỏ bé chẳng thể tạo ra tác động gì đáng kể - chỉ là một chấm nhỏ xíu giữa quá khứ - hiện tại - tương lai bất tận, và tất cả những gì tôi có thể làm trong suốt những năm có mặt trên đời sẽ phai nhanh như vết bụi bám tường tan biến sau một trận mưa. Nhưng tôi vẫn muốn cố làm gì đó, những gì mình có thể, ít nhất là để ghi nhớ những khoảnh khắc nhân sinh tình cờ bắt gặp, ít nhất là một nỗ lực để giúp một phần xã hội này trở thành một sân chơi an toàn và lành mạnh cho lũ trẻ tự do khám phá. Hi vọng thế. 
Bởi, cũng chính vì kiếp người quá ngắn ngủi so với cuộc sống vĩ đại này, một cuộc đời đã là mái mái rồi. Nhỉ.