Ở phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Class - Lớp nhân vật. Class hầu như chi phối toàn bộ các kĩ năng cá nhân, khả năng đặc biệt cũng như lượng máu của các Player Character (PC). Level của Class cũng là level nhân vật của bạn, và dĩ nhiên cấp càng cao thì nhân vật càng khỏe và sức mạnh càng phân hóa hơn (và cũng nhiều thứ phải đọc hơn -.-).
12 lớp nhân vật của D&D, bạn đã từng thử sức với Class nào?
12 lớp nhân vật của D&D, bạn đã từng thử sức với Class nào?
Để miêu tả khái quát các lớp nhân vật, sẽ có hai hướng chính cho các Class như sau: Chuyên đòn vật lí và chuyên về phép thuật. Trong PHB, có tổng cộng 12 Class khác nhau, và chúng ta sẽ tìm hiểu về đặc điểm từng Class theo hướng từ nhóm nhân vật sử dụng vũ khí nhiều nhất tới nhóm spellcaster.

1. Barbarian (Man di)

"Lấy thịt đè người." Đó chính là tiêu chí của một barbarian, và cũng là điểm nổi trội đầu tiên của Class này: Máu trâu nhất trong tất cả các Class, đã thế lại còn "mình đồng da sắt" nên giáp cao. Chưa dừng lại ở đó, ngay từ level 1 Barbarian đã sở hữu một kĩ năng tối thượng: Rage. Cơn giận dữ của bạn khiến mọi cơn đau ập tới cũng nhỉ như muỗi đốt inox, đồng thời lượng sát thương tăng lên đáng kể.
Việc chia đôi sát thương cùng với lượng máu khổng lồ, Barbarian chính là da thịt của team và hút toàn bộ sát thương từ bên kia chiến tuyến. Cũng nhờ có Rage, Barbarian cũng là Class có lượng sát thương rất đều và lâu dài, chủ yếu nhờ vào những thứ vũ khí hạng nặng có thể sử dụng. Về sau, Barbarian sẽ phân nhánh (subclass) với những kĩ năng riêng:
Con mèo béo
Con mèo béo
Path of Berserker: Cơn thịnh nộ của bạn tới mức đỉnh điểm, khiến những đòn đánh khi Rage nhanh hơn và bạo lực hơn, cũng như không có gì có thể điều khiển bạn.
Path of Totem: Nhân vật của bạn có khả năng kết nối với một linh thú và nhận sức mạnh từ linh thú đó trong lúc Rage.

2. Fighter (Chiến binh)

"Thằng tiếp theo"
"Thằng tiếp theo"
Điêu luyện, thông thạo từng loại vũ khí, Fighter là cơ hội để bạn nhập vai vào những nhân vật như Green Arrow hay Deadpool. Sự đa dạng trong việc lựa chọn trang bị cộng với lượng máu ổn giúp bạn có thể phát triển Fighter theo nhiều hướng, Sức mạnh hay nhanh nhẹn, tầm xa hay tầm gần, tanker hay damage dealer. Những level đầu của Fighter cho phép nhân vật "gồng mình" để hồi máu hay ra những đòn đánh liên tiếp. Ở những cấp độ cao hơn, Fighter cũng được phân nhánh, càng làm tăng sự đa dạng của Class này:
Trang phục của Fighter có thể gọn nhẹ hoặc chắc chắn như thế này.
Trang phục của Fighter có thể gọn nhẹ hoặc chắc chắn như thế này.
Champion: Một subclass sẽ chơi dễ trúng thưởng, khi đòn đánh dễ Crit hơn và chỉ số được bổ trợ
Battle Master: Trải qua chiến trận đã giúp Fighter của bạn có những đòn đánh đặc biệt như khóa tay đối thủ hay quật ngã chúng, thậm chí phản đòn khi đối phương áp sát.
Eldrich Knight: Một kiếm sĩ sử dụng phép thuật, tại sao không? Nếu bạn thích một Witcher với khả năng vừa vung kiếm vừa niệm chú thì đây chính là lựa chọn dành cho bạn.

3. Monk (Võ sư)

Với Monk thì mức độ khéo léo lại được đẩy lên tầng cao mới. Các võ sư thay vì sử dụng đao to búa lớn thì sẽ trang bị Monk Weapon đơn giản mà hiệu quả. Lượng sát thương mỗi đòn đánh của Monk có thể không cao, nhưng Monk đúng nghĩa "tích tiểu thành đại" khi có thể liên tục đấm đá trong lượt của mình. Chẳng cần giáp cao, AC của Monk khá tốt nhờ vào sự khéo léo (Dexterity) và cảm nhận xung quanh (Wisdom). Sức mạnh của một võ sư còn nhờ vào Ki - một dạng chakra giống như spell slot vậy. Sử dụng Ki sẽ khiến Monk mau lẹ hơn, tạo cơ hội để ra đòn hiểm đốn ngã đối thủ. Từ PHB, một số nhánh của Monk được chia như sau:
Way of Open Hand: Bạn trở thành Diệp Vấn với những đòn võ đốn ngã đối thủ hay đẩy chúng ra xa, kèm theo khả năng hồi máu cho bản thân
Way of Shadow: Bạn uyển chuyển như một bóng ma, thoắt ẩn thoắt hiện
Way of Four elements: Nhập vai Avatar the Last Airbender và trở thành một Ngự Hỏa/Thủy/Thổ/Khí Sư.

4. Rogue (Lang bạt)

Một class nhân vật thoắt uẩn thoắt hiện, không ai khác chính là Rogue. Dexterity cực kì quan trọng cho class này với những kĩ năng bẻ khóa, ẩn thân, hay móc túi từ người khác. Chưa hết, Rogue còn sở hữu kĩ năng đánh lén (sneak attack) với sát thương cực lớn, cũng như khả năng chạy trốn khi cần thiết. Đổi lại, lượng máu và giáp khá thấp đến từ Class dễ làm nhân vật đo ván nếu như bị áp sát và khống chế. Cho dù vậy, Rogue vẫn là một trong những class rất được ưa thích vì sự ngầu lòi trong cả roleplay lẫn trong combat. Các subclass của Rogue gồm:
- Thief: Trộm cắp, móc túi là nghề của chàng, cùng với khả năng leo trèo cũng như lén lút được đẩy lên một tầng cao mới
- Assassin: Đúng như tên gọi, nhân vật của bạn sẽ học được nhiều chiêu thức ám sát cũng như những kĩ thuật one hit-one kill.
- Acrane Trickster: Vừa đâm bị thóc chọc bị gạo, vừa đốt lửa cháy mông đối phương. Thậm chí sau này, ngay cả phép thuật cũng có thể bị Acrane Trickster đánh cắp.
Bây giờ chúng ta sẽ đến tới những Class có ít nhiều phép thuật trong khi vẫn giữ được khả năng cận chiến, điển hình là:

4. Ranger (Thợ săn)

Nếu bạn thích làm phượt thủ thì Ranger là một lựa chọn không tồi chút nào (welp). Lớp nhân vật nàyk không chỉ giúp bản thân mà cùng cả đội vượt qua những địa hình hiểm trở cũng như sinh tồn qua những thử thách của thiên nhiên. Thậm chí các Thợ Săn còn cực kì hiểu biết về con mồi của mình, giúp cho họ dễ dàng nắm bắt số lượng, theo dấu và triệt hạ đối tượng. Ở bản PHB, Ranger bị coi là con ghẻ vì sức mạnh so với các Class khác yếu hơn đáng kể, nhưng nếu bạn là một người đặt nặng tính nhập vai (roleplay), Ranger vẫn vô cùng thú vị. Các bản sửa từ Internet như Unearthed Acrana cũng rất tốt, kéo Ranger đến gần hơn vơi mọi người. Các subclass của Revised Ranger như sau:
Beast: Bạn thấu hiểu muôn loài cũng như muôn loài thấu hiểu bạn. Lớp Ranger này sẽ sở hữu một người bạn - một con thú mạnh mẽ đồng hành cùng bạn đi bất kì đâu
Hunter: Bạn vươn tới cảnh giới của việc săn đuổi kẻ thù, cũng như rèn luyện bản thân để né tránh những hiểm nguy đang ập tới.
Deep Stalker: Môi trường khắc nhiệt dưới Underdark đã làm bạn thay đổi, giờ đây khả năng sinh tồn cũng như phép thuật của bạn trong bóng tối được đẩy lên mức giới hạn.

6. Paladin (Hiệp sĩ thánh chiến)

Nổi bật trong hàng ngũ với bộ giáp sáng loáng từ đầu tới chân, Paladin đích thị là một cỗ xe tăng đúng nghĩa với lượng AC cực lớn. Lớp nhân vật này khiến bạn thực sự có cảm giác như một hiệp sĩ trừ gian diệt ác, đánh bại mọi thế lực ma quỷ hiện hữu. Lượng máu của Paladin rất tốt, chưa kể tới một bể máu mà họ luôn có thể hồi cho bản thân hay người khác nếu cần. Về phép thuật, Paladin sở hữu rất ít nhưng lúc cần thiết, sức mạnh thần thánh sẽ giúp họ gây ra lượng sát thương lớn hơn bất kì ai chỉ với một nhát kiếm. Về điểm yếu, có lẽ Paladin vì sự "đồ sộ" của mình mà khả năng lén lút sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, mỗi hiệp sĩ sẽ có lời thề cho riêng mình, tùy theo nhánh mà họ chọn:
A white knight in a shining armor
A white knight in a shining armor
- Oath of Devotion:Trung thực và danh dự, cống hiến hết mình vì công lí và đại nghĩa.
- Oath of Vengeance: Là thanh gươm báo thù của những kẻ yếu thế, tìm và thanh lọc tất cả mầm mống độc hại.
- Oath of Ancients: Đại diện cho thứ sức mạnh cổ đại để dập tan bóng tối, để giữ cho ánh sáng mãi trường tồn.

7. Cleric (Tu sĩ)

Các tu sĩ Cleric cũng giống như Paladin vậy, sức mạnh của họ nhận được qua việc sùng bái những vị thần tối cao. Thể trạng của họ yếu hơn so với Paladin, nhưng về kĩ năng thì không hề kém cạnh. Cleric nổi tiếng với lượng phép cực kì đa dạng và có thể thay đổi mỗi ngày, nên nhân vật của bạn luôn sẵn sàng ở mọi vị trí, từ support đến tanker, hay damage dealer của team. Ngoài ra, Cleric là một trong số ít các Class phân nhánh ngay từ level đầu, càng làm sức mạnh phong phú hơn:
Light Domain: Hiện thân của ánh sáng, bạn đốt cháy kẻ thù trên đường đi, đồng thời chỉ đường dẫn lối cho những người bạn đồng hành tiến về phía trước.
Life Domain: Sự sống có thể tước đi nhưng cũng có thể lấy lại, bạn sẽ luôn có cách để cứu chữa những đồng minh đã ngã xuống trong thời khắc sinh tử nhất
Knowledge Domain: Tri thức chính là sức mạnh. Bạn có thể học hỏi mọi thứ chỉ bằng một ánh nhìn, kể cả suy nghĩ của người đối diện.
Nature Domain: Đại sứ của động vật và thực vật, bạn chính là cầu nối để giao tiếp với thiên nhiên.

8. Druid (Thần rừng)

Ngược lại với những kẻ trong bộ áo giáp sắt, Thần Rừng rũ bỏ tất cả để đi tìm sự kết nối với thiên nhiên. Phép thuật của Druid có dấu ấn riêng so với bất kì class nào khác, chưa kể một kĩ năng độc quyền: Wild Shape (Hóa Thú). Ở những level đầu, bạn xông pha chiến trận trong hình dạng của loài sói, nhưng sau này, bạn có thể hóa đại bàng chinh phục trời cao. Các nhánh của Druid cũng rất tình huống, phụ thuộc theo việc bạn muốn ở dạng nào:
Circle of Land: Phép thuật của bạn gia tăng dựa theo địa hình bạn chọn. Thiên nhiên hoang dã vốn làm cản bước mọi người giờ đây rộng mở cho bạn bước qua.
Circle of Moon: Hòa mình dưới ánh trăng là thế giới của muông loài, dòng máu hoang dã của bạn mạnh mẽ hơn để mỗi lần biến hình, bạn trở thành một con quái thú thực sự.
Sau những Half-caster, chúng ta tiến gần hơn tới những dân chơi hệ phép cùng chung đặc điểm: Máu cực giấy nhưng đổi lại là luồng năng lượng khổng lồ:

9. Wizard (Phù thủy)

Tasha - Một trong những phủ thủy nổi tiếng nhất D&D
Tasha - Một trong những phủ thủy nổi tiếng nhất D&D
Học sinh chăm chỉ, học nhiều hiểu rộng. Bạn sẽ luôn mang trong mình một cuốn sách phép, và luôn có thể làm giàu thêm cho nó với mỗi phép mà bạn gặp. Chính vì vậy mà spell của Wizard không chỉ rộng mà còn rất đa dụng, và cũng có thể thay đổi mỗi ngày.
Ở các level sau, các Wizard sẽ phải chọn một trường phái phép thuật (Acrane Tradition) cho riêng mình. Tất cả các phép thuật trong D&D đều thuộc một trong 8 trường phái, nghe có phần phức tạp (Duh, wizard mà). Abjuration: Các phép thuật về bảo vệ, che chở Conjuration: Tạo ra vật thể từ hư không hoặc làm tan biến chúng. Divination: Liên quan tới tri thức và hiểu biết Enchantment: Thay đổi nhận thức và tâm trí Evocation: Năng lượng từ nguyên tố: Illusion: Đánh lừa giác quan bằng ảo giác và cảm giác Necromancy: Điều khiển sự sống và cái chết Transmutation: Biến đổi vật chất và con người

10. Sorcerer (Dị nhân)

Không cần phải miệt mài cày cuốc, phép thuật đến với bạn một cách tự nhiên, do tai nạn hoặc tổ tiên truyền lại. So với Wizard, Sorcerer không thể gia tăng số phép thuật của mình, nhưng có thể phát triển chúng mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng lâu dài hơn hay thậm chí lặp đi lặp lại. Sức mạnh của Sorcerer cũng phân hóa rất nặng theo subclass của mình, cụ thể như sau:
Wild Magic: Năng lượng hỗn mang đã tiềm ẩn trong nhân vật của bạn. Mỗi lần bạn thi triển phép thuật, sức mạnh ấy có khả năng bộc phát và ảnh hưởng cực lớn tới không chỉ bạn mà cả những người xung quanh. Bạn còn có khả năng thay đổi thực tại xung quanh, và level càng cao, bạn càng có thể kiểm soát được sức mạnh của mình.
Draconic Bloodline: Dòng máu của rồng khiến bạn khỏe mạnh và cứng cáp hơn, thậm chí về sau, bạn có thể bay với đôi cánh của mình. Trong D&D có rất nhiều loại rồng khác nhau, và mỗi loài sẽ ban cho bạn một sức mạnh nguyên tố tương ứng với màu của chúng.

11. Warlock (Thầy cúng/Tà thuật sư)

Không có khả năng thu nạp phép thuật, nhân vật của bạn kết ấn với những thể lực cổ xưa hay viết những bản hợp đồng của quỷ dữ để có được sức mạnh. Warlock là một trong những class cực kì thú vị khi có thể xài "free" một số kĩ năng đặc biệt mà Wizard hay Sorcerer chỉ dám mơ tới. Trong khi đó, số lần sử dụng phép lại tương đối ít ỏi, nhưng Warlock là một trong số ít Class có thể hồi lại chúng rất nhanh. Subclass của Warlock cũng rất khác so với các lớp nhân vật khác, khi nhiều lần phân nhánh đan xen lẫn nhau:
Otherworldy Patron: Thế lực mà bạn đang kết nối, có thể là Quỷ dữ (Fiend), các thế lực cổ đại (The Great Old One); hay Yêu ma (Archfey). Mỗi thế lực sẽ ban cho bạn nguồn sức mạnh riêng, khả năng riêng để bạn tùy ý sử dụng.
Pact Boon: Để đổi lấy lòng trung thành từ bạn, các thế lực tối cao đem đến bạn một món quà, và cũng là một sợi dây liên kết giữa họ và các Warlock. Liên kết đó có thể bằng vũ khí (Pact of the blade); quái vật (Pact of the Chain); hay một quyển sách ma thuật (Pact of the Tome).

12. Bard (Nhạc công)

Vui vẻ, hòa nhã và có phần láu cá, các nhạc công biểu diễn những bài hát của mình để làm tăng nhuệ khí phe ta và nhụt chí quân thù. Lượng phép của Bard ở mức trung bình, nhưng rất đa dụng, chưa kể nhiều tính năng rất phù hợp cho cả roleplay và combat. Vì vậy, Bard rất hợp cho vị trí support, hay cho những ai đơn giản là thích đem đến sự vui vẻ với mọi người. Về sau, Bard cũng chia thành các nhánh để bổ trợ cho mình:
College of Lore: Bạn hiểu được sự đẹp đẽ của lời văn, dù là văn bẩn ngoài chợ hay áng thơ trên giấy. Giờ đây, không chỉ học được thêm phép thuật, bạn còn biết cách châm biếm và trêu ngươi bất kì ai.
College of Valor: Văn võ song toàn, bạn cầm kiếm lên và hành động cùng đồng đội theo những nhịp phách hành quân.
Và một class mới xuất hiện....

13. Artificer (Chế tác gia)

Chậm chân đến với D&D, nhưng Artificer là một trong những Class rất được ưa thích trong khoảng thời gian gần đây. Bạn sẽ xông trận không chỉ với bùa phép mà cả những tạo vật của mình. Những hành trang của cả đội sẽ được nâng cấp, cũng những bình thuốc bổ trợ sẽ giúp cả team trụ vững trước sóng gió phía trước. Artificer có ba nhánh khá rõ ràng như sau:
Alchemist: Thầy thuốc với một bình giết người một bình cứu người, bạn là bậc thầy của hóa học để cứu chữa hoặc giết chết bất kì ai.
Artillerist: Bạn thích cầm súng phun lửa dí đầu đối phương thì hãy chọn ngay subclass này. Những ụ pháo phòng thủ hay tấn công sẽ do bạn dựng nên.
Battle Smith: Thay vì làm bạn với động vật, bạn làm dành thời gian với khoa học, để rồi chinh chiến cùng những con trâu máy ngựa máy.

Kết

Vậy là chúng ta đã đi qua tất cả các Official Class của D&D. Các bạn có thể thấy mỗi lựa chọn dẫn tới khả năng và sức mạnh độc đáo riêng. Trong chuyến hành trình sắp tới, liệu Class nào sẽ là lựa chọn cho nhân vật của bạn?