Những bài báo (chủ yếu ở dạng chùm ảnh) có nội dung dạng "Đường Hà Nội vẫn đông" rõ ràng đã thực hiện xuất sắc chức năng định hướng dư luận của nó giữa thời giãn cách xã hội: làm cho người đọc tin rằng đường phố Thủ đô vẫn đông đúc dù đã có chỉ thị hạn chế ra đường.
Tôi thừa nhận cách đặt tiêu đề "Đừng có nghe (...)" có hơi cực đoan thái quá, nhưng điều đó có lẽ sẽ không làm thay đổi mấy giá trị nội dung của bài viết: chỉ ra những vấn đề của bài báo có dạng như vậy cũng như những vấn đề của một phía dư luận xã hội xung quanh nó.
<i>(Ảnh: Tôi chụp, không vi phạm bản quyền, khỏi lo)</i>
(Ảnh: Tôi chụp, không vi phạm bản quyền, khỏi lo)

Cái gì đang diễn ra?

Sáng 30/8, page Lang Thang Hà Nội đăng lại chùm ảnh Đường phố Hà Nội đông đúc phương tiện sáng 30/8 của tạp chí điện tử Zingnews, kèm theo đó là dòng trạng thái: "CỐ GẮNG Ý THỨC ĐỂ MAU HẾT DỊCH NÀO!!!"
Nội dung của chùm ảnh là hình ảnh đường phố Hà Nội đông đúc vào sáng 30/8.
Tạm lược bỏ đi các bình luận theo kiểu "tag bạn đọc cùng" hay "chấm hóng", phần lớn những bình luận liên quan tới bài viết đều có nội dung chửi bới, mạ lị những người tham gia giao thông vào buổi sáng đó.
<i>Cay d** vl ở nhà cả tháng không được ra nắng quang hợp nhìn bọn nó đi nhong nhong ứa nước mắt</i>
Cay d** vl ở nhà cả tháng không được ra nắng quang hợp nhìn bọn nó đi nhong nhong ứa nước mắt
<i>(...) tôi lạy các bố, các mẹ cùng nhau ý thức được không?</i>
(...) tôi lạy các bố, các mẹ cùng nhau ý thức được không?
<i>Thật ra thì cho c.h.ế.t bớt cũng được ạ (...)</i>
Thật ra thì cho c.h.ế.t bớt cũng được ạ (...)
<i>(...) thủ đô đ*o gì về quê mà học tập cách người dân tuân thủ chống dịch như thế nào (...)</i>
(...) thủ đô đ*o gì về quê mà học tập cách người dân tuân thủ chống dịch như thế nào (...)

Lỗi ngụy biện và vấn đề của các bài báo "Đường Hà Nội vẫn đông"

Có vẻ như hoạt động chửi bới của những người đăng tải bình luận xuất phát từ lập luận (kiểu) như sau:
Một số người ra đường là người thiếu ý thức phòng dịch. Bài báo nói anh ta ra đường, do đó anh ta là kẻ thiếu ý thức phòng dịch.
Kiểu lập luận này tự thân nó vi phạm hàng đống những quy luật logic khiến cho chính nó trở thành ngụy biện (tức các lập luận không hợp lý, chứ không phải "ngụy biện" được dùng như một sự phán xét, kết tội!).
Trong phạm vi bài viết này, tôi nêu ra hai lỗi ngụy biện mà lập luận trên phạm phải: ngụy biện thẩm quyền và ngụy biện kéo theo ảo.

Ngụy biện thẩm quyền

Lập luận dựa trên thẩm quyền có dạng như sau:
A là người có thẩm quyền về chủ đề X => A đáng tin A phát biểu mệnh đề B về chủ đề X. => B khả năng cao là mệnh đề đúng.
Ở trường hợp này, người có thẩm quyền A là một cơ quan báo chí chính thống (Zingnews) phát biểu về chủ đề X thuộc thẩm quyền của báo chí (một vấn đề thời sự) bằng mệnh đề B (đường phố Hà Nội đông đúc).
Những người sử dụng lập luận trên đã mặc nhiên coi điều được phản ánh (tái hiện, phát ngôn) bởi một cơ quan báo chí chính thống là chính xác một cách hiển nhiên (bao gồm đúng đủ).
Từ góc độ truyền thông, hiện tượng này có thể được lý giải một phần thông qua lý thuyết Viên đạn thần kỳ. Lý thuyết này cho rằng:
Công chúng của truyền thông mặc nhiên chấp nhận những thông điệp mà họ nhận được từ các phương tiện truyền thông mà không cần xem xét lại.
Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu mệnh đề B (từ góc nhìn logic học) hay thông điệp (từ góc nhìn nghiên cứu truyền thông) được xem xét lại? Đó là khi ta nhận ra sự hiện diện của lỗi ngụy biện tiếp sau đây.

Ngụy biện kéo theo ảo

Ngụy biện kéo theo ảo xuất hiện khi lập luận vi phạm luật lý do đầy đủ của logic học hình thức.
Đây là quy luật logic do Leibnitz phát hiện, được thừa nhận rộng rãi như một quy luật logic cơ bản bên cạnh các quy luật của Aristotle. Leibnitz phát biểu về quy luật lý do đầy đủ như sau:
Không một lập luận nào có thể được công nhận là chân thực nếu thiếu những cơ sở đầy đủ cần thiết.
Những cơ sở đầy đủ cần thiết ở đây được hiểu là những cơ sở lý luận và thực tiễn từ đó tất yếu rút ra kết luận.
Đối với kết luận "anh ta là kẻ thiếu ý thức phòng dịch" trong trường hợp này, nó được đưa ra dựa trên ba tiền đề:
1. Một số người ra đường là người thiếu ý thức phòng dịch. 2. Bài báo nói anh ta ra đường. 3. Anh ta ra đường.
Tuy nhiên, lập luận trên đã đi tới kết luận mà bỏ qua rất nhiều cơ sở đóng vai trò quyết định trong việc biến những "tiền đề" (một vế của lập luận không bao gồm kết luận) trở thành "tiên đề" (cái được công nhận là luôn đúng và đủ, làm nền móng cho suy luận). Các cơ sở này phải được phát hiện thông qua giải đáp triệt để các câu hỏi liên quan tới các tiền đề, mà tôi xin liệt kê một số dưới đây:
Về người tham gia giao thông: - Anh ta ra đường làm gì? - Anh ta có được cho phép ra đường hay không? - Anh ta có ý thức được các quy định phòng dịch hay không? ...
Về bài báo: - Bài báo đó nói cái gì? - Bài báo đó nói về một vấn đề xuyên suốt, hay một vấn đề chỉ diễn ra ở thời điểm Z mà nội dung của nó phản ánh? - Bài báo đó có cung cấp các mệnh đề chứa sự phán xét, bình luận, hay chỉ đơn thuần phản ánh? ...

Tại sao lại có những bài báo ấy?

Những bài báo kiểu "Đường Hà Nội vẫn đông" thực ra không hề thiếu. Cứ mỗi thứ Hai đầu tuần, tôi lại kiếm được ở đâu đó một bài như vậy.
Điểm chung của các bài báo này là chúng đều phản ánh thực trạng chung của một khung giờ nhất định: giờ cao điểm - giờ mọi người ra đường đi làm, đi chợ (cái mà ở trên tôi gọi là thời điểm Z).
Các bài báo này đều ngấm ngầm định hướng người đọc đi tới kết luận về "ý thức tồi" hay "quản lý kém" mà khước từ thừa nhận hai thực tế: 1. Có những trường hợp được phép ra khỏi nhà; 2. Cùng thời điểm đó, đường phố vắng hơn rất nhiều so với trước giãn cách xã hội.
Song song với các bài báo kiểu "Đường Hà Nội vẫn đông" là sự tồn tại của các bài "Đường Hà Nội vắng bất ngờ". Khác biệt quan trọng nhất dẫn tới sự mâu thuẫn này là "thời điểm Z" được phản ánh là những thời điểm khác nhau trong ngày.
Dạng bài "Đường Hà Nội vắng bất ngờ" thực ra chỉ phản ánh thời điểm Z nằm bên ngoài khung giờ cao điểm mà thôi!
Có lẽ tới đây, các vấn đề thuộc về đạo đức báo chí sẽ bị người đọc lôi ra chất vấn. Tôi không ủng hộ những người thực hiện tin bài cũng như cách thức làm tin ấy, song, vấn đề có lẽ còn nằm ở chỗ chúng ta đang phần nào cực đoan lý tưởng hóa người làm báo.
Ta quên mất rằng người làm báo thực chất cũng chỉ là những người lao động. Họ cũng phải chạy deadline, cũng vật lộn với KPI, cũng phải cơm áo gạo tiền. Đó là nguyên do ra đời những bài báo trên: dễ dàng dẫn dắt dư luận, thu hút tương tác, dễ thực hiện cho đủ chỉ tiêu giữa cái thời mà quá nửa các đề tài báo chí đều rủ nhau tuân thủ giãn cách xã hội.
Và chính bởi vì những người cung cấp thông tin cho chúng ta cũng chỉ là người trần mắt thịt, nên việc nhìn nhận mọi thông tin với con mắt phân tích, phản biện chỉ có lợi chứ chả thiệt ai!
------------------
Tham khảo:
1. Logic học Đại cương. Nguyễn Thúy Vân & Nguyễn Anh Tuấn. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar. Cathcart & Klein. NXB Thế giới.