Có ai trưởng thành mà không từng trải qua vấp ngã, đớn đau,… Nó giống như một cú hích một chất xúc tác để bản thân mỗi người mạnh mẽ, kiên cường hơn từng ngày. 
Tuy nhiên, lựa chọn trưởng thành sớm hay muộn còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình. Sự yêu thương và sẵn sàng cho con vấp ngã ở những bước đi đầu đời sẽ là nền tảng vững chắc cho con mai sau. Ví như khi còn bé bạn sẵn sàng lắng nghe mong muốn của con, cho con có cơ hội được té ngã được tự mình đứng lên, được bộc lộ cảm xúc được chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình. Ba mẹ cũng là một tấm gương mẫu mực để con noi theo thì khả năng khi bước vào cuộc sống con sẽ ít bị tổn thương, cân nhắc hơn trước những lựa chọn. Bởi chúng biết điều đó có thể mang lại rủi ro cho bản thân và chính những trải nghiệm, vấp ngã lúc nhỏ là những bài học đã dạy cho con ý thức về trách nhiệm với bản thân. Ôí mình lại lan man lạc đề.  
Tóm lại là, để có chúng ta ngày hôm nay thì chắc hẳn ai cũng phải trải qua giai đoạn tuổi teen. Cái giai đoạn mà trẻ con thì cũng chẳng phải mà người lớn lại cũng chưa hẳn. Giai đoạn chuyển giao từ trẻ con sang người lớn cảm xúc nó cũng phức tạp làm cho bản thân người trong cuộc đôi lúc mơ hồ.

Còn nhớ cái thời tuổi teen, cách tôi nhìn cuộc sống còn non nớt, với những áp lực vô hình. Bản thân không cảm thấy được yêu thương, thấu hiểu mà chỉ thấy mình là một kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì? May mắn đối với tôi là dù ba mẹ tôi khó, nghiêm khắc. Nhưng những lúc theo phụ mẹ làm việc hoặc mỗi tối rảnh mẹ hay tâm sự thủ thỉ với chị em tôi, tình yêu thương của mẹ lấn át đi những suy nghĩ vẩn vơ khác. Ba, dù rất đáng sợ nhưng có lúc ba cũng lắng nghe những mong muốn của những đứa con. Chính tình yêu của ba mẹ cùng với sự lắng nghe thủ thỉ tâm tình, ba mẹ rất có trách nhiệm trong việc đối nhân xử thế, ăn nói... Luôn ý thức mình là tấm gương cho con noi theo. Chính điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chúng tôi. Đánh thức cái trách nhiệm bé tẹo mơ hồ bên trong một đứa hai mang của tuổi teen.

Mẹ thì hay tâm sự nói về cuộc sống, về đời cho chị em tôi nghe. Còn ba thì nghiêm khắc. Ba mẹ là người cực kỳ thương con và dành hết vất vả về phía mình. Nhưng cách ba mẹ yêu thương con có lúc làm tôi cảm thấy mình thật cô đơn lẻ loi. Bởi nó giống như một sự áp đặt và mong muốn của ba mẹ đặt lên đôi vai tôi quá lớn. Ba mẹ muốn con học giỏi để về sau có thể đậu vào một trường nào đó để có công ăn việc làm ổn định. 
Tôi là một đứa cái gì cũng dở chỉ giỏi mộng mơ, tôi muốn vẽ hay vẽ lung tung trên giấy khi ba bắt gặp thì bảo không lo học vẽ vời lung tung tốn giấy, tốn thời gian và cấm, phải lo tập trung học, mặt đầy nghiêm khắc làm tôi rất sợ. Thế là, từ đó mỗi lần vẽ tôi hay giấu đi mỗi khi thấy ba. Có rất nhiều chuyện ba mẹ nghĩ là sẽ tốt cho tôi nên cấm đoán tôi hoặc vô tình tạo nên tâm lý vô dụng, sợ hãi trong tôi. Nhưng mà, con người nghĩ cũng lạ càng cấm thì người ta càng khao khát được làm những điều mình bị cấm. Thế nên, tôi vẫn lến mơ mộng làm thơ vẽ vời. 
Nhà có chị có em, mỗi lần tổng kết cuối năm coi phiếu liên lạc và nói chuyện cùng nhau. Tôi cảm thấy mình thật vô dụng vì lúc nào cũng lẹt đẹt dù đứa nào cũng nhận phần thưởng học sinh giỏi nhưng kết quả của tôi là thấp nhất. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, cảm xúc chập dựt, hoang mang thế nên chuyện gì tới cũng tới.

Năm lớp bảy, nhớ có lần tôi mơ hồ về cuộc sống nên có ý định treo cổ tự tử cho xong kết thúc cuộc đời vô dụng buồn chán này, nhưng vốn tính hèn nhát, sợ đau nên sau khi chui qua sợi dây thấy ớn ớn, nổi hết cả da gà. Cảm giác tham sống lại trỗi dậy và may mắn tôi vẫn còn sống đến giờ. Dĩ nhiên, ba mẹ tôi và mọi người chẳng biết gì về chuyện này. Để khi vào ở kí túc xá  ở với những con bạn học cùng lớp, cùng trường, chúng tôi thường kể cho nhau nghe cuộc sống trước kia, rồi buồn vui cùng chia sẻ nổi loạn của thời sinh viên. Tôi mới biết, thì ra không phải mình tôi có cái suy nghĩ điên rồ như vậy, mà tụi nó cũng có lúc hoang mang, cũng cảm thấy mình vô dụng trước mong muốn của người lớn như tôi. May là bọn tôi vẫn còn sống nhăn răng chưa đến nỗi bi kịch. Mà nếu xảy ra bi kịch thì chẳng có chuyện ngồi cùng nhau, kể cho nhau nghe những chuyện điên rồ, hụt hẫng của tuổi teen.

Thời gian thấm thoắt trôi, tôi cũng là đứa con gái mười tám  tuổi vừa tốt nghiệp lớp mười hai chưa có một mối tình vắt vai dù cũng có bao người để ý, bởi họ chẳng dám mở miệng vì ba mẹ tôi nghiêm khắc. Những người thích tôi, tôi biết được đa phần là do những người bạn người chị kể lại. Bởi những cây si đó kể cho họ nghe và họ kể cho tôi nhưng biết là biết vậy thôi. Với kinh nghiệm tình yêu dưới mức không, lúc đó tôi như một con ngố chẳng biết ai thích mình, muốn tán mình dù họ có quan tâm, chăm sóc... tôi vẫn nghĩ theo một cách tích cực là họ quý mến mình. Trên đời có rất nhiều người tốt và dễ thương.

Năm mười tám tuổi tôi thi rớt, bởi lơ mơ chẳng biết mình thích cái gì cứ nộp đơn thi đại kiểu mơ hồ trúng đâu trúng. Thế là năm đó tôi rớt chỏng, rớt chơ với điểm số lẹt đẹt. Còn nhớ, lúc xin đi ôn để thi lại,  đối với ba má tôi những môn khối A, B, C, D mới là những môn đáng học và nó kiếm ra tiền còn năng khiếu thì có mà thất nghiệp con à! Lúc tôi đề nghị tôi đi ôn vẽ để thi năng khiếu ba tôi nhất định không đồng ý. Mẹ tôi thương con nhưng không thuyết phục được ba. Thế là cuối cùng tôi đồng ý đi ôn khối A. Xong một thời gian thuyết phục đủ mọi cách tôi cũng được đi ôn vẽ. Cảm giác đó hạnh phúc vô cùng chỉ những kẻ bị cấm cản mới thấy sảng khoái như vậy. Ngày đó, ba me tôi không có thoải mái như hiện tại. Ba mẹ tôi là người yêu thương con, luôn dành cho con những điều mà mình cho là tốt đẹp nhất với con. Dù vậy, nhưng có những lúc một đứa trẻ chưa kịp lớn như tôi cảm thấy nó ngộp. Sống cuộc sống cảm giác không phải là chính mình. Cảm giác bản thân đang đè nén cái tôi cá nhân cho nó ngủ yên nơi nào đó sâu trong lòng.

Ngày tôi đi ôn, ở với chị hai và bạn của chị. Tôi được bao bọc bảo vệ đến nỗi chẳng ai dám rủ tôi đi chơi. Muốn rủ tôi đi chơi thì không rủ tôi mà lại hỏi chị tôi. Dĩ nhiên cái họ nhận được là cái lắc đầu. "Nó còn nhỏ để cho nó học.” Chị thay ba mẹ quyết định hết mọi thứ cho tôi. Nhiều lúc cảm giác cũng thấy mất tự do nhưng mà cũng sướng vô cùng. Bởi có chị lo hết chẳng phải nghĩ ngợi nhiều. Những điều đó làm tôi thấy rất là thương chị, cứ ước rằng mai này nếu đi học có chị ở cùng thì sướng biết mấy. Khoảng thời gian đó, tôi tự do quan sát những người lớn hơn mình hành xử, yêu đương, học tập... Kể ra đi ôn thi đôi lúc cũng rảnh thấy ớn.

Tôi nhớ chị tôi có một anh bồ học xây dựng theo đánh giá của mọi người là ô kê. Giỏng giang, học giỏi, tâm lý gì gì đó... Chị tôi trước cũng có nhiều mối theo đuổi mà hình như chị yêu hay có bồ gì đấy lúc cấp ba. Giữa bao người, chị chọn anh, mãi đến lúc đi ôn tôi mới có dịp gặp đôi ba lần. Những ngày lễ anh chị hay đi chơi, anh tặng quà cho chị, chị quan tâm anh. Lúc đó anh chị học cao đẳng nhưng khác ngành chị học giáo viên, anh học xây dựng. Mối tình đó mà kết thúc có hậu chắc để lại biết bao kỷ niệm đẹp cho cả hai. Cuộc sống mà có phải muốn là được đâu?

Thắm thoát, thời gian cũng vô tình trôi và tàn nhẫn mang anh xa chị. Tôi đi nhập học ở thành phố xa chị tôi ra trường nhưng chưa xin được việc. Sau một thời gian thì chị tôi và anh chia tay với lý do hết sức cao thượng “ anh bị bệnh, anh không muốn làm khổ em. Anh muốn tốt cho em. Mình chia tay đi.” Cao thượng là thế nhưng buông tay chị tôi là để nắm tay một người con gái khác, làm khổ người con gái khác. Trời! Nghe xong tôi thấy như trong phim Hàn xẻng thỉnh thoảng vẫn lén ba mẹ coi. Còn chị tôi thì chìm vào suy sụp, không quên nổi anh. Cho đến một ngày, chị bạn thân của bạn tôi vô tình bắt gặp anh đang nắm tay một người con gái khi đi hội chợ tay trong tay tình tứ. Thì chị bạn đó hiểu ra hết mọi chuyện và kể cho chị tôi nghe. Lúc đó, chị tôi không tin nhưng đó là sự thật và chị đã quyết định buông bỏ không níu kéo đối với mối tình lâu năm này. Yêu nhau không đến được với nhau có lẽ cũng là điều bình thường. Nhưng xin anh bớt cao thượng kiểu giả tạo “tôi muốn tốt cho em” thì có lẽ người ta sẽ tôn trọng anh hơn. Và rồi người ta buông bỏ anh nhẹ nhàng hơn là nhân danh đạo đức để tổn thương người khác.

Sống xa gia đình ngụp lặn, trôi nổi nơi phồn hoa phố thị, nên đón đưa em đi thi là việc của anh chị, là trách nhiệm thì đâu dễ rũ bỏ. Cũng đến một ngày em tôi rời ghế nhà trường để bắt đầu hình trình mới.

Lúc em tôi vào thi Đại Học nó cũng chỉ là những đứa mới lớn suy nghĩ non nớt. Tôi đưa nó đi thi, nhìn cách nó ứng xử... Tôi cảm thấy chưa được nếu như vậy ra đời sao sống nổi. Thế là tôi bắt đầu “muốn tốt cho nó” góp ý, nói kiểu như nếu bắt đầu mở miệng rồi là không dừng lại được. Không để ý nó cảm nhận thế nào? Cũng quên mất là tôi và nó có khoảng cách về tuổi tác cũng như va chạm cũng khác nhau. Tôi đã dùng cái quan điểm góc nhìn của mình mà chụp lên đầu nó. Bởi tôi trải qua tôi không muốn em mình đi lại vết xe đổ của chị nó. Nhưng số tuổi và trải nghiệm của hai đứa là khác nhau. Dù tôi yêu thương em tôi, “tôi muốn tốt cho nó” nhưng nó không thấy vậy. Những lần góp ý, chia sẻ trở thành sự khó chịu cho nó, trở thành áp lực cho nó và bản thân tôi cũng chẳng vui vẻ gì! Thế là tình cảm chỉ em có vẻ rạng nứt.

Đến một ngày tôi ngộ ra và quyết định buông cái suy nghĩ dở hơi kia đi, buông bỏ cái suy nghĩ mà tự tôi tô vẽ, cứ để tự nhiên không quan tâm “muốn tốt cho nó” nữa. Để nó được có có hội trải nghiệm, được vấp ngã như một phần của cuộc sống này. Rồi nó sẽ có những bài học cho riêng mình. Khi nào nó cần tôi có thể ở bên nó. Chắc vậy cũng đủ với nó rồi!
Tôi học cách yêu thương, muốn tốt cho nó bằng cách tin tưởng nó, để nó được sống cuộc sống của chính nó, được lựa chọn, vấp ngã và tôi nói tôi tin nó biết được điều gì là tốt cho bản thân. Con người ta có trải nghiệm mới thấm đẫm những nỗi đâu của sự vấp ngã. Giống như bản thân tôi ngày khờ dại trước kia và ngay cả bây giờ.
Khi bạn chưa trải qua, chưa vấp ngã thì lời người khác nói cũng chỉ là một cơn gió thoáng qua chẳng tồn đọng. Nhưng nếu cường độ độ lặp lại càng nhiều càng mạnh thì sẽ giống như những cơn bão, dù tốt hay xấu vẫn để lại dư chấn và hậu quả.
Thế nên điều tôi có thể làm là nói ít làm nhiều. Cố gắng sống tốt nhất của đời của mình, không vô tình hay giả bộ vô ý gây cho người khác áp lực vô hình. Nếu trở thành một hình mẫu tốt chuẩn mực thì điều đó cũng là động lực, tấm gương cho nó mong muốn và noi theo.
Cuộc đời có muôn màu muôn vẻ, có người này người kia vậy nên sẽ có nhiều góc nhìn chẳng ai giống ai. Với tôi đây là góc nhìn hiện tại của bản thân có thể sẽ khác với quan điểm của người khác. Nhưng nó làm tôi cảm thấy thoải mái và cho cả những người tôi yêu thương.
Những câu chuyện nhỏ này sẽ làm rõ, chi tiết cho bài trước. Có một kiểu tổn thương “tôi muốn tốt cho bạn.” Đừng có bao biện bằng cách “tôi muốn tốt cho bạn.” Những hành vi “quan tâm” nhân danh đạo đức mà thản nhiên gây tổn thương cho cuộc sống của một ai đó. Bởi nếu “muốn tốt cho người khác” thì hãy dùng trái tim chân thành, lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng họ. Rồi chúng ta sẽ biết điều gì tốt cho họ. Chắc có lẽ là vậy...
-Phú Trên Mây-
Ảnh: -minho