Dũng cảm nói lên tiếng nói của chính mình
But I have learned in the last year, more than ever before, that sometimes we have to be loud. (Atia Abawi in Hope Nation)
Xin mở đầu bài viết ngày hôm nay bằng câu chuyện của chính bản thân tôi. Cách đây khoảng sáu, bảy năm, hồi tôi 17,18 tuổi gì đó, tôi không phải làm một người quá dũng cảm để nói lên những gì mình nghĩ trong một cuộc tranh luận. Nhất là khi tôi bị choáng ngợp trước những người quá giỏi giang, hoặc cách họ nói chuyện quá lấn át (ở đây tôi chưa bàn đến nội dung) hoặc đơn giản trong đầu tôi lúc đó, không nghĩ đến bất cứ một cái gì đặc biệt để mà nói.
Tôi đã được truyền cảm hứng từ các bạn trẻ hơn mình
Tại sao là "những bạn trẻ hơn mình" vì thật ra bây giờ tôi nghĩ mình vẫn còn trẻ lắm, cả tuổi vật lý lẫn tuổi kinh nghiệm. Tôi đã từng nghĩ rằng, cũng đã từng bị xã hội định kiến rằng "Mày có giỏi hơn ai đâu mà mày đánh giá người ta" "Làm được như người ta đi rồi hẵng nói". Quả là hiệu nghiệm, đứa trẻ là tôi hồi đó khi gặp những định kiến như vậy, đã im lặng.
Cho đến khi tôi bắt đầu đọc được những gì các em nhỏ hơn mình, cả tuổi đời lẫn vốn sống, luôn tìm cách để được nói lên những gì các em nghĩ. Như việc các em cảm thấy làm sao các em có thể cảm nhận được ngần đó cái triết lý trong một tác phẩm văn học kinh điển đồ sộ ở độ tuổi 15,16. Làm sao các em có thể hiểu được giá trị quan được áp đặt từ những tàn dư thế hệ mà đã qua rất lâu kể từ thời điểm các em ra đời. Làm sao các em có thể thấy tất cả những lời người lớn nói đều đúng khi cảm xúc chân thực mà các em trải qua lại hoàn toàn ngược lại.
Và tôi nghĩ, đã đến lúc rồi, đến lúc chúng ta, cần nói lên tiếng nói của mình, và tạo không gian để người khác được nói lên suy nghĩ của họ.
Những đứa trẻ lớn lên từ định kiến
Gần đây chắc hẳn những câu chuyện về bình đẳng giới, LGBTQ+, Racism,... đang tràn lan trên mạng xã hội. Tôi không hề vô can trong những cuộc tranh luận này, thậm chí tôi vẫn đang cố gắng để nói lên tiếng nói ấy trong một cộng đồng chưa cởi mở để lắng nghe. Tôi nghĩ thế này, bản chất của những cuộc đấu tranh đó, dù bắt nguồn từ một cộng đồng yếu thế nào đều bắt nguồn từ việc đấu tranh cho những quyền con người cơ bản mà họ cảm thấy mình đang bị tước đi từ định kiến của một cộng đồng lớn hơn về cả số lượng lẫn sức mạnh về kinh tế, chính trị.
Tại sao bạn có thể làm điều đó còn tôi thì không chỉ vì tôi là phụ nữ?
Tại sao bạn có thể yêu một người bạn muốn còn tôi thì không chỉ vì chúng tôi cùng là nam?
Tại sao gia đình thì chỉ có thể là bố và mẹ?
Tại sao tôi không thể làm công việc đó chỉ vì tôi là người Đông Nam Á?
Khái niệm được tạo ra để gọi tên sự vật, hiện tượng. Định kiến được tạo ra không phải không có cơ sở, nhất là từ tâm lý nhạy cảm và đề phòng với những thứ khác mình hoặc mình không hiểu rõ. Nhất là khi chúng ta chưa có đủ kiến thức và trải nghiệm để có thể đủ vững vàng và tỉnh táo giữa quá nhiều luồng thông tin, quá nhiều hệ tư tưởng, quá nhiều sự định hướng.
Và những chuyện nhỏ nhặt hơn, len lỏi vào từng câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày. "3o tuổi mà chưa có gì trong tay là thất bại" "Con trai mà ủy mị, yếu đuối, thích mấy thứ mộng mơ hão huyền" "con gái mà ăn mặc tóc tai trông không ra hồn người" "Thời buổi này mà còn đi xe cup" "Làm tình nguyện được đồng nào không mà ham",...
Không phải tất cả những điều người nổi tiếng hay thành công nói ra đều là chân lý
Khi quá tự ti và không tin vào bản thân mình, người ta sẽ dễ dàng tin tưởng lời của những người khác nói, nhất là nếu người đó là một "người thành công" theo "chuẩn mực của xã hội". Tôi không phủ nhận rất nhiều người trẻ như chúng tôi đã tìm thấy lối ra từ một triết lý sống của một nhà văn, một thần tượng,một doanh nhân nổi tiếng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh sự suy xét ở trong mỗi bản thể khi chúng ta chọn sống theo một cách nào đó. Bởi chúng ta không đoán trước được tương lai, chúng ta không biết trước được việc chúng ta chọn tại thời điểm này sẽ mang đến kết quả hoặc hậu quả như thế nào. Vậy chẳng phải cách duy nhất là thử hay sao? Thử và trải nghiệm để có thể có những suy nghĩ của riêng mình, cũng như có tiếng nói của riêng mình.
Vậy khi tiếp xúc với một quan điểm nào đó. Chúng ta dù bé nhỏ đến đâu, đều có quyền, và có khả năng để trung thực với những gì khối óc mình suy nghĩ và trái tim mình cảm nhận. Sống đến đâu, mình nói ra đến đó. Có thể nó sẽ khác với số đông, có thể nó sẽ ngược lại với những chân lý sống của những người nổi tiếng, có thể nó ngu dốt, ngốc nghếch, sơ sài và nông cạn, có thể nó điên rồ, khó tin và bị cười nhạo, có thể nó chưa có giá trị ở thời điểm này, nhưng mà bước đầu tiên, nó đã được "nói ra" để "được lắng nghe" để được trở thành "một góc nhìn khác".
Nói ra để được lắng nghe và lắng nghe để được hoàn thiện
Như tôi đã đề cập ở trên về một môi trường cởi mở để ai cũng được nói ra suy nghĩ của bản thân mình. Tôi cho rằng mạng xã hội hiện nay là một không gian lý tưởng nhưng cũng rình rập quá nhiều mối đe dọa.
Mạng xã hội là nơi mà ai cũng được nói, thậm chí là nói ẩn danh, là nơi mà hỗn độn không phân chia hay sắp xếp những cuộc tranh luận theo mục đích và động cơ gì cả. Lấy một ví dụ đơn giản, tôi để lại 2 bình luận với nội dung hoàn toàn giống nhau ở 2 Page khác nhau với hai cộng đồng khác nhau, phản ứng mà tôi nhận lại được chắc chắn sẽ có khả năng là hoàn toàn trái ngược.
Vì vậy dám nói ra không có nghĩa là không suy nghĩ trước khi nói, thậm chí phải nghĩ thật kỹ, suy xét vấn đề trên nhiều khía cạnh, chọn đối tượng và nơi mình sẽ nói đồng thời chọn cách mình nói ra như nào tôi nghĩ là vấn đề cần được thảo luận nhiều hơn. Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra quan điểm dưới khía cạnh rất khát quát, theo tôi để tạo được một không gian cởi mở như vậy trước mỗi cuộc thảo luận chúng ta cần chuẩn bị cho mình "một tâm hồn đẹp", nói đùa là vậy còn thực chất là một tinh thần nói và nghe với cùng mục đích là xây dựng và phát triển, tôn trọng sự khác biệt, sự khiêm tốn và tương đối.
Và khi đọc và nghe càng nhiều những ý kiến, tranh luận từ người khác, chắc chắn đâu đó chúng ta sẽ nhận ra thật nhiều điều, có thể sẽ có hướng đi khác, có thể sẽ tìm thấy sự giải tỏa, có thể sẽ kiên định và vững vàng hơn. Vậy nếu không có người nói, làm sao chúng ta được nghe?
Không ngừng đặt câu hỏi
Đó là điều mà nghiên cứu khoa học đã dạy cho tôi, luôn đặt câu hỏi để bản thân ngày càng mâu thuẫn, thế nhưng cũng là để bản thân ngày càng sáng tỏ. Để tâm và suy nghĩ sâu hơn trước một vấn đề và một hiện tượng nào đó, đọc và xem nhiều hơn để hiểu về nó trước khi lên tiếng về nó. Là một 9x đời cuối, theo một số cách tính thì vẫn được coi là một GenZ đời đầu, tôi mong bản thân mình có thể dũng cảm hơn trong việc lên tiếng, cũng như mong rằng lời nói của mình có thể được lắng nghe và tranh luận với một tinh thần cởi mở hướng đến việc hoàn thiện và phát triển hơn. Mà bắt đầu phải là bằng việc "Dám nói".
*** *** ***
Tái bút cảm ơn
Cảm ơn Spiderum đã tạo một không gian tranh luận theo tôi nghĩ là vô cùng cần thiết tại thời điểm này để những người trẻ như tôi được nói và được nghe với một tinh thần mà tôi đã nhắc đến trong bài viết. Và cảm ơn những chia sẻ vô cùng thú vị và phi lợi nhuận của tất cả mọi người, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều.
Và câu quote của ngày hôm nay:
If you wish to know the mind of a man, listen to his words. (Johann Wolfgang von Goethe)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất