Dương Tử Quỳnh- người phụ nữ mà mình ngưỡng mộ
Bài viết gồm 3 phần: Dương Tử Quỳnh trong Crazy Rich Asians, Dương Tử Quỳnh trong Everything Everywhere All At Once (EEAAO) và vai trò của người phụ nữ lớn tuổi trong xã hội hiện đại
Dương Tử Quỳnh hay tên tiếng anh là Michelle Yeoh, là một diễn viên người Malaysia, cô sinh ngày 6 tháng 8 năm 1962. Cô nổi tiếng với các bộ phim như Ngọa hổ tàng long, Xác ướp 3: Lăng mộ Tần Vương, Hoắc Nguyên Giáp, ShangChi and the Legend of ten rings… trong đó 3 bộ phim ấn tượng với mình nhất là Ngọa hổ tàng long, Crazy Rich Asian và mới nhất chính là bộ phim đoạt giải Oscar cho Best Picture là Everything Everywhere All At Once (tựa tiếng Việt là Cuộc chiến đa vũ trụ). Là hoa hậu Malaysia năm 1983, cô từng trải qua nhiều mối tình trước khi đính hôn với Jean Todt – Giám đốc đội đua Scuderia Ferrari vào năm 2006. Họ vẫn gắn bó với nhau đến bây giờ.
Phần 1: Vai "mẹ chồng" Eleanor trong Crazy Rich Asians
Crazy Rich Asians là một bộ phim hài-tình cảm và drama được đạo diễn bởi John M. Chu. Phim công chiếu năm 2018 dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Kevin Kwan. Nội dung phim xoay quanh Rachel Chu, một giáo sư kinh tế học người Mỹ gốc Trung cùng bạn trai là Nick Young về Singapore để tham dự đám cưới bạn thân Nick. Sau khi đến Singapore, Rachel mới nhận ra bạn trai mình là con một của một gia đình siêu giàu và nổi tiếng tại Singapore. Cô phải chịu đựng sự soi mói của những người xung quanh Nick, gia đình và bạn gái cũ của Nick. Cô mang tiếng đào mỏ và không được mọi người chào đón. Trong phim này, Dương Tử Quỳnh đóng vai mẹ của Nick (Eleanor), một người phụ nữ tự tin, thông minh và thể hiện rõ phong thái của một “phu nhân” quyền quý sang trọng.
Biên kịch đã xây dựng 2 nhân vật nữ trong phim với hai tính cách đối lập nhưng cũng nhiều điểm chung với nhau. Điểm chung của “mẹ chồng” “nàng dâu” trong phim chính là cả hai đều là những người phụ nữ độc lập, giỏi giang khi mà Eleanor học tại đại học luật Harvard và gặp bố Nick ở đó thì Rachel là giáo sư kinh tế học tại đại học New York ở độ tuổi rất trẻ. Hai người phụ nữ châu Á khác nhau về thế hệ nhưng cùng một cách sống, đó chính là thể hiện năng lực và vị thế của phải nữ trong xã hội. Điểm khác nổi bật nhất giữa Eleanor và Rachel (hay do Eleanor cho là vậy) chính là suy nghĩ về gia đình. Eleanor cho rằng phụ nữ nên hi sinh sự nghiệp và cuộc sống cho gia đình chồng, trong khi cho rằng dù Rachel là người gốc Á nhưng được sinh ra tại Mỹ, và bản chất của cô chính là “trong trắng ngoài vàng”. Trong suy nghĩ của Eleanor, người Mỹ chỉ sống vì bản thân họ, và điều đó sẽ hủy hoại gia đình bà.
Kết phim, cả hai nhân vật nữ chính đã có sự thay đổi rất lớn trong họ. Rachel đã từ chối lời cầu hôn của Nick vì nghĩ cho Nick, cô lo rằng anh sẽ “mãi mãi hận mẹ mình”. Còn Eleanor cũng đã nhận ra được thành ý của Rachel, rằng cô không chỉ nghĩ cho bản thân mình. Theo mình cảm nhận, giây phút Eleanor nhìn thấy Rachel nắm tay mẹ mình rời khỏi bàn mạt chược là một phân cảnh đắt giá của phim. Giây phút đó có lẽ chính Eleanor đã nhận ra bản thân mình nhiều năm về trước, một cô gái độc lập, tự tin và biết vì người khác.
Đạo diễn cũng rất chú ý tới trang phục trong phim, cảnh ở nhà thờ nơi đám cưới bạn thân Nick diễn ra, Eleanor và Rachel cùng mặc váy màu xanh nhưng màu xanh của Rachel có phần nổi bật và tươi tắn hơn. Cả cảnh ở quán mạt chược, cùng một màu trắng nhưng với hai phong cách khác nhau.
Dương Tử Quỳnh trong phim này đã thể hiện trên cả tuyệt vời vai diễn một bà “mẹ chồng” đáng sợ nhưng cũng rất “tuyệt”. Xuyên suốt phim, nhân vật do Dương Tử Quỳnh thể hiện chưa từng một lần quát nạt bất cứ ai nhưng ai cũng phải im lặng bởi ánh mắt của bà. Bà là hiện thân hoàn hảo cho người phụ nữ châu Á, một người quản lý gia đình, chăm sóc con cái, mẹ chồng của mình dù hai người có nhiều hiềm khích, duy trì truyền thống gia đình (cả nhà cùng nhau làm há cảo) và dù không gây ồn ào, bà vẫn khiến mọi người chú ý bởi thứ quyền lực im lặng và kín đáo.
Phim khắc họa người phụ nữ trí tuệ tao nhã nhưng luôn đặt việc hi sinh cho gia đình là trên hết. Khi Rachel nhận ra sự thật rằng có lẽ mình thực sự đã là người Mỹ và từ chối lời cầu hôn của Nick, Eleanor cũng đã nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong cô gái này.
Phần 2: Evelyn phiên bản "trái đất", thất bại nhất trong tất cả các phiên bản nhưng lại là anh hùng cứu cả vũ trụ
Trong Everything Everywhere All At Once, Dương Tử Quỳnh hóa thân thành Evelyn Wang, một chủ tiệm giặt là tại Mỹ đang vật lộn với cuộc kiểm toán, ông chồng hiền lành nhu nhược (Waymond). Con gái duy nhất của cô (Joy) là một người đồng tính nữ.
Diễn biến phim diễn ra khá nhanh, như cho khán giả ngồi một chuyến tàu lượn siêu tốc mà chưa biết điểm kết thúc của hành trình. Phân cảnh mở đầu phim mang đậm chất của một gia đình châu Á với tiếng “quát tháo” của Evelyn với chồng và con gái. Hình ảnh khá quen thuộc với văn hóa Á Đông khi mà các bà mẹ đảm đương hết các công việc trong gia đình như phụ trách tài chính công việc kinh doanh, chỉ đạo Waymond phải nấu cơm thế nào cho đúng, trách móc chồng vì chọn màu sơn sai, tỏ rõ thái độ không bằng lòng vì xu hướng tính dục của con … Đặc biệt, Evelyn còn thể hiện rõ ràng nét tính cách mà rất nhiều người phụ nữ đang làm chủ gia đình có, đó chính là sự "chính xác". Bà yêu cầu mọi người, mọi thứ xung quanh cô phải hành động, phải thể hiện chính xác những gì mình mong muốn. Có bao giờ các bạn bị mẹ giận vì trót đi làm về muộn 30p lỡ mất giờ cơm mà cả nhà không ăn cùng nhau, hay chọn sai màu nội thất trong nhà? Evelyn chính là vậy.
Evelyn đã sống phần lớn cuộc đời của mình trong sự thất vọng của cha. Bà bỏ đi với Waymond, sinh con, là một chủ doanh nghiệp giặt là nhỏ với rất nhiều các vấn đề xoay quanh. Cuộc đời của bà không thành công, cũng không đáng nhớ, nó cứ trôi qua như vậy. Dù không sống theo ý cha, Evelyn lại mong muốn con gái phải sống theo ý mình, chính vì vậy bà đã thể hiện thái độ độc hai khi con gái công khai là người đồng tính.
Sau khi Joy bỏ đi, cả gia đình đã đến cơ quan thuế để trình báo với Deidre (Jamie Lee Curtis) về hóa đơn, Waymond đột nhiên hành động kỳ lạ và thể hiện một con người khác hẳn. Anh là Alpha Waymond, một “Waymond” đến từ hành tinh Alpha, anh thông báo với Evelyn rằng thuyết đa vũ trụ tồn tại và cả hai người phải cùng nhau chống lại một thế lực xấu xa đang xâm chiếm thế giới. Có thể hiểu đơn giản là cứ mỗi một hành động khác nhau của Evelyn từ thời điểm cô sinh ra, thế giới lại rẽ sang một nhánh mới và một Evelyn với một cuộc đời hoàn toàn mới xuất hiện. Có thể điểm qua một số nhánh như:
- Evelyn không nghe lời bố và cùng Waymond sang Mỹ, cả hai kinh doanh tiệm giặt, sinh ra Joy, Joy bị mẹ mắng vì là người đồng tính, …chính là dòng thời gian hiện tại.
- Evelyn không kết hôn với Waymond, cô bị tấn công và được một bậc thầy võ thuật cứu, dạy cô học Kungfu, cô trở thành diễn viên nổi tiếng và vô tình gặp lại Waymond tại một buổi tiệc, Waymond trong thế giới này đã thành công và giàu có, lịch lãm chứ không như ông chú sợ vợ ở dòng thời gian chính. Vũ trụ này khắc họa hình ảnh của chính Dương Tử Quỳnh ngoài đời.
- Hành tinh Alpha nơi khám phá ra thuyết đa vũ trụ, Evelyn là một nhà nghiên cứu về cú nhảy vũ trụ, đã ép Joy đi đến cực hạn và Joy đã trở thành một “villain”, giết chết người đã thúc ép cô không chỉ trong vũ trụ Alpha mà còn các vũ trụ khác. Đây cũng là nơi Alpha Waymond thực hiện cú nhảy vũ trụ đi tìm hàng ngàn Evelyn để chống lại “villain Joy” hay còn gọi là Jobu Tupaki.
- Evelyn không nghe lời bố, trong một lần vấp ngã đã hỏng mắt, cô trở thành một diễn viên kinh kịch nổi tiếng.
- Vũ trụ nhái phim Ratatouille của Disney, Evelyn là một đầu bếp, cô nhận ra đồng nghiệp bị một con Racoon (gấu mèo) điều khiển trên đầu và bị đuổi giết khi phát hiện ra bí mật đó.
- Vũ trụ những người có ngón tay dài như xúc xích, cô được Deidre (Jamie Lee Curtis) theo đuổi, một chi tiết khá châm biếm khi cô được một người đồng tính thể hiện tình cảm dù trong thực tại cô luôn căm ghét những mối tình đồng tính vì nó đi lại với văn hóa của người Á Đông.
- Phiên bản khác của Evelyn: hoạt hình, lao công, hoạt náo viên, người biểu diễn hoạt náo, có vũ trụ bà là hòn đá đứng cạnh Joy.
Đối với Alpha Waymond, Evelyn ở trái đất là phiên bản thất bại nhất trong tất cả các Evelyn, nhưng cũng là chìa khóa để cứu thế giới. Lý do rất đơn giản, Evelyn là một người thất bại trong tất cả các phiên bản, bà có thể cảm nhận được nỗi đau của Joy hơn nhiều so với các phiên bản thành công khác của mình. Joy ở trái đất có một người mẹ độc hại và muốn tự tử vì xu hướng tính dục của mình. Còn ở Alpha, Evelyn là một người thành công tìm ra cú nhảy vũ trụ, đã thúc ép Joy thực hiện đến mức tâm trí cô bị phân tách và trở thành Jobu Tupaki.
Sức mạnh của tình yêu, tình cảm gia đình
Xuyên suốt quá trình chống lại cái ác, đã có lúc Evelyn phải trở thành một phiên bản như Jobu Tupaki để cứu chính con gái mình. Tình mẫu tử luôn hiện hữu trong mọi hành động của Evelyn trái đất khi cô nấu ăn cho con gái mình, nhận ra con gái có thể là một thực thể để Jobu Tupaki xâm nhập nhưng cô nhất quyết không ra tay với con mình. Dần dần, bà đã thay đổi, thay vì buồn bã, la hét vì Joy, Evelyn chấp nhận rằng đó chính là con gái bà, và bà không thể làm gì khác để thay đổi con mình ngoài việc yêu thương nó.
Tình cảm của Waymond dành cho Evelyn mới chính là thứ truyền sức mạnh cho bà. Evelyn đã luôn mơ về một Waymond mạnh mẽ, giỏi giang, thành đạt hơn so với phiên bản trái đất. Nhưng chính Waymond trái đất mới chính là người luôn bên bà giữa lúc định buông xuôi.
“Kể cả khi em đã làm tan nát trái tim anh lần nữa, anh vẫn muốn nói rằng, trong một cuộc đời khác, anh vẫn muốn giặt ủi và đóng thuế cùng em”
Chính câu nói đó đã khiến Evelyn hiểu ra, tình yêu thương giản dị mới chính là thứ đáng quý. Evelyn thất vọng về cuộc sống tầm thường của chính mình, buồn bã về các vấn đề thường nhật như kinh doanh, gia đình, con cái. Waymond phiên bản trái đất yếu ớt, vô dụng nhưng sâu trong ông là khả năng thấu hiểu, nhẫn nhịn, yêu thương.
Khi gần chạm đến cõi hư vô, Evelyn mới nhận ra điều này. Phim truyền tải rất nhiều thông điệp nhưng cái mà mình cảm thấy trân trọng nhất chính là chúng ta hãy trân quý những thứ tốt đẹp tồn tại xung quanh. Ảo mộng về cuộc sống giàu sang, thành công mà quên mất những thứ bình dị tồn tại xung quanh. Để đến khi nó mất đi, chúng ta mới thực sự hối tiếc nó.
Cảnh mở đầu phim có một ý nghĩa rất quan trọng, trong tấm gương, ta thấy gia đình ba người vui vẻ cười đùa với nhau rồi bỗng dung vụt tắt. Theo mình hiểu dụng ý của phim chính là những giây phút hạnh phúc không kéo dài mãi mãi và chúng ta hãy biết quý trọng nó vì nó có thể biến mất bất kỳ lúc nào trong cuộc sống của chúng ta.
Cuối phim, Evelyn đã có sự chuyển biến suy nghĩ rõ rệt ở cảnh cả gia đình cùng nhau đi khai báo thuế. Thay bằng những lời cằn nhằn, bà chủ động hôn Waymond, và khi được Deidre (Jamie Lee Curtis) hỏi bà đã nghe rõ chưa, thay vì nói dối rằng đã bà vẫn đang tập trung, Evelyn đã hỏi lại Deidre về vấn đề mà mình đang xao lãng.
Dương Tử Quỳnh và đỉnh cao diễn xuất trong phim đã giúp bà đạt được giải Oscar cho diễn viên nữ xuất sắc nhất. Trải qua đa vũ trụ với các vai trò khác nhau, mỗi vai trò bà lại thể hiện một nét diễn rất duyên dáng, đặc biệt là ánh mắt biết kể chuyện của bà đã khiến mình thần tượng bà ngay những lần đầu tiên xem phim. Everything Everywhere All At Once đạt giải Best Picture không chỉ nhờ nội dung và tầng tầng lớp lớp thông điệp truyền tải, cặp đôi Dương Tử Quỳnh và Quan Kế Huy còn diễn xuất rất “chín” và ăn ý với nhau. Phim có nhiều chi tiết ẩn dụ và tri ân các bộ phim khác. Nếu bạn là một mọt phim, đừng bỏ lỡ cơ hội phát hiện ra các chi tiết thú vị này nhé.
Ngoài đời Dương Tử Quỳnh không có con, chính bà cũng thừa nhận rằng việc không có con có lẽ là một thử thách rất lớn khi nhận vai này, tuy nhiên, bằng kinh nghiệm sống và diễn xuất, bà đã xóa nhòa khoảng cách giữa phim ảnh và đời thực, chinh phục mọi đỉnh cao trong điện ảnh.
Qua bộ phim và giải thưởng, Dương Tử Quỳnh, người phụ nữ mà mình ngưỡng mộ đã cho thấy nỗ lực làm việc, cống hiến không mệt mỏi trong suốt sự nghiệp của bà. Thật đáng trân trọng.
Phần 3: Người phụ nữ mạnh mẽ, truyền cảm hứng
Tiếng vỗ tay và những lời ca ngợi không ngớt là những gì ta có thể thấy qua màn ảnh khi Dương Tử Quỳnh, người phụ nữ châu Á đầu tiên được xướng tên tại Hạng mục Nữ chính xuất sắc nhất của Oscar lần thứ 95 được tổ chức vào ngày 13/03/2023. Trong bài phát biểu của mình, Michelle Yeoh đã truyền tải một thông điệp vô cũng ngắn gọn và sâu sắc “And ladies, don’t let anybody tell you you are ever past your prime. Never give up.” Dịch ra tiếng Việt “Và các quý cô, đừng để bất kỳ ai nói mình hết thời. Không bao giờ từ bỏ.”. Câu nói ấy đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và là động lực cho rất nhiều người phụ nữ “chiến đấu” cho cuộc sống của họ.
Câu nói của Dương Tử Quỳnh được cho là nhắm trực tiếp vào Don Lemon-phóng viên và là người dẫn chương trình của CNN. Hồi tháng 2, Don đã mang giới tính và tuổi tác ra để chế giễu Nikki Haley - ứng cử viên nữ của Đảng Cộng Hòa. Don đã nhận xét về Nikki Haley rằng “PAST HER PRIME” và Dương Tử Quỳnh đã không từ bỏ cơ hội để “khè” lại Don nói riêng và những kẻ trịch thượng đang cho rằng phụ nữ lớn tuổi là hết thời.
Trong điện ảnh, chúng ta có thể thấy thực trạng các diễn viên ít tuổi, nóng bỏng đóng chung với những người đàn ông đứng tuổi. Ở Hollywood, những người đàn ông đứng tuổi như George Clooney hay Tom Cruise vẫn giữ vẻ đẹp trai phong độ và được khán giả ưa thích thì những người phụ nữ đứng tuổi lại ít đươc nhận những vai chính trong các bộ phim bom tấn.
Quan niệm về tuổi tác và giới tính trong Hollywood hay bất cứ lĩnh vực nào là không thể xóa nhòa ngay lập tức, nhưng những nỗ lực của Dương Tử Quỳnh đã góp phần vào việc thu hẹp khoảng cách về giới và tuổi tác.
Là một người mang giới tính nữ trong xã hội hiện đại, mình cảm thấy mình đã rất may mắn khi mình không phải sinh ra trong thời kỳ phong kiến của xã hội Châu Á, thời điểm mà người đàn ông có quyền tuyệt đối trong mọi vấn đề của cuộc sống. Họ định đoạt cuộc sống của người phụ nữ và coi phụ nữ như một công cụ sinh sản, duy trì nòi giống, dễ dàng thay thế, vô dụng… như một món đồ trang trí mà khi nó đã hỏng, nó sẽ ngay lập tức được vứt xó để lấy chỗ thay thế cho món đồ khác.
Tuy nhiên, được sinh ra tại thế kỷ 21 liệu có phải là may mắn của mình? Nếu như khẳng định rằng thời điểm này phụ nữ đã hoàn toàn thoát khỏi định kiến về giới thì điều đó là không thể. Mình vẫn bị phân biệt đối xử về giới bởi chính các thành viên trong gia đình, bởi chính công việc yêu thích của mình. Phân biệt giới vẫn len lỏi trong từng ngóc ngách cuộc sống của mình, và mình không vui vì mình được sinh ra tại xã hội này, mình tự hào vì mình đã, đang và tiếp tục chiến đấu cho cuộc chiến về bình đẳng giới.
Thank you
Em Na
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất