Em nói ông nghe,
Thi thoảng, em sẽ tự nhiên nhớ ông mà bật khóc ngon lành một cách không lý do. Không có khởi phát, không có mở đầu, chỉ là tự dưng nhớ đến muốn khóc nấc lên vậy. Trước em có thắc mắc, sau này thầy Nguyên Tuệ bảo "Các pháp vận hành vô chủ vô sở hữu", em hiểu là cảm xúc suy nghĩ của mình cũng vậy, tự nhiên nó thế, không điều khiển được. Thế là thôi. Em cứ để vậy.
Ông là một ông giáo về hưu ông nhỉ? Ông về hưu và già yếu từ khi em sinh ra. Và ông duy trì tình trạng già yếu sắp chết và về hưu đó từ lúc đầu em biết nhớ đến tận khi học đại học, với một chỉ số/ mức độ bền vững ổn định. Bởi vì bản chất là, ông (luôn vẫn) khỏe, chỉ là ông hay kêu than thôi. Mỗi lần ông kêu than đó cả nhà ai cũng biết tỏng mà tỉnh bơ, có mỗi con cháu này là khóc lên khóc xuống. Mô típ ông kêu than sắp chết đó lặp đi lặp lại không biết bao lần, thế mà lần nào con cháu cũng khóc lên khóc xuống nào thiếu đi đâu một giọt. Ông thấy ông thương em Hạnh vầy có bõ không?
Kể về ông thì dài, mà viết thì thành một quyển sách. Không phải vì ông là tấm gương xuất chúng nhân văn hay cao cả tốt đẹp gì, chỉ đơn giản vì ông vĩ đại trong cuộc đời của em. Với phần còn lại của gia đình thì ông không như vậy cho lắm. O Liên luôn bảo, nhà có 6 người con nhưng ông chưa một lần bế bồng một đứa nào. (Thế mà những gì ông dạy ông làm cho em, lại đủ dài để viết một quyển sách). Tất cả bếp núc con cái gia đình tất tần tật bà lo hết. Ông chỉ biết đi dạy, đi dạy và đi dạy. Vậy nên lúc bà mất, con cháu khóc ròng rã hao mòn mấy năm không nguôi vì thương bà kham khổ hi sinh. Mấy năm sau ông ra đi, mọi người buồn nhưng nhẹ lòng hơn hẳn. Vì mọi người làm hết sức có thể cho ông rồi đó. Cái chính là, xưa nay ông sướng sẵn rồi chớ bộ. Ông công nhận không? Có con cháu này, khi ông mất, một nửa thế giới của nó chết theo. Hoặc là, toàn bộ cả thế giới của nó giảm bớt đi mấy màu tông sáng.
Một ví dụ của việc ông "không biết gì hết", đó là những ngày tháng xã hội ngoài kia thiếu ăn chết đói, ông vẫn không hay để ý gì và vẫn phải... ăn ngon. Hôm nhà hết mỡ để xào, ông gắt bảo: "Mỡ mà hết thì sống làm gì nữa". Bà kể lại. Hoặc một câu nào đó đại loại thế nhưng kinh điển hơn. Câu chuyện này được lưu truyền nội bộ trong gia đình với ý nghĩa chẳng mấy tích cực gì. Ông buồn chưa?
Nhưng ông yên tâm. Con cháu cưng của ông ông lại thấy đó là một câu chuyện hay, cứ giữ trong mình như một câu ngạn ngữ, với chức năng của một điều sưởi ấm. Hôm nay trong căn phòng nhỏ kín, con cháu ngồi nhớ ông khóc mà ôm điều sưởi ấm này vô lòng, ngoài kia mưa gió ào ạt sấm sét đùng đàng.
Ông biết không? Có thể với mọi người, ông là một ông giáo chỉ biết dạy văn không biết gì về thế giới Nhưng với Hạnh, ông là tất cả thế giới, ông dạy em tất cả, trừ môn văn. Ông biết không? Một người vĩ đại là do ta thấy họ vĩ đại, không phải do chính họ.
Cũng giống như câu ông nói em Hạnh mà mẹ kể lại, rằng "Con Hạnh nó tự lập mà". Là mỗi do ông thấy thôi nhé. Hạnh đâu có thế.
Nhưng vì những điều về ông là một cuốn sách. Còn ông chính là cả thư viện của đời em, nên em cũng phải chậc lưỡi: Tự lập mà không làm được thì sống làm gì. Ông ha?
---
Thế là cũng đã qua 10 cái giỗ ông.
Người ta tiễn Tết vào mồng 3 mồng 5, Tết trong em luôn đến mồng 7. Vì mồng 7 là ngày giỗ ông. Em đùa với o Liên, rằng nếu là bà thì chắc sẽ gắng mất vào mồng 3 để tiết kiệm và thuận lợi cho con cháu, chứ ông thì mồng 7 hay mười mấy cũng được. Tính ông xưa nay có lo lắng chi. Lúc nào cũng "cứ phải oai và đàng hoàng".
Mới nhận ra, em có sự hiền lành ngờ nghệch đến phát bực của ông ngoại, song song với sự ích kỷ thờ ơ hờ hững với thế giới chỉ lo hưởng thụ cảm xúc cá nhân của ông nội. Cả hai đều hiện rõ mồn một mới tài.
Em còn nghĩ, một trong những điều khiến em không ngại khác biệt tập thể là do ông. Nhớ hằn in những lần đang chơi vui vẻ với đám trong xóm, chỉ cần ông đi ngang qua và đưa ngón tay trỏ ra, lập tức chóng nhanh mà không suy nghĩ, tay em sẽ nắm chặt ngón tay đó để đi theo ông, để mặc lại phía sau mọi tiếng cười và cuộc vui mà không một chút bận tâm.
Em nói xấu ông vậy ông đừng buồn. Em Hạnh của ông hồi đó đến bây giờ lớn lên, bao nhiêu người yêu thương giúp đỡ, bao nhiêu người chở che, vẫn không thấy bàn tay nào vững vàng và an yên như ngón tay trỏ của ông.
Đến nay, ngón tay trỏ đó truyền cho em niềm tin, rằng những niềm vui em lựa chọn, dù để lại sau lưng nhiều thứ, nhưng em thật sự thấy vui.