Chà, sau ba bài viết khá cơ bản về D&D thì mình tự đặt ra câu hỏi rằng, D&D thực sự là một game hay và nổi tiếng, nhưng tại sao vẫn chỉ là một phần nhỏ trong văn hóa đại chúng. Những lí do sau có lẽ sẽ giải đáp điều này. Bài viết có lẽ sẽ gây tranh cãi, nên có gì các bạn cứ góp ý nhé~

Thời gian chơi

Là một game thường có đầy đủ cốt truyện dù là one-shot hay campaign, điều rất bình thường khi game sẽ kéo dài hơn những gì bạn tưởng tượng, đặc biệt là với newbie. Trung bình một buổi (session) D&D diễn ra trong vòng 2-4 tiếng, và nhiêu đó cũng chỉ đủ cho một nhánh truyện nhỏ của campaign. Khi nào campaign kết thúc ư? Cứ cho là tuần chơi 1 session thì bạn sẽ gặp boss và kết thúc campaign trong khoảng... 3 tháng tới 1 năm. Dài nhất cũng có thể là 1 năm rưỡi đến tận 2 năm @.@. Trong khi đó với oneshot, nếu đủ thời gian bạn sẽ chơi một mạch tầm 4-6 tiếng là kết thúc, hoặc với kinh nghiệm của mình thì sẽ tách thành hai session nhỏ hơn.
Người thì vã game
Người thì vã game
Meme về xếp lịch D&D chưa bao giờ là đủ
Meme về xếp lịch D&D chưa bao giờ là đủ
Nói chung, chơi D&D giống như xem một series phim dài tập hay chơi một tựa game Campaign (Coop) như Portal/It takes two vậy, với mỗi buổi chơi là 1 tập phim nối tiếp với các những sự kiện ở phía trước. Ngoài ra, những "tập phim" D&D này thường yêu cầu đầy đủ sự xuất hiện của các "đạo diễn" và "diễn viên"- tức người chơi. Chỉ cần một người báo bận, đặc biệt là DM thì khả năng cao session tuần này sẽ phải lùi lịch. Mỗi tuần dành cho nhau một buổi tối cố định trong một khoảng thời gian dài có lẽ không phải việc dễ dàng với bất kì ai.

Rào cản ngôn ngữ

Luật của game đã phức tạp, đã thế lại còn là Tiếng Anh! Đây cũng là một trong những chướng ngại khác khi đến với D&D, mặc dù tính đến nay đã hơn nửa thập kỉ kể từ khi tựa game bước chân vào Việt Nam, nhưng để có thể dịch những trang sách từ Player Handbook hay bất kì ấn phẩm nào khác quả thực rất khó. Bất chấp khó khăn là vậy, cộng đồng D&D tại Việt Nam vẫn tiếp thu văn hóa game này, thậm chí đã có một vài dự án cộng đồng về việc Việt Hóa sách. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, chưa kể đến các dự án đều mang tính chất phi lợi nhuận. Vậy nên, chúng ta lại xoay về ngôn ngữ chung của toàn cầu: Tiếng Anh- để có thể biết một số keyword cơ bản như Armor Class/ Race/ Charisma/... Thậm chí nếu bạn thích chơi những nhân vật sử dụng phép, việc đọc và hiểu về chúng sẽ còn đòi hỏi nhiều vốn từ hơn nữa.
Trông thì có vẻ rất nhiều, nhưng thực ra bạn chỉ cần tìm một vài keyword trong này là đủ.
Trông thì có vẻ rất nhiều, nhưng thực ra bạn chỉ cần tìm một vài keyword trong này là đủ.

Người dẫn chuyện - người dẫn dắt đưa em vào đời

D&D không phải là một game có thể dễ dàng chơi thử, và mình khá chắc nếu tự lập nhóm để trải nghiệm game thì khó lòng thỏa mãn cũng như hiểu rõ về nó được. Thế nên điều mà các newbie cần đó chính là một người đi trước có kinh nghiệm, người sẽ đơn giản hóa những bước đi đầu tiên mà cũng là phức tạp, khó khăn nhất. Thông thường người đó sẽ kiêm luôn DM, để có thể dẫn dắt những người chơi mới từ bước tạo nhân vật, đến cách roleplay, tung xúc xắc, ... Và quan trọng hơn cả, đó chính là dẫn dắt câu chuyện.
Dungeon Master - bước tiến dài của sự nghiệp D&D
Dungeon Master - bước tiến dài của sự nghiệp D&D
Có một điều mình phải công nhận, đó là một newbie thì gần như rất khó để có thể làm DM. Vì trong vai trò này, bạn không chỉ cần một lượng kiến thức lớn để hiểu những PC còn lại là ai, có khả năng gì, mà còn phải biết ứng biến, dẫn dắt PC một cách hợp lí. Để nói về những điều cần thiết để làm DM thì có lẽ sẽ khá dài và mình sẽ hẹn ở một bài viết khác, nhưng tóm lại: DM là một chiếc máy tính, và việc xử lí hành động của 3-4 người chơi khác cùng lúc sẽ đòi hỏi rất nhiều kĩ năng. Một DM còn non nớt dẫn dắt các newbie sẽ gặp một số khó khăn nhất định và làm giảm giá trị chơi đi rất nhiều. Vì vậy, trừ khi bạn có thể yên tâm với người đang dẫn dắt mình như bạn bè người thân, hãy tìm một ai đó có thể hướng dẫn bạn một cách dễ hiểu và rõ ràng nhất có thể.

Nerddddd

Và một điều khó có thể phủ nhận, đó là D&D mang một âm hưởng Nerdy khá rõ ràng. Điều này có thể gây tranh cãi, đúng, rất nhiều người chơi D&D tại Việt Nam hay thế giới không hề nerd 1 tí nào, trái lại còn ngầu lòi các kiểu nữa. Thế nên mình mới nói nó chỉ mang âm hưởng, chứ không áp đặt lên cả một con người. Một tựa game giả tưởng yêu cầu đọc rất nhiều sách, sử dụng xúc xắc một cách cực kì phức tạp. Tại sao không thể vui vẻ với những thứ như Ma Sói, Mèo nổ thôi ??? Nô, D&D khiến tôi mất cả một tối đọc về Race và Class để tạo nhân vật, và TÔI YÊU ĐIỀU ĐÓ. 4 5 đứa bu lại với nhau nói về phép này mạnh phép kia yếu, rồi nói về những thứ mà người ngoài sẽ không thể hiểu được, chẳng sao cả. Và phần hay nhất, cũng có lẽ sẽ là phần mà ai chưa có trải nghiệm sẽ không thể nào biết, là những câu chuyện kể, những cuộc phiêu lưu trong thế giới D&D. Ừ thì nghe mọt sách đấy, nerdy đấy, nhưng đó lại là một bầu trời của trí tưởng tượng, một thứ nghiện ngập mà đã thực sự dấn chân vào thì khó mà rút ra được.
Stranger Things phần 4 đã chỉ ra những quan điểm có phần sai lệch về D&D
Stranger Things phần 4 đã chỉ ra những quan điểm có phần sai lệch về D&D

Kết

Thực ra, còn rất nhiều lí do khác, đơn giản như việc có nhiều thứ hay ho và phù hợp với đại đa số giới trẻ hiện nay như PC games, xbox, ... Ngay cả boardgame, thậm chí là các tựa game tabletop như Warhammer cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh với D&D. Nhưng dù vậy, D&D vẫn sẽ là một trong những tượng đài của làng game, và việc bạn có sẵn sàng leo lên tượng đài ấy hay không, đó là phụ thuộc vào quyết định của bạn.