Ý tớ là, nếu có điều gì khiến bản thân cậu không hài lòng hoặc thậm chí bực mình, hãy cứ nói ra. Không nhất thiết phải ngay lúc đó, nhưng ít nhất... đừng giấu mãi trong lòng rồi làm tổn thương chính mình. Ai cũng có quyền nổi nóng mà đúng không? 

Để tớ kể cho nghe 2 câu chuyện này:
#1 Câu chuyện 1
Ở công ty cũ tớ là một cô bé sống hòa đồng, dễ gần, dễ nhờ vả và ít khi nổi cáu. Về cơ bản thì tớ khá hài lòng với biểu hiện của chính mình. Cho dù có đôi lúc bực mình hay tự ái thì tớ vẫn sẽ tươi cười (về nhà tự buồn sau)
Cũng bằng tuổi tớ có một cô bạn khác, vẫn dễ gần như thế, chỉ là một khi việc gì bất lợi cho nó, hoặc không phận sự, nó sẽ tìm cách từ chối khéo léo. Nhất quyết không làm!
Là một con người hay giúp đỡ và nhận hộ công việc cho người khác thì tớ thấy đấy là một hành động thật lười nhác và ích kỷ.
Cho đến một ngày tớ nhận ra...
Mỗi khi có công việc nào đó mà không ai nhận, tất cả sẽ đổ dồn ánh mắt vào tớ. Nhưng rốt cuộc sau khi hoàn thành, tớ phát hiện ra mọi người cũng chả cảm kích cái công việc tớ đã hi sinh nhận làm cho lắm.
Nhưng chỉ cần một hôm nào đó cô bạn kia nổi hứng, nhiệt tình giúp ai đó, mọi người sẽ cứ nhắc mãi thôi. Thậm chí là được khen trong giờ họp ạ!
Đỉnh điểm là khi...
"Anh không hiểu em làm gì thời gian qua" - Khi sếp nói như thế, tớ mới thực sự tỉnh ngộ.
Không phải tớ không làm gì, mà đơn giản tớ cảm thấy việc giúp ai, làm cái gì cũng khoe ra thật là lố bịch. Hoặc ít ra, lượng công việc tớ làm chỉ có lớn hơn cô bạn kia trở lên mà thôi, vậy sao người bị hỏi câu đó lại chỉ có tớ?
Tớ không phản ứng lúc đó (vì hơi sốc), mà chỉ ấp úng nói mấy câu (ôi trời, càng nghĩ lại càng thấy bực bản thân). Rồi trên đường về nhà vừa đi vừa khóc!
#2 Câu chuyện 2
Tớ ở nhà thuê chung với 3 cô bạn nữa, 2 đứa 1 phòng. Đứa ở cùng tớ là T, tính cách khá thoải mái nhưng hơi... vô tư quá đà.
Có hôm T chụp kỷ yếu và dẫn rất nhiều bạn về phòng để trang điểm cho nhau từ rất sớm. Khi đó tớ còn đang ngủ. Chuyện cũng thường tình của những cô gái cùng chăm chút cho nhau vào ngày quan trọng thôi, nếu đó là phòng riêng của nó. Nhưng nghĩ mà xem... Một đứa đang ngủ (sáng còn đi làm nữa), một đứa ầm ĩ với đám bạn trong phòng chả chút ý tứ. Tớ bực mình chứ, nhưng nghĩ mai nó chụp kỷ yếu rồi nên thôi, hơn nữa bình thường T cũng dễ tính. Có hôm bất thình lình họ hàng tớ  lên ngủ nhờ nó vẫn thoải mái nhường phòng... Nên tớ thôi, cố gắng ngủ tiếp.
Nhưng một lần nọ...
Tớ về thấy T đang... bị đứa phòng bên, tên P, nói to tiếng. Chuyện là bạn của T vào nhà và để xe bành trướng trước cổng khiến đứa kia lúc về không dắt xe vào được. T thấy vậy mà không nói gì cả (vì nghĩ bạn về bây giờ), thành ra P phải đứng đợi 5' ngoài cổng, bạn T về, mới dắt xe vào được. Đi làm về sẵn cơn mệt trong người nên P mới nói gắt luôn trước mặt T. Mặc dù bị nghe mắng thì chẳng ai dễ chịu cả nhưng vì P nói đúng quá nên T chỉ lắng nghe rồi xin lỗi.
Cậu biết không, lúc đó tớ đã phục P biết mấy. Nếu là tớ thì đã cứ ôm bực tức, hậm hực giậm chân lên cầu thang rồi. Và thấy đó, cho dù mình có tỏ thái độ nhưng nếu đúng thì người ta vẫn phải nghe thôi. Qua hôm sau thì 2 đứa lại nói chuyện với nhau bình thường.
Vậy đấy, tớ đã hiểu được cái dở của hai chữ CẢ NỂ rồi. Cậu thì sao?
Chúng ta cứ nghĩ rằng nhịn một chút, thoải mái một chút để mang lại không khí vui vẻ thì mọi thứ sẽ trở nên dễ chịu hơn. Bản thân cũng sẽ được mọi người yêu quý, trân trọng hơn.
Nhưng không đâu! 2 câu chuyện trên là đủ để giải thích rồi
Qua đó, tớ rút ra được vài điều:
1. Đừng dối lừa cảm xúc của mình nữa, đừng chỉ chưng ra những giây phút vui vẻ mà nén lại những bực tức, tủi thân trong lòng. Nếu không muốn bị lỡ lời trong lúc nóng, có thể tìm một thời điểm khác bình tĩnh hơn. Nhưng nhất định phải nói ra. Nhá!
2. Mỗi người cần có một giới hạn cần thể hiện ra. Để người khác còn biết đường tôn trọng: trêu đến đâu thì dừng, nói đến đâu là phải. Nếu không, người ta có đi quá trớn thì bản thân bạn chỉ có thể bị tổn thương mà thôi.
3. Ranh giới giữa DỄ GẦN và DỄ DÃI là rất mong manh. Người dễ gần sẽ biết cách để đối phương cảm thấy thoải mái nhưng vẫn tự bảo vệ được bản thân, khiến người khác tôn trọng khi cần. Người dễ dãi á, người ta sẽ chẳng trân trọng bạn đâu (cho dù mình có tốt đến mấy)
4. Thực ra không cần thiết phải làm hài lòng tất cả mọi người. Vì người hiểu chuyện, cho dù có giận lúc đấy thì khi về họ cũng sẽ hiểu cho bạn thôi.
5. To tiếng nhất thời mà tình cảm lâu bền, còn hơn là im ỉm chịu đựng để một hôm bùng phát (tất cả sẽ theo đó mà tiêu tan). 
6.  Với một người luôn nhẫn nhịn, đáp ứng mọi yêu cầu của người khác, nếu như có một ngày họ tức giận, họ sẽ mất đi sự đáng yêu. Nhưng với người vốn lạnh lùng, chỉ cần họ nhẹ nhàng đi một chút, đối phương sẽ trân trọng vô cùng.