Nhiều người nói với mình rằng, “Cái này tiêu cực quá, tôi không muốn nghe”, “Cuốn sách này tiêu cực không, tôi sợ rước vào người tiêu cực?”, “Bạn chỉ toàn nói những thứ tiêu cực, tôi không muốn nói chuyện với bạn”...
Thật ra bản thân mình thấy, người ta đang bị nhầm lẫn giữa sự-thật (tiêu cực) và góc-nhìn-nhận (tiêu cực) của bản thân. Điều đó có nghĩa là họ nhìn mọi thứ dưới cách nhìn của họ, giống như câu chuyện ô cửa sổ bị bẩn. Chính họ mới “có vấn đề” mà họ lại nghĩ người khác đang bất ổn.
Bạn thử đặt mình vào câu chuyện này nhé. Rằng bạn bị ngã xe, nếu là người lạc quan, bạn sẽ thấy thật may mắn vì mình không bị thương ở đâu cả. Còn nếu người luôn cảm thấy bực dọc với mọi thứ, thì bạn sẽ liên tục đổ lỗi, than thở, trách mắng rằng tại sao mình xui rủi đến thế, sao chuyện này lại xảy đến với mình...
<i>Đừng vội dán nhãn</i>
Đừng vội dán nhãn
Giả sử tôi nói với bạn rằng: “Hãy cẩn thận vì công ty A có thể là lừa đảo.” 
Nếu bạn nhận thông tin này và vội phản bác chúng tiêu cực rồi cảm thấy nổi giận với người gửi thông điệp, thì mình nghĩ năng lượng của bạn không vững và bạn đang hướng ra ngoài nhiều. Não bộ của bạn sẽ có các phản biện như: “Sao không nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn mà suốt ngày nói những điều xui rủi?”, “Người ta tốt thế kia sao lại lừa đảo được?”
Thật ra mình thấy như vậy cũng không có gì sai, chỉ là bạn đang cố gắng bảo vệ luận điểm của bạn, đồng thời bạn không dám chấp nhận và đối diện nếu điều đó là sự thật. Bạn chỉ thích nhìn thấy những gì màu hồng, những điều tốt đẹp hay những cái mà bạn muốn nhìn thấy thôi. Lâu dần, bạn dễ bị cuốn theo những điều tốt đẹp phi thực tế ấy mà không có cách nào neo lại. Nếu đi phân tích sâu hơn thì vấn đề này còn liên quan đến bản ngã nữa. 
Với người năng lượng cao, họ đón nhận thông tin một cách cởi mở. Họ sẽ dừng lại, đánh giá mọi thứ và luôn có sự chuẩn bị riêng cho mình với tâm thế đón nhận mà không đánh giá hay phán xét...
Mình biết, cuộc sống này rất phức tạp khi tốt xấu đan xen, thiện ác chồng chéo, sáng tối nhập nhằng. Chỉ khi mọi người đủ dũng cảm chấp nhận cho cái xấu hiện diện thì khi ấy năng lượng của mọi người cũng đã khác lắm rồi. 
Mình thì không thích nói đến chuyện tích cực hay tiêu cực, vì dù ở góc nhìn nào cũng đang dán nhãn tâm thức của mình lên đó. Người bình an nghĩ mọi chuyện đơn giản, nhìn đâu cũng thấy an lạc. Còn người có tâm trí lộn xộn, đầu óc luôn nghĩ đến những rủi ro, những góc nhìn phán xét thì chắc chắn tâm chẳng an vì suốt ngày cứ phải đi tìm lỗi sai ở người khác. 
Thật ra, dưới góc nhìn tâm linh, chúng ta cần bóng tối để nhìn nhận ánh sáng, cần phải trải qua đau khổ thì bài học hạnh phúc mới trọn vẹn, phải khóc thì mới cười an yên. Bởi vì trái đất nhị nguyên đang vận hành như thế để mang đến góc nhìn toàn cảnh và những bài học đa chiều nên mình không chối bỏ những điều tiêu cực xảy đến. 
Cuộc sống mỗi ngày có biết bao thông tin thuận chiều và ngược chiều, vậy thì làm thế nào để bạn có thể vượt qua hàng rào đó để sống vui, hay bạn sẽ bị mắc kẹt lại bởi những drama vô bổ? Khi bạn thoát khỏi trò chơi nhị nguyên ảo tưởng của tâm trí này, bạn sẽ nhìn cuộc đời rất khác. Nên lúc nào mình cũng nhắc nhở bản thân là, mình không làm chủ được những thứ bên ngoài, nhưng mình có tự do đến từ tâm trí. 
<i>Đừng dính mắc vào cái bẫy “Tích cực – Tiêu cực”</i>
Đừng dính mắc vào cái bẫy “Tích cực – Tiêu cực”
Vì thế, mình mong rằng, bạn đừng vội đánh giá cuốn sách chỉ qua bìa sách. Chỉ khi bạn làm chủ mình thì bạn cũng làm chủ được những thông tin bạn nhận được bởi vì thông tin cũng là năng lượng. Để rồi một ngày nào đó, bạn tiến lên một nấc cao hơn, đó là đón nhận mọi thứ ở sự Biết mà không đánh giá, không phán xét. Đến lúc ấy, dù tích cực hay tiêu cực cũng đều như nhau cả thôi. Tất cả chỉ là trải nghiệm nên đừng quá quan trọng mọi thứ. 
“Nếu như ban nở rộ, gió mát sẽ thổi đến
Nếu như trái tim chìm nổi, cười sẽ nhẹ nhàng an yên”. 
Lê Diễm Diễm