Dùng AI viết app: (P1) Lý do ngại bắt đầu
Câu chuyện về mình dùng AI để code, bắt đầu một cách mơ hồ
I. Giới thiệu
Series Dùng AI viết app này để mình viết về quá trình mình xây dựng FastAIRewrite.com với khởi đầu gần như chưa biết vì về các công nghệ đang sử dụng cho web app này.
Bên cạnh đó, series cũng sẽ đề cập một số kinh nghiệm, bài học mình nhận được trong quá trình viết app. Hi vọng nó sẽ cũng giúp ích cho các bạn!
II. Câu chuyện về mình, AI, khởi nghiệp, và chị Nhật
Mình - một Product Lead cầu toàn
Hiện tại mình đang là Product Lead của một team 13 người. Công việc của mình không yêu cầu phải code, chỉ cần hiểu Dev làm gì là được. Bên cạnh đó, mình là một người cầu toàn. Khi làm bất cứ điều gì, mình cần đảm bảo:
- Đảm bảo việc đó phải sẽ có ý nghĩa, kết quả rõ ràng
- Chuẩn bị thật kỹ
Khi có việc gì đó khiến mình không làm được 2 tiêu chí này, mình sẽ không làm.
AI - một công cụ được thổi phồng bởi truyền thông
Trước đây mình nghĩ thế. Tầm 1 năm trước, truyền thông nói rất nhiều về các câu chuyện liên quan tới AI. Thường câu chuyện sẽ chia làm 2 trường phái:
- Tích cực: AI sẽ giúp tăng hiệu quả công việc lên nhiều lần
- Tiêu cực: AI sẽ làm chúng ta thất nghiệp
Hồi đó đến giờ thì mình dùng AI phần lớn để làm UX Writing cho hay vì sản phẩm mình dùng Tiếng Anh nên nhiều khi tự viết content hơi đuồi :D
Tóm lại thì hồi đó mình cũng không ứng dụng được AI nhiều lắm, mặc dù có rất nhiều bài viết nói về làm sao ứng dụng AI trong Product Management nhưng mình thấy lý thuyết là chủ yếu, không áp dụng được.
Tuy nhiên, mình rất muốn có thể ứng dụng AI thật sâu vào việc gì đó để mình hiểu hơn, vì với mình, AI là tương lai.
Khởi nghiệp - Phi thương bất phú
Giờ mọi người ít dùng từ Khởi nghiệp hay Startup hơn, nhưng trước đây tầm 2-3 năm, Việt Nam có trào lưu khởi nghiệp rất mạnh nhờ sự viral của Shark Tank.
Như các cụ đã nói, phi thương bất phú, muốn giàu bằng cách làm công ăn lương thì rất khó nên phải biết cách làm ăn. Mình cũng nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, nếu đơn giản thì thì ai cũng làm được. Theo góc nhìn của mình, khởi nghiệp không hề khó, tuy nhiên nó rất mơ hồ khi bạn không đủ kinh nghiệm hoặc không có tầm nhìn xa.
Bạn sẽ chẳng biết liệu những gì mình bắt đầu có đem lại gì cho bạn không hoặc bạn còn chẳng biết nên bắt đầu như nào. Và nếu bạn phải bỏ vốn ra để bắt đầu thì sự căng thẳng khi phải trả lời các câu hỏi mơ hồ còn nhiều hơn gấp bội lần.
Và với tính cách cầu toàn của mình, khi khởi nghiệp:
- Đảm bảo phải có kết quả => Gần như không thể đảm bảo
- Phải chuẩn bị kỹ => Do non nớt nên mình chả biết phải làm gì
Do bản chất mơ hồ của startup và tính cách cầu toàn của mình, mình chả bao giờ nghĩ đến việc khởi nghiệp hay bắt đầu làm cái gì đó để kinh doanh.
Chị Nhật - Từ LinkedIn tới quán cafe gần Hồ Tây
Mình biết chị Nhật qua LinkedIn - một nền tảng mạng xã hội yêu thích của mình. Với mình, đây là nơi lý tưởng để connect với các anh chị máu mặt trong giới IT.
Lý do chủ yếu bởi vì LinkedIn là một nền tảng đang phát triển vậy nên không có quá nhiều người dùng. Một bài viết ở facebook có thể có tới hàng ngàn react, tuy nhiên cùng bài viết đó ở LinkedIn tầm 50-100 react là nhiều. Lượt comment nó lại càng ít nữa.
Vậy nếu bạn sử dụng LinkedIn để tương tác với các anh chị tai to mặt lớn thì tỷ lệ được chú ý sẽ rất cao - điều mình tin chắc rằng rất khó để có được khi dùng Facebook.
Và đây cũng chính là cách mình quen chị Nhật. Sau khi nói chuyện qua lại với chị, mình cũng mặt dày hẹn được với chị một buổi cafe.
Qua buổi nói chuyện với chị, chị giúp mình nhận ra được chính tính cách cầu toàn của mình ngăn cản mình làm và thử những điều mới. Do đó, thay đổi tư duy là việc bắt buộc.
II. Ý tưởng cho FastAI Rewrite
Bắt đầu với sự yêu thích
Ngoài nói chuyện với chị Nhật, mình cũng xem một video của bác Simon về việc bắt đầu khởi nghiệp như nào, và câu trả lời của bác là:
"You start with what you like doing"
Mình khá bất ngờ khi nghe điều này. Khi làm Product, điều mình thường nghe là "start with problems" (bắt đầu bằng việc giải quyết vấn đề) hay là "find the niche" (tìm ngách) chứ không phải bắt đầu với việc mình thích.
Tuy nhiên khi ngẫm lại, mình thấy đúng và đúng với mình luôn.
Khi bắt đầu một việc mơ hồ mà bạn không rõ kết quả ra sao thì có lẽ niềm yêu thích của bạn chính là cái giữ bạn tiếp tục làm điều đó.
Mình từng có một business nhỏ, gọi là startup cũng được. Đó là một game server. Người chơi sẽ vào máy chủ của mình chơi và nạp tiền để mua được những vật phẩm và quyền lợi xịn. Hồi đó mỗi tháng mình thu được tầm 3-5tr, tuy không nhiều nhưng đây là số tiền rất lớn với một học sinh cấp 3 và đại học.
Hồi mình bắt đầu làm server này, mình chả nghĩ là sẽ tạo được 1 máy chủ lớn và thu được tiền về. Lúc đó mình làm chỉ vì mình thích. Mình thích tạo ra 1 thế giới theo ý mình và được mọi người ủng hộ. Chỉ đơn giản là vậy.
Cứ thế, mình dần đạt được các cột mốc nhỏ, rồi các cơ hội đến, mình nắm bắt, đơn giản vì mình thích. Dần dần phát triển thành một business nhỏ nhỏ đủ chi trả học phí cho mình.
Sự yêu thích là lý do khiến mình bắt đầu và giữ mình tiếp tục.
Và hiện tại, mình thích code. Do đó mình quyết định sẽ code ra một cái gì đấy.
Làm để học và biết mình cần làm gì tiếp
Đến giờ mình vẫn giữ mindset là: 1. Làm phải có kết quả, 2. Chuẩn bị. Tuy nhiên có thay đổi chút suy nghĩ về startup để mình bắt đầu dễ dàng hơn:
1. Làm phải có kết quả:
Mục tiêu ở đây sẽ là "làm để học" thay vì làm để thu lại lợi nhuận. Nếu làm để học thì sẽ không bị áp lực khi bắt đầu mà kiến thúc cũng là một giá trị quý để tạo động lực cho mình bắt đầu.
2. Chuẩn bị:
Từ "chuẩn bị kỹ" đổi lại thành "biết cần làm gì tiếp". Chuẩn bị kỹ quá lại không chuẩn bị được. Giờ có các tool AI thì việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi cần làm gì tiếp không còn khó nữa rồi.
Khi đã ok về mindset, câu hỏi mình cần trả lời tiếp theo là: Làm cái gì?
Bắt đầu từ pain point cá nhân
Theo một bài viết ở blog Lenny's Newsletter (chuyên viết về Product Management) thì một cách phổ biến mà các business bắt đầu ý tưởng là:
Bắt đầu từ vấn đề mình từng trải nghiệm và tìm giải pháp.
Đây là một cách bắt đầu hợp lý. Khi chính mình là người gặp vấn đề thì mình sẽ biết đâu là giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề đấy.
Ngoài ra khi mình làm sản phẩm thì mình cũng giải quyết được vấn đề của mình đầu tiên nên cũng khá là win.
Khi nghĩ về AI, mình thấy mình phải viết lại content khá nhiều, đặc biệt là khi support khách. Phải dùng ngôn từ phù hợp và mượt mà thì khách mới cảm thấy dễ chịu và cho review 5 sao, nói liên thiên cái là mấy thượng đề khó chịu liền.
Mỗi lần viết lại như này, mình phải copy lại phần mình đã viết, paste vào ChatGPT và đề cập thêm mình muốn thay đổi như nào, khá lâu. Do đó mình sẽ làm một sản phẩm:
Khiến việc viết lại content (rewrite) một cách nhanh nhất và chính xác theo mong muốn nhất.
Và đó là câu chuyện bắt đầu của FastAIRewrite.com.
---
Phần tiếp:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất