Bạn bè lắm đứa đã lao vào cuộc chiến tín chỉ của ULIS, nhiều thằng mất tí máu, nhiều thằng khóc ròng trong mơ, mình mới bàng hoàng nhận ra là chỉ còn 3 tuần nữa mình cũng sẽ lên Hà Nội nhập học và như chúng nó. Lúc ấy chúng nó sẽ nhìn mình khinh bỉ nói:

– Ai bắt chước mầy cười tau làm chi mậy. 


Nhưng mình thiết nghĩ, cuộc chiến đó tuy có không khoan nhượng thật nhưng nó còn không “thảm khốc” bằng những cuộc chiến khác đáng sợ hơn nhiều. Ở đây mình nêu ra 3 cuộc chiến mà mình thấy đáng chú ý nhất, bởi nhu cầu được chia sẻ rất quan trọng đối với những bạn cũng sắp lên Hà Nội như mình. Chắc là sẽ hơi dài, nhưng mình mong nó sẽ hữu ích cho tất cả chúng ta, những sinh viên năm Nhất. 


1. Cuộc chiến “Đồ rẻ” 


Càng ở những thành phố lớn thì mức sống càng chênh lệch, có đồ cực đắt thì cũng có đồ cực rẻ. Quần áo giày dép rẻ thì không đáng lo ngại lắm. Bản thân mình là con gái mình cũng không hay mua trang phục quá đắt, vì nó theo mốt, hết mốt có thể bỏ đi mà không thấy tiếc (lắm). Nhưng cái “đồ rẻ” đáng lo ngại nhất là ĐỒ ĂN. Ở Hà Nội có ti tỉ món ngon vì tứ xứ giang hồ đến lập nghiệp đem theo cả đặc sản nơi họ sinh sống đến đây. Hương vị từ nhiều vùng đất kết hợp lại trở thành ẩm thực Hà Nội. Nhưng đó là Hà Nội của chục năm trước, còn Hà Nội bây giờ thì tạp nham vô cùng. Một bát phở bán 15-20k thì chắc quán phải bán từ sáng đến tối. Khách vào nườm nượp lấy đâu nước dùng lắm thế, đồ ăn kèm được làm từ bao giờ? Cứ tính thử tiền xương mua để nấu nước dùng, tiền bánh đa, bún, thịt, tôm, chả các loại để cho vào bát bún bánh đa ấy mà chỉ có 15k thì lãi ở đâu ra? Chưa kể có một số nơi chủ phải thuê mặt bằng kinh doanh thì chỗ bạn ngồi, bát canh bánh phở bạn ăn cũng có thêm cả những phụ phí khác nữa.

Nhiều khi mình xem Lozi Foody mà hoa hết cả mắt mũi. Chỗ nào cũng ghi đồ ăn ngon giá cả hợp lí hương vị miễn chê, vv… nhưng đó cũng chỉ là hình thức kinh doanh thôi và Lozi hay Foody thì cũng chỉ là một kênh quảng cáo không hơn. 

Món ngon Hà Nội (Nguồn: Google Hình ảnh) 


Không phải tất cả đồ rẻ đều kém chất lượng. Nhưng có câu: Tiền nào của nấy. Hãy lưu ý, giá rẻ thì chắc chắn nguyên liệu làm ra nó phải rẻ. Bạn biết nó làm từ nguyên liệu nào rồi thì tự bạn thấy đồ có thể rẻ thế không? À, mình thấy mấy quán nướng còn bê nguyên cả hình một con Bò ở trước cửa với tít “Bò Úc nhập khẩu nguyên con”. Ôi chấp nguyên đàn đi, thì cũng toàn là bò có chứa GMO (chất tạo nạc ăn nhiều gây ung thư biến đổi gen) thôi. 

Chưa kể, mới có nghị quyết Hà Nội sẽ tăng học phí lên tới 33% cho các cơ sở giáo dục từ Mẫu giáo lên đến THPT công lập thì những người buôn bán mà đang nuôi con ăn học ngoài việc phải có động thái để lo cho bản thân và gia đình ra thì làm gì có cách nào khác. Còn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã có các Bộ, các Cục lo. 

Nhưng kì thực, ngay cả khi đồ ăn không rẻ thì cũng không thể đảm bảo được chất lượng của nó. Người bán tăng giá lên vì sợ người mua nghĩ “tiền nào của nấy”. Thực tế thì giá một nơi chất lượng một nẻo, không đắt hẳn không rẻ hẳn mới gọi là khó phân loại. 

Nem Hà Nội (Nguồn: Google Hình ảnh) 


Nên khuyên các bạn, nếu các bạn không quá vụng về thì có thể tự nấu những món đó ngay tại nhà. Lần đầu lần 2 có thể chưa ưng lắm nhưng dần dần trình độ cũng sẽ lên. Công thức trên mạng không thiếu, nguồn nguyên liệu tuy chưa hẳn tươi sống lắm nhưng ít ra nó cũng không ôi thiu và được sơ chế lại một cách vi diệu. Vừa học được tính kiên nhẫn, cẩn thận, chưa kể mình thấy nấu ăn là một cách giảm stress khá hiệu quả đấy. 


2. Cuộc chiến “Mời chào” 


Thật ra bài viết này được khơi nguồn cảm hứng từ cô bạn thân của mình đã không may bị cuốn vào cuộc chiến mời chào. Bỏ qua yếu tố là nó cũng hơi ngu si chút thì về cơ bản nó đáng thương hơn đáng sỉ vả. 

Nó chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhập học. Trên đường về nhà trọ thì gặp một bà cô nói tiếng miền Nam đến ve vãn hỏi có muốn làm thêm bán hàng siêu thị không. Gặp ngay đứa thèm khát kiếm việc làm thêm càng sớm càng tốt nên nó tin sái cổ. Ôi đừng có nói nó ngu vội vì giả sử nếu bạn đang đói mà có người đưa cho bạn bát bánh đa thì bạn cần quái gì biết trong đó có cái gì, cứ ăn đã chứ nhỉ? Kể tiếp về nó. Thế là nó mới cho người ta số điện thoại, tối bả gọi mồi chài ghê luôn. Nó hẹn bả chiều hôm sau sẽ đến chỗ đó xem việc. Như đúng hẹn thì chiều hôm sau nó đến, trên đường đi bắt xe ôm còn gặp phải một tên sở khanh đi có 2km mà lòng vòng tứ phía chém của nó 70k. Vào đến nơi thì nó có là cái siêu thị gì đâu, nhìn toàn nhân viên thẻ ĐA CẤP. Nó xin về nhưng bị giữ lại, tiếp tục nghe bài ca mồi chài trong một tiếng đồng hồ. Nhân lúc người ta không để ý nó chạy thẳng một mạch ra đường nhảy lên xe taxi gần nhất về nhà trọ. 

Đấy chắc là kỉ niệm nhớ đời nhất của nó về những ngày đầu tiên ở Hà Nội. 


Đa cấp tồn tại dưới nhiều hình thức ở Hà Nội. Và tuy được cảnh báo nhưng những người bị lừa vẫn không phải ít chủ yếu là sinh viên năm Nhất mới lên. Có thể các bạn sẽ nghĩ mình chẳng qua chưa gặp đa cấp nên nói vậy chứ gặp rồi vẫn bị lừa thôi. Nhưng rõ ràng là có thể hạn chế tối đa việc bị lừa kiểu đó bằng cách: 

– Nếu có người lạ đến gần mình nói chuyện thì tốt nhất đừng đứng gần họ quá, đặc biệt là những chỗ khuất người. Làm thế nào đó để kéo họ ra chỗ đông đông chút rồi trao đổi. 

– Thằng đa cấp thì lúc nào nói chẳng hay. Nó có mỗi bài đó thôi và nói với n người rồi nên bạn dễ tin là điều đương nhiên nhưng hãy luôn nói “Hãy để cháu/em suy nghĩ đã”. Và hãy kết thúc cuộc trò chuyện bằng việc nói mình đang vội, đang bận và phải về nhà sớm. 

– Đừng cho họ thông tin cá nhân. Đặc biệt là số điện thoại và địa chỉ nhà. Hãy để cho họ đi trước đến khi khuất rồi bạn mới đi về nhà bạn, bạn sẽ không biết rằng mình có bị theo dõi hay không. 

– Hãy yêu cầu biết cụ thể nơi làm việc ở đâu, có thể tìm thông tin ở đâu, search google ngay tại chỗ thì tốt. Nhiều khi mấy tình huống này nó hiện thị ra webtretho cũng khá hữu hiệu đấy. Mấy người ở đó review chất lượng khá tốt. Hoặc khi bạn đã yêu cầu để suy nghĩ rồi thì về nhà hỏi người thân anh chị bạn bè nữa nhé! 

– CÒN CÁI NÀY QUAN TRỌNG NHẤT: Nên nhớ rằng, những cơ hội tốt không tự nhiên đến nếu không phải tự mình tìm kiếm và đạt được. Nếu đó là một món hời thì bạn nghĩ có đến lượt bạn không? Họ hàng cháu chắt chút chít nhà người ta tại sao người ta không giới thiệu mà lại đi giúp đỡ nhiệt tình một đứa chẳng quen biết gì như bạn. Thế nên, hãy tỉnh ngộ đi, không phải là “chắc mình ăn ở tốt nên có người dâng món hời đến tận miệng cho” đâu. 


Những lời mời chào thì luôn hấp dẫn nhưng hãy luôn tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định khi bạn mới bước chân lên Hà Nội. Đừng bao giờ quên hỏi ý kiến người lớn, đừng mặc định rằng việc hỏi khiến bản thân bạn không được trưởng thành cho lắm. Tự băn khoăn trăn trở, lắng nghe ý kiến của những người có kinh nghiệm và đưa ra quyết định sáng suốt nhất, đó mới là cách sống của một người trưởng thành. 

Nếu bạn muốn tìm kiếm công việc làm thêm thì hãy lên những trang web uy tín như http://www.timviecnhanh.com/ hay https://freelancerviet.vn/  hoặc http://www.vlance.vn/. Còn không hãy đến những trung tâm giới thiệu việc làm có tiếng tăm chút. Cách tốt nhất là nhờ người thân quen (người nào có tâm thật đấy) giới thiệu nha.


3. Cuộc chiến “Hình thức” 


Đồ ăn rẻ hay lời mời chào đều tồn tại dưới một hình thức bắt mắt. Để giấu đi sự thật rằng chất lượng của món ăn không đảm bảo thì người ta phải kì công tạo cho nó một vỏ bọc bên ngoài đủ hấp dẫn để ít nhiều làm người khác ghé đến. Hình ảnh bắt mắt thì mới thu hút được khách hàng, nên những thứ màu mè hoa hòe hoa sói thì bạn nên cẩn thận. Những lời mời gọi thường được diễn đạt vô cùng trôi chảy bởi những kẻ đa cấp chuyên nghiệp. Đương nhiên hình thức của họ cũng phải chuyên nghiệp không kém. Comple, giày, guốc bóng lộn để giống nhân viên công sở. Nhưng mình đã từng nghe có những kẻ đa cấp chỉ có đúng một bộ đồ như thế, mua hàng second hand và chỉ mặc khi đi mồi chài khách. 

Một chị mình quen hay kể chuyện về cuộc sống của chị, rằng có những người chị gặp rất màu mè hình thức. Họ luôn thể hiện sự khách sáo không cần thiết khiến cho chị có cảm giác không thật. Những lúc ấy thì chị chỉ im lặng hoặc cười trừ, không tự biến mình thành một kẻ hình thức giống họ. Chị còn bảo mình, môi trường Hà Nội đa phần như thế đó, “nhưng chẳng có điều gì tha hóa được em trừ khi em tự tha hóa bản thân mình”. Mình cũng biết tương lai sẽ gặp những người nói toàn những điều sáo rỗng, không đâu và luôn thể hiện rằng mình chuyên nghiệp. Nhưng mình vẫn tin nếu đủ bản lĩnh sẽ vẫn có thể lựa chọn một môi trường tốt, nơi có những người có nhân cách tốt. 

Cuộc chiến hình thức (Nguồn: Google Hình ảnh) 


Cuộc chiến “Hình thức” là cuộc chiến cuối cùng mà mình muốn đề cập tới. Vì nó bao hàm hai cuộc chiến ở trên nhưng phạm vi của nó lại rất lớn. Đôi khi chúng mình không dễ dàng cảm nhận được cuộc chiến này nhưng chúng mình vẫn phải đối mặt với nó hằng ngày. Và đối với mỗi người thì cuộc chiến tồn tại ở những “hình thức” khác nhau. 

Trải nghiệm cá nhân sẽ cho bạn hiểu rằng điều mình nói (có phần) đúng. 


***

Mình nghĩ mình đã tự hù dọa mình lẫn các bạn như thế là đủ rồi. Mỗi người sẽ có những trải nghiệm về Hà Nội theo một cách khác. Tuy nhiều cám dỗ, nhưng Hà Nội nhộn nhịp, sôi động và nhiều cơ hội. Hãy biết nắm bắt cái tốt và hãy tỉnh táo trước những cái “gần giống tốt”. Mình mong chờ một cuộc sống trên Hà Nội, để khám phá thủ đô và khám phá chính mình. Chúc các bạn sẽ tận hưởng những ngày nghỉ cuối cùng trong kì nghỉ dài thật ý nghĩa, chúc cho mỗi người sẽ chuẩn bị hành trang thật tốt để bắt đầu một cuộc sống thú vị trên Hà Nội. Nếu bạn muốn chia sẻ điều gì về bài viết, về quan điểm cá nhân và những trải nghiệm riêng hãy comment để mọi người cùng đọc nhé.


Đỗ Hồng Tâm