Thực sự có quá nhiều điều để nói về chuyến du lịch Bắc Kạn vừa rồi. Từ việc tiệc cưới mang rất nhiều tâm huyết của cô dâu, sự mến khách đến xiêu lòng của người địa phương, cho tới những câu chuyện ngoài lề, trên đường di chuyển tới Bắc Kạn bằng xe máy.
Tuần trước, mình vừa đánh một chuyến du lịch Bắc Kạn tham gia lễ cưới của người chị. Đám cưới diễn ra vào ngày 30/10 nhưng từ tháng 9 chị MyMy đã liên hệ và gửi thiệp mời nên chẳng có lý nào mình lại có thể bận vào dịp này cả. Thực tế, mình còn bị lộn lịch ấy chứ. Tý nữa thì đi ăn cỗ nhầm vào ngày 30/09 (may mà một người anh can ngăn) :v Ai bảo mời người ta sớm quá mà! Sớm những hơn một tháng!
Có hẹn trước với team leo núi để phượt xe máy vào ngày chị nên vợ nên chồng, nhưng rồi lần lượt mọi người quay xe hết, thành ra mình lại thêm 1 lần độc hành vậy!

1. Đường từ Hà Nội đi du lịch Bắc Kạn có nhiều trải nghiệm lý thú

Đường từ Hà Nội đi Bắc Kạn rất dễ đi, chỉ việc qua cầu Nhật Tân, rẽ qua chợ Phù Lỗ, Sóc Sơn và cứ thế đâm thẳng qua Thái Nguyên rồi sẽ tới Bắc Kạn. Cung đường thì dễ đi nhưng khoảng cách lên tới 160km nên khá mất thời gian di chuyển.
À, cũng cần phải nhắc mọi người là có 2 cung đường đi lên Bắc Kạn cơ, đường mình đi là con đường cũ nên cứ đâm thẳng toẹt là tới, còn con đường còn lại khi tới trung tâm Sóc Sơn sẽ có đoạn bùng binh, rẽ phải để đi Cao Tốc Hà Nội – Thái Nguyên sẽ nhanh hơn, và nghe nói có nhiều cảnh đẹp hơn.
Đi cung đường này được cái là không khí mát mẻ, tự nhiên. Ở những cung đường đèo thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên rất thú vị, nó không đem đến cảm giác lạnh đến run người như những cung đèo mình từng trải nghiệm ở Hà Giang hay Cao Bằng khi đi vào dịp tương tự. Cái sự mát mẻ ở các cung đường Thái Nguyên dịu hơn và dễ chịu hơn cho những ai không đem theo áo gió.
Có đi mới biết Thái Nguyên rộng đến dường nào, đi hết đoạn đèo này đến đoạn đèo khác mà ngoái đầu nhìn biển hiệu vẫn là ở Thái Nguyên, ôi đúng là ám ảnh!
Điều mình thích ở hành trình này là được thấy một Thái Nguyên rất khác trong tâm thức. Trước kia, nghĩ đến Thái nguyên là mình nghĩ tới những đồi chè xanh mướt, nhưng thực tế là mình lại bị ấn tượng hơn với nghề làm gỗ dọc 2 bên đường, cứ qua một đoạn là lại thấy một đoạn dài nơi mọi người đang vận chuyển gỗ, phơi gỗ, cưa gỗ, và bạt ngàn là gỗ. Hứng thú quá, mình mới dừng xe và xuống chụp vài tấm hình tại đây. Ồ, thì ra Thái Nguyên còn nổi tiếng với nghề làm gỗ nữa nhé mọi người!
Đi tới đầu đoạn Bắc Kạn mình để ý dọc đoạn đường sát vách núi có những lều tạm được dựng nhìn khá hay. Thì ra, đó là khu vực họ dựng lên để bán đặc sản. Đặc sản nổi tiếng nhất ở đây là cơm lam. Vì vội đi đám cưới nên mình không dừng lại, mà hẹn trên đường về sẽ rẽ lại đây để chụp hình sau. Khi ấy, vào giữa trưa nên bắt gặp một chị bán hàng đang đánh giấc ngủ ngon, thấy khá hay nên mình đã tiếp cận và chụp lại con hình này.
Cũng tại đây mình thấy những rãnh nước chảy róc rách từ trên vách núi xuống khiến ta thấy thư thái. Bản thân chị chủ quán cũng để lại những gáo, chậu nước ở đây để giữ nước. Đứng dưới đây, giữa khung cảnh xanh mướt, mát mẻ ấy, lòng chẳng muốn dời đi chút nào.

2. Thăm Hồ Nặm Cát

Đặt chân tới thành phố Bắc Kạn, mình không vào đám cưới ngay, mà tranh thủ thăm hồ Nặm Cắt cách đó không xa.
Lối vào hồ là một con đường bê tông rộng khoảng 2m chạy giữa cánh đồng lúa ngả màu vàng óng. Đi vào dịp cuối tuần, mình bắt gặp vài gia đình nhỏ dẫn nhau tới đây chụp những con hình kỷ niệm. Qua đoạn này sẽ tới đoạn đường lớn có lan can hiện đại 2 bên sông, đây chính là con sông dẫn tới hồ Nặm Cắt, nơi họ làm một đập thủy điện trên đỉnh một con đê của địa phương. Mình dừng lại, chụp lại vài khoảnh khắc đám trẻ vui chơi bên con sông quê, vui cho những trải nghiệm thời thơ ấu của chúng.
Hồ Nặm Cắt từ ngày được khai thác đã thu hút được nhiều người tới vui chơi, đặc biệt là giới trẻ. Họ thường tập trung đoạn đê cao, gần cửa đập và camping vào cuối ngày và buổi tối. Đi sâu vào trong và bước lên phần cầu thang nối 2 bên bờ, mình cũng thấy nhiều vật dụng camping để lại ở khu vực này. Chụp lấy vài con hình thì mình lượn vì trời đã sắp tối đến nơi.

3. Trải nghiệm cỗ cưới và con người Bắc Kạn

Như đã nói ở trên, chị MyMy rất chu đáo và cắt cử một người bạn tiếp đón mình tới lễ cưới, đó là anh Hưng. Trước khi mình đặt chân tới BK thì anh đã gọi điện rối rít để chỉ đường rồi. Và đến khi ngồi vào bàn ăn thì cái sự mến khách của người BK lại thêm khiến mình thấy yêu quý.
Mọi người chẳng phân biệt bàn này, bàn kia đâu. Cứ lần lượt từng người đi từng bàn chúc rượu, làm quen với câu cửa miệng: “Yên tâm đi! Người Bắc Kạn là không ép rượu” Nói vậy nhưng các bạn đừng vì thế mà thôi đề phòng! Rượu Bắc Kạn là rượu men lá, nổi tiếng là rượu men lá Bằng Phúc khu vực chợ Đồn. Rượu này uống rất dễ vào, nhưng sẽ ngấm về sau. Bởi vậy mà ham vui không lượng sức mình kiểu gì cũng sẽ đưa ta vào những giấc ngủ sâu quên trời đất. Nghe nói loại rượu này vừa rồi được xuất ngoại thành công, tuy nhiên, phải là rượu Chợ Đồn, nấu từ lá và nước suối địa phương chứ khi lấy nước vùng khác thì không được ngon như vậy.
Về cỗ Bắc Kạn thì chẳng thiếu món ngon. Bì trâu xáo khế, Cải Bắp nhồi thịt, Phở chua, Cơm lam, Thịt rang trám đen,… Mình cảm thấy thật may mắn vì vừa tuần trước đó được thưởng thức món Bì bò ngon hết nước chấm ở chợ Hàng, Hải Phòng thì tuần này được thưởng thức ngay Bì trâu xáo khế Bắc Kạn.
Mà đấy là cỗ hôm trước thôi đó nhé! Tại lễ cưới chính diễn ra vào hôm sau còn nhiều món khác nữa, nhưng mình ấn tượng nhất là Khâu Nhục và Xôi trám đen. Khâu nhục là món ăn rất phổ biến ở các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Mới đầu ăn nó, mình gắp miếng khoai môn, cảm thấy nhạt nên không thử nữa. Hóa ra phải gắp một miếng khoai ăn lẫn với miếng thịt mỡ bên cạnh để dung hòa chúng lại. Thử thêm một lần nữa, hmm cũng khá ngon, nhưng mình muốn nó đậm hơn nữa…
Còn món Xôi Trám có vẻ được dùng thay cơm so với đám cỗ dưới xuôi. Mọi người đều thích thú với món này. Thậm chí một chị cùng bàn đã lấy phần về để được tiếp tục thưởng thức.

4. Những giai điệu hát Then truyền thống của Bắc Kạn

Một đám cưới ở BK không thể thiếu điệu hát Then truyền thống. Màn biểu diễn Live của các chị thuộc đoàn biểu diễn văn nghệ tỉnh Bắc Kạn kéo mọi sự chú ý về phía sân khấu. 3 chị phối hợp ăn ý từ đàn, động tác, cho tới ánh mắt như thể 1 thực thể thống nhất vậy.
Hát xong, một chị còn xuống nâng ly cùng bàn của mình nữa. Và tiếp đến là lần lượt nhiều người khác. Có người là hàng xóm là anh Chương người gốc Lạng Sơn rất nền nã, thật thà, kể về công việc kinh doanh ẩm thực, đã từng đi nhiều nơi, được mời dự nhiều triển lãm ẩm thực truyền thống hoành tráng. Có người thì cũng đã đến tuổi 80 nhưng vẫn cầm chén đi tới đi lui chúc rượu mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ. Quả là một trải nghiệm thú vị về con người Bắc Kạn!
>>> Bài viết liên quan:

5. Những người bạn mới

Đám cưới chị MyMy cũng là dịp mình được gặp gỡ và kết thân thêm với những người bạn khác.
Anh Dũng là một người Bỉ gốc Việt. Sau khoảng thời gian yêu xa, anh đã sang Việt Nam làm việc và sinh sống được hơn một năm và dự định sẽ làm đám cưới với chị Tân, một người bạn cùng theo học thiền với cô dâu Mymy.
Anh Dũng có nhiều câu chuyện hay để kể về gia đình rất giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhờ vậy, anh dẫu có ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Pháp vẫn có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt. 2 anh em nói chuyện thân thiết một thôi một hồi thì phát hiện cùng có sở thích khám phá. Thế nên, chúng mình đã nhất trí rằng sẽ có một chuyến leo núi cùng nhau trong tương lai.
Còn chị Tân bạn gái anh cũng hẹn một dịp mình qua nhà anh chị chơi, đồng thời có lời dặn dò để mình sẽ là người chụp ảnh lễ cưới mà anh chị dự định sẽ tổ chức tại Ninh Binh vào năm tới.
Ngoài anh chị Dũng Tân thì mình còn rất mừng khi được gặp gỡ và trò chuyện cùng chị Linda. Thực ra 2 chị em đã từng gặp gỡ trước kia khi đi trekking tại Cửa Tử, Thái Nguyên vào năm 2019, nhưng lần này mình mới có cơ hội hiểu rõ hơn về chị. Ối trời ơi! Thì ra là người nổi tiếng! Vậy là từ nay mình sẽ follow chặt những chia sẻ quý báu về đào tạo và phát triển của chị! Facebook của chị là Linda Nguyễn 20K followers nhé mọi người ơi! :))

6. Bonus món quà ăn sáng Bắc Kạn

Sáng sớm hôm cưới, anh Hưng đánh xe qua khách sạn đón bọn mình qua nhà gái, anh còn rất tâm lý đưa mấy đứa đi ăn bánh cuốn Bắc Kạn trước đã. Bản thân mình cảm thấy đến Bắc Kạn được chiêu đãi, đón đưa như ông hoàng vậy.
Bánh cuốn Bắc Kạn thơm, nóng hổi quen thuộc của đặc sản vùng núi phía Bắc. Nếu so với Bánh cuốn Hà Giang thì nhạt hơn một xíu. Và với mình thì Bánh cuốn Cao Bằng vẫn là chân ái với vị mỡ, vị nước dùng thấm đến tận tâm thức mãi chẳng quên! Chà, thử ăn vào một ngày đông lạnh mà xem! Chỉ biết cắm đầu vào ăn thôi chứ lạnh lẽo gì tầm này!

Lời kết

Chuyến du lịch Bắc Kạn trải nghiệm ẩm thực này của mình lại gom góp được nhiều kỷ niệm, và nhiều hiểu biết đáng quý, đặc biệt, những người bạn mới. À! Trước khi chia tay ra về, cô dâu còn dúi tay thêm món quà đặc sản Cốm Khẩu Nua Lếch, loại cốm được làm từ gạo nếp giống cổ, trồng ở Ngân Sơn, 1 thung lũng nơi có biên độ nhiệt giữa ngày và đêm rất lớn, tạo ra độ ngọt bùi hiếm có cho hạt gạo. Trải nghiệm trọn vẹn với điểm 10/10 luôn! Yêu Bắc Kạn quá!
Dưới đây là một vài con hình tranh thủ chụp được trong lễ cưới của chị Mymy và anh Dương bằng điện thoại Google Pixel 5:
Cảm ơn mọi người đã đọc tới đây. Comment cảm nghĩ của bạn và ủng hộ mình ở những bài viết trải nghiệm tại Con Hình Con Chữ nhé!