Chiều chủ nhật, mình nấu cho Châu một nồi bồ kết + sả + vỏ bưởi gội đầu. Bồ kết của mẹ mình gửi, sả mẹ Châu cho để nấu giả cầy, còn vỏ bưởi nhà Châu trồng gọt ăn xong thì giữ lại. Nồi nước thơm ngát, hai đứa thi nhau hít hà, cười rinh rích vì dễ chịu quá đỗi.
Siêu thơm thơm
Ngày bà ngoại còn sống, thi thoảng bà cũng nấu nước bồ kết cho mình. Bồ kết nhà bà gác trong bếp củi, ám muội than, khô tanh tách, nấu lên cho thứ nước vàng óng ánh màu cánh gián. Còn nồi nước lá của mẹ to hơn, nhiều thức lá trong đó hơn. Mình thường tự giao kèo ngầm đó như một "lễ tẩy trần". Vì mọi lo lắng, muộn phiền cũng theo hương bồ kết thoang thoảng bay đi mất. Mà khi bị ốm cũng nhanh khỏi hơn nữa.
Ông bà ngoại rất thích dành dụm. Như cái quần mẹ may cho, bà cất sâu trong tủ, đến lúc quần cũ rách hỏng không vá được nữa mới mang ra. Bà vẫn giữ cái nếp đó đến ngày bà mất, kể cả lúc con cháu đã khấm khá hơn. Mình vẫn hay trách bà không chịu mặc quần áo mới. Còn ông thì hay cất kẹo, kẹo lễ, kẹo biếu ông để ngay ngắn buộc gọn trong ngăn tủ đồ bằng gỗ đã sờn. Có đợt mình đi học, rất lâu mới về, kẹo mang ra đã chảy nước. Mình lại trách ông không ăn đi, để dành cho mình làm gì. Hay ngày trước, ông nội thường giấu tiền sau khung ảnh, lúc mình học giỏi hay được giải gì mang ra cho. Mình hay trách ông không mua thuốc hay mua gì để ăn cho khoẻ. Mình bảo mẹ là con lớn rồi không cần kẹo bánh hay tiền tiêu vặt nữa, nhưng mẹ lại bảo cứ vui vẻ nhận đi, và cảm ơn ông bà là được.
Có thể đối với mình, so bao nhiêu thứ đồ ăn thức uống đầy rẫy ngoài kia, cái kẹo, trăm bạc của ông bà thật đơn giản. Nhưng với ông bà, đó là cả thế giới chắt chiu, là để dành yêu thương cho con cháu. Bà không mua đồ mới, để tiền đãi mình những món ngon. Mỗi lần cho mình cái gì, ông bà vui lắm.
Mẹ nói đó là cảm giác bản thân có ích, cảm giác vẫn giúp đỡ được con cháu của người già. Đó là cảm giác được dựa vào nhau mà sống. Mình đã ước, giá mình còn nhiều cơ hội để trở nên bé bỏng hơn.
Giống như có một bận khao khát thoát khỏi vòng tay mẹ. Mình từ chối sự chăm sóc vỗ về, cự nự với sự quan tâm của mẹ. Mình những tưởng, như thế mới là trưởng thành. Lúc mẹ muốn gửi cái này hay may cái nọ cho mình, mình luôn từ chối. Đến khi gặp vấn đề cũng thích tự giải quyết. Người anh ngày đó bây giờ là sếp đã dạy mình rằng: Em có cuộc sống riêng, cảm xúc và quyết định riêng. Nhưng đó là gia đình nuôi em lớn, bố mẹ em có quyền được biết và hiểu về những khó khăn này. Đó cũng là cách chúng ta thắt chặt những kết nối với người thân. Cùng nhau vượt qua khó khăn, đó chính mới là gia đình em ạ.
Mình đã từng yêu cầu bố mẹ sống "ích kỉ" hơn, chăm lo cho bản thân tốt hơn, bớt lắng lo cho chị em mình đi. Mình nói, sau này có con, mình không cần mẹ chăm cháu hộ mình. Nhưng có ngày đọc được tin nhắn của mẹ "Chị em con là thứ quý giá nhất trên đời, là tất cả tài sản của mẹ". Mình vừa khóc vừa nghĩ, tại sao mình nói yêu mẹ, thương mẹ. Nhưng lại không hiểu được rằng, hạnh phúc của mẹ là được chăm chút từng tí cho mình. Đến lúc ông bà hay mẹ già đi, việc đó lại càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Từ lúc sinh ra mình đã nương nhờ tình yêu của ông bà bố mẹ mà lớn lên. Cho đến cuối đời, thứ tình yêu đó có thể không "nuôi cơm" mình nữa, những chính là chỗ dựa vững chắc, là động lực để mình học cách trân trọng bản thân và sống tử tế mỗi ngày. Còn ông bà bố mẹ, cũng nương nhờ mình, bởi mình là nguồn sống, là hạnh phúc, là một phần kết nối của mọi người với thế giới. Có mình, bố mẹ sống có trách nhiệm và gắn kết hơn.
Hôm trước đọc trên face anh Tuấn Linh, có đoạn này mình nhớ mãi:

Người đã trưởng thành thường không phụ thuộc vào bố mẹ về mặt tài chính hay cảm xúc. Họ thường sẽ tự đưa ra quyết định cho cuộc đời mình. Ví dụ quyết định không thèm ăn bữa sáng người mẹ già hàng ngày dậy lọ mọ từ 5h sáng chuẩn bị cho mình nữa, và độc lập cảm xúc có nghĩa là không cần thấy buồn khi bố mình thấy buồn vì không về ăn cơm tối. Vì đôi khi tỏ ra phụ thuộc về tài chính và tình cảm, còn là một cách để tăng kết nối với người già và trẻ nhỏ, làm người lớn tuổi cảm thấy mình còn có ý nghĩa. Không phải chúng ta cần dựa vào nhau mà sống sao?

Bởi vậy thi thoảng mình hay nhắn vu vơ với mẹ, kiểu: Dưa muối của mẹ vô địch thiên hạ. Hay: Thịt mẹ gửi ngon quá mẹ ơi. Mẹ sẽ bảo của mẹ cái gì chả ngon, miễn phí càng ngon nữa. Nhưng mình biết mẹ vui, vậy là đủ rồi.
Từ ngày ở với Châu, mình ú nu vì ăn uống đầy đủ. Châu thích nấu, mình thích ăn. Ăn xong mình sẽ khen, Châu lại cười tít mắt. Hôm nay nấu nước gội đầu, được Châu khen. Tự dưng thấy đời tươi vui quá đỗi. Thì ra được chăm sóc hay chăm sóc ai đó đều hạnh phúc. Được dựa vào nhau mà sống cũng thật là hạnh phúc.
Chiều hai đứa hẹn em Trinh ra Xoan ngồi lê la. Tối đi về trên đường ngửi thấy mùi hoa sữa, mình reo lên, cả hai đứa phá lên cười. 
Xoan xanh mướttt
Về đến nhà thì có giỏ thị thơm thơm vàng ươm mập ù. Mùa thu mến thương đã về thật rồi...
Một chiếc thị vàng ươm

Và đây là phần kết: