Mình nhớ, khoảng thời gian mới biết thương thầm trộm nhớ cậu bạn lớp bên, mình cũng cam đảm nói ra tình cảm của mình. Nhưng sau những lời bày tỏ đó, mình luôn kèm theo một lời xin lỗi. Và nhiều lần sau này cũng vậy, mỗi khi nói thích ai đó, mình luôn nói xin lỗi, xin lỗi vì đã thích cậu/anh… Lần chia tay người yêu cũ, mình cũng xin lỗi, vì không đủ khả năng chạm đến người ta, vì không giúp gì được cho mối quan hệ của 2 đứa.
Đó là câu chuyện trong mối quan hệ tình cảm, nhưng ở bất kỳ mối quan hệ nào, dù tròn trịa hay méo mó, luôn có một điều gì đó khiến mình thấy có lỗi.  Mình luôn cố gắng chủ động là người xin lỗi trước, vì rất nhiều lý do ngớ ngẩn do chính mình nghĩ ra và cho rằng, chỉ cần mình xin lỗi mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng không!
Lời xin lỗi có cần thiết không? Có. Nó thể hiện bạn tôn trọng mối quan hệ đó; thể hiện bạn biết nhận sai, để sửa đổi; xin lỗi giúp hóa giải cơn giận và những hiểu lầm không đáng có. Xin lỗi quan trọng, nhưng chỉ cần thiết khi bạn hiểu đúng về nó.
Để ý mà xem, có phải bạn đang xin lỗi quá nhiều vì bạn quá bận tâm về điều người khác nghĩ về mình? Bạn đang đặt cảm xúc của người khác lên trên những nhu cầu cá nhân và cố gắng làm hài lòng họ? Vậy thì, đừng xin lỗi nữa!
1. Đừng xin lỗi vì đã yêu ai đó!
Tại sao phải xin lỗi khi bạn đang cho đi tình yêu? Tại sao phải xin lỗi khi bạn đang chân thành hết mực? Người ta có đáp lại tình cảm của mình hay không không phải là vấn đề. Điều quan trọng ở đây là bạn có thể yêu, một cách chân thành và tử tế.
2. Đừng xin lỗi khi SAY NO
Chúng ta có quyền được lựa chọn điều mà mình muốn làm, gặp người mình muốn gặp. Chẳng có lý do gì phải xin lỗi khi từ chối gặp gỡ một người bạn không thích nói chuyện hoặc làm một việc không khiến bạn vui vẻ cả! Hãy tôn trọng giới hạn của chính mình 🙂
3. Đừng xin lỗi vì bạn đang là chính mình
Bất kỳ ai theo đuổi ước mơ nhưng không được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè; hành động, tư duy khác với số đông sẽ bị cho là khác người. Nhiều người phụ nữ chọn sống với đam mê của mình, có thể làm trái với những “quy chuẩn” của xã hội ( đến tuổi phải lấy chồng sinh con, phải biết làm việc nhà, phải dịu dàng,…) thường mang cảm giác có lỗi với bố mẹ. Nhưng chẳng có lý do gì phải xin lỗi ai cả. Tại sao phải thấy có lỗi khi bạn đang sống là chính mình?
4. Đừng xin lỗi khi chấm dứt một mối quan hệ toxic
Bạn đang bị ảnh hưởng bởi năng lượng tiêu cực từ những mối quan hệ không quá quan trọng trong đời mình? Hãy rời đi và không cần phải xin lỗi vì đều đó. Bạn xứng đáng có những mối quan hệ tốt đẹp hơn, miễn bạn ý thức được mình cần làm gì.
5. Đừng xin lỗi vì sự không hoàn hảo của mình
Mình từng xin lỗi người khác vì không đủ khả năng giúp họ, vì mình còn quá nhiều thiếu sót, vì mình không đủ xinh xăn, vì blable. Những lần như thế, cảm giác không đơn giản là tội lỗi, nó còn là những phán xét mình dành cho chính mình. Không một ai trên thế giới này hoàn hảo, mỗi người có những nét cá tính riêng, bạn vẫn sẽ đẹp, theo cách của bạn.
6. Đừng xin lỗi, khi bạn đang sống đúng với giá trị của mình
Bạn bảo vệ điều bạn cho là đúng, bạn theo đuổi giá trị đạo đức mà bạn nghĩ sẽ tốt cho bạn, bạn chọn cho mình những giá trị sống khác biệt. Người khác sẽ cười bạn? Kệ họ. Bạn không có trách nhiệm phải giải thích hay xin lỗi với những ai không tôn trọng giá trị bạn đang theo đuổi.
7. Đừng xin lỗi khi bạn không biết câu trả lời
Hãy thẳn thắng thừa nhận khi bạn không biết một vấn đền nào đó, sẵn sàng nhận sự giúp đỡ từ người khác để học hỏi nhiều hơn và không cần xin lỗi khi bạn chưa biết câu trả lời là gì ^^
8. Đừng xin lỗi thay người khác
Mỗi người đều cần chịu trách nhiệm cho những hành động, thái độ của mình. Đừng cho rằng nhận lỗi thay người khác thể hiện sự cao thượng. Bạn không có lỗi, bạn không cần xin lỗi.
Chúng ta sinh ra để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình ngày hôm nay. Chứ không phải để làm hài lòng những người xung quanh mình. Ai thật sự muốn đồng hành cùng chúng ta sẽ tìm cách để làm điều đó, họ không ở lại vì lời xin lỗi. Luôn chân thành và tử tế với những ai tôn trọng bạn, cho phép bạn được sống là chính mình. Nói quá nhiều lời xin lỗi khi không cần thiết chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng chính bản thân 🙂
Hãy để dành lời xin lỗi khi thực sự mắc lỗi.  Đừng xin lỗi, khi bạn không sai!