Trong rất nhiều những buổi gặp gỡ lần đầu tiên, người ta thường hay đặt một câu hỏi rất xã giao rằng “bạn làm (nghề) gì?”. Hiển nhiên, tôi chẳng thích câu hỏi này tí nào và tôi cũng nghĩ rằng, với những người mới gặp, mới quen, có lẽ sẽ còn nhiều câu hỏi khác thú vị hơn câu hỏi vô cùng classic này.

Nhiều người thích hỏi về nghề nghiệp của người khác, phải chăng là do những nguyên nhân dưới đây?:
1. Chẳng biết nói gì?
2. Cố gắng tìm chủ đề để kéo dài buổi nói chuyện?
3. Muốn biết ai đó có cùng ngành nghề với mình không? Liệu có thể mở rộng mối quan hệ với những người trong ngành không?
4. Hỏi người khác là cái cớ, chủ yếu là muốn “show off” hoặc kể về nghề nghiệp của mình
5. Muốn hiểu về ai đó hơn, muốn thông qua công việc để vẽ ra một phần bối cảnh, tính cách, con người họ. Từ đó, tự tổng kết và đánh giá một phần nào đó về họ?
6. Hoặc cũng có thể có vài nguyên nhân khác tôi chưa nghĩ ra.
Với lý do thứ 5, chúng ta có vẻ đang cố gắng kết nối con người của họ với công việc họ đang làm. Tuy nhiên, bạn biết đấy, không phải ai cũng làm công việc mà họ đam mê, và cũng không phải ai cũng có một công việc tương đương với khả năng của họ (ví dụ như ông sếp “rất hãm” mà bạn hay chửi thầm chẳng hạn =))).
Nghề nghiệp không phải lúc nào cũng nên dùng để định nghĩa một người. Hay nói một cách khác, nhân dạng nghề nghiệp không nên dùng để ghép nối với nhân dạng xã hội. Đặc biệt, nếu bạn là một người dễ nảy sinh thiên kiến, thì việc biết về nghề nghiệp của một người ngay lần đầu gặp mặt sẽ dễ làm bạn phát sinh những đánh giá không đầy đủ và chính xác về người đó, dẫn tới những rào cản tâm lý nhất định để thực sự thấu hiểu họ.
Tôi đã từng đọc được tâm sự của một bạn KOL trên Instagram rằng, bạn ý có một công việc fulltime mà bạn ấy rất không thích, bạn ấy luôn bị stress với công việc này, bạn ấy không bao giờ muốn nói về nó. Instagram của bạn ấy chỉ dành để chia sẻ những thứ bạn ấy thích, và giúp bạn ấy có một công việc tay trái để cân bằng lại mọi thứ.
Tôi tin rằng, cuộc sống sau giờ làm việc của một người cũng nói nên rất nhiều điều về người đó, và việc chia sẻ những thứ ngoài công việc sẽ khiến buổi trò chuyện đầu tiên trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn nhiều.
Đương nhiên, tôi cũng không nói rằng, đừng bao giờ hỏi về nghề nghiệp của một người. Bạn vẫn có thể hỏi họ, hoặc họ có thể tự nói về nó nếu họ thích, nhưng thời gian không nên rơi vào buổi đầu gặp gỡ. Hãy bắt đầu mọi thứ đơn giản bằng những điều nho nhỏ và hạn chế những đánh giá chủ quan của bản thân. Từ đó, bạn có thể cởi mở và có cơ hội quan sát thêm nhiều khía cạnh khác của một người.
Bản thân tôi không thích nói về công việc của mình, vì hiện tại tôi vẫn đang rất struggle với nó. Tôi vẫn đang tự hỏi bản thân mỗi ngày, liệu tôi có đang làm đúng không? Tôi có thực sự phù hợp với lĩnh vực này không? Tôi có thể chuyển sang làm công việc ABC với mức lương XYZ không? Nhảy việc quá nhiều ở tuổi này có phải là một rào cản cho tương lai không? Tôi có nên “ổn định” như phụ huynh muốn không?, vv.
Thỉnh thoảng, trong một vài trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn phải trả lời câu hỏi này. Có những lúc người đối diện tỏ ra khá hứng thú với công việc của tôi, họ sẽ nói nó thật fancy, và hỏi “chính xác thì em làm cái đó là làm gì?”. Lúc ấy, tôi chỉ muốn nói “oh nếu anh quan tâm em sẽ gửi JD của em để anh tham khảo =))))”, tuy nhiên dù sao thì tôi cũng chỉ dám nghĩ thôi, chứ nói vậy người ta lại bảo không thân thiện =))), nên tôi vẫn bịa ra 1-2 câu chung chung gì đó và cố gắng lách sang đề tài khác.
Tôi nghĩ, buổi nói chuyện sẽ hay ho hơn nhiều, nếu chúng tôi có thể nói về sở thích, về những trải nghiệm riêng của bản thân, về những thứ chúng tôi quan tâm, hoặc thậm chí là về tình hình thế giới =)))). Khi chúng ta đủ thoải mái và vượt qua ranh giới đầu tiên, thì câu hỏi về nghề nghiệp có thể sẽ dễ trả lời hơn nhiều.