Trong quyển sách "Không ai có thể làm bạn tổn thương trừ phi bạn cho phép" của tác giả Yoo Eun Jung có một chương viết rất hay mà mình xin phép được trích dẫn và viết lại về tư tưởng rút thăm khi ra một quyết định quan trọng nào đó.
Quyển sách "Không ai có thể làm bạn tổn thương trừ phi bạn cho phép" của tác giả Yoo Eun Jung có thể thích hợp cho những ai đang trong trạng thái "overthinking" (suy nghĩ quá mức) và không biết lựa chọn những gì thực sự cần cho bản thân.
Khi đứng trước một lựa chọn, bạn thường suy nghĩ đến kết quả của những lựa chọn đó cũng như gom góp những lời khuyên từ nhiều người xung quanh phải không? Nhưng lựa chọn là dành cho cuộc đời mình, tại sao lại dành quyền quyết định từ người khác cơ chứ? Những người có "khả năng lãnh đạo" tức là những người đưa ra những quyết định dứt khoát. Có thể nó đúng hay sai nhưng vẫn hơn là bạn chần chừ không thể quyết định "buông bỏ" hay "bước tiếp".
Để có thể quyết định được một lựa chọn nào đó, bạn nên lắng nghe trái tim mình mách bảo, bản thân bạn thực sự cần gì. Chỉ cần dành chút thời gian nhìn sâu vào trong tâm hồn mình, ta sẽ nhận ra điều cần thiết ẩn sâu ở bên dưới. Tác giả Yoo Eun Jung có bày một phương pháp khi đứng trước những lựa chọn quan trọng chính là " phương pháp rút thăm". Nói nghe thì lạ vì "quyết định quan trọng của cả cuộc đời thì làm sao lại dùng rút thăm để quyết định được cơ chứ?"
Chắc chắn 100% nhiều người sẽ có suy nghĩ như vậy. Nhưng phương pháp này căn bản và trực quan nhất đến việc xác định suy nghĩ thực sự của mình. Con người có "ấn tượng đầu tiên" thì rút thăm lựa chọn sẽ nói được "suy nghĩ đầu tiên" cũng chính là mong muốn chân thành nhất của mỗi người.
Tác giả sử dụng phương pháp này để chọn ngành học của mình ở 3 lựa chọn học chuyên khoa gì: Mắt, Da Liễu và Tâm Lý. Ở lượt chọn đầu, cô chọn ngay Khoa Mắt, mặc dù không đến nỗi tệ nhưng có vẻ "chiếc áo" đó quá sức với cô. Sau đó khi lựa chọn được mục Tâm lý, tâm hồn cô như thực sự được ấm áp, vui vẻ hạnh phúc và lúc đó cô biết mình thực sự cần gì. Và từ đó, phương pháp này được áp dụng khá nhiều mỗi khi cô phân vân lựa chọn những vấn đề nào đó.
Khi bốc trúng một lựa chọn nào đó, bạn sẽ thấy được thật lòng mình, cảm xúc, cảm nghĩ của chính mình. Đây là lợi ích 1 của việc "Rút thăm" mang lại. Hoặc khi có quá nhiều sự lựa chọn, nếu đặt cho mình 1 cái khung nhất định, ta có thể giải phóng bản thân khỏi việc đưa ra lựa chọn. Đây là lợi ích thứ 2 mà rút thăm mang lại.
Ví dụ nhé, nếu bạn đang phân vân lựa chọn đến công việc, công sở, hãy thử dựa trên 4 nội dung sau:
- Tôi muốn nghỉ việc ngay lập tức
- Tôi muốn nhảy việc sau khi làm đây 3 năm
- Tôi muốn làm ở đây cả đời
- Tôi muốn nghỉ việc nhưng chưa phải lúc này
Cảm giác khi bạn mở tờ thăm được rút chính là suy nghĩ của bạn dành cho sự lựa chọn đó mà không bị ảnh hưởng bởi 1 yếu tố nào đó. Ví dụ bạn bốc trúng lựa chọn 2 "Tôi muốn nhảy việc sau khi làm đây 3 năm" thì bạn nghĩ "phù may quá tôi còn 1 năm nữa thôi" hoặc lúc đó "không tôi thực sự muốn nghỉ ngay lập tức". Lúc đó bạn đang nói lên được suy nghĩ trong đầu của mình với lựa chọn đó và biết mình thực sự muốn gì.
Phương pháp "rút thăm" không thực sự bắt bạn phải làm theo lựa chọn mà bạn đã bốc trúng, phương pháp này giúp bạn nói lên suy nghĩ bạn thực sự cần gì, muốn gì.
Nếu một hôm quá khó khăn trong việc lựa chọn một thứ gì đó, sao không thử phương pháp này thôi nào ;)