Bạn còn nhớ cảm giác bước chân vào một hiệu sách, thơ thẩn với lấy một vài đầu sách, lần giở vài trang rồi cầm chắc trong tay như sợ có ai lấy mất, tới tận lúc ra khỏi quầy thu ngân? Trên giá sách bạn hẳn có vài cuốn sách, mặc dù chưa bao giờ lọt vào danh sách best-seller, nhưng có một sự kết nối đặc biệt với một thời điểm nào đó trong cuộc đời bạn. Phải chăng trước khi có sự PR rầm rộ cho một vài đầu sách, trước khi best-seller trở nên phổ biến và càng… bán chạy hơn, chúng ta tin thường tin vào trực giác và dễ dàng hạnh phúc hơn với những cuốn “ngọc thô” mà ít người biết đến.

Đi du lịch cũng vậy. Từ bao giờ mỗi chuyến du lịch lại gắn với một checklist các địa điểm cần đến như một shopping list? Và cuộc trò chuyện về mỗi chuyến đi lại bắt đầu với câu hỏi “Thế bạn đã đến chỗ X, chỗ Y này chưa?” thay vì “Bạn có thấy điều gì mới, điều gì thú vị không?”. Phải nói rằng sự gấp gáp, eo hẹp về thời gian là một trong những yếu tố lớn khiến chúng ta dễ FOMO (fear of missing out) khi đi du lịch, và luôn lo lắng rằng sẽ không kịp ghé đến những điểm đến trong checklist. Nghe có vẻ giống như KPI thì nhiều mà deadline thì sát, nhưng quả thực là vậy.
Không bàn đến sở thích, đúng sai, ở bài viết này Slow đề cập tới một cách tiếp cận khác về du lịch: Slow travel.

Kết Nối Với Địa Phương Nơi Mình Ghé Đến

Kết nối với con người địa phương, với ẩm thực, không khí, thói quen sinh hoạt của người dân nơi điểm đến. Ann có một sở thích khi ghé đến một nơi mới: đi dạo trong siêu thị, cửa hàng tạp hóa. Hàng hóa trong siêu thị được bày bán dựa trên thói quen tiêu dùng, và ở mỗi nơi một khác. Ann đã khá ngạc nhiên khi phát hiện ra trong siêu thị Tesco ở Scotland, hầu hết các món đều có tên bắt đầu bằng “Scottish” như ‘Scottish skimmed milk’, ‘Scottish egg’, dù bao bì giống y chang những sản phẩm khi được bày bán ở Anh. Hay như Tesco và Asda (siêu thị) ở York và Birmingham có nhiều đồ thực phẩm Á hơn hẳn ở Glasgow. Những sự khác biệt nho nhỏ này phần nào cho mình thấy vài điểm đặc trưng về cộng đồng nơi đây.
Khi không bị thúc ép bởi checklist và deadline, bạn cho mình nhiều thời gian hơn để thẩm thấu, để chú ý đến xung quanh. Sẽ chẳng hề gì nếu bạn đột ngột muốn thay đổi lịch trình chỉ vì tình cờ thấy một ngõ nhỏ lát đá có giàn hoa giấy rực rỡ ở cuối ngõ, hay bạn muốn ngồi thư thái một chút ở quảng trường, nhâm nhi một ly cà phê takeaway khi nắng vừa hé ra khỏi rặng mây sau mấy ngày trời mưa ủ dột. Nhắc đến cà phê, Ann lại nhớ tới anh bạn barista ở quán cà phê nhỏ ngay góc đường cạnh một cửa hàng bán hoa ở York. Ann chỉ tình cờ tấp vào một hôm trời mưa rét và có một cuộc trò chuyện nho nhỏ về cà phê, và anh bạn (mà Ann tiếc vì không hỏi tên) tặng mình một chiếc bánh quế. Rồi từ đó tới khi rời York, tuần nào mình cũng ghé một, hai lần khi lên phố, và lần nào cũng có món kẹo hay bánh tặng kèm khi mua cốc double cappuccino. Và mình để ý, có vẻ ở đây khách nào cũng là khách quen, dù khách ngồi lại hay mua takeaway, và ai cũng ấm áp nở nụ cười. Một trải nghiệm thật sự chỉ có nếu bạn nán lại đủ lâu, và cho bản thân cơ hội ghé lại lần thứ hai.

Khi Không Bị Thúc Ép Bởi Checklist Và Deadline, Bạn Cho Mình Nhiều Thời Gian Hơn Để Thẩm Thấu, Để Chú Ý Đến Xung Quanh.

Và khi có đủ thời gian để ngấm, để thẩm thấu, dường như bạn có thể ngửi thấy mùi, nghe thấy âm thanh đặc trưng mỗi khi nhớ về một điểm đến - và với mỗi người, trải nghiệm này rất riêng biệt. Với Ann, Sài Gòn là vùng đất của hai thái cực (extremes) về mọi thứ, là mùi mồ hôi, mùi mưa rào. York là mùi caramel, kẹo bọc đường, cảm giác xưa cũ đầy thanh lịch. Scotland là sự đối trọng giữa to lớn và nhỏ bé, là chất dân tộc, là ngoài lạnh trong nóng, Norwich là sự mộc mạc, bình yên, nhỏ bé và chân thành.
Nhớ quá…
Và có một sự ấm áp nhè nhẹ khi biết rằng mình đang đóng góp một phần cho sự bền vững nơi đây, bằng việc chi tiêu cho những hoạt động văn hóa, ẩm thực tại địa phương này, chứ không chỉ lặng lẽ ghé đến, lặng lẽ ra đi.

Đi Để Kết Nối Với Chính Mình

Và nếu hành trình du lịch chậm của bạn không có thêm người bạn đồng hành nào nữa, đó là cơ hội để kết nối với chính bản thân mình. Một hành trình không dễ dàng, nhưng đáng nhớ và đầy dấu ấn của việc “xây nền”.

Ưu điểm dễ nghĩ tới đầu tiên của solo travel là linh hoạt và tự do. Và khi bạn cho bản thân đủ thời gian, bạn sẽ nhận ra giới hạn và xu hướng của mình. Giới hạn là bạn có thể ‘lang thang’ bao lâu trước khi cần dừng chân nghỉ ngơi; xu hướng là những hoạt động, những điểm đến thực sự khiến bạn cảm thấy rung động. Ví dụ ở hành trình gần đây, Ann thường sẽ dành ra 2 ngày, tối đa 3 ngày trong một tuần để đến điểm đến có chủ đích - mục đích tham quan. Những ngày còn lại, Ann có thể đi lang thang đây đó quanh chỗ ở, hoặc ở nhà nhìn trời ngắm mây mà thôi. Và những nơi mà Ann thấy đọng lại nhiều cảm xúc nhất thường là những con ngõ nhỏ vô tình lạc bước ngang qua, hay những mẩu đối thoại vụn vặt với những người địa phương tình cờ gặp trong ngày. 

Tuy nhiên, đi kèm với linh hoạt và tự do là tự giác và tự xử lí vấn đề - và đây chính xác là cơ hội hoàn hảo để... “xây nền”. Khác với chuyến đi ngắn ngày, với chuyến đi dài ngày - và có sự thay đổi về chỗ ở, hành trang của bạn sẽ cần được tối giản và đa dụng. Bạn sẽ cần tính toán đến việc giặt giũ đồ, tự nấu nướng, nên mang loại trang phục nào để phù hợp với nhiều kiểu thời tiết và hoàn cảnh khác nhau,... Dần dần, vali của bạn sẽ chỉ còn những đồ mà bạn thực sự, thực sự cần, và có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Và nếu bạn vẫn luôn lo ngại những vấn đề về giấy tờ, tìm chỗ ở, giao thông khi đến một nơi mới, du lịch chậm sẽ giúp bạn tập dượt và dần cảm thấy thoải mái hơn với khả năng xử lí tình huống của bản thân. Nghe qua thì có vẻ nhọc nhằn, nhưng bạn sẽ cảm thấy thực sự nhẹ nhàng và thoải mái khi rèn luyện được những kĩ năng này, và tháo được nút thắt - chính là comfort zone của bạn, sẵn sàng cho những chuyến đi lớn hơn trong tương lai.

Và Từ Đây, Ann Tin Là Chúng Ta Sẽ Học Được Cách Lắng Nghe Bản Thân, Tin Tưởng Vào Trực Giác Và Vào Những Điểm Đến, Những Cuộc Gặp Gỡ Không Định Trước - Những Yếu Tố Cốt Lõi Để Chuyến Du Lịch Chậm Của Bạn Thực Sự Có Ý Nghĩa.