Cách đây hai năm khi về Việt Nam thăm gia đình, tôi đưa các con đến thăm Đà Lạt. Một buổi trưa, tôi cùng cậu con trai 3 tuổi của mình đến quán cafe Kem nổi tiếng ở Đà Lạt, nơi đây nổi tiếng không chỉ có kem ngon mà còn có rất nhiều hoa. Tôi chọn một góc ngồi ăn kem trên gác mái, và nhìn mọi người ở dưới chen chúc nhau chụp hình kỉ niệm. Một cảnh tượng đập vào mắt tôi: Một em bé xinh xắn nhưng khuôn mặt buồn rầu ngồi cùng mẹ trước ống kính. Cô bé quay bên này sang bên kia như không muốn hợp tác.
Ông bố bảo: “Cười lên bố chụp hình cho. Cười lên cho xinh nào.”
Cô bé bắt đầu vùng vằng khóc.
“Con không thích chụp thì đứng đây đợi mẹ.”
Người mẹ để em bé đứng ra ngoài và quay lại trước ống kính tươi cười như vẻ hạnh phúc.
Em bé vẫn tiếp tục khóc. Một mình.
Là một người trẻ, việc muốn có những bức hình lung linh ở những nơi tôi đến để khoe trên mạng xã hội là chuyện thường, nhưng điều làm tôi trăn trở liệu những em bé có cần điều đó không? Và mục đích của những chuyến đi chơi cùng con cái có phải là những bức hình để đăng lên Facebook? Nếu chụp hình để lưu giữ kỉ niệm, thì liệu những bức hình ấy có ý nghĩa mạnh mẽ bằng những kí ức được lưu vào não bộ của con không?
Liệu em bé này có cảm nhận được sự thấu hiểu, có cảm thấy sự an toàn khi bị ép buộc, bị cho ra ngoài như vậy không? Tôi thật sự muốn đến ôm cô bé vào lòng.
Kikuko
Kikuko
Đây chỉ là một ví dụ cho vô vàng những tình huống tương tự mà con trẻ gặp vấn đề với bố mẹ của chúng: Con bị ép để ăn, con không được ăn theo cách mà con thích. Con không được từ chối chiếc áo mà mẹ đã chọn cho tiệc sinh nhật, con không được chơi theo cách mà con muốn, con bị bỏ lại giữa siêu thị khi ước muốn chơi thêm một tí nữa bị từ chối,….Và thậm chí, không được khóc khi giận dữ.
Với trẻ nhỏ những năm đầu đời, những cảm xúc sơ khai như thất vọng, giận dữ, khó chịu nếu không được giúp đỡ và thấu cảm sẽ dần trở nên những mối căng thẳng, thiếu tôn trọng, ích kỉ… Điều này làm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xa cách, thiếu kết nối. Từ vấn đề với ba mẹ, dần sẽ dịch chuyển qua vấn đề với bản thân mỗi đứa trẻ: chúng cảm thấy hoàn toàn đơn độc khi đang ở chính trong gia đình của mình.
Khi còn nhỏ, chúng ta luôn cần sự bảo vệ và sự chú ý từ bố mẹ để hiểu được thế giới này vận hành như thế nào. Nếu như những kí ức lưu giữ là những tiêu cực, thì người đó sẽ dễ dàng nhìn cuộc đời qua một lăng kính tối tăm, mặc cảm. Nếu đó là những kí ức từ gia đình, con trẻ sẽ dần mất niềm tin nơi ba mẹ, cảm thấy không được thấu hiểu cảm thông.

Nhiều bà mẹ tâm sự rằng con trở nên ít nói, “lì lợm” và ngang ngược khi bước qua tuổi thiếu niên. Và họ cảm thấy bất lực - mất kiểm soát với con cái. Thật sự nặng nề khi nhắc đến thuyết nhân quả trong trường hợp này, nhưng làm ba mẹ, chúng ta nên thực sự suy nghĩ nghiêm túc về điều đó. Khi con còn là em bé mầm non, chúng ta có thể dễ dàng thao túng và đưa ra mọi yêu cầu, nhưng nếu điều đó chỉ dựa vào uy quyền của người lớn mà thiếu sự tôn trọng, thì khi con đủ nhận thức, con sẽ chỉ muốn chống đối và tự bọc cho mình lớp vỏ để bảo vệ như một bản năng.

Là một người mẹ, tôi luôn tự hỏi: Mình muốn con sẽ như thế nào trong tương lai? Trả lời câu hỏi này sẽ là kim chỉ nam để tôi không lạc lối.