Du học, tâm lý học, và tính tò mò đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào - Phần 1
Subdomain: http://limitless.spiderum.com Năm 19 tuổi, lần đầu tiên tôi đi du học. Cũng là lần đầu tiên tôi để lại gia đình, bạn...
Subdomain: http://limitless.spiderum.com
Năm 19 tuổi, lần đầu tiên tôi đi du học. Cũng là lần đầu tiên tôi để lại gia đình, bạn bè, thành phố của tôi, để tới một nơi mà tôi không quen ai, một nơi mà ngay cả tên đường tôi cũng không đọc nổi.
Cho tới năm 19 tuổi, tức hết đại học năm nhất, tôi vẫn luôn tự cho mình là một người rất bình thường, thậm chí là tầm thường. Luôn là vòng luẩn quẩn giữa đi học ở trường, về nhà nghỉ ngơi, rồi lại đi học thêm. Cũng có một mối tình học trò kéo dài 3 năm, nhưng rồi cũng chẳng ra đâu. Cũng có thời "trẩu tre", cụ thể là từ lớp 10 trở đi, cái thời dậy thì mà tôi luôn nghĩ mình biết nhiều hơn người khác. Mọi thứ của tôi đều làng nhàng, từ học tập, sức khỏe hay bất kỳ hoạt động nào khác. Ở trường đã vậy, về nhà còn tệ hơn. Vì bố mẹ tôi không êm ấm, nên mỗi lần về nhà đều như địa ngục với tôi. Tóm lại, tất cả đều phẳng lặng, đều nhạt nhẽo, mọi thứ như một bức tranh đen trắng trong mắt tôi. Cô đơn.
Và rồi du học xảy ra.
Quả nhiên, có đi xa mới biết trân trọng những thứ ở nhà. Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên về thăm nhà sau nửa năm du học (phải, chỉ nửa năm tôi đã về chơi rồi, vì lúc đó tôi học ở Sing nên tiện đi lại. Còn giờ đang ở Melbourne :D). Khi ấy, vừa xuống tới sân bay Nội Bài, khi vừa bước ra khỏi máy bay, tôi đã dừng lại, hít một hơi thật dài. Chả hiểu sao, cũng là không khí thôi, thậm chí có phần ô nhiễm hơn đất nước sạch nhất thế giới mà tôi vừa rời đi, mà tại sao nó lại làm tôi sung sướng tới thế. Và khi bước ra khỏi sân bay, với tôi, cả thế giới thay đổi. Tiếng những người thân í ới gọi nhau, tiếng cô tiếp viên đọc thông báo trên loa, tiếng quảng cáo Dr Thanh trên tivi, và tiếng xe taxi bấm còi inh ỏi ở ngoài sảnh đỗ. Mọi giác quan của tôi như trở nên nhạy cảm hơn, thu thập mọi hình ảnh và âm thanh mà chúng có thể, tô màu cho mọi thứ trong mắt, tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc không-thể-đẹp-đẽ-hơn.
Phải, mọi thứ lúc ấy đều rất đẹp. Và trong suốt thời gian về chơi đó, tôi nhìn thấy cái đẹp ở mọi nơi tôi đặt chân tới. Dù nó là con hẻm nhà tôi ở lúc mưa ngập tới cổ chân, hay đó là con đường tôi tới trường cũ tôi từng đi mòn bao năm. Mọi hình ảnh, mọi âm thanh, ngay cả những thứ trước đây tôi vô cùng khó chịu, cũng đều làm tôi nở một nụ cười mãn nguyện. Đây rồi. Đây là nhà của tôi. Đây là thành phố của tôi. Đây là tâm hồn tôi.
Và đây, là những con người của tôi, người Việt Nam.
Những ai đã từng đi du học, nhất là ở những nước ít người Việt, hẳn biết cái cảm giác sáng mắt lên khi vô tình nghe được một người lạ đang đi trên đường nói tiếng Việt? Tôi luôn ở trạng thái như vậy mỗi khi tôi về nước chơi. Chính vì sáng mắt như vậy, nên mỗi khi tôi gặp ai đó, tôi đều thấy họ rất... đẹp. Phải, bất kỳ ai, dù là trực tiếp tiếp xúc hay chỉ là vô tình lọt vào tầm mắt, tôi cũng thấy họ đẹp. Tại sao ư? Để tôi giải thích bạn nghe.
Vì tôi đã dành một khoảng thời gian quá dài ở một nơi không có những thứ thân thuộc với tôi - những thứ đã trở thành một mảnh tâm hồn của tôi, nên vô hình chung tôi cảm thấy trân trọng mọi thứ, phải, TẤT CẢ MỌI THỨ, mà tôi có được khi tôi tranh thủ được về với quê hương trong một khoảng thời gian ít ỏi. Chính vì thế, trong vô thức, tôi luôn đặt mình ở vị trí cảm nhận, hấp thụ, và điều đó làm tôi trở thành một người-lắng-nghe-và-quan-sát-chuyên-cần. Tôi để ý mọi thứ xảy ra trên đường, và tôi kiên nhẫn lắng nghe kĩ lưỡng mọi câu chuyện mà ai đó kể cho tôi, vì mọi thứ ở VN với tôi lúc ấy là VÔ GIÁ. Tôi sẽ không thể nào có được những điều ấy, cả tiêu cực lẫn tích cực, khi tôi phải quay lại đất nước tôi đang du học.
Bố tôi là một người khẩu xà tâm phật. Và con xà này độc tới nỗi trong tất cả những người quen biết bố tôi, bao gồm cả chính anh chị em ruột của ông, chỉ có duy nhất mẹ tôi nhìn thấy vào tin tưởng vào cái tâm phật đó của bố. Tôi, từ lúc biết nghĩ cho tới trước khi đi du học, luôn coi bố là kẻ thù, vì tất cả những gì bố đã đối xử với mẹ tôi. Ấy vậy mà, lần đầu tiên trở về nhà sau khi đi xa, tôi lại mỉm cười trước những lời mắng chửi của bố, và nghe sao thấy....nhẹ nhõm quá. Tôi không còn phản ứng gay gắt, "bật lại như tôm tươi" trước sự nóng tính của bố. Thay vào đó, chính sự bình ổn trong tâm trí tôi lúc ấy đã cho tôi thấy được thông điệp yêu thương ẩn, sự lo lắng quan tâm, "điểm sáng" ẩn trong những lời lẽ có phần cộc cằn kia. Và sau đó, điều kỳ diệu hơn đã xảy ra. Khi tôi phản hồi lại một cách vô cùng nhẹ nhàng, bỏ qua sự thô kệch trong lời nói, tập trung vào tâm Phật của bố, thì bố tôi dường như cũng dịu lại. Và suốt thời gian tôi về chơi ở VN, lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi và bố đã không còn to tiếng với nhau nữa.
Điều thú vị ở chỗ, anh tôi và bố tôi từ nhỏ cho tới cả bây giờ vẫn luôn không hợp nhau. Mỗi khi bố tôi nóng tính thì anh tôi cũng phản ứng lại ngay-lập-tức một cách tương tự. Và thế là hai người không bao giờ ở chung được quá 5' mà không cãi nhau. Tôi thì không hiểu sao được bố ưu ái lúc còn nhỏ, nhưng tới khi tôi dậy thì, bắt đầu chống đối thì tình trạng cũng tương tự với anh tôi. Tuy nhiên kể từ khi tôi thay đổi thái độ như đã nói ở trên, gia đình tôi đã có thêm 1 người mà khi nói, bố tôi chịu nghe theo: Tôi. Và bố tôi cũng trở nên dễ tính hơn khi có tôi xuất hiện. Bố tôi vẫn nóng tính, sự khác biệt duy nhất là cách phản ứng của hai anh em tôi.
Những việc xảy ra trong gia đình đó đã thay đổi hoàn toàn cách tôi tương tác và phản ứng với mọi thứ xung quanh.
Như đã nói, màu sắc xung quanh tôi lúc này đều rất tươi sáng. Ở ai tôi cũng đều nhìn thấy điểm tốt đẹp để cảm thấy ngưỡng mộ, yêu mến. Mà các bạn biết, khi chúng ta yêu mến ai, ngôn ngữ cơ thể, bầu năng lượng từ ta toát ra một sự chào đón nồng ấm mỗi khi nhìn thấy người ấy. Dù mới gặp một người lạ, như một bạn nhân viên quán trà sữa, hay bác trông xe ở siêu thị, tôi cũng đều nở một nụ cười thân thiện cùng với những lời cám ơn chân thành hết mực, dù hành động họ làm có nhỏ hay vì công việc đi chăng nữa. Và, thuận theo thói tự nhiên, họ không những cảm thấy an toàn, mà còn cảm thấy thích thú mỗi khi có sự hiện diện của tôi, bởi ở VN, họ không mấy khi được trân trọng bởi những việc thường nhật như vậy. Vậy là, thế giới của tôi lúc này là sự xoay vòng của sự tôn trọng, quý mến lẫn nhau, giữa tôi với người, và rồi giữa người với tôi. Đó chẳng phải là một cuộc sống đáng sống đó sao?
Hơn thế nữa, việc tôi trở thành người-hấp-thụ giúp tôi trở nên kiên nhẫn hơn trong việc lắng nghe, từ đó vô hình chung làm mọi người thích trò chuyện với tôi hơn. Tin tôi đi, nếu bạn đủ kiên nhẫn để lắng nghe tới cuối câu chuyện của một người, thay vì phản ứng ngay lập tức giữa chừng, thì bạn sẽ thấy được toàn cảnh bức tranh đứng từ góc nhìn của người ấy. Và rồi có thể bạn sẽ nhận ra phần đúng đắn trong góc nhìn đó và nghĩ: "Ồ, thì ra là vậy. Nếu là mình có lẽ mình cũng sẽ nghĩ như vậy". Chính điều này lại dẫn tới hai ảnh hưởng tích cực lên tôi: 1, tôi biết đặt mình vào vị trí người khác để thấu hiểu tốt hơn; và 2, tôi nhận ra rằng ngay cả một người không được học hành đầy đủ cũng có thể dạy cho ta những bài học vô giá. Trước đây khi thu thập thông tin, tôi thường sàng lọc nguồn thông tin trước khi nhặt dữ liệu: phải là nguồn thông tin có uy tín (ví dụ, học hết đại học) thì mới nghe. Còn giờ đây, ở vị trí của người-hấp-thụ, tôi lắng nghe mọi câu chuyện của tất cả mọi người, và từ đó lọc ra những thông tin bổ ích, thú vị cho bản thân. Thật thú vị rằng, những bài học, lời khuyên đáng giá nhất tôi nhận được lại là từ những người tôi không ngờ tới nhất, hay thậm chí chỉ là người qua đường. Điều này làm tôi nhận ra còn quá nhiều điều trong cuộc sống tôi chưa biết, và cũng làm tôi trở nên khiêm tốn hơn, luôn tự đặt mình ở vị trí người-đi-học, tự biến mình thành một hố đen kiến thức, học hỏi mọi nơi mọi lúc từ mọi người, ngay cả từ một đứa bé học lớp 2.
Chưa hết, tôi còn học được rằng, khi một người giận dữ với bạn, chỉ cần bạn giữ thái độ bình tĩnh để nói chuyện với họ, một lát sau họ cũng sẽ tự dịu xuống theo. Đây là thủ thuật tâm lý tôi đã từng đọc được trong sách, nhưng ở thực tế, tôi thấy rất ít người làm theo được. Cũng dễ hiểu thôi, làm sao có thể giữ bình tĩnh khi đối phương đang nói những lời lẽ khiêu khích hay nhục mạ chúng ta được? Tôi thì khác. Bởi tôi nhìn thấy cái đẹp ở mọi người, nên tôi luôn tin rằng có một lý do nào đó hợp lý là cội nguồn ẩn sâu bên dưới hành động giận dữ kia. Vì thế, thay vì phản ứng lại những lời nói bề nổi, tâm trí tôi lại trở nên tò mò muốn biết điều gì đã làm người ấy phản ứng dữ dội như vậy. Từ đó lời nói của tôi, thái độ của tôi những lúc như vậy trở nên bình tĩnh, nhẹ nhàng bởi tôi không giận ngược họ, mà muốn tìm ra nguyên nhân cốt lõi để giải quyết vấn đề của họ. Thật kỳ lạ rằng, sau khi làm như vậy nhiều lần, ngoài việc tìm ra được nguyên nhân để xoa dịu được bầu không khí, tôi còn nghĩ rằng, "Nếu mình mà ở vị trí người ta chắc mình còn phản ứng dữ dội hơn". Vậy là bao bực mình đáng-nhẽ-nên-có cũng bay đi mất.
(To be continued)
Giáo dục
/giao-duc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất