Bài viết này mình lưu lại đây để dành đọc do sáng này đọc 1 stt nói "Đừng yêu công ty, hãy yêu công việc của bạn" thấy khá tâm đắc
Nhân có bài báo nói về 90% nhân viên nghỉ việc là vì sếp, tôi tự hỏi, chả nhẽ 90% nhân viên đi làm không yêu nghề?
Theo logic mà bài báo nêu thì 90% nhân viên này không những không yêu công ty, mà còn không yêu nghề của mình nữa. 
"Đừng yêu công ty, hãy yêu công việc của bạn", câu này được bác Narayana Murthy, Chủ tịch Infosys, nói lại trong một bài phát biểu trước cán bộ nhân viên của mình. Đại khái là khuyên anh em cân bằng cuộc sống và công việc, không nên làm việc quá sức, không nên đi sớm về muộn... Sau này, rất nhiều người khác cũng trích dẫn như là kim chỉ nam. 
Tôi thì thích cách hiểu khác hơn, thấy có lý hơn, và rất đúng trong các môn có yếu tố nghề cao, ví dụ như bóng đá. Với cầu thủ đá bóng thì họ yêu nhất được xỏ giầy, được ra sân, được thi đấu, chứ chắc chả phải vì yêu câu lạc bộ họ thi đấu, có thể có nhưng không phải số 1. Nên việc chuyển CLB rất nhẹ nhàng, bởi mục tiêu quan trọng nhất là được ra sân "hành nghề".
Với FPT Software cũng vậy, tôi cho rằng yêu công ty không quan trọng bằng yêu công việc mình đang làm, nghề của mình đang làm. Đối với tôi, đó là làm sao đưa được càng nhiều anh em ra nước ngoài, cọ sát thi đấu, được học với Tây, để họ được thấy rằng, làm một lúc với môi trường như nhau là mình chả kém gì Tây mấy.
Nếu coi FPT Software như một câu lạc bộ bóng đá, coi sếp, nhân viên, khách hàng, đồng nghiệp là các cầu thủ trên sân bóng thì việc được đá bóng quan trọng hơn nhiều đá cùng ai. Hãy tận hưởng việc được đá bóng, được ra sân, tập trung vào vị trí của mình, làm tốt việc của mình để rồi được ra sân tiếp. Tôi thấy các cầu thủ chuyển câu lạc bộ trừ mấy kẻ hám tiền bị chửi ra, phần lớn là vì để được ra sân, được thi đấu, chứ chả phải vì trong đội có ông đội trưởng (sếp) ngu cả.
Trần Đăng Hòa